Bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương không phải là lối thoát cho Việt Nam

Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Chỉ chưa đầy một ngày sau khi hãng thông tấn Reuter loan tin Hạm Đội Ba của Hoa Kỳ sẽ phụ một tay với Hạm Đội Bảy trong việc gìn giữ an ninh hàng hải tại châu Á Thái Bình Dương, Chủ tịch Cộng Sản Việt Nam, ông Trương Tấn Sang, với biệt danh là “Tư Xâu”, lật đật mạnh dạn lên tiếng tại Liên Hiệp Quốc thừa nhận chính thức hành động xây lấn đảo và thiết lập phi trường quân sự của Trung Cộng trên các đảo còn đang tranh chấp kiện tụng tại quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam là vi phạm các công ước quốc tế về biển đảo và làm tình hình trong vùng trở nên căng thẳng thông qua hãng thông tấn Associated Press vào ngày 28 tháng 9.

Ông Sang nhân cơ hội kêu này gọi Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương để hai nước Hoa Kỳ-Việt Nam nhanh chóng hoàn tất quá trình bình thường hóa cũng như tạo khả năng cho Việt Nam gia tăng khả năng phòng thủ quốc phòng trước sự lấn hiếp của Trung Quốc.

Lời tuyên bố công kích Trung Cộng của ông Sang được các nhà phân tích cho là đã quá muộn màng vì động thái xây lấn lập đảo nhân tạo của Trung Quốc không phải chỉ xảy ra mới đây và chính sự nhu nhược, thậm chí làm ngơ của Cộng Sản Hà Nội trong suốt thời gian qua tạo điều kiện thuận lợi lúc đầu để Trung Cộng ngày một lấn tới để tình hình biển Đông thêm tồi tệ. 

Philippine là quốc gia gần như phải thay thế Việt Nam trong mọi hoàn cảnh thông qua ngoại giao phản đối công khai và quyết liệt trước mọi bước tiến hung hăng của Trung Cộng tại biển Đông. Chính thái độ quyết liệt của Philippine khơi dậy sự can đảm cho lãnh đạo các nước trong vùng Đông Nam, vốn còn run sợ trước sức mạnh Trung Cộng hoặc còn chịu nhiều ảnh hưởng của sức mạnh Trung Cộng. 

Tuy nhiên, sự can đảm của Philippine vẫn không làm cho Cộng Sản Hà Nội giảm bớt run sợ trước Trung Cộng và Hà Nội đã làm hết mình để ráng thắt chặt mối quan hệ cùng ý thức hệ với Trung Cộng nhằm tạo chỗ dựa chính trị để đảm bảo cho sự độc tài toàn trị của Đảng Cộng Sản lên mọi ngõ ngách của xã hội Việt Nam.

Những người cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam từ Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, và Nguyễn Phú Trọng vẫn không nhìn thấy được hiểm họa Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ bị chính người đồng chí cùng ý thức hệ là Trung Cộng tiêu diệt nhanh hơn rất nhiều so với hiểm họa bị lật đổ do diễn tiến hòa bình từ hướng thế giới phương Tây và Hoa Kỳ đem lại vì hiểm họa này phụ thuộc quá nhiều vào sự chuyển đổi tâm trí nhận thức của tám mươi triệu dân, điều mà không thể một sớm một chiều có thể xảy ra được. 

Đường lối thực dân và bành trướng của Trung Cộng không có bè bạn mà chỉ có nạn nhân - và Trung Cộng cần phải lợi dụng tối đa sai lầm này của Cộng Sản Hà Nội để chiếm đoạt biển đảo tài nguyên của Việt Nam tại biển Đông. 

Các hiệp định về biên giới vội vã cho xong để chiều lòng Trung Cộng kiếm bình an làm Việt Nam mất ngay chính thác Bản Giốc danh tiếng lẫn ải Nam Quan lịch sử và hàng ngàn cây số vuông dọc theo chín tỉnh biên giới mà những cột mốc biên giới cũ còn sờ sờ ra đó chưa kịp tháo bỏ để lấp liếm.

Hiệp định khai thác chung vịnh Bắc Bộ, rồi các hiệp định kinh tế song phương, các hiệp ước thắt chặt tình hữu nghị giữa các ban, các ngành của chính phủ hai nước làm cho Việt Nam có một bộ mặt từ xã hội đến chính trị gần như là một tỉnh của Trung Quốc.

