Chủ tịch

Độc Hành (Danlambao) - Tôi không nhớ rõ kể từ khi nào, có lẽ trong khoảng thời gian ngồi nơi mái trường Trung học ở Việt Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tôi có ác cảm với từ kép “Chủ tịch”. Khi nghe âm thanh của chữ này tôi có cảm nhận hoàn toàn không thoải mái. Và một chữ khác mà tôi cũng rất ghét là chữ “Việt Cộng”. Tôi ghét vì từ khi còn học trường Tiểu học trong làng, tôi đã phải tung mền gối, cùng với cha mẹ, anh em phóng xuống “chảng xê” lúc 1, 2 giờ sáng. Đang ngủ say giấc, bị giật mình vì tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ ầm ĩ, phải gấp rút chui xuống cái hầm ẩm thấp, không sạch sẽ lắm để tránh đạn.

Việt Cộng từ nơi xa xôi bên kia sông kéo về tấn công đồn bót Quốc Gia. Tuy mới có 8 tuổi, học lớp Ba nhưng tôi đã hiểu và ghét bọn xâm lăng rồi. Tôi thích các chú lính Nghĩa quân rất cởi mở, dễ tính và những buổi chào Quốc kỳ thật trang nghiêm nơi trường Tiểu học nghèo nàn.

Thêm vào đó là cái chợ làng quê nho nhỏ, dễ thương mà tôi thường chạy ra mua gói xôi, hay bánh chuối nước cốt dừa khi được người cha thân yêu cho 5 đồng ăn bánh. Cha tôi rất hiền. Ông ít nói, nhưng thường nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến. Tôi lớn lên trong khung cảnh êm đềm của thời Quốc gia, nhưng thường xuyên bị Việt Cộng tấn công lúc đêm khuya, hoặc lén lút tới khoảng đường liên tỉnh lộ vắng vẻ mà đắp mô đất có gài mìn trong đó. Mỗi khi như vậy, những chiếc xe lam (micro-van, 8 chỗ ngồi chật chội), xe đò lớn chạy liên tỉnh (passenger van), xe hàng (cargo, box truck) đều phải nối đuôi nhau dừng lại chờ lính tháo mìn từ trên tỉnh tới phá mô, sau khi gỡ ngòi nổ của những trái mìn bên trong. Thật là phiền hà. Tuy chỉ là một đứa con nít nhưng tôi đã thấy ghét Việt Cộng vô cùng.

Trong thôn xóm ấy, khi học trường làng tôi chỉ nghe những danh từ như “ông Xã trưởng”, “ông Trưởng Ấp”, “ông Liên gia trưởng”, “ông Quận trưởng”, “ông Tỉnh trưởng” .... chứ hoàn toàn không hề nghe hai tiếng “Chủ tịch”. Sau đó không lâu, năm 1963 nghe la dô (radio) mấy tiếng như “Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo Quốc Gia”, “Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương”. Chức vụ dài lê thê nghe không có cảm tình chút nào. Rồi bên kẻ thù cũng có chữ “Chủ tịch” là “Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Mao Trạch Đông”. Tôi cảm thấy có cái gì kỳ quái. Không lẽ cả một nước (miền Nam Việt Nam) không tìm ra được một chữ nào thích hợp hơn, hay hơn chữ “Chủ tịch” mà bọn Cộng Sản dùng rất nhiều, gần như 100% hay sao? Bực hơn nữa là trong học đường cấp Đại học cũng dùng chữ quỷ quái “Chủ tịch” này. Đó là “Chủ tịch Tổng hội Sinh viên”.

Nơi xứ người, lại nghe chữ “Chủ tịch” nữa, chẳng hạn như Chủ tịch cộng đồng, Chủ tịch hội ái hữu ABC...

Nỗi bực dọc bị dồn nén mấy chục năm, hôm nay bỗng dưng bộc phát. Phải viết.

