Mẫu số chung của nước Mỹ và hiệp hội các nước Đông Nam Á

Nguyễn Thành Trí (Danlambao) - Các nước Đông Nam Á và nước Mỹ có một Mẫu Số Chung là Tự Do. Lịch sử chiến đấu vì tự do ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á đã chứng minh được rõ ràng là nước Mỹ luôn bảo vệ Mẫu Số Chung Tự Do, và đã cùng góp sức với các nước đồng minh chống lại các chế độ muốn phá hoại cái mẫu số chung này. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh các nước Đông Nam Á là các nước tự do, và vài nước trong số họ đã phải trực tiếp chiến đấu chống bọn cuồng tín cộng sản độc tài để bảo vệ cho tự do của họ. Cụ thể như là Mỹ đã cùng với Nam Hàn chiến đấu chống lại Bắc Hàn và Tàu Cộng để bảo vệ cho người dân Nam Hàn được tự do cho tới nay.

Nước Mỹ cũng đã cùng với miền nam VNCH chiến đấu chống lại CS Bắc Việt và cả khối CS Quốc Tế để giữ cho cả khu vực các nước Đông Nam Á không bị nhuộm đỏ. Trong một thời gian rất dài, trước và sau Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, một trong những đặc điểm của Mẫu Số Chung Tự Do là quyền tự do lưu thông hàng không và hàng hải ở những vùng trời và vùng biển có luật pháp quốc tế cho phép. Nước Mỹ và các nước đồng minh cũng như hầu hết các nước có đủ khả năng hàng không và đủ khả năng hàng hải đều thực hiện quyền tự do lưu thông như vậy. Một quyền tự do đi lại trong số nhiều quyền tự do căn bản đã được luật pháp quốc tế công nhận từ rất nhiều năm qua.

Vào ngày 25/10/2015 chiếc khu trục hạm USS Lassen của Hải Quân Mỹ đã thi hành chiến dịch Tự Do Lưu Thông trong phạm vi 12 hải lý của bãi đá ngầm Subi Reef/Đá Vành Khăn một trong số bảy hòn đảo nhân tạo của Tàu Cộng đã đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Một lần nữa vào ngày 30/1/2016 chiếc khu trục hạm USS Curtis Wilbur của Hải Quân Mỹ đã tiếp tục thi hành chiến dịch Tự Do Lưu Thông trong phạm vi 12 hải lý của đảo Triton/Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa, một vùng biển đảo đã đang bị Tàu Cộng kiểm soát và đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.

Để thực hiện quyền tự do lưu thông, một thứ quyền tự do căn bản, cho nên trong những tháng 11/2013 và tháng 12/2015 Không Quân Mỹ cũng đã cho những chiếc pháo đài bay B52 thi hành chiến dịch Tự Do Lưu Thông bay trên vùng trời của vùng ADIZ Tàu Cộng ở Biển Hoa Đông, và trên vùng trời của các đảo nhân tạo của Tàu Cộng ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông Nam Á. Như vậy, Không Quân Mỹ và Hải Quân Mỹ đã đang thi hành chiến dịch Tự Do Lưu Thông trên những vùng trời và vùng biển ở Đông Á cũng như ở Đông Nam Á để tạo ra một động lực mạnh mẽ thúc đẩy các nước cùng làm theo chiến dịch Tự Do Lưu Thông do nước Mỹ chủ động khởi xướng. Đối với các sự kiện hải hành của hai chiếc khu trục hạm USS Lassen và USS Curtis Wilbur, và các sự kiện phi hành của những chiếc pháo đài bay B52 vừa kể trên thì phản ứng giận dữ của Tàu Cộng là dễ đoán trước, nhưng lần này mới đây ở quần đảo Hoàng Sa thì phản ứng của Việt Nam lại có vẻ ôn hòa hơn khi tuyên bố Việt Nam ủng hộ “quyền quá cảnh đi qua vô hại/the right of innocent passage” của các chiến hạm Hải Quân Mỹ trong lãnh hải của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ở nước Mỹ vào hai ngày 15, 16/2/2016 có một cuộc hội nghị thượng đỉnh quan trọng bất thường, bên ngoài khung tổ chức của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á/ASEAN và là lần thứ nhất của một tổng thống Mỹ chủ động mời đủ mười người lãnh đạo chính phủ của mười nước thành viên ASEAN tới tham dự hội nghị diễn ra tại Sunnylands, nam California. Cuộc hội nghị thượng đỉnh này có một tín hiệu mạnh mẽ là nước Mỹ đã đang và sẽ kiên quyết trước sau như một thực hiện chính sách Xác Lập Cân Bằng Xoay Trục Á Châu. Địa điểm Sunnylands cũng là nơi vào năm 2013 trước đây TT Obama đã mời Chủ Tịch Tàu Cộng Xi tới để cùng “hàn huyên tâm sự, bày tỏ thiệt hơn” giữa hai nước Hoa Kỳ và Hoa Lục. 

Năm 2016 này nước Mỹ muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nước ASEAN đã từng và hiện đang có cái Mẫu Số Chung Tự Do với nước Mỹ, mặc dù ASEAN đang có thêm các nước thành viên mới trong thời gian những năm gần đây và sau Chiến Tranh Việt Nam chấm dứt. Đó là những nước Việt Nam, Cao Miên, Lào, và Miến Điện. Họ là những nước đã từng chịu ảnh hưởng nặng nề của Hoa Lục Tàu Cộng, một nước láng giềng đại lục rộng lớn, mạnh mẽ, và hung hăng. Một cách khách quan người ta đã có những nhận định chính trị về cái ý thức hệ cộng sản Mao-ít trong khu vực Đông Nam Á, nó có thể vẫn còn ít nhiều tác động ám ảnh não trạng của những người cầm quyền hiện nay ở Hoa Lục, Việt Nam, Cao Miên, và Lào, và đây đúng là một vấn đề vẫn còn cần nhiều quan tâm. 

Chính vì những lý lẽ vừa nêu trên, trong tuần lễ trước cuộc hội nghị thượng đỉnh Sunnylands 2016, ông Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry đã tới thăm viếng hai nước Lào và Cao Miên. Ông ngoại trưởng Kerry đã xếp đặt những điều cơ bản quan trọng cho cuộc hội nghị thượng đỉnh Sunnylands 2016 này, vì năm nay 2016 nước Lào được giữ chức vụ chủ tịch ASEAN. Có một chuyện cần phải lưu ý, quan tâm là Hoa Lục Tàu Cộng có thể gây áp lực với nước Lào để lặp lại sự thất bại của ASEAN năm 2012 khi nước Cao Miên làm chủ tịch. Thông cáo chung của hội nghị ASEAN năm 2012 nước Cao Miên đã bị áp lực của Tàu Cộng nên tránh không đề cập gì tới vấn đề Biển Đông Nam Á (South China Sea). 

Những nỗ lực ngoại giao của ông ngoại trưởng Kerry ở hai nước Lào và Cao Miên là để tạo ra kết quả một bản thông cáo chung của hội nghị ASEAN và nước Mỹ có đề cập tới những tranh chấp trong vùng Biển Đông Nam Á như là một vấn đề quốc tế hiện tại rất quan trọng có liên quan tới rất nhiều nước không chỉ là một vấn đề song phương giữa Hoa Lục Tàu Cộng với từng nước một trong khu vực mà Tàu Cộng muốn dùng áp lực để giải quyết riêng lẻ. Nhất là nước Mỹ luôn luôn khuyến khích, ủng hộ sự đoàn kết của hai nước đã đang là cộng sản Lào và Cao Miên đã phải chịu đựng ảnh hưởng sâu rộng, nặng nề của ý thức hệ Mao Cộng trong việc đối phó với sức mạnh bành trướng, đồng hóa, rồi sáp nhập vào Hoa Lục của Tàu Cộng trong khu vực Đông Nam Á. 

Cho dù cuộc hội nghị thượng đỉnh của nước Mỹ và ASEAN không làm cho Tàu Cộng lo sợ, nhưng trên thực tế cho thấy rõ ràng nước Mỹ và các nước Đông Nam Á có một Mẫu Số Chung Tự Do nên càng ngày càng có thêm nhiều hậu thuẫn từ các nước Ấn Độ, Nhật, Úc; ngược lại, Hoa Lục Tàu Cộng không có chung với ai một thứ gì nên càng lúc càng bị cô lập. Cuộc hội nghị thượng đỉnh Sunnylands 2016 đối với nước Mỹ quan trọng, bởi vì nó là một cuộc hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nước Mỹ và các nước ASEAN diễn ra trên nước Mỹ, và nó cũng phản ảnh một niềm tin cá nhân mãnh liệt của TT. Obama về tính cách rất quan trọng và thiết yếu của việc liên hệ, kết hợp với các nước Đông Nam Á xuyên qua những tổ chức khu vực có cơ chế liên hiệp đa phương nhiều nước để xác lập cân bằng những liên kết song phương đã đang có giữa nước Mỹ với các nước đồng minh nhiều năm trong khu vực. 

Nói cụ thể dễ hiểu hơn là nước Mỹ mong muốn các nước Đông Nam Á và các nước lớn có liên quan đều đảm nhận trách nhiệm có chia sẻ quyền lực và lợi ích được đặt nền tảng trên Mẫu Số Chung Tự Do. Hơn nữa, cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands 2016 là một dịp tốt để TT.Obama nhắc cho Nhân Dân Mỹ và vị Tổng Thống Mỹ kế tiếp nhiệm kỳ 2017-2021 một nhận định rõ ràng sự quan trọng thích đáng của các nước trong khu vực Biển Đông Nam Á. Một khu vực biển đã đang và sẽ vẫn còn những hải lộ rất quan trọng cho giao thương mậu dịch quốc tế và có trị giá rất nhiều ngàn tỉ đôla Mỹ; còn hơn thế nữa là ở dưới đáy biển trong khu vực này hiện đang có quá nhiều đường dây cáp quang điện toán liên mạng có thực chất vô giá không thể tính bằng tiền. Quả thật một khu vực Biển Đông Nam Á rất cần mọi nước có liên quan phải bảo vệ cho nó không bị bất cứ một quốc gia nào cưỡng chiếm, độc quyền cai quản, và rồi làm thiệt hại tới những lợi ích chung.

Cũng có một chi tiết cần nên nhắc lại là không phải vì sự kiện TT.Obama đã được sinh ra ở tiểu bang Hawaii giữa Thái Bình Dương, và có vài năm thơ ấu đã từng sống ở nước Nam Dương, nên TT. Obama đã chủ trương thực hiện triệt để chính sách Xác Lập Cân Bằng Xoay Trục Á Châu, và Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương/TPP; nước Mỹ cũng còn là một nước Á Châu vì có một bờ biển phía tây rất dài ở trên Vành Đai Thái Bình Dương. Những người cầm quyền Hoa Lục Tàu Cộng không thể nói rằng nước Mỹ là một nước bên ngoài Á Châu không có liên can gì tới vấn đề Biển Đông Nam Á (South China Sea) ở phía Tây Thái Bình Dương. Trong những ngày gần đây Tàu Cộng đã lên tiếng gian xảo, ngụy biện cho việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở vùng Biển Đông Nam Á bằng cách so sánh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã đang bị Tàu Cộng chiếm đóng là việc làm cần thiết cho quốc phòng của Hoa Lục Tàu Cộng; nó cũng giống như quần đảo Hawaii cần thiết cho quốc phòng của nước Mỹ, hay lục địa Bắc Mỹ. 

Thật đúng là một luận điệu gian xảo, ngụy biện so sánh ngu xuẩn có một không hai, không ai xuẩn động sánh bằng Tàu Cộng; bởi vì ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thì Tàu Cộng chỉ sở hữu những đảo nhân tạo hoặc những đảo bị cưỡng chiếm của nước khác và còn đang tranh chấp chủ quyền, trong khi quần đảo Hawaii đích thực là một tiểu bang, một nước nhỏ có một nền kinh tế, văn hóa, giáo dục, và một hệ thống tư pháp, hành pháp, lập pháp riêng của tiểu bang Hawaii hoạt động hài hòa trong một Liên Bang Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, gọi tắt là nước Mỹ. Như vậy, không có ai quá ngu xuẩn để so sánh những đảo nhân tạo hoặc những đảo cưỡng đoạt của nước khác với tiểu bang Hawaii của nước Mỹ!

Hơn nữa, trong chiến lược toàn cầu của Mỹ cũng vì khu vực Đông Nam Á mà lính Mỹ đã trực tiếp tham chiến trợ giúp nước VNCH ngăn chặn làn sóng cộng sản lan tràn trong khu vực. Người ta đã nhận định một cách khách quan trên phương diện quân sự, sau trận Ném Bom Giáng Sinh 1972 những người cầm quyền CS Bắc Việt đã thua TT. Nixon khi họ phải nhanh chân trở lại Paris để ký kết HĐHB Paris/Hiệp Định Hòa Bình Paris 1973, bởi vì họ đã đồng ý chấm dứt gây chiến tranh để xác lập hòa bình, và giải quyết tranh chấp quyền lãnh đạo xã hội, thống nhất nước Việt Nam bằng việc thực hiện quyền Dân Tộc Tự Quyết trong cuộc tổng tuyển cử tự do toàn quốc có sự giám sát của quốc tế. Rất rõ ràng cái HĐHB Paris 1973 là một thành công quân sự của nước Mỹ đã chặn đứng mũi tấn công bằng phương tiện quân sự của cộng sản quốc tế vì các nước Đông Nam Á vẫn đứng vững trong thời gian tiếp theo đó.

Trên thực tế nước VNCH đã bị cưỡng chiếm là một bài học ngoại giao đắt giá cho nước Mỹ, và nhất là một bài học luôn phải ghi nhớ rằng một hiệp định hoà bình hay bất cứ một hiệp định loại nào cũng cần phải có một “lực lượng chấp pháp nghiêm chỉnh” để ngăn chặn, trừng phạt các loại vi phạm của đối phương. Quả thật HĐHB Paris 1973 đã thiếu sót một thứ “lực lượng chấp pháp nghiêm chỉnh” phù hợp với luật pháp Mỹ và thích hợp với luật pháp quốc tế vào thời điểm HĐHB Paris 1973 có hiệu lực để giúp cho nước Mỹ đã không phải chịu nhục vội vàng ra đi trong thời hạn 24 giờ đồng hồ trong ngày 29/4/1975, và tiếp theo đó lại phải rất đau lòng nhìn thấy nước VNCH bị ép buộc đầu hàng cộng sản vào ngày 30/4/1975. Người ta cũng nhận thấy rằng nước Mỹ và người Mỹ một cách cay đắng biết học từ những lỗi lầm của họ để họ có thể tiếp tục làm đúng hơn và làm tốt hơn những việc khác.

