Trung Quốc gây sóng gió trên chính trường Úc Đại Lợi

Luật Sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Trung Quốc là một Cường Quốc đang trên đà lớn mạnh, nằm dưới sự cai trị độc tài của đảng CSTQ. Theo chủ trương truyền thống của phong trào Đệ Tam Quốc Tế, mọi đối lập đều bị triệt tiêu và đảng được đồng hóa với nhà nước. Chính vì thế đảng CS toàn quyền sử dụng tài nguyên vô tận của quốc gia, hầu lũng đoạn xã hội Trung Quốc, lẫn nền chính trị của các quốc gia dân chủ đối tác, hầu củng cố quyền lợi phe nhóm, từ Việt Nam, đến Gia Nã Đại, Hoa kỳ và Úc Đại Lợi.

Trong mấy tuần vừa qua, tình trạng ngoại giao giữa Trung Quốc và Úc Đại Lợi hình như đang dậy sóng. Ngày thứ Hai 11/12/2017, tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, lên giọng cáo buộc các đồng nghiệp Úc là mang đậm tâm lý kỳ thị chủng tộc và có đầu óc hoang tưởng khi đưa tin về việc Trung Quốc xen vào nội tình chính trị Úc. 

Tại sao tờ Nhân Dân Nhật Báo lại gay gắt như thế?

Câu trả lời là cũng thời gian vừa qua, tại Úc Đại Lợi, báo chí và nhiều chính khách đặt vấn đề về tương quan giữa thượng nghị sĩ Sam Dastyari, một thượng nghị sĩ thuộc đảng Lao Động và một nhà tư bản Trung Quốc tại Sydney tên là Huang Xiangmo bị tình nghi là đảng viên đảng CSTQ. 

Sự việc trở nên sôi động khi báo chí phanh phui là vào tháng 6 năm 2016, TNS Sam Dastyari tuyên bố đại khái rằng Chủ quyền biên giới của Trung Quốc tại Biển Đông là chuyện riêng của Trung Quốc. Trong khi đó Đảng Lao Động Úc của TNS lại chủ trương rất rõ ràng rằng sự xâm chiếm Biển Đông của TQ, những đòi hỏi của họ và việc tạo các đảo nhân tạo trong vùng là vô lý và tạo ra nhiều bất ổn. 

Lập tức lãnh tụ đảng Lao Động Bill Shorten không còn sự chọn lựa nào ngoài cách chức TNS Dastyari ra khỏi các chức vụ quan trọng trong nội bộ đảng. 

Dĩ nhiên trong một chế độ dân chủ đa nguyên, Thủ tướng Turnbull thuộc đảng Tự Do, kêu gọi ông Dastyari phải từ chức thượng nghị sĩ và rút ra khỏi quốc hội. Đồng thời tổng Trưởng Tư Pháp George Brandis lập tực chủ trương thông qua một sắc luật ngăn chận ảnh hưởng của các chính quyền ngoại quốc, nhất là các chế độ độc tài như Trung Quốc, dùng tài chánh để ảnh hưởng đến tiến trình chính trị và quyền lợi quốc gia Úc. 

Cuối cùng, không còn chịu nổi áp lực quá nhiều từ trong lẫn ngoài đảng Lao Động, vào ngày thứ Tư 13 tháng 12 vừa qua, TNS Sam Dastyari tuyên bố từ chức TNS kể từ đầu năm 2018.

Đây là một thất bại to lớn của Trung Quốc tại Úc Đại Lợi, vì thế tờ Nhân Dân Nhật Báo như là cơ quan ngôn luận hàng đầu của đảng CSTQ mới lên án gắt gao nền báo chí tư nhân và tự do của Úc.

Trong một nền dân chủ đa nguyên, sự đóng góp tài chánh hợp pháp của các tư nhân và tập thể cho chính đảng hoặc chính khách mà mình ủng hộ là bình thường. Nếu như thế thì nguyên nhân sâu xa nào đưa đến sự khủng hoảng chính trường và những phản ứng mạnh mẽ từ chính phủ, dân chúng và các chính trị gia Úc như thế?

Các nguyên nhân tuy đa diện nhưng nguyên ủy nằm nơi:

Sự xung khắc giữa 2 ý niệm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên bên này và ý niệm chuyên chính vô sản theo mô hình xã hội chủ nghĩa bên kia. Một trong những yếu tố nền tảng của một nền dân chủ chân chính là sự phân biệt rõ rệt biên giới giữa đảng chính trị và nhà nước tức chính quyền. Trong khi đó, mô hình xã hội chủ nghĩa sát nhập đảng và nhà nước thành một thực thể bất khả phân ly.

Hậu quả của tác động nhất thể hóa đảng và nhà nước này vô cùng nguy hiểm cho chính dân tộc đó cũng như có khả năng băng hoại chính trường của những dân tộc đối tác với các quốc gia bị cộng sản cai trị.

Trước hết trong chính quốc gia đó, thì đảng sử dụng ngân khố của quốc gia một cách độc đoán và không kiểm soát, làm giàu bất chánh cho phe nhóm, gieo mầm cho lũng đoạn và tham nhũng tràn lan.

