c. Chìa khóa logic thứ ba: Các tín đồ không tin vào sự chính đáng của chính quyền
Cáo trạng và Kết luận điều tra (CT&KLĐT) không có một chữ nào nhắc đến buổi lễ giỗ mặc dù buổi lễ giỗ chính là sự kiện khiến các tín đồ PGHH đến Đạo tràng Út Trung. Tại sao? Vì chính quyền vừa muốn đàn áp tôn giáo và vừa không muốn bị mang tiếng đàn áp tôn giáo. Tâm lý mâu thuẫn này khiến cho chính quyền không thể nhất quán trong chủ trương và hành động. Biện pháp dùng CSGT để kiểm tra hành chính và việc dùng côn đồ đã không thể che giấu được động cơ đàn áp tôn giáo.
Bản Kết luận Điều tra cho rằng CSGT đã làm đúng nhiệm vụ và có "lễ tiết, tác phong đúng điều lệnh, quy trình dừng, kiểm tra đúng quy định Luật giao thông đường bộ (các trường hợp dừng, kiểm tra đều có hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ và thuộc trường hợp phải giữ giấy tở và phương tiện liên quan)". Thực tế có xảy ra đúng như vậy hay KLĐT bịa đặt ra?
CT&KLĐT không đề cập đến sự kiện tín đồ PGHH Lê Thị Diệu Hiền bị tịch thu giấy tờ xe mặc dù giấy tờ của bà hoàn toàn hợp lệ, khi bà từ đạo tràng ra về vào tối hôm trước giỗ. Bà Lê Thị Hồng Hạnh, em gái của bà Diệu Hiền, sau khi chứng kiến hành vi ngang ngược của CSGT đối với chị mình vào tối hôm 18/04/2017, đã ra cảnh báo cho từng đồng đạo vào hôm sau. Khi ra hiện trường vào ngày 19/04/2017 thì bà gặp lại chính viên CSGT Đại Hải Đăng (số hiệu 453 – 803) là người tịch thu giấy xe của chị bà. Bà hỏi hắn tại sao lại thu giữ giấy xe của chị bà thì hắn không trả lời được mà vẫn tiếp tục hành vi sách nhiễu các đồng đạo của bà. CSGT Đại Hải Đăng là người được tòa triệu tập đến phiên xử ngày 09/02/2018. Hắn sẽ phải trả lời câu hỏi hắn đã dựa vào đâu để cho rằng giấy thật của bà Diệu Hiền là giả và quyết định tịch thu. Công an huyện An Phú sẽ phải trả lời tại sao bà Diệu Hiền bị giữ giấy tờ 2 tháng trời dù giấy tờ là thật. Nếu không trả lời được, thì việc giữ giấy tờ là sai phạm luật và là hành vi đàn áp tôn giáo. Như đã trình bày ở phần trên hành vi vi phạm luật rõ ràng của CSGT Đăng vào ngày 18/04/2017 chính là cái mồi lửa cho thùng thuốc súng vào ngày hôm sau. Bà Hồng Hạnh có làm gì sai khi ra cảnh báo cho đồng đạo?
Hình: Bà Lê Thị Hồng Hạnh (áo bà ba xanh, bên trái) chất vấn Cảnh sát Giao thông Đại Hải Đăng (sắc phục) về việc thu giữ giấy xe hợp lệ của chị bà là bà Lê Thị Diệu Hiền vào hôm trước. Đứng sau CSGT Đăng là một tên giang hồ khét tiếng trong vùng (lè lưỡi) và tên mật vụ Tuần (áo đỏ viền trắng) là người chuyên theo dõi Đạo tràng Út Trung đứng yểm trợ. Ông Bùi Văn Trung (áo nâu, đứng giữa) chứng kiến và ông Bùi Văn Thâm giơ điện thoại ra quay lấy bằng chứng (cánh tay ở bìa phải). (19/04/2917)
Một video trên mạng còn ghi lại một cảnh tượng buồn cười trong vụ côn đồ chặn xe tín đồ vào ngày 19/04/2017. Một lúc sau thì CSGT Đăng xuất hiện và không có ý kiến gì về việc côn đồ dừng xe không đúng quy trình nhưng lại đòi tín đồ phải xuất trình giấy tờ xe ra cho CSGT kiểm soát. Khi có một tín đồ hỏi là CSGT Đăng đã chào dân chưa thì viên CSGT Đăng mới nhớ đến "lễ tiết, tác phong đúng điều lệnh" và yêu cầu mọi người khác phải tránh ra cho cảnh sát nghiêm chào dân trước khi làm việc!
