Thế hệ xanh

Đoan Trang - Sau cuộc tuần hành bị phá ngang hôm chủ nhật, khi mọi người cùng đứng ở cổng đồn công an quận Long Biên, anh Lã Việt Dũng hỏi thăm: “Hồi sáng có lúc em bị kéo lăn lóc ở miệng cống phải không?”. Hai anh em nhe răng cười. Thật ra, lúc ấy tôi chẳng có cảm xúc gì nhiều, ngoài một ý nghĩ: “Chết thật, giống trong phim Across the Universe quá”. Một trong những trường đoạn đáng nhớ nhất của bộ phim âm nhạc nổi tiếng (đạo diễn Julie Taymor, 2007) là cảnh thanh niên biểu tình chống chiến tranh ở Mỹ. Cũng một đám đông quay cuồng, hỗn loạn, những viên cảnh sát áo đen tràn tới, tiếng Jude hét lớn gọi tên Lucy trước khi anh bị nện vào đầu, ngã xuống đường và những hình ảnh loang loáng lướt qua, mờ tối dần trong tiếng nhạc nền vang vọng, bi thiết: “Nothing’s gonna change my world” (Sẽ không gì thay đổi được thế giới của tôi)…

Tôi mê thích bộ phim và cả bài hát Across the Universe – ca khúc “đẹp và thơ nhất” trong các sáng tác của John Lennon, như chính tác giả đánh giá. Tôi cũng có một cái nick đã dùng suốt từ những ngày mới biết đến Internet, là Jude, mượn tên nhân vật trong bài hát Hey Jude; hồi ấy tôi không biết tiếng Anh đủ để hiểu ý nghĩa của bài hát và không biết Jude là tên con trai. Và cuộc tuần hành buổi sáng 26/4, ngay vào những giây phút căng thẳng nhất và hỗn loạn nhất, cũng diễn ra trong tiếng kèn saxophone bi thiết của “nghệ sĩ đường phố bất đắc dĩ” Gi Go Lo. Anh vẫn đứng đó, vẻ mặt bình thản, thổi vang bài “Dậy mà đi” trong tiếng la hét, tiếng còi, tiếng loa của công an cảnh sát…

Tôi nhớ lúc mình lọt thỏm vào giữa đám đông, hình ảnh cũng loang loáng lướt qua, nhưng tôi vẫn thấy một mảnh trời xanh biếc phía trên, in màu lá cây và những khuôn mặt sôi sục cả trẻ cả già, cả dân và công an. Có tiếng chú Trường Chinh (bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng) thất thanh: “Không được bắt người. Thả ra! Thả ra!”. Thật ra, kinh nghiệm để không bị khiêng đi trong những trường hợp này – mà có lẽ ít ai biết – là nằm yên, không gồng lên, không vùng vẫy, vì càng gồng, càng cứng người lại, càng tạo đà cho người ta nhấc và khiêng mình. Tôi cũng đã làm như kinh nghiệm ấy, và bật cười vì thấy cả một tốp rất đông dân phòng xúm vào mà không bê tôi đi được; không có thế, rất khó di chuyển một người hoàn toàn không hợp tác, không chống cự. Tôi nói to với chú Chinh: “Cháu không sao đâu chú”, nhưng lúc đó, chẳng còn ai nghe nổi ai. Sự hỗn quân hỗn quan lên tới đỉnh điểm. Các cô gái mặc áo dài bắt đầu bị khiêng lên xe buýt. Tiếng la hét, tiếng còi, tiếng loa và cả tiếng kèn saxophone “Dậy mà đi” tạo thành một không gian điên loạn. May thay, đã không có cảnh công an dùng dùi cui hay roi vụt tóe máu người tuần hành, như cảnh sát Mỹ từng làm với các cuộc biểu tình phản chiến hay phong trào đấu tranh vì quyền dân sự của người Mỹ da đen vào những năm 1960. (Hoặc có thể là chưa đến lúc công an Việt Nam phải dùng bạo lực tới mức ấy).