Tại hải ngoại thì đảng cũng tha hồ sử dụng ngân khố quốc gia, mua chuộc các chính khách ngoại quốc, lũng đoạn nền chính trị dân chủ đa nguyên của họ như Trung Quốc, Nga Sô đang làm tại Úc và Hoa Kỳ. 

Trong khi đó, tại các quốc gia dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên thì có biên giới rõ rệt giữa đảng cầm quyền và nhà nước. Ngân khố quốc gia không hề là tài sản riêng của bất cứ một chính đảng nào.

Thêm vào đó, nguyên tắc tam quyền phân lập của Montesquieu được áp dụng triệt để tại các quốc gia theo tổng thống chế như Hoa Kỳ đưa đế tình trạng kiểm soát và quân bình quyền lực (checks and balances), hoặc tại các quốc gia theo Quốc Hội Chế như tại Úc thì tuy không nhất thiết tam quyền phân lập nhưng có sự hiện điện của một nội các đối lập ngay trong quốc hội hầu cân bằng quyền lực chính trị.

Các nền dân chủ nghiêm chỉnh cũng đều có một hệ thống pháp trị nghiêm minh, dưới sự lãnh đạo của một Tối Cao Pháp Viện hoàn toàn độc lập hầu nghiêm khắc chế tài mọi tác động hối lộ cả trong nước lẫn hải ngoại. Một chính phủ hoặc chính khách Hoa Kỳ hoặc Úc Đại Lợi chủ trương hối lộ một chính quyền ngoại quốc là vi phạm một trọng tội hình luật và sẽ bị chế tài theo luật định.

Như vậy tại sao tờ Nhân Dân Nhật Báo, ngoài việc than phiền về các chính trị gia Úc, lại chỉ trích báo chí Úc một cách gắt gao như thế?

Lý do là vì có một sự khác biệt căn bản giữa báo chí tại TQ và Báo chí tại Úc Đại Lợi. Báo chí TQ, kể cả tờ Nhân Dân Nhật Báo, kỳ thực chẳng phải là tiếng nói của nhân dân TQ mà là tiếng nói của đảng toàn trị mà thôi. Trong khi đó

Báo chí của Úc không cần sử dụng những danh từ mỵ dân nhưng mới thật sự là của nhân dân, vì họ là của tư nhân và phải thể hiện tiếng nói của nhân dân mới có thể sống còn. Không ai lãnh lương của đảng phái nào cả.

Tại Úc báo chí đã thực thi trách nhiệm đệ tứ quyền của nhân dân và vạch trần các hành vi sai trái của các chính trị gia, trong đó có TNS Sam Dastyari và các tài phiệt TQ tại Úc, đưa đến phản ứng dữ dội của nhân dân và chính phủ Úc.

Trong hoàn cảnh như trên, một vấn nạn đối với toàn dân Việt là liệu đảng CSTQ có áp dụng chính sách hối lộ quan chức ngoại quốc này tại Việt nam hay không và tại sao không nghe nhân dân hay chính phủ CSVN lên tiếng?

Chúng ta phải nhận diện rằng Úc là một nền dân chủ pháp trị nghiêm chỉnh, với những định chế độc lập giám sát hành động của mỗi chính khách trên chính trường và một nền báo chí tư nhân hùng mạnh, mà còn có những khủng hoảng tương tự như Sam Dastyari.

Sự thật đau long là một chế độ độc tài toàn trị như CSVN làm sao có thể cưỡng lại sự xâm nhập và lũng đoạn của đảng CS đàn anh TQ. Chúng ta có thể khẳng định là ngay cả một người phụ nữ nội trợ hay một nông dân chân lấm tay bùn cũng biết rằng hằng tỷ Mỹ Kim từ CSTQ đã đi trước vào túi của các lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN, từ Bộ Chính Trị đến Ban chấp hành trung ương, đến các cấp đảng bộ Tỉnh và quận huyện, trước khi Ải Nam Quan, một phần Thác Bản Giốc, Trường Sa và Hoàng Sa, nhiều vùng đất và biển khác được nhượng cho TQ và trước khi các đặc khu kinh tế như Formosa, Bốc Xít Tây Nguyên được hình thành tại Việt Nam

Dĩ nhiên đảng và Nhà nước CSVN lẫn báo chí im re là vì bị lũng đoạn tuyệt đối gấp trăm hoặc ngàn lần Úc Đại Lợi.

Chúng ta có thể kết luận không thể tranh cãi rằng các chế độ dân chủ hiến định pháp trị và đa nguyên được xây dựng trên những nguyên tắc và định chế vượt trội hẳn các chế độ độc tài đảng trị, trên các phương diện bảo vệ quyền lợi quốc gia (the national interests) và chủ quyền dân tộc (national sovereignty). Nếu toàn dân không sớm đứng lên, lật đổ bạo quyền hầu xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho đất nước thì dân tộc Việt có nguy cơ mất hẳn chủ quyền vào tay CSTQ.


Previous Post
Next Post
Related Posts