Dựa trên các diễn biến của hôm trước và trong ngày 19/04/2017 các tín đồ PGHH tin chắc rằng nếu cho xem giấy tờ thì giấy tờ của họ sẽ bị CSGT thu giữ cho đến khi họ bỏ ý định đến đạo tràng. CT&KLĐT cố tạo ra tính chính đáng khi đưa "Kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông số 55" làm cơ sở cho hành vi kiểm tra giấy tờ xe của CSGT. Nhưng văn bản này chỉ có tính trang trí vì trong ngày 19/04/2017, CSGT đã không thi hành nhiệm vụ một cách công bằng đối với MỌI xe cộ giao thông mà chỉ nhắm đến việc chặn xe của tín đồ PGHH. Các tín đồ PGHH biết rõ điều này nên đã yêu cầu CSGT cho xem công lệnh và hỏi tại sao không chặn những người giao thông khác thì CSGT không trả lời được. Vì thế các tín đồ càng tin rằng CSGT chỉ mượn cớ xét giấy tờ để đàn áp tôn giáo. Bà Mai Thị Dung kể rằng sau khi níu giữ xe của bà lại khoảng gần một tiếng, một người của nhóm chính quyền nói rằng nếu bà không vào đạo tràng mà quay về thì họ sẽ không xét giấy tờ của bà nữa. CT&KLĐT không nhắc đến rất nhiều phát biểu của các viên chức công an bộc lộ động cơ đàn áp tôn giáo trong khi họ tranh luận với các tín đồ PGHH. Ngoài ra CSGT và công an – cả người mặc sắc phục lẫn thường phục – có mặt tại hiện trường đã không có hành động nào để ngăn chặn sự vô pháp của những tên côn đồ, dù thấy sự việc xảy ra trước mắt hay được tín đồ báo lại. Tại sao côn đồ được chặn xe, níu xe, đánh người, bắt người? Nếu áp dụng luật một cách nhiêm minh và công bằng thì chắc chắn sự việc đã diễn biến theo hướng khác.
Công an huyện An Phú lý luận rằng họ đã không phân biệt đối xử vì bằng chứng là có nhiều tín đồ PGHH đã vào được đạo tràng. Lý luận này ngây ngô vì sự kiện có vài tín đồ vào được đạo tràng không phải vì họ được công an cho vào mà vì công an không thể chặn được họ: Nhiều tín đồ đã đến từ nhiều ngày trước, đi từ đêm khuya hay đi lọt qua những kẽ hở của vòng vây. Ngoài ra sự phản đối và giám sát của tín đồ cũng có phần nào hiệu quả. Sau phản ứng dữ đội của các tín đồ PGHH trong vụ chặn xe của ông Lê Văn Bảy, CSGT và nhóm côn đồ đã không còn dám lộng hành quá đáng nữa và phải để cho một số tín đồ có giấy tờ hợp lệ được vào.