Bọn Trung Cộng xâm lăng với ý đồ gian ác, dơ bẩn, độc hại tạo nên sự gớm ghiếc khắp thế giới cần phải bị đẩy lui về đất China của chúng, nếu không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn như ta xịt thuốc Taurus, hay Cy-kick giết dán, và bọ hung dơ dáy. Đó là điều bất khả di dịch và cần được xác định trước tiên. Tác giả phải nói trước vì sau đây chúng tôi sẽ đề cập tới từ ngữ Hán Việt, một khía cạnh văn hóa thuần túy. Trên thế giới này không có một quốc gia nào không vay mượn một số từ ngữ của nước khác. Điều này rất hiển nhiên. Cần minh định rõ ràng như vậy để khi phân tích từ ngữ Hán Việt, chúng ta không bị kẹt vào khung cảnh chính trị.

Người viết chưa bao giờ dùng đến năm chữ “bốn ngàn năm văn hiến” vì ngại ngùng tính cách sáo ngữ của nó. Ở đây, chúng tôi muốn thưa một điều là dù bị Tàu đô hộ một ngàn năm, nhưng chữ nghĩa của chúng ta vẫn còn nhiều nét đặc thù, dễ thương, đáng quý. Do đó việc sử dụng những chữ Hán Việt khi cần thiết là điều có lợi cho sự phong phú của ngôn từ Việt Nam. Và để hiểu thật rõ ý nghĩa của một từ Hán Việt nào đó, chúng ta nên truy tìm xuất xứ, nguồn gốc của nó.

Chữ Hán được dùng từ thời rất xa xưa, khoảng 1500 trước Công lịch kỷ nguyên (thường được gọi tắt là Công nguyên, tức là thời điểm chúa Jesus ra đời, xê xích khoảng 5 năm, không chính xác lắm). Chữ Hán từ khởi thủy là thứ chữ tượng hình, gọi là Giáp cốt vì nó được viết trên xương các con thú, xuất hiện vào đời nhà Ân.

Bây giờ, hãy mổ xẻ chữ “Chủ tịch”

Chủ: (主) 

Có vài nghĩa chính như sau:

a- Chủ nhà. Đối lại với khách, là người tới chơi.

b- Người bỏ tiền ra thuê người khác, như chủ sai đầy tớ.

c- Vua, như trong từ kép “quân chủ”

d- Người lãnh đạo, như trong chữ “giáo chủ” là người đứng đầu một tôn giáo.

Tịch: (席)

Có hai nghĩa chính:

a- cái chiếu

b- chỗ ngồi

Có lẽ nhiều độc giả còn nhớ mấy chữ “chiếu trên, chiếu dưới”. Trong thời gian Pháp thuộc, ta có các ông Hương cả, Hương chánh, Lý trưởng, Đốc phủ sứ... trong làng xã, tỉnh thành vẫn còn theo thói phong kiến. Người quan trọng nhất phải ngồi chiếu trên, hay là chỗ phía trên. Có thể có người thắc mắc tại sao không ngồi ghế mà ngồi chiếu. Một câu hỏi rất hay. Là vì ngày xửa, ngày xưa, lâu lắm rồi, chúng ta chưa có bàn ghế. Có tấm chiếu trải xuống ngồi rồi bàn chuyện làng, chuyện xóm. Chẳng hạn như “Thằng Năm và con Tám lẹo tẹo để rồi con Tám có bầu trước khi thành vợ chồng. Giờ phải phạt tụi nó thế nào đây?” Ông cao tuổi nhất, có uy tín nhất thì ngồi ở đầu chiếu phía trên cùng. Phía cuối chiếu bỏ trống (tác giả suy luận như vậy vì không có 2 con cọp trong một rừng). Hai bên chiếu thì bà con lối xóm đứng quanh mà nghe. Thuở ấy người viết chưa chào đời nên chỉ dựa theo suy luận. Nếu có gì sai sót xin lắng nghe để học hỏi.

