Ô hô! "Thưa ông tôi ở bụi này"


Thảo Ngọc (Danlambao) - Mấy chục năm nay, nạn chạy chức chạy quyền như một căn bệnh dịch hạch đã và đang tàn phá xã hội chúng ta. Nó không những làm ô uế bầu không khí trong cuộc bầu cử vốn đã thiếu minh bạch và dân chủ thật sự, nó còn làm xói mòn lòng tin ít ỏi còn lại nơi người dân, biến các cuộc bầu cử trở thành thị trường mua quan bán chức một cách trắng trợn. Điều nguy hiểm nhất là những kẻ nhiều tiền lắm của nhưng thiếu đạo đức nhân cách lại có dịp chui vào bộ máy quyền lực, qua đó tiếp tục vơ vét và móc họng dân một cách vô tội vạ.

Tại một số nơi, giá cả cho các chức vụ gần như công khai. Chức càng lớn thì giá càng cao. Không phải các cá nhân này bỏ tiền ra, mà có cả một hệ thống sân sau, gọi là nhóm lợi ích, sẵn sàng chung chi cho “người của mình” lọt vào nắm các chức vụ lớn.

Nạn chạy chức không chỉ diễn ra tấp nập rộn ràng trước mỗi mùa đại hội, mà trong những dịp sát nhập hay chia tách các đơn vị hành chính các cấp, trò này cũng diễn ra rất sôi nổi. Nếu là cha tách thì sẽ thêm nhiều vị trí mới.Vậy những ai muốn được có ghế thì phải... mua vé. Nếu là sát nhập thì sẽ dôi dư ra hàng loạt cán bộ, vậy những ai muốn ở lại cũng phải... chạy. Mà mỗi lần sát nhập thì sẽ dư ra hàng loạt công sở, máy móc trang thiết bị và xe cộ. Những thứ quý giá này sẽ về tay ai?

Báo Vietnamnet ngày 25/9/2020 có bài: “Đại hội XIII sẽ là Đại hội không chạy chức”.

Theo đó: “Với sự chỉ đạo sát sao của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự chuẩn bị nhân sự kỹ lưỡng của Đảng, Đại hội XIII sẽ là 'Đại hội không chạy chức'” (1).

Nhưng ai cần chạy chức, và họ đã chạy ai?

Trước hết là những kẻ chức nhỏ cần chức lớn hơn. Hai là những kẻ chức lớn rồi cần giữ ghế. Ba là cần đến những vị trí béo bở hơn để tìm cơ hội vơ vét.

Họ chạy ai? Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, người có cùng tuổi đời và tuổi đảng với TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng nói:

“Chạy chức chạy quyền là thế nào, chạy đi đâu, thì họ cứ chạy đến ông có quyền bởi vì đây là tập trung dân chủ. Nội dung ngăn chặn chạy chức, chạy quyền, bè phái được xem như là một dạng hối lộ để được chức cao hơn thì đại hội nào cũng nhắc nhưng kỳ này đại hội nhắc rõ hơn, cụ thể hơn. Trên thực tế là sau Đại hội XII thì số cán bộ bị kỷ luật rất cao, lên tới 50 ủy viên, Bộ Chính trị cũng bị kỷ luật, bị tù, họ che chắn nhau nên bị lọt lưới như thế.”

Nguyên nhân của tình trạng chạy chức, chạy quyền là do cơ chế hiện hành; cần giải quyết tận gốc rễ và chống cả tha hóa quyền lực. Nếu không thay đổi được cơ chế sinh ra tình trạng này thì biết đến bao lâu mới có thể chấm dứt.

Muốn chống chạy chức chạy quyền: Không thể cho vài liều thuốc cảm mà có thể chữa được bệnh ung thư.Có thể nói: Quy trình tuyển dụng cán bộ sai từ đầu. Lỗi từ đầu vào và lỗi cả hệ thống

Các đại hội trước thì trung ương cũng đã xác nhận trong các báo cáo, các văn kiện là có biểu hiện chạy chức chạy quyền. Phải nói cái tệ nạn này nó không từ một vị trí nào. Chạy bằng nhiều thứ như bằng tiền, bằng các mối quan hệ, bằng các tiêu chuẩn… Còn một cách chạy mà ít người hiểu là chạy theo cơ cấu như cơ cấu vùng miền Nam, Trung, Bắc, nữ, thanh niên.

Nhiều trường hợp bổ nhiệm người thân, họ hàng vào những vị trí lãnh đạo gây bất bình trong dân chúng nhưng lại được giải thích là “đúng quy trình”.Trên 100 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị kỷ luật. Điều đó thể hiện vấn đề quy hoạch, xét chọn và bầu cử chưa tốt.

Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, tại Hà Nội có hơn 4100 đảng viên và 59 tổ chức đảng bị kỷ luật. Cụ thể có hơn 3.000 đảng viên bị khiển trách, 622 đảng viên bị cảnh cáo, 72 người bị cách chức và 361 đảng viên bị khai trừ. Đối với tổ chức đảng thì có 43 bị khiển trách và 16 bị cảnh cáo.

Tháng 7 năm 2019, tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra con số hơn 100 tổ chức đảng và khoảng 8.000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật trong nửa đầu năm 2019.

Tất cả những người này cũng đều đã được cho là “tuyển chọn rất công phu và đúng quy trình” cả đó sao?

Một trong những lý do không chấm dứt được nạn chạy chức chạy quyền là vì: Hầu hết các cán bộ sai phạm đều chỉ bị phát hiện sau khi đã đớp no nê rồi, hết tuổi quy định và trở về vui thú điền viên. Lúc ấy những đầu óc “sáng suốt và vĩ đại”mới phát hiện ra những sa phạm động trời của họ cách đây 5 năm, 10 năm. Sau đó đa số bị xử lý nhẹ hều, không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó Luật quy đinh tội phạm kinh tế chịu mức án tối đa là 30 năm, không có án tử hình. Vì vậy mới có câu “hy sinh đời bố củng cố đời con”.

Truyền thống trong các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam, các quy định pháp luật đều theo nguyên tắc “quân pháp bất vị thân”. Ông bà ta cũng có câu “quân tử phạm pháp thì như thứ dân”. Tức là không có một vùng cấm. Điều đó cũng theo nguyên tắc, mọi người bình đẳng trước hiến pháp và pháp luật.

Nạn chạy chức không chỉ có trong hệ thống chính quyền, mà nó len lỏi khắp chốn mọi nơi. Như trong lĩnh vực quân đội và công an, cứ tưởng đó là vùng cấm. Nhưng nó vẫn diễn ra đến nỗi ông Kim Quốc Hoa, TBT báo Người Cao tuổi bị khởi tố với tội danh “Làm lộ bí mật nhà nước” với các bài: “Các anh gấp trăm lần chúng tôi”. Bài “Chống tham nhũng: khi trao “vũ khí” cho bọn biến chất” có câu: “Tổng bí thư đã nói đảng viên nhan nhản, cộng sản mấy người”.

Đáng chú ý nhất là bài: “Bàn về thị trường sao và vạch”,đăng ngày 15/2/2015. Trong đó có đoạn: “Tướng chạy” là có thật. Bạn tôi tâm sự rằng: “Lúc ấy mình cũng ráng hết sức để đầu tư lên tướng... nhưng rồi hụt hơi, thua “thầu” nên chấp nhận lỗ nặng, còn tay ấy đủ lực và lên tướng nên chỉ sau 1, 2 năm thu hồi đủ vốn rồi lãi... được cả danh, cả kinh tế! Vốn là bao nhiêu cũng tuỳ vị trí”! (2)

Sau khi điều tra xác minh thì những bài báo nêu là đúng sự thực, do đó ông Kim Quốc Hoa được đình chỉ điều tra. Cái tội của ông là tội nói lên sự thật. Phải chăng “thị trường sao và vạch” là bí mật quốc gia?

Tóm lại: Nói đại hội 13 sẽ là “Đại hội không chạy chức”, có nghĩa đảng đã thừa nhận những đại hội từ trước tới nay có chạy chức.

Chẳng khác gì câu chuyện thời hoạt đống bí mật, một người bị bắt, khi bị tra khảo, hỏi đồng đội đang trốn ở đâu? Người này hoảng quá và nói rằng, còn mấy đồng chí nấp trong đống rơm nữa nhưng tôi kiên quyết không khai.

Nhưng lấy cơ sở nào để khẳng định Đại hội 13 này sẽ không có chạy chức? Có thể sống bằng niềm tin được không, khi mà quá khứ và hiện tại đã chứng minh việc chạy chức chạy quyền là có thật, có hệ thống và truyền thống?

Đúng là : “Thưa ông tôi ở bụi này”.

Chú thích:



26.09.2020

Thảo Ngọc
Previous Post
Next Post
Related Posts