4. Điều tra và kết luận cẩu thả
Các điều tra viên chính của công an huyện An Phú trong vụ án này là Trung tá Nguyễn Văn Cường, Đại úy Nguyễn Văn Tuấn và Lê Thị Diễm. Họ có nhiệm vụ xào nấu vụ đàn áp tôn giáo với thủ phạm là công an thành một vụ án hình sự với thủ phạm là các tín đồ PGHH. Họ thống nhất mở đầu câu chuyện bằng việc CSGT kiểm tra giấy xe của nhóm ông Trần Thanh Nhiên (lái xe số 66P1- 234.45), ông Lưu Chí Hải (51U5- 5394) và bà Mai Thị Dung (67L1-450.53) vào lúc 6g30 ngày 19/04/2017. CT&KLĐT cho rằng 3 người này "sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; không giấy phép lái xe; không giấy chứng nhận đăng kí xe; không giấy chứng nhận bảo hiểm". CT&KLĐT viết rằng "Anh Đăng (CSGT) đã yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình giấy tờ có liên quan để kiểm tra nhưng họ vẫn ngồi trên xe và không xuất trình giấy tờ. Đồng thời, phản đối việc kiểm tra và cho rằng họ không vi phạm luật giao thông. Mặc dù, cán bộ CSGT đã giải thích rõ lí do dừng phương tiện và kiểm tra nhưng họ vẫn không đồng ý, cố tình trì hoãn".
Câu chuyện nói trên chỉ xảy ra trong trí tưởng tượng của công an vì 3 nạn nhân này đi đến đạo tràng vào giờ khác nhau và bị chặn trong các hoàn cảnh khác nhau. Nói chung khi đi dự lễ giỗ tại Đạo tràng Út Trung, các tín đồ PGHH ở tỉnh An Giang và các tín đồ ở tỉnh Đồng Tháp đi riêng thành nhiều nhóm nhỏ nhưng luôn luôn gồm người cùng tỉnh. Điều này cũng dễ hiểu vì những tín đồ ở gần nhà nhau và thường rủ nhau đi chung. CT&KLĐT gộp chung họ lại để tạo cảm tưởng họ tập trung gây rối. Trên thực tế, nhóm ông Lưu Chí Hải và Lê Văn Bảy từ tỉnh Đồng Tháp đến hiện trường lúc 6g30 ngày 19/04/2017. Còn nhóm ông Trần Thanh Nhiên và bà Mai Thị Dung từ tỉnh An Giang sau đó mới đến hiện trường, vào khoảng 7g sáng cùng ngày.
a. Vụ Lưu Chí Hải bị vu cáo
Ông Lưu Chí Hải (người Đồng Tháp) đi xe riêng chứ không lái chiếc xe mang số 51U5- 5394, như được ghi trong CT&KLĐT, vì xe mang bảng số 51U5- 5394 là xe của ông Bảy. Ông Hải bị những côn đồ chặn xe cho CSGT đến xét. Ông Hải đã đưa giấy tờ cho CSGT xem và CSGT cho ông đi tiếp. Nhưng sau đó ông chỉ còn có thể dắt xe vì chìa khóa xe đã bị một tên nào đó cướp mất. Tóm lại ông Hải không thuộc thành phần "không có giấy tờ" hay "không xuất trình giấy tờ" như CT&KLĐT đã ghi. Ông Hải có giấy tờ hợp lệ và đã trình giấy tờ. Vậy tại sao CSGT không can thiệp khi ông Hải khiếu nại là ông bị côn đồ cướp chìa khóa xe? Tại sao CT&KLĐT không nêu việc cướp chìa khóa xe là nguyên nhân làm tín đồ PGHH bức xúc?
Hình: Ông Lưu Chí Hải (áo vàng, mũ đen bên trái) bị côn đồ chặn xe, cướp chìa khóa xe, khống chế chờ Cảnh sát Giao thông đến khám giấy tờ. Dù đã trình giấy tờ hợp lệ và được cho đi tiếp công an vẫn ghi vào bản kết luận điều tra là ông Hải không trình giấy tờ, không có giấy tờ không hợp lệ. (19/04/2917)
b. Vụ ông Lê Văn Bảy ở Đồng Tháp bị cướp xe chưa trả
CT&KLĐT hoàn toàn không nhắc đến ông Lê Văn Bảy mặc dù ông là một nạn nhân chính vì ông bị CSGT lấy một chiếc xe gắn máy mà đến nay vẫn chưa trả. Khi nhóm ông Lưu Chí Hải và Lê Văn Bảy từ Đồng Tháp đến nơi thì họ bị nhóm côn đồ ra chặn xe lúc 6g30 ngày 19/04/2017. Ông Bảy là chủ và người lái chiếc xe mang biển số 51U5- 5394 (chú: chứ không phải là Lưu Chí Hải như CT&KLĐT ghi). Việc CT&KLĐT cho rằng có 18 người từ Đạo tràng Út Trung (chú: con số này sai vì lúc đó có ít nhất 6 người chưa có mặt tại hiện trường) "kéo đến đồng loạt ngăn cản; người thì xô đẩy các anh CSGT đang làm nhiệm vụ, người thì la, chửi công an ăn cướp xe của dân và hô 'Đả đảo cộng sản đàn áp tôn giáo'…”. Sự thực là các tín đồ ở Đạo tràng Út Trung không "đồng loạt" chạy ra mà đi lẻ từng người hay thành nhóm nhỏ đến chỗ các khách mời bị làm khó dễ. Lúc đầu các tín đồ PGHH còn bình tĩnh yêu cầu CSGT phải xuất trình giấy tờ công vụ hay chuyên đề khi thấy chỉ có tín đồ PGHH bị chặn xét. Lúc đó bà Lê Thị Hồng Hạnh cũng chạy ra cảnh báo cho mọi người biết trường hợp của chị bà là bà Diệu Hiền bị CSGT Đăng tịch thu giấy tờ xe vào hôm trước. Sau một lúc đối chất, ông Bảy và các tín đồ PGHH đòi CSGT phải hứa trả lại giấy tờ cho chủ xe nếu thấy giấy tờ của họ là hợp lệ. Nhưng lúc đó CSGT không chịu hứa mặc dù CSGT đã đồng ý cách làm việc như vậy ở các trường hợp khác. Vì thế ông Bảy không đưa giấy tờ xe ra. CSGT Đăng bèn ra lệnh cho những côn đồ dắt đẩy xe ông Bảy lên xe chuyên dụng nhưng không lập biên bản giữ xe. Khi ông Bùi Văn Thâm đến phản đối hành vi ngang ngược này và tìm cách níu xe ông Bảy lại thì bị hai viên công an mặc thường phục tên Tuấn và Bình (chú: là 2 người thường xuyên canh giữ Đạo tràng Út Trung) và hai người khác xông vào đánh một cách dã man: tên thì lên gối vào ngực, công an Tuấn dùng tay đấm thẳng vào mặt làm ông Thâm bị sứt môi chảy máu, tên thì vật ông Thâm xuống đất. Gia đình ông Trung hoảng sợ, kêu la cứu người. Một video clip cho thấy nhiều công an mặc sắc phục đứng tại đó đã dùng máy điện thoại để ghi hình thay vì xông vào can ngăn và bắt các thủ phạm đang đánh ông Thâm. Lúc đó một số đồng đạo của ông Thâm bức xúc hô lớn "Đả đảo cộng sản đàn áp tôn giáo, cướp xe, đánh đồng đạo". Một đoạn video khác cho thấy các hung thủ định xông vào đánh tiếp các người con khác của ông Trung. Chi tiết mà CT&KLĐT dùng để cáo buộc ông Thâm "dùng tay đánh anh Hiền (lực lượng CSGT) nhằm mục đích không cho anh Hiền dẫn xe 51U5- 5394 lên xe chuyên dụng" là BỊA ĐẶT. Ông Thâm không khờ dại đánh người mặc sắc phục mà chính ông mới là người bị đánh. Thế mà ông bị bắt tạm giam và truy tố vì hành vi "Chống người thi hành công vụ". Cái logic đảo lộn này đã từng xảy ra trong vụ bắt giam anh rể của ông Thâm là Nguyễn Văn Minh hồi tháng 2 năm 2014 ở Lấp Vò.
Tại sao CT&KLĐT bỗng nhiên gán cho ông Lưu Chí Hải là chủ chiếc xe 51U5- 5394 trong khi xe đó lại là xe của ông Bảy? Lý do rất đơn giản là CSGT không còn biết chiếc xe bị giữ xe mang số 51U5- 5394 là của ai nữa vì đã không lập biên bản khi tịch thu chiếc xe gắn máy tại hiện trường. Hành vi này có theo đúng quy định của Luật giao thông đường bộ hay là hành vi cướp xe giữa ban ngày? Nếu công an cho rằng chính quyền luôn hành xử đúng vậy thì hành vi cướp xe như vậy có chính đáng và có tạo bức xúc không?
