Lưu Trọng Văn – «Trăng giờ thành miếng cau phơi trước nhà»



Trời Sài Gòn ướm lạnh, bên kênh Tẻ thuyền hoa Tết đã tấp nập. Ngước trên cây xoài trong vườn thấy một ả bướm cánh nửa vàng nửa đen dập dờn rồi lượn xuống chùm bông ngâu Nhật Bản nửa vàng nửa trắng. Bình ả, bình yên. 

Tin, một chàng trai bị tống 14 năm tù vì kêu gọi dân chúng biểu tình chống Formosa gây hoạ Biển Đông. 

Tin, bác giáo Trọng khoe với văn nhân trí thức nước nhà, bác chửi thẳng lão Tập muốn hữu nghị thì phải tin nhau, phải nói đi đôi với làm. Bác khen Tập không tự ái.

Tin, bãi đá Chữ Thập của Việt Nam Tập cho ken đẫy máy bay chiến đấu. Tập bảo các đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà từ thời Mao, Đặng cưỡng chiếm của Việt Nam là giá trị cốt lõi của nhà Tập.

Khỏi bình.

Tin, 12 nàng thiên nga vô tội bị đuổi khỏi hồ Gươm vì cái gọi là làm ô nhiễm tâm linh.

Phải có nhời bình: Cái đẹp và sự trong trắng của thiên nga tại sao lại làm ô nhiễm tâm linh nhể? Tại sao lại ép hồ Gươm là nơi chốn độc quyền của cụ Rùa? Cái đẹp, cái làm cho con người lâng lâng vui mắt, làm cho các cô gái thêm biết yêu, làm cho lũ trẻ tâm hồn gắn vạn vật chỉ làm cho tâm linh thêm đượm, thêm thiêng, thêm đời.

Bất ngờ, lướt, đọc được mấy câu thơ của một chàng quê tên Lê Đình Tiến. Vô danh, không trong giới tinh hoa của bác Hữu Thỉnh.

Thơ mộc mạc lắm:

“Nhà tôi ừ vẫn nhà quê”.

Nhưng chàng quê gốc rạ rơm Hưng Yên buồn khi:

“Bố tôi chặt mất hàng cau
Gió lười chẳng thấy đuổi nhau góc vườn
Nhìn lên mấy cánh chuồn chuồn
Những trưa nghe gió thở buồn mặt ao”.


Và gã bần thần khúc cuối:

“Nhà tôi tường đã xây cao
Hồn làng sót lại đọng vào giếng khơi
Bao năm vắng bóng bà tôi
Trăng giờ thành miếng cau phơi trước nhà....”


Buồn và thương đến rợn người.

Chao ơi, nếu bác giáo tổng, người tốt nghiệp văn khoa khi gặp các nhà thơ, các trí thức đầu xuân mà đọc mà bình mấy câu thơ về quê Việt của một giai nông dân Việt:

“Bao năm vắng bóng bà tôi
Trăng giờ thành miếng cau phơi trước nhà”


Thì ...
Thì sao nhể?

Thì gã tin, gã tin, cuộc chiến đốt lò chống cái ác, cái gian tham của bác là từ cái tâm của bác với nước với non.

Câu thơ trên làm gã động cựa nhớ lại lời kể của nhà yêu nước Vũ Ngọc Nhạ. Ông Nhạ kể gã nghe cái đêm trăng ông và Ngô Đình Nhu cùng đọc, cùng bình câu thơ của Nguyễn Bính:

Đêm nay mới thật là đêm
Ai đem giăng giải lên trên vườn chè...


FB LƯU TRỌNG VĂN 08.02.2018 (Tựa do Thụy My đặt)
Previous Post
Next Post
Related Posts