Chống Mỹ cứu nước nào?

Trần Gia Phụng (Danlambao) - Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 chia hai Việt Nam dọc theo sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị, ở vĩ tuyến 17. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ở Bắc Việt Nam (BVN), do đảng Lao Động (LĐ) cai trị. Đảng LĐ là hậu thân của đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD). Trong khi đó, Quốc Gia Việt Nam (QGVN) ở Nam Việt Nam (NVN), do cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng. Năm sau, thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, lật đổ quốc trưởng Bảo Đại và thành lập Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày 26-10-1955 do ông Diệm làm tổng thống.

Đất nước chia hai, nhưng đảng LĐ ở BVN không dừng lại ở đó. Tại Đại hội III đảng LĐ từ 5 đến 10-9-1960, đảng LĐ quyết định động binh tấn công VNCH, mà CS gọi là “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Ngoài ra, đảng LĐ còn đưa ra chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” nhằm khích động lòng yêu nước của dân chúng Việt Nam và để được các nước cộng sản (CS) giúp đỡ. Tuy nhiên, có một câu hỏi mà ít người chú ý là Hồ Chí Minh (HCM) và đảng LĐ tức đảng CSĐD chống Mỹ cứu nước là để cứu nước Việt Nam hay là cứu nước nào khác?

1. Hồ Chí Minh tuyên bố chống Mỹ

Vào cuối thế chiến thứ hai, HCM và đảng CSĐD hợp tác với tổ chức OSS của Hoa Kỳ. Tổ chức OSS là Office of Strategic Services (Sở tình báo chiến lược), tiền thân của C.I.A. (Central Intelligence Agency). Giữa tháng 4-1945, HCM cùng hai nhân viên vô tuyến của O.S.S. từ Côn Minh (Kunming, Trung Hoa) về Cao Bằng. Từ đó, O.S.S. giúp VM huấn luyện quân sự, sử dụng võ khí, truyền tin... (Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người & huyền thoại, tập 2: 1925-1945, Houston: Nxb. Văn Hóa, tt. 358-359.) 

Khi HCM và đảng CS cướp được chính quyền và lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945, thiếu tá OSS là Archimèdes Patti giúp HCM viết bản tuyên ngôn độc lập.(Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam?, California: University of California Press, Berkely, 1980, tr. 223.) Tuy nhiên, sau đó OSS rời Việt Nam do Hoa Kỳ chủ trương không can thiệp vào Đông Dương để cho Pháp tự do hành động. (A. Patti, sđd. tr. 379.) Từ đó giữa cộng sản Việt Nam (CSVN) và Mỹ không còn hợp tác, nhưng cũng không đối đầu trực tiếp với nhau. 

Sau thế chiến (1939-1945), chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản (do Mỹ đứng đầu) và CS (do Liên Xô lãnh đạo) bắt đầu năm 1946. Năm 1950, Mỹ thừa nhận chính phủ QGVN và viện trợ giúp Pháp chống CS ở Việt Nam, nhưng Mỹ không gởi quân đánh nhau với quân CSVN. Khi hội nghị Genève sắp kết thúc và các bên sửa soạn ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam ngày 20-7-1954, thì lần đầu tiên, HCM lớn tiếng tuyên bố mục tiêu chiến đấu mới của CSVN trong giai đoạn sắp đến là chống “đế quốc” Mỹ.

Báo cáo tại hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương đảng LĐ khóa II ngày 15-7-1954, HCM nói: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Nam, Lào. Mũi nhọn của ta cũng như mũi nhọn của thế giới đều chĩa vào Mỹ. Chính sách của Mỹ là mở rộng và quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương. Chính sách của ta là tranh thủ hòa bình để chống lại chính sách chiến tranh của Mỹ…” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7:1953-1955, xuất bản lần thứ hai, Hà Nội: Nxb. Chính Trị Quốc Gia, 2000, tt. 313-315.) 

Một điều khá lạ lùng là từ khi OSS về nước, bang giao với Mỹ bị gián đoạn, HCM hầu như chưa lần nào công kích Mỹ nặng nề. Lúc nầy Mỹ chưa viện trợ trực tiếp cho chính phủ QGVN, kẻ thù của CS mà chỉ giúp đỡ gián tiếp qua tay người Pháp. Nói cách khác, cho đến 1954, giữa VM và Mỹ chưa đối đầu trực tiếp, chưa hận thù sâu sắc, ngoài những kỷ niệm thời 1945. Thế mà đột nhiên sau hội nghị Liễu Châu, HCM xem Mỹ là “kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Nam, Lào.” Để tìm hiểu vấn đề tại sao HCM lại tuyên bố chống Mỹ sau vụ Liễu Châu, xin trở lại với hoàn cảnh chính trị phức tạp trước khi hiệp định Genève được ký kết ngày 20-7-1954.

Hội nghị Genève bắt đầu từ ngày 8-5-1954 đến ngày 21-7-1954, chia thành hai giai đoạn: 1) Từ 8-5 đến 20-6-1954. 2) Từ 10-7 đến 21-7-1954. Giữa hai giai đoạn là 20 ngày tạm nghỉ để các phái đoàn về nước tham khảo và nghỉ ngơi. 

Trong thời gian hội nghị tạm nghỉ, xảy ra ba sự kiện quan trọng ở ba nơi khác nhau trên thế giới: Mendès-France lên làm thủ tướng Pháp ngày 17-6-1954. Ngô Đình Diệm nhận chức thủ tướng QGVN ngày 7-7-1954 (ngày Song thất). Châu Ân Lai (CÂL) và HCM bí mật gặp nhau tại Liễu Châu (Liuzhou), tỉnh Quảng Tây (Kwangsi), Trung Hoa, từ 3 đến 5-7-1954, bàn về giải pháp kết thúc chiến tranh. Lúc đó, không ai biết về hội nghị nầy.

Cũng tại hội nghị Liễu Châu chắc chắn hai bên, CÂL và HCM, duyệt xét lại toàn bộ tình hình thế giới và tình hình Đông Á sau chiến tranh Triều Tiên, mà Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) đang đối đầu với Mỹ.

2. Tình hình Đông Á trước hội nghị liễu Châu

Tại Trung Hoa, đảng Cộng Sản (CS) do Mao Trạch Đông (MTĐ) lãnh đạo, chiếm được lục địa, và tuyên bố thành lập CHNDTH tức Trung Cộng (TC) ngày 1-10-1949. Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng di tản ra Đài Loan (Taiwan), tiếp tục chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (THDQ). Tuy rất nhỏ so với TC, nhưng nhờ Mỹ hậu thuẫn, THDQ vẫn giữ ghế đại diện Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), và giữ luôn ghế hội viên thường trực, có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Năm sau, chiến tranh bùng nổ ngày 25-6-1950 giữa Bắc Triều Tiên (BTT) và Nam Triều Tiên (NTT). Quân cộng sản BTT bất ngờ tiến đánh NTT, vượt qua vĩ tuyến 38, đường phân chia BTT và NTT từ 1945, chiếm thủ đô Hán Thành (Seoul). Theo đề nghị của Hoa Kỳ, ngày 27-6-1950 LHQ yêu cầu các nước giúp NTT. 

Ngày 12-9-1950, đại tướng Hoa Kỳ là Douglas Mac Arthur cầm đầu quân đội LHQ, bất thần đổ bộ vào hải cảng Inchon, tây bắc NTT, giáp với BTT. Quân LHQ đẩy lui quân BTT, tái chiếm Hán Thành ngày 19-9, tiếp tục truy đuổi bắc quân CS, vượt vĩ tuyến 38, chiếm thủ đô BTT là Bình Nhưỡng (Pyongyang), tiến đến sông Áp Lục (Yalu River), ở vùng biên giới Mãn Châu, thuộc TC.

Ngày 26-11-1950, 250,000 quân TC vượt biên giới, giúp BTT, đẩy lui quân LHQ xuống phía nam, tái chiếm Hán Thành. Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman gởi tướng Matthew Ridgway thay tướng Mac Arthur. Quân LHQ đẩy lui bắc quân khỏi vĩ tuyến 38 vào tháng 1-1951. Cuộc thương thuyết giữa hai bên bắt đầu từ tháng 7-1951, và hai bên ký kết hiệp ước Bàn Môn Điếm (Panmunjom) ngày 27-7-1953, lấy vĩ tuyến 38 chia hai Triều Tiên. Bên nào ở yên bên đó, không xâm phạm lẫn nhau. 

Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1950, thì Hoa Kỳ phái Đệ thất hạm đội đến bảo vệ Đài Loan và eo biển Đài Loan. Sự hiện diện của hạm đội Hoa Kỳ ở eo biển Đài Loan làm cho TC quan ngại. Trong eo biển Đài Loan, hai quần đảo Kim Môn-Mã Tổ (Kinmen-Mazu), nằm cách hải cảng Hạ Môn (Xiamen), tỉnh Phúc Kiến (Fujian) của lục địa TC khoảng 15 Km, trong khi cách bờ biển hải đảo Đài Loan khoảng 270 Km, nhưng hai quần đảo nầy lại thuộc quyền của THDQ (Đài Loan).

Sau hiệp ước Bàn Môn Điếm, chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, NTT tức Cộng Hòa Triều Tiên ký với Hoa Kỳ tại thủ đô Washington DC ngày 1-10-1953 Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương (Mutual Defence Treaty) có hiệu lực từ ngày 17-11-1954.

Bên cạnh NTT là Nhật Bản (NB). Tại hội nghị hòa bình San Francisco (Hoa Kỳ) từ 4 đến 8-9-1951, NB tuyên bố từ bỏ mọi quyền hành trên các hải đảo mà NB đã chiếm trong thế chiến thứ hai (1939-1945). Cùng ngày 8-9-1951, NB và Hoa Kỳ ký Hiệp ước an ninh hỗ tương (Mutual Security Treaty) cho phép quân đội Hoa Kỳ đóng quân trên đất NB. 

Ngày 8-3-1954, hai nước Hoa Kỳ và NB ký kết thêm Thỏa ước Phòng thủ chung (Mutual Defence Assistance Agreement), có hiệu lực từ 1-5-1954, cho phép quân đội Hoa Kỳ trú đóng trên đất NB vì mục đích hòa bình và an ninh trong khi khuyến khích NB tăng cường quốc phòng.

Các hiệp ước Hoa Kỳ ký với NTT và với NB đều nhắm mục đích giúp bảo vệ an ninh của hai nước nầy, chống lại sự đe dọa từ bên ngoài, thực sự là chống lại sự đe dọa của TC. Hơn nữa, Hoa Kỳ gởi Hạm đội số 7 đến eo biển Đài Loan, chính là để bảo vệ Đài Loan và vùng biển nầy.

Những hoạt động trên đây của Hoa Kỳ làm cho TC bận tâm lo lắng vì cảm thấy bị bao vây từ nhiều phía: Ở phía tây, TC giáp với Liên Xô. Từ khi Stalin qua đời ngày 5-3-1953, cuộc bang giao giữa TC với Liên Xô càng ngày càng xấu. Ở tây nam, TC bị Ấn Độ chận đứng. Ở phía đông là Thái Bình Dương, TC lại bị các nước NTT, NB, THDQ bao vây. Các nước nầy được Mỹ bảo vệ. Trên Thái Bình Dương thì Đệ thất hạm đội Mỹ chập chờn canh chừng. Vì vậy, TC rất căm thù Hoa Kỳ. 

Tại Hoa Kỳ, lúc đó phong trào chống cộng rất mạnh. Vào đầu năm 1950, thượng nghị sĩ tiểu bang Wisconsin là Joseph Raymond McCarthy đưa ra chủ trương “tố cộng” mạnh mẽ khắp nước Mỹ. Tinh thần chống cộng của người Mỹ lúc đó mạnh đến nỗi đáng chú ý là khi khai mạc hội nghị Genève về Việt Nam vào ngày 8-5-1954, trưởng phái đoàn Hoa Kỳ là ngoại trưởng John Foster Dulles không bắt tay trưởng phái đoàn TC là thủ tướng kiêm ngoại trưởng CÂL. (Henry Kissinger, White House Years, Toronto: Little, Brown and Company, 1979, tr. 1054.) Có lẽ CÂL khó quên kỷ niệm không vui nầy.

Tại hội nghị Liễu Châu từ 3 đến 5-7-1954, chắc chắn CÂL đã trình bày toàn cảnh tình hình Đông Á trên đây với HCM. Vừa thù nước, vừa giận riêng, phải chăng CÂL đã chỉ thị cho HCM, nên khi về nước, HCM chĩa mũi dùi ngay vào Hoa Kỳ tại Hội nghị lần thứ 6 Ban CHTƯĐ/LĐ khóa II ngày 15-7-1954.

Ở đây, xin ghi nhận thêm giao tình giữa HCM và các lãnh tụ TC: 

Thứ nhứt, khi Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS) gởi điệp viên Lý Thụy (HCM) đến Quảng Châu (Trung Hoa) hoạt động năm 1924, thì Lý Thụy mở những khóa huấn luyện cán bộ và mời các lãnh tụ CSTH đến giảng dạy như Lưu Thiếu Kỳ, CÂL, Lý Phúc Xuân, Bành Bài…(Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 10.). 

Thứ hai, sau khi bị giữ lại ở Liên Xô từ 1934 đến 1938 để điều tra, Nguyễn Ái Quốc (HCM) được QTCS gởi qua Trung Hoa vào 1938, đến căn cứ phía bắc TC là Diên An, học tập và hoạt động tình báo. Lúc đó, Quốc với tên mới là Hồ Quang, mang quân hàm thiếu tá trong quân đoàn Bát lộ quân của TC, để dễ di chuyển và hoạt động. (Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh, the Missing Years, Diên Vỹ và Hoài An dịch, Diễn đàn www.x-cafevn.org tt. 190-191.) 

Sau đó, Hồ Quang đến Quế Lâm (Quảng Tây) hoạt động. Khoảng đầu thu 1940, Hồ Quang (HCM) cử người đến Diên An, ký mật ước với TC, theo đó đại diện đảng TC tại cục Tình báo Á châu của ĐTQTCS, phụ trách lãnh đạo công tác của CSVN. Cộng Sản Việt Nam sẽ cử cán bộ đến Diên An thụ huấn, và CSTH sẽ trợ cấp cho CSVN 50,000 quan Pháp mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt tại Trung Hoa. (Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, Nxb. Truyện Ký Văn Học, Đài Bắc, 1972, bản dịch của Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, Nxb. Văn Nghệ, California, 1999, tt. 167-168.) 

Thứ ba, trong chiến tranh với Pháp từ năm 1946, CSVN thua chạy dài. Sau khi CHNDTH được thành lập năm 1949, HCM qua Bắc Kinh, rồi qua Moscow cầu viện năm 1950. Mao Trạch Đông cũng có mặt tại Moscow. Stalin uỷ nhiệm cho MTĐ giúp cho CSVN. 

Cùng đi trên chuyến xe lửa từ Moscow đưa MTĐ về Bắc Kinh, HCM đến xin MTĐ giúp đỡ. (Trương Quảng Hoa, “Quyết sách trọng đại Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”, trong sách Hồi ký của những người trong cuộc, ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, một nhóm tác giả, Bắc Kinh: Nxb. Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc, 2002, do Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch, Montreal: Tạp chí Truyền Thông, số 32 & 33, 2009, tr. 47.) Từ đó, TC viện trợ tối đa cho CSVN. Nhờ thế, CSVN phản công và thành công năm 1954.

Chỉ cần nhắc lại những chuyện trên đây đủ thấy rõ HCM và đảng CSVN quá nặng nợ với TC. Khi TC viện trợ rộng rãi cho CSVN, HCM và CSVN chẳng có gì để trả nợ, nên chỉ còn cách là phải đáp lại những đòi hỏi, yêu sách hay mệnh lệnh của TC để trả ơn.

3. Chiêu bài “chống mỹ cứu nước”

Sau hội nghị Liễu Châu, trong báo cáo của HCM tại hội nghị Ban CHTƯĐ/LĐ ngày 15-7-1954, HCM chỉ nhắc sơ là có gặp và trao đổi với thủ tướng CÂL. Về sau, khi ấn hành lại bản báo cáo nầy trong Hồ Chí Minh toàn tập tập 7, Nxb Chính Trị Quốc Gia chỉ chú thích sơ lược cuộc gặp gỡ ở cuối trang 315.

Về phía CÂL, TC cũng không loan báo tin tức hội nghị nầy, mãi cho đến năm 2005, Trung Cộng đảng sử xuất bản xã phát hành sách Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Chu Ân Lai và hội nghị Genève], chuyện Liễu Châu mới được tiết lộ công khai. Tại Liễu Châu, CÂL khuyên HCM nên chấp nhận giải pháp chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17 để Pháp ra đi và Mỹ không can thiệp. Ngược lại HCM bàn với CÂL là sẽ chôn giấu võ khí, cài cán bộ, đảng viên ở lại NVN, trường kỳ mai phục để đợi thời cơ tái tục chiến tranh. 

Vì BVN trường kỳ mai phục, chuẩn bị sẵn sàng hành động ở NVN, nên ngay từ năm 1955, BVN đề nghị với NVN họp hội nghị để tổ chức tổng tuyển cử, thống nhứt đất nước, mà BVN cho rằng do hiệp định Genève quy định, nhưng bị NVN từ chối, vì NVN cho rằng QGVN đã không ký vào hiệp định Genève. Bắc Việt Nam còn đề nghị nhiều lần sau đó, cũng đều bị NVN từ chối.

Thật ra, hiệp định Genève không liên hệ đến việc tổng tuyển cử, không có điều khoản nào đề cập đến việc tổng tuyển cử, mà chỉ là hiệp định đình chỉ chiến sự, chấm dứt chiến tranh. Sau khi hiệp định Genève được ký kết vào tối 20-7-1954, các phái đoàn họp tiếp vào ngày 21-7-1954, đưa ra bản "Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương". 

Bản tuyên bố (déclaration) gồm 13 điều; trong đó quan trọng nhứt là điều 7, ghi rằng: "Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những sự tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín. Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý nguyện, cuộc Tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20-7-1955 những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó." (Thế Nguyên, Diễm Châu, Đoàn Tường, Đông Dương 1945-1973, Sài Gòn: Trình Bày, 1973, tr. 53.) (Vào google đọc bản chữ Pháp: Déclaration finale de la conférence de Genève en 1954.) 

Khi được hỏi ý kiến, các phái đoàn tham dự đều trả lời miệng, chứ không có phái đoàn nào ký tên vào bản tuyên bố nầy. Bản tuyên bố không có chữ ký không phải là một hiệp ước, không có tính cách cưỡng hành, mà chỉ có tính cách khuyến cáo hay đề nghị mà thôi. Phái đoàn QGVN và phái đoàn Hoa Kỳ không ký vào hiệp định Genève ngày 20-7-1954 và cũng không ký vào bản "Tuyên bố cuối cùng…" ngày 21-7-1954. Phái đoàn QGVN và Hoa Kỳ chỉ đưa ra tuyên bố riêng để minh định lập trường của chính phủ mình. 

Nói cách khác, cả hai bên Bắc và Nam Việt Nam đều không bị bắt buộc phải thi hành lời khuyến cáo hay đề nghị trong bản tuyên bố không chữ ký. Vì vậy, VNCH có quyền từ chối đề nghị tổng tuyển cử mà không thể kết luận rằng VNCH không thi hành hay vi phạm hiệp định Genève 20-7-1954. 

Khi NVN từ chối đề nghị tổng tuyển cử do BVN đưa ra, thì BVN hô hoán lên rằng NVN vi phạm hiệp định Genève, trong khi đó BVN đã vi phạm trước, vì BVN đã chôn giấu võ khí, cài cán bộ ở lại NVN từ 1954. Bắc Việt Nam tổ chức Đại hội đảng LĐ lần thứ III tại Hà Nội từ 5 đến 10-9-1960, đưa ra hai mục tiêu là “xây dựng BVN tiến lên xã hội chủ nghĩa và giải phóng NVN bằng võ lực”. 

Khai mạc Đại hội III đảng LĐ tại Hà Nội ngày 5-9-1960, HCM nhấn mạnh: "Ngày nào chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ-Diệm, thì nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon, ngủ yên. Bởi vậy không thể nào tách rời cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, thống nhất nước nhà với cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.”( Hồ Chí Minh toàn tập tập 10 1960-1962, Hà Nội: Nxb Chính Trị Quốc Gia, xuất bản lần thứ hai, 2000, tr. 200.)

Trong phần kết luận bài phát biểu nầy, HCM tiếp: "Hiện nay, đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống Mỹ…” (Hố Chí Minh, sđd. tr.319.)

Đáng chú ý, suốt bản báo cáo, HCM luôn nhấn mạnh đến chuyện chống Mỹ, và kết luận “mọi việc của ta đều nhằm chống Mỹ”.

Kết luận

Vào cuối thế chiến thứ hai, HCM và đảng CSVN hợp tác với OSS là một tổ chức tình báo Mỹ, nhờ OSS huấn luyện và trang bị những phương tiện thông tin cần thiết. Sau đó, tuy chưa có gì va chạm, nhưng vì Mỹ không muốn làm mất lòng Pháp ở Đông Dương, nên Mỹ rút các toán OSS ra khỏi Việt Nam. Trong cuộc chiến 1946-1954, HCM hầu như không đả động gì đến việc chống Mỹ.

Bất ngờ, sau hội nghị Liễu Châu (Quảng Tây) với CÂL vào đầu tháng 7-1954, HCM đưa ra chủ trương chống Mỹ mạnh mẽ. Nói trắng ra, phải chăng chính HCM vâng lệnh CÂL tại hội nghị nầy, nên khi về nước, HCM triệu tập liền hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương đảng LĐ khóa II ngày 15-7-1954, để phổ biến ngay chủ trương chống “đế quốc” Mỹ? 

Sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, đảng LĐ phải tốn một thời gian ổn định BVN, quốc doanh toàn bộ công thương nghiệp thành phố, cải cách ruộng đất để làm chủ nông thôn, triệt tiêu tất cả những phản kháng của giới trí thức và văn nghệ sĩ. Sau những chiến dịch nầy, đảng LĐ tức đảng CSĐD nắm vững BVN trong khuôn khổ độc tài toàn trị CS, liền nghĩ đến chuyện NVN.

Đảng LĐ tổ chức Đại hội III từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960 để phát động chiến tranh tấn công NVN, đưa ra hai chiêu bài chiến lược song song là “giải phóng miền Nam” và “chống Mỹ cứu nước”. 

Thực ra, ngay từ 1954, trước khi ký kết hiệp định Genève, tại Liễu Châu, CSVN đã cho thấy tham vọng tấn công NVN nhằm thống trị toàn bộ đất nước chứ không phải “giải phóng miền Nam”.

Còn HCM chủ trương "mọi việc của ta đều nhằm chống Mỹ” là HCM làm theo lời MTĐ đã từng nói là nếu CSVN “giải tỏa được mối đe dọa của bọn xâm lược, đó là Việt Nam giúp Trung Quốc.” (La Quý Ba trích dẫn, “Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản”, trong Hồi ký của những người trong cuộc, sđd. tr. 27). 

Như thế, CVSN chống Mỹ không phải để cứu nước Việt, mà để cứu Tàu, theo yêu cầu của Tàu, vì lợi ích của Tàu. Chính vì vậy mà Lê Duẩn, bí thư thứ nhứt đảng LĐ từ năm 1960, đã nhận: "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc.” Lời của Lê Duẩn là niềm hãnh diện của CSVN, được viết thành biểu ngữ khá lớn treo ngay trước nhà thờ Lê Duẩn ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Niềm hãnh diện nầy cho thấy sự nghiệp “giải phóng miền Nam”, “chống Mỹ cứu nước” của HCM và CSVN nằm trong kế hoạch “tự Hán hóa” (autochinization / autochinalization) của CSVN, nghĩa là không phải Tàu khựa áp đặt nền đô hộ tại Việt Nam, mà CSVN tự nguyện Hán hóa Việt Nam dưới sự đô hộ của Tàu khựa. 

Cộng sản Việt Nam phản quốc đến thế là cùng. Tồi tệ nhứt trong lịch sử nước nhà! (Trích Lịch sử sẽ phán xét, xuất bản tháng 6-2016.)

(Toronto, 28-2-2016)


Mẫu số chung của nước Mỹ và hiệp hội các nước Đông Nam Á

Nguyễn Thành Trí (Danlambao) - Các nước Đông Nam Á và nước Mỹ có một Mẫu Số Chung là Tự Do. Lịch sử chiến đấu vì tự do ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á đã chứng minh được rõ ràng là nước Mỹ luôn bảo vệ Mẫu Số Chung Tự Do, và đã cùng góp sức với các nước đồng minh chống lại các chế độ muốn phá hoại cái mẫu số chung này. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh các nước Đông Nam Á là các nước tự do, và vài nước trong số họ đã phải trực tiếp chiến đấu chống bọn cuồng tín cộng sản độc tài để bảo vệ cho tự do của họ. Cụ thể như là Mỹ đã cùng với Nam Hàn chiến đấu chống lại Bắc Hàn và Tàu Cộng để bảo vệ cho người dân Nam Hàn được tự do cho tới nay.

Nước Mỹ cũng đã cùng với miền nam VNCH chiến đấu chống lại CS Bắc Việt và cả khối CS Quốc Tế để giữ cho cả khu vực các nước Đông Nam Á không bị nhuộm đỏ. Trong một thời gian rất dài, trước và sau Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, một trong những đặc điểm của Mẫu Số Chung Tự Do là quyền tự do lưu thông hàng không và hàng hải ở những vùng trời và vùng biển có luật pháp quốc tế cho phép. Nước Mỹ và các nước đồng minh cũng như hầu hết các nước có đủ khả năng hàng không và đủ khả năng hàng hải đều thực hiện quyền tự do lưu thông như vậy. Một quyền tự do đi lại trong số nhiều quyền tự do căn bản đã được luật pháp quốc tế công nhận từ rất nhiều năm qua.

Vào ngày 25/10/2015 chiếc khu trục hạm USS Lassen của Hải Quân Mỹ đã thi hành chiến dịch Tự Do Lưu Thông trong phạm vi 12 hải lý của bãi đá ngầm Subi Reef/Đá Vành Khăn một trong số bảy hòn đảo nhân tạo của Tàu Cộng đã đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Một lần nữa vào ngày 30/1/2016 chiếc khu trục hạm USS Curtis Wilbur của Hải Quân Mỹ đã tiếp tục thi hành chiến dịch Tự Do Lưu Thông trong phạm vi 12 hải lý của đảo Triton/Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa, một vùng biển đảo đã đang bị Tàu Cộng kiểm soát và đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.

Để thực hiện quyền tự do lưu thông, một thứ quyền tự do căn bản, cho nên trong những tháng 11/2013 và tháng 12/2015 Không Quân Mỹ cũng đã cho những chiếc pháo đài bay B52 thi hành chiến dịch Tự Do Lưu Thông bay trên vùng trời của vùng ADIZ Tàu Cộng ở Biển Hoa Đông, và trên vùng trời của các đảo nhân tạo của Tàu Cộng ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông Nam Á. Như vậy, Không Quân Mỹ và Hải Quân Mỹ đã đang thi hành chiến dịch Tự Do Lưu Thông trên những vùng trời và vùng biển ở Đông Á cũng như ở Đông Nam Á để tạo ra một động lực mạnh mẽ thúc đẩy các nước cùng làm theo chiến dịch Tự Do Lưu Thông do nước Mỹ chủ động khởi xướng. Đối với các sự kiện hải hành của hai chiếc khu trục hạm USS Lassen và USS Curtis Wilbur, và các sự kiện phi hành của những chiếc pháo đài bay B52 vừa kể trên thì phản ứng giận dữ của Tàu Cộng là dễ đoán trước, nhưng lần này mới đây ở quần đảo Hoàng Sa thì phản ứng của Việt Nam lại có vẻ ôn hòa hơn khi tuyên bố Việt Nam ủng hộ “quyền quá cảnh đi qua vô hại/the right of innocent passage” của các chiến hạm Hải Quân Mỹ trong lãnh hải của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ở nước Mỹ vào hai ngày 15, 16/2/2016 có một cuộc hội nghị thượng đỉnh quan trọng bất thường, bên ngoài khung tổ chức của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á/ASEAN và là lần thứ nhất của một tổng thống Mỹ chủ động mời đủ mười người lãnh đạo chính phủ của mười nước thành viên ASEAN tới tham dự hội nghị diễn ra tại Sunnylands, nam California. Cuộc hội nghị thượng đỉnh này có một tín hiệu mạnh mẽ là nước Mỹ đã đang và sẽ kiên quyết trước sau như một thực hiện chính sách Xác Lập Cân Bằng Xoay Trục Á Châu. Địa điểm Sunnylands cũng là nơi vào năm 2013 trước đây TT Obama đã mời Chủ Tịch Tàu Cộng Xi tới để cùng “hàn huyên tâm sự, bày tỏ thiệt hơn” giữa hai nước Hoa Kỳ và Hoa Lục. 