Việc ông Bảy chưa dứt ở đó. Vào sáng ngày 03/05/2017 ông Võ Thanh Tâm chở ông Lê Văn Bảy từ tỉnh Đồng Tháp đem giấy tờ xe đến công an huyện An Phú để lấy lại chiếc xe gắn máy mang số 51U5- 5394 của ông Bảy. Ban đầu viên công an trực nói rằng ông Bảy không có biên bản thu giữ nên không giải quyết. Sau khi ông Bảy nói rằng CSGT không lập biên bản thì ông không làm sao có được biên bản thì viên công an này xoay qua sách nhiễu bắt ông Bảy phải đi lấy giấy xác nhận của chính quyền địa phương. Vì biết đây là chiêu thức thông dụng để thông báo cho chính quyền địa phương biết để quản lý tín đồ nên ông Tâm nói: “Nếu công an không giải quyết thì chúng tôi bỏ luôn chiếc xe gắn máy”. Sau đó ông Tâm chở ông Bảy về nhà. Lúc ra khỏi trụ sở công an hai ông bị một nhóm 6 người mặc thường phục do Huỳnh Văn Nhã, Phó trưởng Công an xã Phước Hưng (huyện An Phú), cầm đầu bám theo trên 3 chiếc xe gắn máy. Đến một chỗ vắng trên Tỉnh lộ 956, 6 tên này chặn xe của ông Tâm lại và xông vào đánh ông Tâm cho đến khi dân chúng bu lại thì chúng mới bỏ đi. Đến nay, công an huyện An Phú vẫn không trả xe gắn máy cho ông Lê Văn Bảy.
Tóm lại hành vi cướp xe của ông Bảy đã tạo ra cảnh hỗn loạn tại hiện trường. Nhưng đó là do côn đồ gây ra và do hành vi bất chính của CSGT. Ông Bùi Văn Thâm bị công an đánh hay ông đánh CSGT? Bà Lê Thị Hồng Hạnh là nạn nhân hay thủ phạm? Tại sao công an huyện An Phú nhất định không trả xe cho ông Lê Văn Bảy? Tại sao phó công an xã Huỳnh Văn Nhã được phép tổ chức đánh hội đồng ông Bảy?
Hình: Khi đến bênh vực cho ông Lê Văn Bảy (không có trong hình) ông Bùi Văn Thâm (mũi tên đỏ) bị mật vụ mũ vàng (mũi tên xanh) và 3 mât vụ khác vây đánh dã man trước sự chứng kiến của công an sắc phục (A, B) và cảnh sát giao thông (C). Ông Tô Văn Mảnh (1) đứng gần đó. Hình này cho thấy ai là kẻ gây sự, đánh người và số đông áp đảo của nhóm côn đồ vây quanh các tín đồ PGHH và đứng tràn ra đường. (19/04/2017)
Hình trên: Hai tên mât vụ (A, B) tham gia vây đánh dã man ông Bùi Văn Thâm. (19/04/2017)
Hình dưới: Ông Bùi Văn Trung (1) ngăn cản 3 tên mật vụ (A, B, C)định đánh tiếp đánh con gái ông là Bùi Thị Thắm (2) đứng ra chất vấn họ về việc đánh anh cô là Bùi Văn Thâm. (19/04/2017)
c. Vụ ông Tô Văn Mãnh và Trần Thanh Nhiên ở An Giang bị côn đồ chặn xe