Tóm gọn lại ý nghĩa của chữ “Chủ tịch” là người có chỗ ngồi đầu chiếu, là người có chỗ ngồi quan trọng nhất. Và người ấy nắm quyền điều động buổi sinh hoạt nào đó, ngắn hạn, hay dài hạn.

Từ phương Đông, ta thử lần bước về phía Tây xem người da trắng có chữ nào tương tự hay không. Có chữ “Chairman”. Chữ này xuất hiện khoảng năm 1650, tức là cách nay non 400 năm. Chữ này trẻ hơn chữ “Chủ tịch” rất nhiều vì họ đã có ghế ngồi (!)

“Chairman” là người có quyền hành điều động một buổi họp của hội đồng quản trị, một văn phòng lớn, hay một bộ phận nào đó của xí nghiệp.

Lỡ có người cắc cớ hỏi:

“Nếu người đó là đàn bà thì sao?”.

“À, thì cứ thay chữ “man” bằng chữ “woman” vào sau chữ “chair” thành “chairwoman” là xong ngay.”

“Ô, không được đâu. Tiếng “chairwoman” nghe không lịch sự, êm tai, và kém tôn trọng.”

“Sao lộn xộn quá vậy?! Thôi được. ‘Chairperson’. OK?”

“Tạm được, nhưng có vẻ xa vời, rỗng tuếch.”

“ Vậy thì tính sao đây?”

“Liệng bỏ “man”, “woman”, “person”, chỉ giữ lại một chữ “Chair” thôi, ai ngồi ở cái ghế đó là xếp sòng. Quyết định vậy đi.”

“Nghe có lý”

“Có lý.”

Thế là mấy ông, bà Tây phương chọn chữ “Chair” làm chữ tương đương với chữ “Chủ tịch”. Trùng hợp là cả hai chữ đều bắt đầu bằng hai mẫu tự “ch”.

Giờ ta nói tới vài chữ có liên quan đến lãnh vực chính trị. Cơ cấu tổ chức chính trị của Cộng Sản rất lộn xộn, rối ren nên không bàn tới. Vả lại chúng nó cũng sắp ra tro hết rồi. Mọi thứ của chúng sẽ vào thùng rác lớn.

Miền Nam chúng ta có chức vụ Tổng Thống, là người đứng đầu quốc gia. Âm thanh của hai chữ này nghe thanh thoát, dễ chịu làm sao. Nó hay hơn chữ “Chủ tịch”.

Chữ “Tổng thống” còn được thân mật hóa khi nói chuyện với nhau, hay trên báo chí trong mục phiếm luận có người dí dỏm gọi Tổng Thống là “Tông tông”. Mới nghe qua dễ tưởng lầm là tiếng Pháp. Cũng khá hợp lý vì Việt Nam mình đã bị Tây xâm lăng đô hộ 83 năm dài. (Sao đất nước mình luôn bị ngoại xâm?!)

“Tông tông” không phải là tiếng Pháp. Chữ Tổng thống chính thức trong tự điển của Pháp là “Le Président”. Chữ Anh là “The President”.

Từ ngữ “President” bắt nguồn từ động từ “Preside”, nghĩa là “Hướng dẫn, điều khiển, kiểm soát một cơ cấu, tổ chức nào đó. Ông President là người làm các việc của động từ “Preside”. Vì vậy chữ “President” không phải chỉ có nghĩa duy nhất là Tổng thống.

Quý vị ở Mỹ đã rất quen thuộc khi đi làm mỗi ngày đều có thể gặp ông President của công ty mình, nhất là các hãng không lớn lắm. Còn ông Chairman là ai trong những công ty? “Chairman” là người đứng đầu trong một “Board of Directors”. Ông này có thể sa thải ông President. Khía cạnh này chỉ nói vắn tắt ở đây để đề cập đến vài chữ khác cần thiết hơn.