Năm 2016 này nước Mỹ muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nước ASEAN đã từng và hiện đang có cái Mẫu Số Chung Tự Do với nước Mỹ, mặc dù ASEAN đang có thêm các nước thành viên mới trong thời gian những năm gần đây và sau Chiến Tranh Việt Nam chấm dứt. Đó là những nước Việt Nam, Cao Miên, Lào, và Miến Điện. Họ là những nước đã từng chịu ảnh hưởng nặng nề của Hoa Lục Tàu Cộng, một nước láng giềng đại lục rộng lớn, mạnh mẽ, và hung hăng. Một cách khách quan người ta đã có những nhận định chính trị về cái ý thức hệ cộng sản Mao-ít trong khu vực Đông Nam Á, nó có thể vẫn còn ít nhiều tác động ám ảnh não trạng của những người cầm quyền hiện nay ở Hoa Lục, Việt Nam, Cao Miên, và Lào, và đây đúng là một vấn đề vẫn còn cần nhiều quan tâm. 

Chính vì những lý lẽ vừa nêu trên, trong tuần lễ trước cuộc hội nghị thượng đỉnh Sunnylands 2016, ông Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry đã tới thăm viếng hai nước Lào và Cao Miên. Ông ngoại trưởng Kerry đã xếp đặt những điều cơ bản quan trọng cho cuộc hội nghị thượng đỉnh Sunnylands 2016 này, vì năm nay 2016 nước Lào được giữ chức vụ chủ tịch ASEAN. Có một chuyện cần phải lưu ý, quan tâm là Hoa Lục Tàu Cộng có thể gây áp lực với nước Lào để lặp lại sự thất bại của ASEAN năm 2012 khi nước Cao Miên làm chủ tịch. Thông cáo chung của hội nghị ASEAN năm 2012 nước Cao Miên đã bị áp lực của Tàu Cộng nên tránh không đề cập gì tới vấn đề Biển Đông Nam Á (South China Sea). 

Những nỗ lực ngoại giao của ông ngoại trưởng Kerry ở hai nước Lào và Cao Miên là để tạo ra kết quả một bản thông cáo chung của hội nghị ASEAN và nước Mỹ có đề cập tới những tranh chấp trong vùng Biển Đông Nam Á như là một vấn đề quốc tế hiện tại rất quan trọng có liên quan tới rất nhiều nước không chỉ là một vấn đề song phương giữa Hoa Lục Tàu Cộng với từng nước một trong khu vực mà Tàu Cộng muốn dùng áp lực để giải quyết riêng lẻ. Nhất là nước Mỹ luôn luôn khuyến khích, ủng hộ sự đoàn kết của hai nước đã đang là cộng sản Lào và Cao Miên đã phải chịu đựng ảnh hưởng sâu rộng, nặng nề của ý thức hệ Mao Cộng trong việc đối phó với sức mạnh bành trướng, đồng hóa, rồi sáp nhập vào Hoa Lục của Tàu Cộng trong khu vực Đông Nam Á. 

Cho dù cuộc hội nghị thượng đỉnh của nước Mỹ và ASEAN không làm cho Tàu Cộng lo sợ, nhưng trên thực tế cho thấy rõ ràng nước Mỹ và các nước Đông Nam Á có một Mẫu Số Chung Tự Do nên càng ngày càng có thêm nhiều hậu thuẫn từ các nước Ấn Độ, Nhật, Úc; ngược lại, Hoa Lục Tàu Cộng không có chung với ai một thứ gì nên càng lúc càng bị cô lập. Cuộc hội nghị thượng đỉnh Sunnylands 2016 đối với nước Mỹ quan trọng, bởi vì nó là một cuộc hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nước Mỹ và các nước ASEAN diễn ra trên nước Mỹ, và nó cũng phản ảnh một niềm tin cá nhân mãnh liệt của TT. Obama về tính cách rất quan trọng và thiết yếu của việc liên hệ, kết hợp với các nước Đông Nam Á xuyên qua những tổ chức khu vực có cơ chế liên hiệp đa phương nhiều nước để xác lập cân bằng những liên kết song phương đã đang có giữa nước Mỹ với các nước đồng minh nhiều năm trong khu vực. 

Nói cụ thể dễ hiểu hơn là nước Mỹ mong muốn các nước Đông Nam Á và các nước lớn có liên quan đều đảm nhận trách nhiệm có chia sẻ quyền lực và lợi ích được đặt nền tảng trên Mẫu Số Chung Tự Do. Hơn nữa, cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands 2016 là một dịp tốt để TT.Obama nhắc cho Nhân Dân Mỹ và vị Tổng Thống Mỹ kế tiếp nhiệm kỳ 2017-2021 một nhận định rõ ràng sự quan trọng thích đáng của các nước trong khu vực Biển Đông Nam Á. Một khu vực biển đã đang và sẽ vẫn còn những hải lộ rất quan trọng cho giao thương mậu dịch quốc tế và có trị giá rất nhiều ngàn tỉ đôla Mỹ; còn hơn thế nữa là ở dưới đáy biển trong khu vực này hiện đang có quá nhiều đường dây cáp quang điện toán liên mạng có thực chất vô giá không thể tính bằng tiền. Quả thật một khu vực Biển Đông Nam Á rất cần mọi nước có liên quan phải bảo vệ cho nó không bị bất cứ một quốc gia nào cưỡng chiếm, độc quyền cai quản, và rồi làm thiệt hại tới những lợi ích chung.

Cũng có một chi tiết cần nên nhắc lại là không phải vì sự kiện TT.Obama đã được sinh ra ở tiểu bang Hawaii giữa Thái Bình Dương, và có vài năm thơ ấu đã từng sống ở nước Nam Dương, nên TT. Obama đã chủ trương thực hiện triệt để chính sách Xác Lập Cân Bằng Xoay Trục Á Châu, và Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương/TPP; nước Mỹ cũng còn là một nước Á Châu vì có một bờ biển phía tây rất dài ở trên Vành Đai Thái Bình Dương. Những người cầm quyền Hoa Lục Tàu Cộng không thể nói rằng nước Mỹ là một nước bên ngoài Á Châu không có liên can gì tới vấn đề Biển Đông Nam Á (South China Sea) ở phía Tây Thái Bình Dương. Trong những ngày gần đây Tàu Cộng đã lên tiếng gian xảo, ngụy biện cho việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở vùng Biển Đông Nam Á bằng cách so sánh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã đang bị Tàu Cộng chiếm đóng là việc làm cần thiết cho quốc phòng của Hoa Lục Tàu Cộng; nó cũng giống như quần đảo Hawaii cần thiết cho quốc phòng của nước Mỹ, hay lục địa Bắc Mỹ. 

Thật đúng là một luận điệu gian xảo, ngụy biện so sánh ngu xuẩn có một không hai, không ai xuẩn động sánh bằng Tàu Cộng; bởi vì ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thì Tàu Cộng chỉ sở hữu những đảo nhân tạo hoặc những đảo bị cưỡng chiếm của nước khác và còn đang tranh chấp chủ quyền, trong khi quần đảo Hawaii đích thực là một tiểu bang, một nước nhỏ có một nền kinh tế, văn hóa, giáo dục, và một hệ thống tư pháp, hành pháp, lập pháp riêng của tiểu bang Hawaii hoạt động hài hòa trong một Liên Bang Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, gọi tắt là nước Mỹ. Như vậy, không có ai quá ngu xuẩn để so sánh những đảo nhân tạo hoặc những đảo cưỡng đoạt của nước khác với tiểu bang Hawaii của nước Mỹ!

Hơn nữa, trong chiến lược toàn cầu của Mỹ cũng vì khu vực Đông Nam Á mà lính Mỹ đã trực tiếp tham chiến trợ giúp nước VNCH ngăn chặn làn sóng cộng sản lan tràn trong khu vực. Người ta đã nhận định một cách khách quan trên phương diện quân sự, sau trận Ném Bom Giáng Sinh 1972 những người cầm quyền CS Bắc Việt đã thua TT. Nixon khi họ phải nhanh chân trở lại Paris để ký kết HĐHB Paris/Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973, bởi vì họ đã đồng ý chấm dứt gây chiến tranh để xác lập hòa bình, và giải quyết tranh chấp quyền lãnh đạo xã hội, thống nhất nước Việt Nam bằng việc thực hiện quyền Dân Tộc Tự Quyết trong cuộc tổng tuyển cử tự do toàn quốc có sự giám sát của quốc tế. Rất rõ ràng cái HĐHB Paris 1973 là một thành công quân sự của nước Mỹ đã chặn đứng mũi tấn công bằng phương tiện quân sự của cộng sản quốc tế vì các nước Đông Nam Á vẫn đứng vững trong thời gian tiếp theo đó.

Trên thực tế nước VNCH đã bị cưỡng chiếm là một bài học ngoại giao đắt giá cho nước Mỹ, và nhất là một bài học luôn phải ghi nhớ rằng một hiệp định hoà bình hay bất cứ một hiệp định loại nào cũng cần phải có một “lực lượng chấp pháp nghiêm chỉnh” để ngăn chặn, trừng phạt các loại vi phạm của đối phương. Quả thật HĐHB Paris 1973 đã thiếu sót một thứ “lực lượng chấp pháp nghiêm chỉnh” phù hợp với luật pháp Mỹ và thích hợp với luật pháp quốc tế vào thời điểm HĐHB Paris 1973 có hiệu lực để giúp cho nước Mỹ đã không phải chịu nhục vội vàng ra đi trong thời hạn 24 giờ đồng hồ trong ngày 29/4/1975, và tiếp theo đó lại phải rất đau lòng nhìn thấy nước VNCH bị ép buộc đầu hàng cộng sản vào ngày 30/4/1975. Người ta cũng nhận thấy rằng nước Mỹ và người Mỹ một cách cay đắng biết học từ những lỗi lầm của họ để họ có thể tiếp tục làm đúng hơn và làm tốt hơn những việc khác.

Trở lại cuộc hội nghị thượng đỉnh Sunnylands 2016 đã thảo luận chung về những vấn đề rộng lớn như hợp tác chống khủng bố, hợp tác giữ gìn an ninh hàng hải và an ninh hàng không, cũng như hợp tác khai thác các ngành kỹ thuật và đầu tư nguồn vốn thương mại. Tuy nhiên ngay trong lúc này thì hầu hết mọi người đều tập trung sự chú ý vào cái quyết định của Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển/ITLOS. Cái quyết định này dự trù sẽ được phổ biến trong tháng 3/2016 sắp tới để thông cáo cho mọi người và các bên có liên quan biết tình trạng pháp lý của các thực thể đảo nhân tạo trong sự tranh chấp chủ quyền ở các vùng Biển Đông Nam Á (South China Sea). Cho dù Hoa Lục Tàu Cộng vẫn cứ ngoan cố không chấp nhận phán quyết của tòa án ITLOS, nhưng đây chính là những khởi điểm xung đột giữa Hoa Lục Tàu Cộng với năm nước Phi, Việt, Đài Loan, Brunei, Mã Lai là thành viên của ASEAN. Những khởi điểm xung đột này với mức độ nguy cơ rất cao gây ra khủng hoảng nghiêm trọng trong khu vực Biển Đông Nam Á có một nửa lưu lượng giao thương mậu dịch quốc tế đi qua đi lại mỗi năm. Lẽ tất nhiên là các nước nhỏ không có khả năng quân sự mạnh, không thể một mình trực tiếp đối đầu với Hoa Lục Tàu Cộng, nên họ phải liên kết với nhau và yêu cầu công lý của luật pháp quốc tế ITLOS. Vì vậy trong cuộc hội nghị thượng đỉnh Sunnylands 2016 giữa nước Mỹ và ASEAN đã thảo luận những phương cách nào để đối phó lại sự gia tăng căng thẳng đối nghịch trong khu vực Biển Đông Nam Á.

Một cách tế nhị Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển/ITLOS không có ý định giải quyết toàn bộ những tranh chấp chủ quyền lãnh hải có ranh giới chồng chéo lên nhau, nhưng tòa án sẽ có quyết định về các vấn đề chính là cái tính chất hợp lệ, cái giá trị pháp lý của sự yêu cầu đường-ranh-giới-chín-đoạn của Hoa Lục Tàu Cộng và tình trạng lãnh hải hợp pháp của các vùng biển đảo dựa theo yêu cầu đường ranh giới; một cách cụ thể phải khẳng định là các bãi đá ngầm đã được cải tạo, xây dựng thành đảo, như vậy là đảo nhân tạo hay là đảo thiên nhiên, để căn cứ theo đó xác định nó có giá trị pháp lý của Vùng Đặc Quyền Kinh Tế/EEZ, một hiện trạng Thềm Lục Địa/Continental Shelf hợp lệ.

Ở vào thời điểm này của Hoa Lục Tàu Cộng là đang ve vãn, quyến rũ các nước Đông Nam Á đi vào Con Đường Tơ Lụa trên mặt biển ngàn trùng sóng gió, nhưng Tàu Cộng vẫn giữ cái lập trường và thái độ hung hăng cướp biển của Tàu Cộng trong các vấn đề tranh chấp Biển Đông Nam Á thì có nước nào dám can đảm đi theo. Một cách trực tiếp cái phán quyết của ITLOS có sức thúc đẩy mạnh để tạo ra một Bộ Qui Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông/Code of Conduct/COC Ở Biển Đông Nam Á có đầy đủ ý nghĩa, và cũng có thể tạo một cơ hội cho các nước ASEAN đoàn kết hơn để thống nhất ý chí trong những nghị quyết của ASEAN. Đây cũng là một tình thế rất tế nhị của các nước ASEAN phải đối xử cùng lúc muốn có tối đa giao thương mậu dịch với Hoa Lục và cũng muốn có quan hệ bảo vệ an ninh gần hơn với Hoa Kỳ trên căn bản Mẫu Số Chung Tự Do./.



Sài Gòn, Chủ Nhật 28/2/2016 

Oan đến thế là cùng

Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Tại sao oan đến thế là cùng! Dân nước người ta, ngay cả dân Việt Nam mình thời Thực dân Phong Kiến nói chung, thời “Mỹ Ngụy kìm kẹp cực kỳ, bóc lột hoành tráng” nói riêng, dân oan không phải là không có, nhưng còn được mở miệng kêu oan, thậm chí kêu lên tòa án, được tòa xử đúng theo luật pháp, chẳng hạn như vụ Nọc Nạn năm 1928 (1). Tức là dân oan còn có lối thoát, nếu không được giải oan, thì nỗi oan cũng ngừng lại ở mức đó. Phải đợi cho đến thời đại Hồ Chí Minh, dân Việt Nam mới... oan đến thế là cùng! Vì oan mà không được mở miệng kêu oan. Nếu ai can đảm mở miệng kêu oan hoặc chống lại bọn cướp trắng ngang xương tài sản mình là bị tòa án XHCN buộc tội “chống nhân viên nhà nước thi hành công vụ”. hoặc khi bị bắt oan vào đồn Côn an...

*

Nếu Đạo Phật và Đạo Chúa dạy rằng, lấy oán báo oán, oán chồng chất, thì trong “Đạo Bác” đang hành dân trong nước Việt Nam, Dân oan kêu oan, chỉ chuốc thêm oan.

Như ai cũng đã biết, “đức tính” của oán và oan: chữ chỉ khác nhau một cái dấu sắc, ý thì cùng là “của nợ” cả, song “tinh thần” mỗi thứ “của nợ” lại khác nhau xa: một bên nên quên đi, một đàng phải đòi lại. 

Đã bị oán rồi, nay lại lấy oán đi báo oán, tuy có được “đã nư” chốc lát nhưng hậu quả là chuốc thêm oán vận mãi vào thân, nên người ta có thể bỏ qua việc báo oán. Trái lại, khi bị oan, mấy ai trên đời này mà chẳng kêu oan, nhất là nỗi oan mất nhà mất đất, mất tự do, mất quyền làm người, mất đủ thứ, kể cả mất mạng trong đồn Côn an.

Xưa nay, trong cõi người ta, không ai thoát được khỏi tay “Tứ trụ”: Sinh, Lão, Bịnh, Tử. Nhưng từ sau ngày Việt Nam bị “Đạo Bác” nó hành, người dân nước này bị thêm một “trụ” nữa là Oan, thành “Ngũ trụ”: Sinh, Lão, Bệnh, Tử và Oan!

Nói dân Việt Nam bị “Ngũ trụ” như trên, thế nào cũng bị Dư luận viên “bức xúc”, phản bác ngay, rằng dân oan chứ cán bộ đảng viên đâu có bị oan. Đúng là trình độ hiểu biết về lịch sử Đảng của DLV quá kém cỏi: người tuổi tác cỡ ông bà cố tổ nội ngoại của DLV mà cũng phải gọi cậu Cu Côn bằng Bác thì không oan là cái gì; chẳng những thế, chính bản thân cha già DT cũng bị oan khi bị đám nhi đồng cỡ cháu của DLV gọi phạm thượng là “Bác Hồ”, thay vì “Cụ cố ”, “Cụ tổ”, “Cụ tỷ”... Hồ.

Trở lại chủ đề “Oan đến thế là cùng”. Sở dĩ tác giả có được cái tựa “nghe quen quen” như trên, cũng là vì nhập tâm lời bác Cả Lú oánh giá kết quả Đại họa Đảng thành công rực rỡ vừa rồi, là “...Dân chủ đến thế là cùng”. Xin gửi nơi đây một phát cảm ơn bác Lú gợi hứng thú... Oan đến thế là cùng! 

Tại sao oan đến thế là cùng! Dân nước người ta, ngay cả dân Việt Nam mình thời Thực dân Phong Kiến nói chung, thời “Mỹ Ngụy kìm kẹp cực kỳ, bóc lột hoành tráng” nói riêng, dân oan không phải là không có, nhưng còn được mở miệng kêu oan, thậm chí kêu lên tòa án, được tòa xử đúng theo luật pháp, chẳng hạn như vụ Nọc Nạn năm 1928 (1). Tức là dân oan còn có lối thoát, nếu không được giải oan, thì nỗi oan cũng ngừng lại ở mức đó.

Phải đợi cho đến thời đại Hồ Chí Minh, dân Việt Nam mới... oan đến thế là cùng! Vì oan mà không được mở miệng kêu oan. Nếu ai can đảm mở miệng kêu oan hoặc chống lại bọn cướp trắng ngang xương tài sản mình là bị tòa án XHCN buộc tội “chống nhân viên nhà nước thi hành công vụ”. hoặc khi bị bắt oan vào đồn Côn an, không chịu nhận tội vu oan là bị CA“cho” chết oan luôn tại chỗ, còn bị bồi thêm một lần oan nữa là chết vì tự vận hoặc đột tử do bệnh nan y.

Mà nào đâu phải dân oan chỉ lác đác đây đó dăm ba người lẻ tẻ, dân oan nổi lên đầy dẫy ba miền đất nước. Hình ảnh mới nhất là Ngày 27 Tháng 2 vừa qua, dân oan cả nước xuống đường kêu oan, nhưng họ đã bị nhà nước tự cho là "của dân do dân vì dân" CSVN đã đối xử với đồng bào mình như thế nào, báo đài đã nói viết đầy dẫy trên mạng lưới toàn cầu… xin được phép miễn kể ra đây.

Thật là không dân nào bằng dân Việt trong "Thời đại Hồ Chí Minh", Đảng quang vinh muôn năm là nhờ... Dân bị oan đến thế là cùng!




Ghi chú:

Phú Quốc Safari: Thông tin chưa chính xác hay sai sự thật?

Người Quan Sát (Danlambao) - Để trả lời báo chí về thông tin hàng ngàn con thú chết tại Vinpearl Phú Quốc Safari theo công bố trên blog của chuyên gia sở thú Peter Dickinson, phóng viên báo Công an Nhân dân cho rằng: “Thông tin hàng ngàn động vật chết hoàn toàn sai sự thật” (1)


Sự thật là gì?

Sự thật là có thú chết tại vườn thú.

Và sự thật là VinGroup chăm sóc vài nhà báo khá kỹ từ bữa ăn đến giấc ngủ và cả bao thư lót tay, để rồi kết quả của chuyến đi thực tế nghỉ dưỡng tại Vinpearl Phú Quốc Resort là những bài báo dạng “thông cáo” như trên.


Với sự chăm sóc của VinGroup, nhiều báo đã tự biến mình trở thành công cụ PR cho doanh nghiệp và bỏ rơi chức năng thông tin trung thực đến người đọc. Và VinGroup điềm nhiên tuyên bố im lặng không trả lời các câu hỏi có tính minh bạch thông tin.

Phát ngôn của đại diện các ban ngành có chức năng liên quan đến vụ thú chết tại Vinpeal Safari Phú Quốc (VSPQ) cũng trái ngược nhau. Con số động vật chết cũng không khớp nhau. 

Điểm quan trọng là thông tin đều từ VinGroup đi ra mà không có sự kiểm nghiệm độc lập.

Việc nhập thú về VSPQ đến lúc này lại là vấn đề lớn khi các cá nhân bị tố cáo có liên quan đến đường dây vận chuyển thú hoang dã Nam Phi do Quỹ cứu hộ động vật toàn cầu (IARF) lần lượt xóa ảnh và giấu hết thông tin đã công bố trước đó trên Facebook cá nhân của mình.

(Người đàn ông áo xanh trong ảnh, được cho là cha của Chu Đăng Khoa - chồng của cô Vân Anh Lê, người công bố bộ ảnh nhập khẩu động vật hoang dã Nam Phi từ sân bay về Vinpearl Phú Quốc Safari, đã khoe trên Facebook rằng: ông ta nuôi tê giác tại trang trại và cắt sừng)

Chu Đăng Khoa bị tình nghi có liên quan đến đường dây buôn bán động vật hoang dã.

Liệu Vinpearl Safari Phú Quốc hay nói rộng hơn là tập đoàn VinGroup có tiếp tay cho những hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép hay không?

Câu trả lời có lẽ còn ở phía trước khá xa, khi thực tế việc thông tin thú chết ở VSPQ trở thành “chuyện nhạy cảm” và liên quan đến “an ninh chính trị”.

Xây dựng vườn thú trong rừng quốc gia có nguy cơ phá vỡ cân bằng hệ sinh thái tại khu vực đảo Ngọc Phú Quốc hay không? Với mục tiêu phát triển du lịch và bất chấp nhiều thứ để chiếm lấy đất rừng, xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf.. đẩy người dân bản địa ra khỏi nơi sinh sống của mình, ai là người chịu trách nhiệm?

Những câu hỏi này, có lẽ mãi mãi sẽ không có lời đáp trước các tập đoàn đầy thế lực như VinGroup- một kiểu thực dân mới trỗi dậy khi có hậu thuẫn là nhà cầm quyền tại Việt Nam.



Kế hoạch dự bị của Hoa Kỳ trong trường hợp chiến tranh với TC

Robert Beckhusen * Phạm Ðức Duy (Danlambao) dịch - Hoa Kỳ không còn có thể dựa vào các căn cứ không quân của mình tại Thái Bình Dương để tránh khỏi các cuộc tấn công tên lửa trong một cuộc chiến tranh với TC. Trái lại, một bài báo đăng vào năm ngoái 2015 của cơ quan RAND đã lưu ý rằng trong trường hợp xấu nhất, “nếu phòng thủ thiếu kín đáo, các cuộc tấn công lớn hơn, chính xác và kéo dài có thể sẽ đưa đến những tàn phá, thiệt hại lớn về máy bay và đóng cửa các phi trường trong một thời gian dài”.

Căn cứ không quân Hoa Kỳ Kadena ở Okinawa tại Nhật, tương đối gần đại lục, sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Vào tháng 9 năm 2015, TC cũng đã công khai tiết lộ loại tên lửa đạn đạo mới DF-26, từ đại lục có thể tấn công căn cứ không quân Hoa Kỳ Andersen ở Guam, cách xa 3.000 dặm. Andersen và Kadena là hai căn cứ lớn nhất và quan trọng nhất của quân đội Hoa Kỳ ở nước ngoài.

Tinian, hòn đảo nhỏ gần đảo Guam đang từ từ trở thành một trong những căn cứ dự bị của Không quân Mỹ. Ngày 10 tháng 2 vừa qua, Tinian đã được chọn như một sân bay chuyển hướng “trong trường hợp căn cứ không quân Andersen ở Guam, hoặc các căn cứ khác ở vùng tây Thái Bình Dương bị hạn chế hoặc phong tỏa.”

Trong ngân sách dành cho năm 2017, Ngũ Giác Ðài đã yêu cầu 9 triệu đô la để mua 17,5 mẫu đất “trong việc hỗ trợ các hoạt động chuyển hướng và các đề nghị ​​tập luyện quân sự”, báo Saipan Tribune đưa tin. Trong thời bình, Không quân Mỹ ước lượng sân bay Tinian sau khi được mở rộng sẽ chứa “lên đến 12 máy bay tiếp nhiên liệu và một đội ngũ nhân viên hỗ trợ cho các hoạt động chuyển hướng”.

Tinian hiện giờ là một nơi buồn tẻ.

Trong Thế chiến II, Sư đoàn 2 và 4 Marine của Mỹ đã chiếm hòn đảo, và sau này các phi cơ B-29 Superfortress Enola Gay và Bockscar đã cất cánh từ sân bay North Field tại Tinian và thả hai trái bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasakị Từng là một kho vũ khí trong thời chiến, hiện nay hầu hết các đường băng tại North Field bị bỏ hoang, không được sử dụng. West Field, một căn cứ không quân khác trên đảo lúc trước, hiện chỉ là một sân bay quốc tế nhỏ, ít được biết đến.

Lúc đầu Hoa Kỳ muốn dùng Saipan làm phi trường quân đội. Cách Tinian không xa, Saipan có dân số 15 lần hơn Tinian, một phi trường lớn hơn và một bến cảng. Nhưng đề xuất này đã gặp phải sự phản đối của các nhà hoạt động địa phương do các hiệu ứng về “san hô, nước sạch, giao thông vận tải địa phương và các yếu tố kinh tế xã hội đối với cộng đồng xung quanh,” báo Stars and Stripes đã đề cập.

Phe chống đối lập thậm chí bao gồm cả giới ủng hộ việc kinh doanh trong đó có cả Phòng Thương mại của Saipan. Họ lo ngại rằng phi trường rỉ sét Tinian sẽ bị bỏ rơi trong lần chi tiêu lớn của Ngũ Gia’c Ðài kỳ này. Phi trường Saipan hiện cũng đang quá tải, và dân địa phương không hài lòng về triển vọng của hàng trăm phi công bay đến cho các khóa diễn tập quân sự kéo dài tới tám tuần mỗi năm.

Có thể nói đây là một sự lập lại quá khứ. Lúc trước Hoa Kỳ đã phân tán các căn cứ không quân ở những mức độ khác nhau và ở nhiều nơi trên thế giới trong thời chiến tranh lạnh. Nhưng từ khi mối đe dọa của một cuộc tấn công tên lửa từ phía Liên Xô không còn nữa và lúc ngân sách quốc phòng sau Persian Gulf War bị cắt giảm nhiều trong thập niên ‘90, Hoa Kỳ đã chuyển sang xu hướng dùng những căn cứ rất lớn (mega-base) hoạt động theo quy mô kinh tế.

Tuy nhiên trong thời chiến mô thức phân tán các căn cứ quân sự có xác suất tồn tại nhiều hơn, Alan Vick của RAND đã nghiên cứu và kết luận trong năm 2015:

“Phân chia những phi cơ trên nhiều căn cứ khác nhau tạo ra khả năng phòng hờ, dư bị trong lãnh vực điều hành trên mặt đất và các cơ sở. Điều này giúp tăng cường sự an toàn cơ bản của các chuyến bay bằng cách cung cấp nhiều chỗ đáp hơn cho những trường hợp cần chuyển hướng khẩn cấp hoặc lúc thời tiết xấu. Nó còn làm tăng số lượng các sân bay mà địch phải theo dõi và có thể gây khó khăn hơn cho kẻ thù lúc nhắm mục tiêu (một phần vì số lượng di chuyển giữa các căn cứ của các lực lượng bạn gia tăng).”

“Ít nhất, so với mô thức tập trung, phân tán (vì làm tăng tỷ lệ đường băng và máy bay) buộc phía địch phải sử dụng nhiều năng lực đáng kể hơn để tấn công những đường băng. Mô thức phân tán cũng làm tăng chi phí xây dựng và điều hành các phi cơ trên nhiều căn cứ chính. Để giảm thiểu những chi phí này, mô thức phân tán có xu hướng dùng những căn cứ nhỏ, khiêm tốn hơn, đôi khi, có thể chỉ là những đường băng.”

27/2/2016

Gia đình Cựu TNLT Minh Nhật gặp gỡ đại diện các chính phủ quốc tế

Thái Văn Dung (GNsP) – Tình trạng nhà cầm quyền cs sử dụng côn đồ đàn áp, hành hung và khủng bố cá nhân và gia đình Cựu TNLT Trần Minh Nhật là mối quan tâm của Khối Liên Minh Châu Âu và Đại sứ quán Hoa Kỳ trong những ngày vừa qua.

Điều này được các vị đại diện Khối Liên Minh Châu Âu (EU) và Đại sứ quán Hoa Kỳ chia sẻ với ông Trần Khắc Chín–bố của Minh Nhật, nhóm Cựu TNLT trẻ sống tại Vinh và một số thân hữu vào ngày 26.02.2016, tại trụ sở EU, số 2 Đào Tấn, Hà Nội.

Trong buổi tiếp xúc, đại diện khối EU gồm có ông Juan Zaratiegui Biurrun-Cố vấn chính trị văn phòng EU, ông Graham Knight-Đại sứ quán Anh, ông Fre’de’ric Ceuppens-Vương quốc Bỉ, ông Felix Schwarz Đức, bà Victoria Rhodin Sandstrom-Đại sứ quán Thuỵ Điển và ông David Muehlke-Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Về phía nhóm Cựu TNLT trẻ sống tại Vinh và thân hữu gồm có Cựu TNLT Chu Mạnh Sơn, Cựu TNLT Nguyễn Văn Oai, Cựu TNLT Nguyễn Đình Cương, Cựu TNLT Thái Văn Dung. Ngoài ra có sự tham dự của ông Lê Đình Lượng và anh Trần Khắc Sáng là những người quan tâm và cổ võ Quyền Con Người ở VN.

Trong buổi gặp gỡ, Cựu TNLT Nguyễn Văn Oai –một trong những người quan tâm đến tình cảnh của gia đình Nhật- đã trình bày những hành vi khủng bố, đe doạ tinh thần, sức khoẻ và tính mạng đối với gia đình cựu TNLT này do côn đồ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng gây ra. Anh Oai nói:

“Nhà cầm quyền huyện Lâm Hà triệt hạ kinh tế, khủng bố sách nhiễu gia đình, chặt cây tiêu, cà phê, bơ và xịt thuốc cho các cây này chết hết. Đặc biệt là họ còn dàn dựng một vụ cháy bên cạnh nhà giữa lúc đêm khuya, nếu gia đình không phát hiện kịp thì e rằng cả gia đình Nhật sẽ bị thiêu cháy. Không dừng lại ở đó, họ còn rải thuốc độc xung quanh vườn của gia đình làm gia súc trong nhà bị chết, làm cho gia đình và hàng xóm có dấu hiệu chóng mặt, nôn ói…”

Cựu TNLT Oai là một trong những nạn nhân bị côn đồ Lâm Hà hành hung khi anh và những người yêu mến Minh Nhật đến thăm gia đình và đón Cựu TNLT này trong ngày mãn hạn tù, vào cuối tháng 8.2015 vừa qua.

“Nhà cầm quyền đã bắt giữ, giam cầm chúng tôi một cách hết sức phi lý, bất công khi chúng tôi chỉ lên tiếng cho lẽ phải, đòi phải thực hiện dân chủ, nhân quyền trên đất nước của chúng tôi.” Cựu TNLT Oai khẳng định.

Đặc biệt ông Trần Khắc Chín tường thuật lại những sách nhiễu, khủng bố của nhà cầm quyền đã gây ra cho gia đình suốt hơn 6 tháng vừa qua và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ông cũng là người chứng kiến Nhật bị công an Thị trấn Đinh Văn chặn xe, ép xe, đánh và bóp cổ Nhật khi Nhật đi khám bệnh, trầm trọng hơn khi Nhật bị một nhóm công an đánh hội đồng trước sự chứng kiến bất lực của ông và nhiều người dân xung quanh.



Cũng trong buổi gặp gỡ này, Cựu TNLT Thái Văn Dung và Cựu TNLT Nguyễn Đình Cương chia sẻ những khó khăn và sách nhiễu của nhà cầm quyền địa phương đã gây ra cho các Cựu TNLT này và những người có tiếng nói khác nhà cầm quyền.

Nhóm Cựu TNLT này cũng đề cập đến vấn đề đàn áp quyền tự do tôn giáo, ông Lê Đình Lượng nói: “Nhà cầm quyền địa phương cấm cản các sinh viên Công giáo Vinh tham gia khóa học truyền thông Công Giáo được tổ chức tại Vinh; cản trở các sinh viên Công giáo Vinh tham gia các hoạt động từ thiện, thăm viếng người neo đơn. Đặc biệt ông Lượng nhấn mạnh đến vụ việc của Linh mục Đặng Hữu Nam bị côn đồ chặn xe, hành hung đến trọng thương tại xã An Hoà-Quỳnh Lưu dưới sự chứng kiến của trưởng công an xã vào ngày 31.12.2015.”

Sau khi nghe phần trình của nhóm, ông Đại sứ quán Hoa Kỳ- Đavid Muehlke bày tỏ quan ngại của ông đối với trường hợp gia đình Cựu TNLT Trần Minh Nhật. Ông Đại sứ khẳng định, ông đã nhận được các báo cáo về trường hợp đàn áp nhân quyền đối với gia đình Cựu TNLT này. Ông Đại sứ sẽ tiếp tục quan tâm và mong muốn nhóm hãy cập nhập tin tức cho ông mỗi khi cá nhân và gia đình Nhật xảy ra chuyện gì.

Còn ông Felix Schwarz Đức nói rằng: “chúng tôi sẽ xem xét và sẽ kiến nghị với Đức để có cách thức phù hợp giúp các bạn.”

Ông Cố vấn chính trị văn phòng EU-Jann Zaratiegui Biurun nói: “Đến gặp chúng tôi là một sự mạnh mẽ của nhóm khi đang gặp nhiều khó khăn từ phía chính quyền. Các bạn phải dùng chính nội lực của mình để xây dựng đất nước, chúng tôi chỉ giúp một phần nhỏ nào đó cho các bạn.”

“Về lĩnh vực tôn giáo, đây là lĩnh vực chúng tôi quan tâm và kiến nghị với nhà chức trách VN. Chúng tôi hy vọng sẽ có những tác động tích cực để cải thiện về vấn đề này khi Luật về quyền tự do tôn giáo đang được sửa đổi và sẽ thông qua…” Ông Jann Zaratiegui Biurun nói.

Ngoài ra ông còn báo cho nhóm một tin vui ông và phái đoàn vừa gặp TNLT Đặng Xuân Diệu cách đây vài ngày trước, tình trạng sức khoẻ của anh Diệu vẫn tốt.

Đây là tin vui cho nhóm và gia đình TNLT Đặng Xuân Diệu vì đã gần 3 năm gia đình anh không được thăm gặp và không có tin tức gì về anh. Từ ngày anh Diệu bị bắt cho đến nay, anh kiên quyết không nhận tội, không mặc quần áo phạm nhân chính vì thế nhà cầm quyền đã không cho anh thăm gặp gia đình.

Về phía đại diện EU thắc mắc rằng: “khi các bạn được thả tự do thì có điều kiện hay một sự thỏa hiệp gì kèm theo không? Minh Nhật có tham gia hội đoàn, tổ chức nào không mà công an chỉ nhắm vào mỗi anh ấy? Liệu Minh Nhật sẽ bị giam cầm lại?"

Nhóm Cựu TNLT hồi đáp rằng: “Trước khi chúng tôi mãn hạn tù, chúng tôi còn bị thêm án quản chế từ 3-4 năm, và họ đặt điều kiện với chúng tôi rằng nếu chúng tôi từ bỏ con đường đấu tranh, lý tưởng thì họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để chúng tôi làm ăn, còn không thì rất khó nhưng chúng tôi không đồng ý. Sau khi mãn hạn tù, chúng tôi vẫn tiếp tục dấn thân cho nền dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đấu tranh đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập…”

“Về phía cá nhân anh Nhật, sau khi mãn hạn tù, anh tham gia một số khóa học của tổ chức quốc tế như: khóa học của Freedom of expression của Amnesty International, khóa học Justice của Havard, các khóa học về nhân quyền và là phóng viên của Truyền thông Tin Mừng Cho Người Nghèo (GNsP) –do một số Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế trực thuộc Văn phòng Công lý và Hòa bình DCCT Sài Gòn thành lập. Gia đình anh Nhật sống tại khu vực mà được nhà cầm quyền cho là ‘nhạy cảm’, vì là khu làm ăn của các quan chức, và trước đây đã xảy ra nhiều cuộc nổi dậy ở Tây Nguyên đấu tranh đòi quyền tự trị của các dân tộc thiểu số vào những năm 2003, 2004, 2008… Việc anh Nhật hay một trong số những người trong nhóm chúng tôi bị cầm tù lại là có thể xảy ra vì nhà nước VN chỉ có một đảng toàn trị.”

Kết thúc buổi gặp gỡ, nhóm đã cám ơn đến quý đại diện của các chính phủ quốc tế đã quan tâm, dõi theo các hoạt động của các anh em Cựu TNLT và những người có tiếng nói khác với nhà cầm quyền.

“Chúng tôi thật hổ thẹn khi chúng tôi bị bách hại, bị khủng bố sách nhiễu, bị triệt hạ về kinh tế, đe doạ đến tính mạng mà không chạy đến cơ quan ngoại giao của chúng tôi mà chạy đến đây để cầu cạnh, xin sự giúp đỡ của các quý vị. Nhưng vì chúng tôi biết đất nước của các vị là một đất nước tự do, dân chủ, quyền con người được tôn trọng và được bảo vệ. Chúng tôi thèm khát điều đó và ước mong đất nước chúng tôi sẽ được giống như đất nước của quý vị, vì vậy mà chúng tôi có mặt ở đây để xin sự giúp đỡ.” Cựu TNLT Nguyễn Văn Oai bày tỏ.


Cựu TNLT Thái Văn Dung

Tiếng nói của chúng tôi cho các blogger bị bách hại

Marta Wajer * Nguyễn Quang (DĐVN21) - LGT: Lần đầu tiên, tổ chức nhân quyền Phóng viên Không Biên giới và tổ chức Thiên chúa giáo misso đã làm việc chung với nhau và đưa rachiến dịch Thỉnh nguyện thư #freeLy yêu cầu trả tự do cho blogger, nhà báo công dân và linh mục đang bị quản thúc Nguyễn Văn Lý. Hai tổ chức này muốn nhấn mạnh rằng quyền tự do thông tin và tự do tôn giáo không thể tách rời nhau. Mở đầu chiến dịch này là buổi Thảo luận bàn tròn ngày 26 tháng 1 vừa qua tại Berlin (DĐVN21 đã đưa tin).

