Bầu cử có phải là nghĩa vụ của công dân?

Nguyễn Mạnh Hùng (Danlambao) - Bầu cử là một hình thức sinh hoạt chính trị biểu tỏ quyền làm chủ đất nước của nhân dân. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp tổ chức ra nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước; thiết lập bộ máy nhà nước để quản lý xã hội. Trong Luật bầu cử (nói riêng) và Luật Hiến pháp (nói chung) quy định bầu cử là quyền cơ bản của công dân, ngoài ra không có quy định nào xác định bầu cử là trách nhiệm của công dân. Tuy nhiên, các bộ phận làm công tác bầu cử lại tuyên truyền việc đi bầu cử là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của công dân. Thậm chí, nếu cử tri không đi bầu cử có thể sẽ bị gây khó khăn bằng biện pháp hành chánh như không ký các loại giấy tờ, nếu là sinh viên thì bị trừ điểm thi đua, hạ hạnh kiểm... Từ quan niệm này đã gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ cho những cử tri không muốn tham gia bầu cử. Để phân biệt quyền và nghĩa vụ của công dân, người viết xin đưa ra một số luận điểm hầu rộng đường dư luận.

Trước hết, chúng ta cần phân biệt được khái niệm về quyền và khái niệm về nghĩa vụ. Quyền là những định chế mà pháp luật quy định cho được hưởng, được làm, được yêu cầu mà không bị ai ngăn cản, hạn chế. Nghĩa vụ là những định chế mà pháp luật quy định bắt buộc phải làm để phục vụ xã hội, người khác, kể cả bản thân mình. Quyền là những lợi ích mà người được hưởng có thể nhận lãnh nhưng cũng có thể từ chối. Còn nghĩa vụ là những chế định mà người có nghĩa vụ bắt buộc phải làm, không thể từ chối. Từ những khái niệm này cho thấy quyền và nghĩa vụ là hai phạm trù trái ngược nhau. Theo đó, cùng một hành vi (bầu cử) không thể vừa là quyền và cũng đồng thời là nghĩa vụ được.

Quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định ở Chương II Hiến pháp năm 2013. Điều 15 quy định: 1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Điều 46 quy định: Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.

Trong điều 15 Hiến pháp 2013 quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Điều đó khẳng định quyền và nghĩa vụ là hai phạm trù khác nhau nhưng cũng không tách rời nhau. Nghĩa là, nhà nước bảo hộ quyền của mỗi người là bất khả xâm phạm, mọi người phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền đó. Song song với quyền, công dân phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội, nếu không thực hiện sẽ bị chế tài.

Đã là quyền thì công dân có thể thực thi nhưng cũng có thể từ chối không thực thi. Nguyên tắc thực thi pháp luật là công dân có quyền làm tất cả những gì luật không cấm. Trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật không có điều khoản nào quy định quyền bầu cử là nghĩa vụ của công dân, cũng không có chế định nào đối với công dân không tham gia bầu cử. Hiến pháp khẳng định rõ rằng quyền con người, quyền công dân được nhà nước tôn trọng và bảo vệ. Mọi hành vi gây khó khăn bằng biện pháp hành chánh như không ký các loại giấy tờ, trừ điểm thi đua, hạ hạnh kiểm sinh viên.... đối với những cử tri không tham gia bầu cử đều là những hành vi xâm hại quyền tự do của công dân, phải bị xử lý theo luật định.


Previous Post
Next Post
Related Posts