‘Anh này, tôi không tin anh có thể làm được gì từ nước ngoài.’
‘Cà phê nữa chứ?‘
‘Nhưng tôi mới ở trong nước cách đây hai tuần. Cà phê nguội rồi. Mọi người ở đấy nói chỉ có đối lập ở ngoài nước mới làm nên tích sự. Chắc anh hiểu, trong nước, họ chẳng làm được gì, thậm chí họ chẳng có thể lên tiếng, vì đàn áp và súng và những thứ như thế. Chúng ta những người ở nước ngoài phải làm điều gì đấy để thế giới nghe tiếng kêu của họ. Ý tôi thật sự muốn nói là từ bây giờ trở đi chẳng lẽ chúng ta không cảm thấy xấu hổ vì chúng ta lúc nào cũng ngồi ở đây, chẳng làm gì cả, mà cứ nói mọi thứ ở bên ấy rồi cũng sẽ được giải quyết đâu ra đó thôi. Anh đưa giùm tôi cái muỗng.’
‘Anh ơi, anh phải hiểu chính người dân trong nước mới nên quyết định làm gì đấy. Còn ở đây, chúng ta thật sự không hiểu lắm tình hình diễn ra ở bên ấy. Trước tiên, họ nên gây tiếng vang, hay bắt đầu nổi dậy hay đứng lên hay làm gì đấy, và rồi chúng ta mới có thể bắt đầu theo tia lửa ấy.’
‘Không, anh ơi, dùng thêm chút bánh nhé. Anh hiểu chứ, tia lửa ấy phải xuất phát từ hải ngoại, và rồi người dân trong nước mới noi theo.’
‘Anh biết không?’
‘Gì vậy?’
‘Tôi nói người lãnh đạo duy nhất có thể cứu nước là người đồng thời vừa ở trong nước và ở ngoài nước.’
‘Chuyện ấy không thể có!‘
‘Tất nhiên là có chứ! Này nhé, anh chỉ cần một người đáng mặt đàn ông, có đủ can đảm đi đến khu vực biên giới, đặt một chân qua bên kia biên giới, ở trong nước, và chân kia qua bên kia biên giới, ở ngoài nước, và rồi là to lên cho mọi người biết rằng ông đến để cứu nước.’
‘Rồi chuyện gì sẽ xảy ra?’
‘Chuyện xảy ra là rõ ràng quá đi chứ vì người ta sẽ kéo đến ông từ cả trong nước và ngoài nước, vì tất cả họ đều cảm thấy ông là người của họ.’
‘Này, tôi nghĩ anh quá sai rồi; biết đâu chuyện hoàn toàn khác xảy đến.’
‘Giống chuyện gì nào?’
‘Này nhé, khi ông này đặt một chân qua biên giới, ở phía bên kia, và chân kia ở bên này, thì dây kẽm gai dọc theo biên giới sẽ cắt nát ruột ông, chưa nhắc đến “của quý” của ông ta nữa.’
‘Thật thế à?‘
‘Ừ, đúng như thế đấy.’
‘Vậy anh nghĩ chúng ta nên làm gì?’
‘Tôi nghĩ như thế này, chuyện bậy bạ này, chuyện “họ phải làm trước, rồi chúng ta mới theo sau” này và những chuyện tương tự như thế- tôi nghĩ tất cả những chuyện này rồi cũng sẽ chẳng đưa chúng ta đi đến đâu.’
‘Vậy chúng ta nên làm gì?’
‘Chúng ta không nên chờ nhau. Mỗi một người trong chúng ta đều phải góp phần vào việc chung để chúng ta cứu nước cho thật nhanh và đồng thời chúng ta cũng phải chắc chắn rằng những nhà lãnh đạo tương lai của chúng ta không mất “của quý”.’
'Tôi rất ủng hộ điều ấy. Anh đưa giùm cái nĩa.'
'Đúng rồi, chúng ta hãy ăn xong bánh này trước khi chúng ta cứu nước.'
*
Hadi Khorsandi là nhà văn châm biếm Iran.
Nguồn: Tạp chí Anh Index on Censorship số tháng 9 năm 1986
Người dịch: