Huỳnh Anh Tú (Danlambao) - Thường thì sau khi mãn án, người tù không mang theo thứ gì ngoài bộ quần áo mặc trên người. Bộ quần áo ấy, sau khi về đến nhà họ sẽ vứt bỏ hoặc là đốt đi để xoá hết “mùi tù”, để xua đuổi cái xui xẻo và để khỏi phải vào tù lần nữa. Đa số người tù đều quan niệm như thế.
Phần tôi, sau khi mãn án không biết về đâu, vì nhà cửa không còn. Tiền bạc không có, lại mang cái mác “tù phản động” nên phải …phòng thân. Vì vậy, tôi đã mang về một số quần áo cũ lành lặn để mặc. Ngoài ra, tôi còn mang về một số sách vở cũ, vài kỷ vật trong tù.
Trong số những kỷ vật mang khỏi nhà tù, có hai thứ đối với tôi rất quan trọng. Cả hai đều mang giá trị thiêng liêng, đó là Chuỗi Mân Côi của người chị gái gửi tặng và cây đàn guitar. Cây guitar từng trải qua gần 40 năm bị giam cầm, dài hơn bất cứ đời tù nào của chúng tôi. Chúng tôi quen gọi nó là Cây Đàn Tù.
Ngày 29/8/2001, tôi và một số anh em cùng tổ chức từ trại tù Bố Lá chuyển đến K3, nhà tù Xuân Lộc – Đồng Nai. Giam chung với các tù nhân chính trị và tôn giáo (CT & TG) khác.
Trong tù, tôi may mắn được kết thân cùng anh Trần Quốc Dũng, một tù nhân chính trị bị kết án 18 năm với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền”. Tôi không rõ anh thuộc tổ chức nào. Có bạn tù nói với tôi anh thuộc một tổ chức nào đó của ông Nguyễn Cao Kỳ thành lập. Tuy là bạn thân, nhưng anh ít khi tâm sự những chuyện liên quan đến công việc và tổ chức của anh. Tôi nghe nói, anh Dũng từng bị bắt và vượt ngục thành công vào khoảng những năm 80 thế kỷ trước. Khi trốn khỏi nhà tù, anh sống lưu lạc nay đây mai đó rồi gặp một cô gái tốt bụng và anh đã lấy làm vợ. Trước khi bị bắt lại, anh chị đã có hai người con.
Tôi quý mến và trân trọng con người của anh. Kể cả cái cách anh phải nhún nhường một chút với cai ngục trong giai đoạn cuối “đời tù” của mình.
Khi biết được chị bị ung thư giai đoạn cuối, anh đã phải chấp nhận giảm những cuộc đối đầu trực diện với cai tù, để giảm bớt áp lực do chính quyền địa phương đổ lên đầu vợ con ở ngoài.
Gần 20 năm ở tù, anh vẫn giữ vững khí phách của một chiến sĩ tự do. Trong những năm trong tù, vợ con anh bên ngoài luôn bị chính quyền địa phương sách nhiễu vì anh “cứng đầu”. Sự “nhún nhường” đầy bản lĩnh của anh được đổi bằng vài tháng giảm án. Tôi gọi sự nhún nhường ấy là “bản lĩnh” vì ngần ấy năm tù, anh luôn giữ vững lập trường của một con người trí tuệ, khí phách. Luôn chủ động tuyên chiến với cai ngục trong các cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người tù. Mặc dù anh Dũng cố nín nhịn để mong được gặp vợ sớm ngày nào hay ngày đấy vì vợ bệnh nặng, nhưng anh vẫn tham gia các cuộc phản kháng trong tù dù không thể quyết liệt như mong muốn. Cũng may, anh chị được đoàn tụ trước khi chị qua đời.
Tôi và anh có một điểm chung là đam mê âm nhạc. Anh Dũng chơi guitar classic rất khá, còn tôi chủ yếu thiên về morden. Hai anh em thường trao đổi qua lại về nhạc lý. Khi tôi vào Xuân Lộc thì cây guitar của anh Dũng đang “bị kỷ luật”.
Nhưng thực ra cây đàn này không phải của anh Dũng. Cây Đàn Tù bắt đầu “thụ án” vào khoảng cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Chủ nhân đầu tiên của nó đến nay chưa ai xác định rõ, vì nó được chuyền tay qua nhiều thế hệ tù nhân suốt mấy chục năm trời.