Xin ký tên ủng hộ thỉnh nguyện thư (song ngữ Đức và Anh) của missio và Phóng viên Không biên giới, ký tên tại đây https://www.openpetition.de/petition/online/freiheit-fuer-nguyen-van-ly-freely.

Tổ chức missio đã phỏng vấn TS Dương Hồng Ân, điều hợp viên của Diễn Đàn Việt Nam 21 và đăng trên trang mạng missio. Sau đây là bản dịch của Nguyễn Quang.


Tự do thông tin và tự do tôn giáo không thể tách rời. Chính vì vậy tổ chức misso và tổ chức Phóng viên Không Biên giới đang cùng kêu gọi trả tự do cho blogger, nhà báo công dân và linh mục đang bị giam giữ Nguyễn Văn Lý. Đó là lý do tại sao họ đã khởi xướng một bản kiến nghị Petition vào ngày 26 tháng Giêng. Trong loạt bài của missio "Tiếng nói của chúng tôi cho các blogger bị bách hại" các blogger khác diễn tả tại sao họ hỗ trợ chương trình hành động này. Hôm nay tiến sĩ Dương Hồng-Ân, điều hợp viên của blog "Diễn Đàn Việt Nam 21", lên tiếng.

Ông cảm nhận gì khi nghe tin về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam?

Đầu tiên tôi nghĩ ngay đến nhiều người can đảm ở Việt Nam dù ở hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm cho chính bản thân mà vẫn tranh đấu cho dân quyền và nhân quyền. Tôi xin tỏ lòng kính trọng và chân thành biết ơn những mẫu người cương trực này.

Ai cũng rõ, các chế độ độc đoán thường không tuân thủ những thỏa ước và nghĩa vụ quốc tế mà họ đã ký kết. Ngay chính quyền Việt Nam mặc dù là thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng công khai xem thường các quyền tự do báo chí, tư tưởng và tôn giáo ngay tại đất nước mình. Các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà báo Blogger phê bình nhà nước bị đối xử ngược đãi một cách có hệ thống.

Để bịt miêng những người đối lập, đồng thời để lừa bịp dư luận thế giới, người cầm quyền ở Hà Nội đã áp dụng những phương pháp xảo quyệt. Nhiều nhà hoạt động cho nhân quyền bị đưa ra tòa với các cáo buộc ngụy tạo như trốn thuế hay phạm tội hình sự. Mới đây các Blogger còn bị côn đồ tấn công và hành hung dã man.

Dù chế độ đàn áp thô bạo những người khác chính kiến, vẫn có những triển vọng tốt trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền. Số người trong nước muốn thực thi quyền tự do tư tưởng, tự do ý kiến càng ngày càng phát triển, khiến chế độ rơi vào „vòng lẩn quẩn“. Càng nhiều người bị bắt giữ thì càng có thêm nhiều tiếng nói phản đối sự cai trị độc đoán của chế độ độc tài Hà Nội. Đây chỉ là vấn đề thời gian, liệu đảng cộng sản Việt Nam còn chịu được áp lực này bao lâu nữa. 

Chúng tôi ở phương Tây có thể làm gì cho các Blogger ở Việt Nam? 

Những nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam đau lòng nhận thấy không có tình đoàn kết quốc tế và thiếu sự quan tâm của báo chí thế giới. Cuộc phản kháng thầm lặng chống lại nhóm quyền lực ở Việt Nam rất tiếc đã không tạo ra được các tựa đề lớn trên báo chí. Thay vào đó người ta thường đọc được các bài phóng sự du lịch thông tin về danh lam thắng cảnh và giá biểu thuận lợi ở những nơi nghỉ mát.

Chính vì khiếm khuyết, thiếu xót này mà sự hỗ trợ của phương Tây cho phong trào nhân quyền ở Việt Nam mang một ý nghĩa trọng đại. Công luận, chính giới, các nhà hoạt động nhân quyền và các tổ chức nhân quyền Đức nên tranh đấu công khai cho các Blogger Việt Nam. Thưc tế đã minh chứng, áp lực quốc tế không hẳn không hiệu quả. Ít nhất trong ba trường hợp, các Blogger được nhiều người biết đến đã được trả tự do nhờ sự can thiệp của quốc tế. Những cuộc gặp gỡ giữa các chính trị gia Đức với blogger Việt Nam trong khuôn khổ công du Việt Nam của họ cũng rất hữu ích. Tôi xin nhắc đến các cuộc đàm luận của Trưởng khối nghị sĩ Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) ở Quốc Hội liên bang, ông Volker Kauder, của Bộ trưởng Kinh tế liên bang, ông Sigmar Gabriel, của thứ trưởng tư pháp liên bang, ông Christian Lange v.v... với với một số nhà hoạt động Việt Nam. Đặc biệt dư luận chú ý đến chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức Hồng Y Reinhard Marx hồi tháng giêng 2016. Đức Hồng Y Marx đã tiếp chuyện với các tín hữu, những nhà bất đồng chính kiến và cả đại diện chính quyền. Trong các cuộc tiếp xúc Đức Hồng Y ông đã tỏ ý rất hỗ trợ cho tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Tại Đức những người Việt bất đồng chính kiến, các Blogger người Việt và các nhóm người Việt hoạt động cho nhân quyền đã tự đảm nhận nhiệm vụ yểm trợ các Blogger ở quê nhà bằng nhiều cách. Họ thông tin cho công luận Đức về những vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, vì hầu như báo chí Đức hiếm tường thuật về các sự bách hại chính trị ở Việt Nam. Họ chuyển dịch các tin tức do các Blogger soạn bằng Việt ngữ qua Đức ngữ và phổ biến rông rải cho công luận qua điện thư hay trên các trang báo mạng. Qua những hình thức này họ trở thành người phát ngôn ở các nước phương Tây cho các Blogger trong nước. Trong chương trình hoạt động của người Việt lưu vong còn có các cuộc biểu tình thầm lặng tại chỗ và hội thảo có sự đóng góp của người Đức. Họ cũng rất mong muốn được sự hợp tác của các tổ chức, các nhóm hoạt động cho nhân quyền và giới blogger Đức. 

Theo ý ông tại sao tự do thông tin và tự do tôn giáo không thể tách rời?

Không có tự do thông tin, ngôn luận và tư tưởng thì không thể có tự do tôn giáo. Không thể chấp nhận được tình trạng nhà nước có thể chọn lựa và chỉ định ai („một công dân bình thường“) được phép tham dự thánh lễ và ai („một công dân phê bình chế độ“ ) không được phép. Đây là điều mà „Ban tôn giáo chính phủ“ muốn đạt được. Ban này kiểm soát mọi hoạt động của từng tôn giáo và kiềm chế sự trao đổi thông tin giữa các tín hữu. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo, Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Hòa Thượng Thích Quảng Độ không được hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do ý kiến. Cụ thể là cả hai vị đều bị giam giữ nhiều năm trong tù cũng như quản thúc tại gia.

Bản tiếng Đức: “Unsere Stimme für verfolgte Blogger”, 25. Februar 2016 / Marta Wajer, missio


Hoà thượng Thích Không Tánh cùng hội đồng Liên Tôn tặng quà đầu năm cho bệnh nhi Ung Bứu và TPB VNCH

Cao Minh Tam - Chủ nhật, ngày 28-2-2016 - nhằm 21 Tháng Giêng Bính Thân, tại Chùa Liên Trì, Quận 2, Sài Gòn đã diễn ra buổi trao tặng quà đầu Xuân Bính Thân cho các bệnh nhi ung bướu, và Quý ông Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa.

Hòa thượng Thích Không Tánh cùng quý Chức sắc Hội đồng Liên tôn đã cầu nguyện cho sức khỏe của bệnh nhi cùng sự bình an cho thân nhân. 

Có 131 bệnh nhi ung bướu nhận quà. Mỗi phần quà có 350 ngàn đồng tiền mặt, con gấu bông (trị giá 50 ngàn đồng), túi bánh kẹo (trị giá 70 ngàn đồng). Tổng phần quà được cộng thành tiền là 61 triệu 570 ngàn đồng. 

Phần quà lớn nhất mà các bệnh nhi cùng gia đình nhận được, chính là sự chia sẻ từ quý Mạnh Thường Quân: Bác sĩ Phan Minh Hiển - Hội Compassion Vietnam Pháp quốc; ông Nguyễn Công Bằng, Tổ chức Vì dân Foundation; Giáo sư Nguyễn Thủy Nam và thân hữu ở Úc, cùng một số quý Ân nhân, quý Phật tử gần xa…

Chiều cùng ngày, lúc 15g, Hòa thượng Thích Không Tánh cùng quý Chức sắc Hội đồng Liên tôn đã trao tặng 125 phần quà đầu Xuân Bính Thân cho các quý ông Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa; tổng giá trị 46 triệu 250 ngàn đồng.

Mỗi phần quà gồm 300 ngàn đồng tiền mặt và hộp bánh trị giá 70 ngàn đồng. Đây là những phần quà được gửi từ Quý Chư tôn Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Hoa Kỳ; Hội Bạn Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Tây Úc; Quý ông Trịnh Hàn Lâm và quý ông Trần Kim Đức của Long Hưng Foundation Canada; Bác sỹ Đỗ Văn Hội - Tổ chức Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Liên bang Hoa Kỳ, cùng Quý Thân hữu Phật tử Hải ngoại chung sự đóng góp.

Tiếp lời của gia đình bệnh nhi ung bướu, của các quý ông Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa, Hòa thượng Thích Không Tánh bày tỏ sự tri ân đến Quý Mạnh Thường Quân, Quý Ân Nhân đã đồng hành cùng chùa Liên Trì trong các chương trình giúp đỡ trẻ em bệnh tật, các cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa bị thương tật và nhiều chương trình thiện nguyện cộng đồng khác.

Trưa cùng ngày, Quý Chức sắc Hội đồng Liên tôn cũng họp mặt đầu Xuân Bính Thân.

Một số hình ảnh về buổi trao tặng quà.


























Kính tường trình từ Chùa Liên Trì, Quận 2, Sài Gòn.