Thật không ngờ, chính động thái nhu nhược của giới cầm quyền Cộng Sản Hà Nội trước sự lấn hiếp biển đảo biên cương từ phía Trung Cộng lại dấy lên làn sóng phản kháng chống đối vị thế lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng Sản mạnh mẽ và dữ dội do xuất phát từ tinh thần quốc gia dân tộc thuần túy sẵn có. Để đối phó, những cuộc đàn áp bắt bớ gia tăng không ngừng nghĩ khiến nhận thức dân chủ dân quyền của người dân ngày một phát triển mạnh. 

Nói một cách khác, chính sự nhu nhược của giới cầm quyền Cộng Sản tại Hà Nội trước tham vọng thực dân bành trướng của Trung Cộng lại là điều kiện cho diễn tiến hòa bình ngày một diễn tiến nhanh hơn đến mức không ngờ!

Qua đến năm 2010 thì Đảng Cộng Sản Hà Nội cảm thấy áp lực của công luận đã dần dần mạnh hơn áp lực của họng súng của Công An đi đàn áp nên bắt đầu muốn có thay đổi trong đối sách, cứng rắn hơn với Trung Cộng để ứng phó với tình hình.

Về mặt nhân sự, muốn cứng rắn hơn với Trung Cộng thì nội bộ trung ương lãnh đạo Đảng Cộng Sản Hà Nội phải có những đấu đá nội bộ nghiêm trọng nhằm loại bỏ dần các nhân vật còn chịu ảnh hưởng nặng quan điểm sai lầm đã nêu trên, tức là coi Trung Quốc là chỗ dựa vững chắc về chính trị, để đạt được một trung ương với dàn nhân sự lãnh đạo đồng ý trở cờ cứng rắn hơn với Trung Cộng. 

Cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng Sản Hà Nội xảy ra khốc liệt cho đến nay chưa ngã ngũ mà quan trọng nhất là quyết tâm bứng đi nhân vật then chốt nhất của quân đội, bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh vẫn chưa thật sự thành công mỹ mãn. Ông Thanh được cho là đang ngăn cản sự hợp tác sâu rộng hơn giữa quân đội đối với bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nên đã không có mặt trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Chuyến đi thăm của ông Trọng sang Hoa Kỳ cho thấy rõ cuối cùng thì cộng sản Hà Nội cũng đã đi đến chỗ đồng thuận tiến hành một đường lối cứng rắn hơn với hiểm họa bị thôn tính bởi Trung Cộng cho nên lời tuyên bố chỉ trích Trung Cộng của ông Sang cũng nằm trong nỗ lực mà Hà Nội muốn gởi đến Hoa Kỳ là họ đã sẵn sàng thay đổi đường lối và cần hậu thuẫn về quân sự từ Hoa Kỳ, mà trong đó, họ cần nhìn thấy Hoa Kỳ giúp đỡ Việt Nam canh tân quân đội, hỗ trợ súng đạn. 

Để điều này được dễ dàng và được tiến hành một cách sâu rộng thì Hoa Kỳ cần bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương vốn bị áp đặt lên Hà Nội 40 năm nay.

Thế nhưng, Cộng Sản Hà Nội lại một lần nữa sai lầm trong lối nghĩ chiến lược của mình vì, cho dù có vũ khí sát thương, Việt Nam vẫn không thể đối đầu trực diện quân sự với Trung Cộng ở mọi mặt Không - Địa - Hải dù là ở khu vực nhỏ hay trên bình diện lớn. 

Cho nên, nếu Việt Nam muốn tìm kiếm cho mình một chiến thắng quân sự tại biển Đông trong trận chiến sắp tới đây, Việt Nam sẽ không bao giờ nhìn thấy được chiến thắng đó cho dù sẵn sàng đổ máu và có nhiều vũ khí sát thương đem ra sử dụng. Và ngày nào, Việt Nam cứ lao vào cũng cố sức mạnh quân sự thì dân tộc Việt vẫn tiếp tục đâm thuê chém mướn một cách vô ích.

Trước ánh mắt các siêu cường, sức mạnh của Việt Nam thật sự nằm ở tài nguyên kinh tế, địa hình và dân trí chứ không phải nằm ở sức mạnh quân sự như lối nghĩ trước giờ. 

Việt Nam chỉ cần một thể chế chính trị bầu cử hợp hiến toàn dân tam tam quyền phân lập và mở rộng vòng tay chào đón thế giới phương Tây vào phát triển bình đẳng theo qui chế thị trường tự do định hướng nhân bản của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Thời đại Mông Cổ bạo ngược đã trôi qua và Việt Nam không cần phải có súng đạn vũ khí sát thương mới có thể tự vệ. Điều mà Việt Nam cần cho độc lập và thịnh vượng là nền dân trí dân chủ của Việt Nam Cộng Hòa.

30/9/2015




Previous Post
Next Post
Related Posts