Qua nhiều lần tâm sự với Trần Quốc Dũng, tôi biết thêm nhiều về cuộc đời thăng trầm của Cây Đàn Tù. Nó từng bị giam giữ cùng những tù nhân nổi tiếng và bất khuất như: Giáo sư Nguyễn Mạnh Bảo (án 20 năm); Thượng toạ Thích Trí Siêu (tức Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, tử hình sau được giảm xuống 20 năm); Thượng Toạ Thích Thiện Minh (26 năm), Thầy Thích Không Tánh (16 năm); Bác sĩ Nguyễn Đan Quế (20 năm); các Linh mục Trần Đình Thủ, Phạm Minh Trí, thầy Nguyễn Viết Huân (20 năm) và một số tu sĩ thuộc Dòng Đồng Công; Sử gia Phạm Trần Anh (chung thân); người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu (37 năm); nhạc sĩ Vũ Thành An (tác giả của “10 bản không tên” nổi tiếng); Giáo sư Nguyễn Đình Huy (chủ tịch đảng Tân Đại Việt)…
Sau này, Cây Đàn Tù còn làm bạn với nhiều thế hệ tù nhân lương tâm nổi tiếng khác như ký giả Trương Minh Đức, ông Nguyễn Bắc Truyển, Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, ông Phạm Bá Hải, ông Phan Văn Thu (án chung thân), Mục sư Dương Kim Khải, Nguyễn Công Chính…
Anh Dũng khẳng định: “Đa số tù nhân CT &TG ở trại tù Xuân Phước- Phú Yên trong suốt thập niên 80 và tù nhân trại tù Xuân Lộc – Đồng Nai từ năm 1990 đến nay (thời điểm 2008) cũng đều biết đến Cây Đàn Tù này”
Trong suốt mấy mươi năm tù, cây đàn luôn gắn bó và chia sẻ đắng cay, ngọt bùi cùng hàng trăm tù nhân CT & TG.
Cây Đàn Tù đã luôn hoà nhịp với những giọt nước mắt đau khổ của người ở lại tiễn kẻ ra đi vĩnh viễn. Người ở hay đi, người sống sót hay chết gục đều là những phận tù.
Cây guitar ấy từng chứng kiến nhiều cuộc nổi dậy của những tù nhân can trường, lên tiếng đấu tranh đòi quyền sống trong hoàn cảnh hà khắc và dã man trong nhà tù cộng sản. Nó từng nghe tiếng súng nổ của cai ngục nhắm vào người tù. Nó ngân lên những âm thanh réo rắt, ai oán trước mỗi mạng tù phải nằm xuống. Nó cũng đã nghe và chứng kiến bao tiếng thở hấp hối và đôi mắt tuyệt vọng của những người bạn sắp từ giã cõi đời vì đói khát, vì bệnh tật không có thuốc men điều trị. Thời tù của chúng tôi nghiệt ngã đến mức cai tù có thể dễ dàng giết người chỉ bằng một tờ giấy A4 là xong.
Theo quy định, tù nhân khi rời khỏi trại để ra hiện trường lao động hoặc ngược lại đều phải đi theo hàng đôi dưới sự giám sát của quản giáo. Ai tự ý đi rời xa đội ngũ có thể bị cai tù bắn chết không thương tiếc. Anh Dũng và nhiều tù hình sự kể cho tôi nghe, có lần trên đường đi lao động, quản giáo nhờ tù nhân một việc gì đó phải bỏ đội ngũ như đi hái rau, nhổ khoai… Không thể có chuyện từ chối lời “nhờ vả” của quản giáo nên tù nhân phải bỏ hàng ngũ để làm cho bằng được công việc được “nhờ”. Và “đoàng, đoàng!!!”, tiếng súng nổ, người tù gục xuống. Không phải quản giáo bắn mà là những tên cai tù khác (được gọi là cán bộ vũ trang) nhắm vào “kẻ trốn trại” để bắn. Luật của nhà tù là thấy người tù nào rời hàng ngũ, hoặc có dấu hiệu vượt ngục là phải tiêu diệt liền.