Trở lại cuộc hội nghị thượng đỉnh Sunnylands 2016 đã thảo luận chung về những vấn đề rộng lớn như hợp tác chống khủng bố, hợp tác giữ gìn an ninh hàng hải và an ninh hàng không, cũng như hợp tác khai thác các ngành kỹ thuật và đầu tư nguồn vốn thương mại. Tuy nhiên ngay trong lúc này thì hầu hết mọi người đều tập trung sự chú ý vào cái quyết định của Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển/ITLOS. Cái quyết định này dự trù sẽ được phổ biến trong tháng 3/2016 sắp tới để thông cáo cho mọi người và các bên có liên quan biết tình trạng pháp lý của các thực thể đảo nhân tạo trong sự tranh chấp chủ quyền ở các vùng Biển Đông Nam Á (South China Sea). Cho dù Hoa Lục Tàu Cộng vẫn cứ ngoan cố không chấp nhận phán quyết của tòa án ITLOS, nhưng đây chính là những khởi điểm xung đột giữa Hoa Lục Tàu Cộng với năm nước Phi, Việt, Đài Loan, Brunei, Mã Lai là thành viên của ASEAN. Những khởi điểm xung đột này với mức độ nguy cơ rất cao gây ra khủng hoảng nghiêm trọng trong khu vực Biển Đông Nam Á có một nửa lưu lượng giao thương mậu dịch quốc tế đi qua đi lại mỗi năm. Lẽ tất nhiên là các nước nhỏ không có khả năng quân sự mạnh, không thể một mình trực tiếp đối đầu với Hoa Lục Tàu Cộng, nên họ phải liên kết với nhau và yêu cầu công lý của luật pháp quốc tế ITLOS. Vì vậy trong cuộc hội nghị thượng đỉnh Sunnylands 2016 giữa nước Mỹ và ASEAN đã thảo luận những phương cách nào để đối phó lại sự gia tăng căng thẳng đối nghịch trong khu vực Biển Đông Nam Á.

Một cách tế nhị Tòa Án Quốc Tế Về Luật Biển/ITLOS không có ý định giải quyết toàn bộ những tranh chấp chủ quyền lãnh hải có ranh giới chồng chéo lên nhau, nhưng tòa án sẽ có quyết định về các vấn đề chính là cái tính chất hợp lệ, cái giá trị pháp lý của sự yêu cầu đường-ranh-giới-chín-đoạn của Hoa Lục Tàu Cộng và tình trạng lãnh hải hợp pháp của các vùng biển đảo dựa theo yêu cầu đường ranh giới; một cách cụ thể phải khẳng định là các bãi đá ngầm đã được cải tạo, xây dựng thành đảo, như vậy là đảo nhân tạo hay là đảo thiên nhiên, để căn cứ theo đó xác định nó có giá trị pháp lý của Vùng Đặc Quyền Kinh Tế/EEZ, một hiện trạng Thềm Lục Địa/Continental Shelf hợp lệ.

Ở vào thời điểm này của Hoa Lục Tàu Cộng là đang ve vãn, quyến rũ các nước Đông Nam Á đi vào Con Đường Tơ Lụa trên mặt biển ngàn trùng sóng gió, nhưng Tàu Cộng vẫn giữ cái lập trường và thái độ hung hăng cướp biển của Tàu Cộng trong các vấn đề tranh chấp Biển Đông Nam Á thì có nước nào dám can đảm đi theo. Một cách trực tiếp cái phán quyết của ITLOS có sức thúc đẩy mạnh để tạo ra một Bộ Qui Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông/Code of Conduct/COC Ở Biển Đông Nam Á có đầy đủ ý nghĩa, và cũng có thể tạo một cơ hội cho các nước ASEAN đoàn kết hơn để thống nhất ý chí trong những nghị quyết của ASEAN. Đây cũng là một tình thế rất tế nhị của các nước ASEAN phải đối xử cùng lúc muốn có tối đa giao thương mậu dịch với Hoa Lục và cũng muốn có quan hệ bảo vệ an ninh gần hơn với Hoa Kỳ trên căn bản Mẫu Số Chung Tự Do./.



Sài Gòn, Chủ Nhật 28/2/2016 
Previous Post
Next Post
Related Posts