Khi đoàn An Giang đến hiện trường vào lúc 7g sáng ngày 19/04/2017 thì đã thấy nhóm chính quyền mặc thường phục đứng tràn ra con lộ dẫn vào đạo tràng. Lúc đó xe của ông Tô Văn Mãnh đi trước và bị chặn khi vừa quẹo phải từ Quốc lộ 91C vào con lộ dẫn đến đạo tràng. CT&KLĐT không nhắc đến ông Tô Văn Mãnh, có lẽ cố ý không nhắc đến sự kiện xe của ông Mãnh bị một nhóm côn đồ chặn lại để chờ cho CSGT đến xét giấy tờ xe của ông mặc dù sự kiện này có trên youtube và được nộp vào làm chứng cứ. Hôm đó tên thì níu xe ông Mãnh, tên thì đứng cản trước đầu xe, còn một người đàn bà trẻ của Hội Phụ nữ thì nắm giữ tay lái không cho ông đi tiếp. Khi thấy CSGT đến các tín đồ PGHH đã yêu cầu CSGT xử lý hành vi chặn xe bất hợp pháp của nhóm côn đồ nhưng CSGT đã làm ngơ. Sau một hồi tranh luận ông Mãnh đồng ý cho CSGT xem giấy tờ với điều kiện là CSGT phải trả lại mỗi tờ giấy cho ông rồi ông mới đưa tờ kế tiếp ra. CSGT đồng ý điều kiện của ông Mãnh. Đến tờ giấy cuối cùng, CSGT trở mặt không trả lại cho ông Mãnh khiến ông phải giựt lại tờ giấy này. Khi ông Mãnh tiếp tục đi thì nhóm mặc thường phục lại ra níu xe của ông lại. Sau khi được CSGT ra hiệu thì họ mới buông xe ông Mãnh ra. Tóm lại, vụ việc này cho thấy rõ sự cấu kết chặt chẽ giữa CSGT và nhóm côn đồ trong hành vi bất chính. Tại sao CT&KLĐT không nhắc đến trường hợp ông Mãnh? Lý do là nếu gọi ông Mãnh ra làm chứng thì ông Mãnh sẽ có đủ hình ảnh chứng minh xe ông bị đám côn đồ chặn giữ trước khi CSGT xuất hiện.
Hình: Ông Tô Văn Mảnh (1) và ông Trần Thanh Nhiên (2) bị côn đồ (A, B, C, D, E, F, G) ngang nhiên chặn xe. Côn đồ A (áo sọc xanh) nắm tay lái của ông Mảnh. Mật vụ (B và E) giám sát tình hình. Bà Lê Thị Hên (4) bị đẩy khỏi vòng vây. Không có bóng dáng của CSGT trong việc chặn xe phi pháp này (6g30, 19/04/2917)
Ông Trần Thanh Nhiên chạy chiếc xe thứ hai trong đoàn An Giang và bị một nhóm côn đồ khác bao vây chờ CSGT đến. Khi ông Nhiên đưa giấy tờ xe ra thì CSGT cho là giấy giả và thu giữ luôn. Đến nay, ông Trần Thanh Nhiên không đi lấy lại giấy tờ xe vì biết sẽ bị công an tiếp tục sách nhiễu. Một video clip cho thấy CSGT Đăng đắc chí giải thích tại sao giấy của ông Nhiên là giả. Vấn đề ở đây là tại sao CSGT lại để cho nhóm thường phục được phép chặn xe ông Nhiên? Nếu không bị chặn thì ông Nhiên đã đi lọt và không bị chặn xét. Giả thử CSGT có làm đúng nhưng hành động của CSGT nói chung vẫn sai vì đã dựa vào một hành vi sai trái mà không bị trừng phạt trước đó của nhóm côn đồ. Tóm lại, trường hợp ông Mãnh và ông Nhiên cho thấy các tín đồ PGHH không phải không cho xem giấy tờ như CT&KLĐT đã ghi. Họ đồng ý cho CSGT xem nếu như CSGT chịu làm việc đàng hoàng. Thực tế CSGT chỉ lợi dụng sự ngay tình của tín đồ PGHH để có cơ hội thu giữ giấy tờ.