Ảnh: Phan Tất Thành

Nhưng đâu có sao, phải không các bạn trẻ? Nước Mỹ đã phải mất một thời gian dài bất ổn, đầy bi kịch và nước mắt, đổ máu, để có được ngày hôm nay khi mỗi viên cảnh sát đều ý thức rất rõ về quyền tự do biểu đạt và tụ tập ôn hòa của người dân, quy định trong Tu chính án số 1 Hiến pháp Hoa Kỳ (và họ có thể đọc vanh vách từng từ của Tu chính án ấy). Việt Nam cũng sẽ phải mất một thời gian – có lẽ là rất dài nữa – trước khi mỗi công an tẩy rửa được khỏi đầu họ ý niệm về bổn phận “trung thành tuyệt đối” với đảng Cộng sản và hiểu được rằng luật pháp là nhằm để bảo vệ nhân quyền chứ không phải chế độ. Để Việt Nam đến được thời điểm ấy, không thể tránh khỏi việc phải có một thiểu số can đảm đi đầu. Đó là những bạn trẻ đã xuống đường mỗi sáng chủ nhật, giơ cao khẩu hiệu đòi chính quyền minh bạch. Là những bạn trẻ đã cầm hoa, cầm bóng bay đi phát, làm xanh rực cả Bờ Hồ. Là những bạn trẻ đã đan chặt tay vào nhau để bảo vệ bạn mình, không cho công an bắt. Là những bạn trẻ đã bị khiêng lên xe buýt trong tà áo dài lấm lem đất cát, quần áo nhàu nát, mặt đỏ bừng mồ hôi…

Ngày xưa, nước Mỹ cũng đã có cả một thế hệ những người đi đầu như thế - lúc ấy họ cũng là thiểu số. Phong trào đấu tranh đòi quyền dân sự ở Mỹ khởi phát từ hai “bông hồng đen” Claudette Colvin và Rosa Parks. Vào ngày 2/3/1955, Colvin, năm đó mới 16 tuổi, là người đầu tiên bị bắt vì không chịu tuân thủ quy định về chỗ ngồi dành cho người da đen trên xe buýt, cụ thể là đã không nhường chỗ cho một hành khách da trắng như luật định, bất chấp yêu cầu của tài xế. Bị tài xế thúc ép, Colvin nổi khùng, đấm tay vào không khí và hét lên: “Đây là quyền hợp hiến của tôi!”. Cô gái liền bị lôi khỏi xe, bị cảnh sát còng tay đưa đi và bắt giam. 9 tháng sau, Rosa Parks làm nên lịch sử với một sự kiện tương tự.

Cả Claudette Colvin lẫn Rosa Parks đều bị kết tội gây rối trật tự công cộng và vi phạm quy định của địa phương về phân biệt màu da. Cuộc đấu tranh của họ, bắt đầu từ hành vi bất tuân dân sự trên xe buýt, cuối cùng đã đưa đến việc Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, vào tháng 12/1956, ra lệnh cho Montgomery và bang Alabama phải hủy bỏ những quy định phân biệt chủng tộc trên phương tiện giao thông công cộng.

Tháng 5/1971, hàng nghìn người dân Mỹ đổ về Washington biểu tình, làm gián đoạn hoạt động của chính quyền liên bang. Để ngăn chặn hành động tụ tập này, Sở Cảnh sát Đô thị ban lệnh bắt tất cả những người có dấu hiệu tham gia biểu tình, bất cần biết điều đó có cơ sở hay chỉ là nghi ngờ. Việc bắt giữ, lưu hồ sơ, xử lý và truy tố những người này cũng được ưu tiên cho hưởng thủ tục nhanh gọn [fast track]. Kết quả là hàng nghìn người bị cảnh sát bắt giam. Tuy nhiên, về sau, Tòa Tối cao ở Washington D.C. đã ra phán quyết xác định bắt người như vậy là vi hiến, đồng thời ra lệnh hủy kết tội đối với bất kỳ công dân nào bị cảnh sát bắt mà không có căn cứ khả dĩ để cho rằng họ đã gây rối trật tự công cộng.

Chính quyền Mỹ từng có quá khứ sử dụng tội “gây rối trật tự công cộng” để ngăn chặn biểu tình và bắt giữ các nhà hoạt động nhân quyền, hoặc thậm chí bắt những người chỉ thực thi quyền tự do tụ tập, tự do biểu đạt của họ. Ngoài các gương mặt tiêu biểu Martin Luther King, Rosa Parks, Claudette Colvin, rất nhiều nhà hoạt động đã bị bắt, bị truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng”, vì những hành động như: mua đồ ăn tại các nhà hàng chỉ dành cho người da trắng, ngồi vào ghế dành cho hành khách da trắng trên xe buýt, và biểu tình đòi quyền bỏ phiếu.

Trở lại với câu chuyện của chúng ta. Có nguồn tin từ công an bảo rằng tất cả 22 người bị bắt trong cuộc tuần hành sáng 26/4 vừa rồi đều “dính” tiền sự về gây rối trật tự công cộng.

Nhưng có hề gì, các bạn trẻ nhỉ?

Để Việt Nam thay đổi, để đến ngày Việt Nam trở thành một đất nước dân chủ, tự do với một nhà nước pháp trị và nền pháp luật hướng tới tôn trọng nhân quyền, luôn luôn cần một thiểu số những người trẻ tuổi đi đầu. Các bạn sẽ là thế hệ mở đường. Các bạn sẽ tạo ra sự thay đổi.

Ảnh: Nguyễn Lân Thắng




Previous Post
Next Post
Related Posts