Nhiều người thường nghe đến ba mẫu tự “C.E.O”. Nó là chữ viết tắt của “Chief Executive Officer”, là người đứng đầu một công ty, lo điều hành công việc hàng ngày. Nếu người này có tài và không có chuyện gì bê bối lớn lao xảy ra thì ông ta có thể nắm chức vụ này lâu dài. Người C.E.O này có thể kiêm nhiệm luôn chức President của công ty.

Chức vụ này để dùng cho những công ty làm ăn sinh lợi (for profit)

Trong trường hợp công ty không nhằm mục đích kiếm lợi nhuận, tức là non-profit organization thì chức vụ tương đương với C.E.O là E.D.

E.D là chữ viết tắt của “Executive Director.”

Người ta có thể dùng chữ “Executive Director” cho những trường hợp không nằm trong cơ cấu chính phủ Cộng Hòa như Tổng thống, Thủ Tướng, Bộ Trưởng... Thí dụ như trong hoàn cảnh sống lưu vong, chúng ta có các tổ chức (organizations) như:

Hội đoàn, Cộng đồng, Ủy ban, Lực lượng, Tổ chức, Đảng, Mặt trận, Liên Minh, Tập hợp, Đoàn, Phong trào...

01- Hội đoàn thì ta có ông Hội trưởng. Hội trưởng Hội ABC

02- Cộng đồng thì ta dùng chữ “Chủ tịch”: Chủ tịch cộng đồng

03- Ủy ban: Chủ tịch Ủy ban. Thí dụ như:

Chủ Tịch Ủy Ban Chống Văn Hóa Tôn Giáo Vận Cộng Sản.

04- Lực lượng: Không thấy chữ “Lực lượng trưởng”. Có lẽ chữ “Chủ tịch” lại được dùng.

05- Tổ Chức. 

Thí dụ: Tổ chức Phục hưng Việt Nam có chức Chủ tịch.

06- Đảng. Thí dụ: “Việt Nam Quốc dân Đảng”, và “Đảng Đại Việt Cách Mạng” đều dùng chữ “Chủ tịch”

07- Mặt trận. Thí dụ như: “Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam” dùng chữ Chủ tịch Mặt trận.

08- Liên Minh Dân Chủ có Chủ tịch Ủy ban Chấp hành Trung ương.

Ngoài ra còn có Tập hợp, Đoàn, Phong trào... có thể mang một tên gọi nào đó để chỉ người cầm đầu.

Văn hóa của một dân tộc muốn tiến bộ cần phải được sáng tạo, phải có sửa đổi, biến cải cho thích hợp. Ngôn ngữ là một phần rất quan trọng của văn hóa.

Như phía trên đã dẫn, chữ “Chủ tịch” có số tuổi khoảng 3,500. Còn chữ “Chairman” chưa đầy 400 tuổi. Và Corporation được thành lập ở đầu thế kỷ 19, tức là cách nay khoảng 200 năm. Và các chữ “C.E.O”, “E.D” có số tuổi dưới 100 năm.

Trách nhiệm và quyền hạn của một E.D (Executive Director) là:

Thành lập, phát triển và thực thi các chương trình chiến lược, chiến thuật của tổ chức, và chịu trách nhiệm điều hành hàng ngày mọi hoạt động của tổ chức.

Như vậy Executive Director (E.D) có thể được áp dụng cho nhiều tập thể một cách linh động, chính xác, dễ hiểu vì nó thể hiện rõ ràng quyền hạn và công việc của người mang chức vị này.

Bởi các khuyết điểm của chữ “Chủ tịch” đã dẫn ở trên, người viết khiêm tốn đề nghị KHÔNG dùng danh từ “Chủ tịch”. Tạm thời có năm lý do để từ bỏ nó:

- Hai chữ này đã quá xưa cũ rồi.

- Âm thanh khi đọc lên nghe không êm ái.