d. Vụ bà Mai Thị Dung ở An Giang bị tịch thu xe
Bà Mai Thị Dung là một người từng bị giam cầm gần 10 năm tù vì hoạt động tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo và vừa được thả vào tháng 04/2015. Bà Dung là người đi sau cùng trong đoàn An Giang đến Đạo tràng Út Trung vào ngày 19/04/2017. Trường hợp của bà Dung cho thấy rõ ai là kẻ gây rối. Khi xe của bà vừa quẹo phải từ Quốc lộ 91C vào con lộ dẫn đến đạo tràng thì bà thấy xe của những người đi trước bị chặn nên bà liền tấp xe vào bên lề đường phải của con lộ và dừng lại để quan sát tình trạng của ông Mãnh và ông Nhiên. Một nhóm côn đồ thấy vậy nên chạy đến bao vây xe của bà và đòi bà phải xuất trình giấy tờ. Vì bà không chấp nhận hành vi vô pháp này nên bọn chúng xúm nhau lôi xe bà từ con lộ sang bên phía lề đường bên trái của Quốc lộ 91C và cầm giữ bà tại đó để chờ CSGT đến. Bọn côn đồ này mới chính là kẻ mở rộng hiện trường lan ra Quốc Lộ 91C trong khi những nhóm côn đồ khác còn đứng trong con lộ ngang. Bọn côn đồ này mới gây rối trật tự và cản trở giao thông khi lôi xe bà Dung băng ngang qua đường và đứng lan xuống lòng đường khi vây quanh bà Dung. Thấy bà Dung bị xâm phạm, gia đình ông Trung chạy đến để bảo vệ cho bà. Bà Dung không chịu xuất trình giấy tờ xe khi CSGT đến kiểm tra vì cho rằng xe của bà đang dừng tại chỗ chứ không lưu thông trên đường cho nên bà không vi phạm luật giao thông. Bà Dung có nhiều kinh nghiệm đối phó với CSGT vì trong các ngày lễ đạo PGHH trước đây bà thường xuyên bị CSGT chặn đường và bị buộc quay về dù giấy tờ của bà hợp lệ. Trong một đoạn video clip, bà nói, nếu CSGT mà kiểm tra bà thì là đàn áp tôn giáo. Bà cũng cho CSGT biết giấy tờ của bà lúc đó để trong cốp xe mà chìa khóa đã bị một tên côn đồ nào đó cướp mất trong lúc kéo xe. Một lúc sau đó tự nhiên có một người đem trả chìa khóa cho bà nhưng lúc đó bà Dung không chịu xuống xe nữa vì thấy rõ ràng CSGT cấu kết với côn đồ và có thể lấy mất xe như trường hợp ông Bảy. Đến khoảng 8 giờ, một nhóm côn đồ đến xô bà Dung xuống xe để khiêng xe gắn máy của bà lên một chiếc xe tải. Đến ngày 26/04/20 17 bà Mai Thị Dung đến công an huyện An Phú để lấy lại chiếc xe gắn máy thì bị bắt đóng phạt 300.000 VND vì tội không mang theo giấy xe. Tóm lại, trường hợp bà Mai Thị Dung cho thấy sự ngang ngược lộng quyền (kéo xe, cướp chìa khóa, cướp xe) của nhóm chính quyền trước sự chứng kiền của CSGT và công an.
Hình trên: Một đám côn đồ lôi xe của bà Mai Thi Dung từ con lộ dẫn vào đạo tràng và sang phia bên kia đường của Quốc lộ 91C và như thế cố tình mở rộng hiện trường gây rối trật tự công cộng. Bức hình này cho thấy bọn chúng chứ không phải tín đồ PGHH đứng lấn xuống lòng đường. Người nào không là tín đồ PGHH vẫn được lưu thông trên Quốc Lộ 91C. (19/04/2017)
Hình dưới: Bà Mai Thị Dung (1) nói rằng bà không thể lấy giấy tờ để trong cốp xe vì bị côn đồ cướp chìa khóa xe. Ông Bùi Văn Trung (2) chứng kiến. Bao vây xung quanh là côn đồ và mật vụ. Mật vụ A là tên hành hung ông Bùi Văn Thâm vào lúc trước đó. (19/04/2017)
(Xem tiếp Bài 4: Kết luận Ai là nạn nhân, ai là thủ phạm?)