- Không phô diễn rõ ràng công việc của người này vì chữ này có thể được dùng cho một vai trò “ngồi chơi xơi nước” không hề có một quyền lực gì. Một thứ bù nhìn. Thí dụ: Chủ tịch nước của Cộng Sản.

- Bọn Cộng Sản xài chữ này rất nhiều. Chúng ta là người Quốc Gia, đứng ở thế đối nghịch, không đội chung trời với bọn vô thần, man rợ nên cần phải tìm chữ khác mà sử dụng.

- Trong tâm khảm một số người dân Việt Nam, chữ “Chủ tịch” gần như gắn liền vào chữ “Hồ Chí Minh” vì họ đã bị nhồi sọ ngay từ lớp 1.

Có lẽ chúng ta nên bắt đầu cuộc hành trình đi tìm danh từ mới để gọi người lãnh đạo một tổ chức.

Một chữ rất quen thuộc mà chúng ta vay mượn của Tây phương là chữ “M.C” (Master of Ceremony) là người điều khiển chương trình trên sân khấu, hoặc các buổi lễ... mà hầu như người Việt Nam nào cũng hiểu, không cần giải thích. Vậy tại sao chúng ta không vứt bỏ hai tiếng “Chủ tịch” già nua, xấu xí, bệnh hoạn mà kẻ thù xài rất nhiều? Thay vào đó chúng ta dùng chữ E.D là hai mẫu tự viết tắt của chữ “Executive Director” để gọi người đứng đầu một tập thể nào đó không nhằm mục tiêu kinh doanh tiền bạc. E.D có thể áp dụng cho Đảng, Đoàn, Hội, Tổ chức, Liên minh, Mặt trận, Tập hợp, Phong trào, Ủy ban...

Tiếng này nghe nhẹ nhàng, trẻ trung, thanh thoát, và dễ hiểu, nhất là giới trẻ và người ngoại quốc.

Thí dụ sau khi giới thiệu: “Đây là cô Lan, M.C của chúng tôi.” người nào đó nói tiếp:

“Còn đây là anh Nam, E.D của chúng tôi.” hình như dễ nghe hơn là:

“Đây là anh Nam, Chủ tịch của chúng tôi”

Có thể có độc giả hỏi “Còn chữ ‘Giám đốc’ thì sao?” Chúng tôi không muốn đưa chữ “Giám đốc”, tương đương với chữ “Director” vào để dịch hai chữ “Executive Director” vì như thế sẽ có sự nhầm lẫn, dẫm chân lên nhau. Thêm vào đó, chúng tôi muốn hạn chế dùng từ ngữ Hán Việt. Nếu cần phải vay mượn thì chúng ta nên vay mượn chữ của Tây phương vì qua mấy ngàn năm chúng ta đã mượn của nước Tàu quá nhiều chữ rồi. Bây giờ bỏ bớt chữ “Chủ tịch” rồi mượn Anh ngữ “Executive Director”. Thiển nghĩ chúng ta sẽ lời hơn. Ngôn ngữ Việt Nam sẽ nhẹ nhàng hơn một chút và thuận hợp theo dòng tiến hóa của cả thế giới vì đã có hàng triệu triệu người biết nói tiếng Anh.

Xã hội tiến bộ, từ ngữ cũng cần được cải tiến theo, nhất là chủ nghĩa Cộng Sản tồi tệ, thất bại toàn diện cần phải bị khai tử một lần và vĩnh viễn. Và theo sau cái chủ nghĩa ăn hại đó là hai chữ “Chủ tịch” cũng cần bị chôn vùi.

Trước khi phục quốc thành công để có một ngày hân hoan làm lễ tấn phong một vị Tổng Thống tài đức cho quê hương đau khổ tội nghiệp của chúng ta thì tác giả chân thành tha thiết mong quý vị trong tất cả các tổ chức, hội đoàn dành chút thời giờ suy nghĩ về đề tài này.

Mong thay!

Aug-10-2018

Previous Post
Next Post
Related Posts