Nhận diện sức mạnh của sợi dây xích ASEAN

Lê Minh Nguyên (Danlambao) - Tục ngữ có câu "Sức mạnh của sợi dây xích nó nằm ở mắt yếu nhất". Thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur kết thúc hôm Thứ Hai 27/4/2015 cho thấy một ASEAN yếu ớt, dù nước chủ năm nay là Mã Lai, một nước CÓ tranh chấp Biển Đông với Trung cộng và là một nước lớn trong ASEAN.

Điểm danh 10 nước ASEAN để xem các mắt xích trong sợi dây xích này ra sao:

1. Nam Dương: nước lớn nhất về dân số cũng như kinh tế (dân 254 triệu, GDP $856 tỷ), không có tranh chấp nhưng có bị đe dọa bởi đường lưỡi bò ở vùng quần đảo Natina. Nam Dương muốn đóng vai trung gian hòa giải.

2. Phi Luật Tân: nước lớn thứ hai về dân số (108 triệu), có tranh chấp, lớn tiếng chống TQ nhất và có phản ứng cụ thể nhất qua việc kiện Trung cộng lên tòa án quốc tế.

3. Việt Nam: nước lớn thứ ba về dân số nhưng kinh tế đứng sau nhiều nước khác (Nam Dương, Thái, Mã, Sing, Phi), có tranh chấp nhiều nhất nhưng phản ứng yếu đuối, chỉ phản đối suông, chưa có hành động gì cụ thể.

4. Thái Lan: Kinh tế đứng thứ nhì ($381 tỷ) sau Nam Dương, không có tranh chấp, quân đội nắm quyền và thân Trung cộng, cộng tác với Trung cộng trong nhiều dự án kinh tế hạ tầng như đường sắt, kinh đào Kra để đi tắt không qua eo biển Malacca...

5. Mã Lai: Nước lớn thứ ba về kinh tế ($339 tỷ) hưởng lợi thương mại nhiều từ Trung cộng, có tranh chấp ở Trường Sa và bị đe doạ ở James Shoal. Do có nhiều quyền lợi và chưa bị mất đảo nên Mã Lai mềm mỏng, có vẻ đặt nặng quyền lợi Mã Lai hơn là toàn khối ASEAN.

6. Singapore: Quốc gia thành phố, chưa tới 700 cây số vuông và chỉ 5.5 triệu dân, nhưng có nền kinh tế $307 tỷ, đứng thứ tư trong khối. Singapore không có tranh chấp và là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng hưởng lợi lớn về tài chánh và kinh tế với Trung cộng nên có chủ trương bắt cá hai tay.

7. Miến Điện: Quân đội nắm quyền lâu năm, bầu cử cuối năm 2010 chuyển đổi chính trị để dân chủ hóa và thoát Trung, nhưng cho đến nay vẫn nửa vời. Do không có tranh chấp Biển Đông nên dù thoát Trung nhưng không muốn làm mất lòng Trung cộng.

8. Cam Bốt: Sườn tây của Việt Nam, dân ít, kinh tế yếu, không có tranh chấp Biển Đông, nên Trung cộng thao túng dễ dàng cả 3 mặt: an ninh, kinh tế, ngoại giao. Bộ trưởng quốc phòng Tea Banh và thủ tướng Hun Sen đã ngã hẳn về Trung cộng, điển hình là không ra được tuyên bố chung năm 2012 khi Cam Bốt làm chủ tịch ASEAN và các lên tiếng gần đây của Hun Sen.

9. Lào: Sườn tây của Việt Nam, cũng như Cam Bốt dân ít, kinh tế yếu, không có tranh chấp Biển Đông, đã và đang bị Trung cộng thao túng chính trị cũng như kinh tế trong nhiều năm qua. Lào sắp là chủ tịch ASEAN năm 2016.

10. Brunei: Diện tích chưa đến 6,000 cây số vuông và dân chưa đến nửa triệu người, Brunei có tranh chấp Biển Đông nhưng rất mờ nhạt. Do Trung cộng cần dầu và đầu tư hạ tầng, Brunei lại nằm trên con đường tơ lụa của Trung cộng nên Brunei cũng muốn bắt cá hai tay và cá Trung cộng to hơn.

Thông Cáo Chung đưa ra tuy có nhắc tới Biển Đông nhưng kêu gọi tinh thần ôn hòa (Điều 59, 60, 61, 62), tránh đối đầu, trong khi nội bộ ASEAN chia rẽ, còn Trung cộng thì vẫn cứ xây dựng và tiến tới. Trong hoàn cảnh này, ôn hoà có nghĩa là quỵ luỵ.

Nếu Hoa Kỳ muốn biến ASEAN thành một NATO ở Á Châu thì không thể thực hiện được, vì địa dư các nước rời rạc và được biển che chắn, cho nên sự nguy hiểm của một nước này khó mà lây lan sang nước khác, và họ không có cùng một mối hiểm nguy để sát cánh đoàn kết.

Hiện nay các nước trong ASEAN có một sự tham lam khá bất công cho HK: họ muốn Hoa Kỳ bảo vệ an ninh cho họ để họ có thể hưởng lợi trong sự làm ăn mua bán với Trung cộng.

Trong khi Trung cộng thì muốn đuổi HK ra khỏi Á Châu bằng cách chặt đứt những sợi dây quan hệ nào mà HK có được ở nơi này, dù song phương hay đa phương. Đồng thời Trung cộng tạo những liên minh quyền lợi để dụ các nước này vào bẫy của họ, như ngân hàng phát triển hạ tầng AIIB, Con Đường Tơ Lụa...

Để chặt đứt các quan hệ song phương, Trung cộng đã tìm cách gây chia rẽ giữa HK và đồng minh của HK như Thái Lan, Nam Hàn, hay ngay cả Nhật trong những năm trước đây khi Tập và Obama nói chuyện riêng năm 2013 ở Palm Springs, California.

Để chặt đứt quan hệ đa phương, Trung cộng đang bẻ đứt những mắt xích yếu của sợi dây xích ASEAN và mắt đứt đầu tiên là Cam Bốt, mắt thứ hai là Lào, trong khi các mắt khác, trừ Phi Luật Tân, thì hình như không có mắt nào muốn trói Trung cộng, kể cả Singapore hay Việt Nam.

ASEAN chả có sức mạnh nào cả. Có lẽ HK cũng hiểu điều này. Sức mạnh thực sự mà HK có được là các quan hệ song phương mà HK vun xới với những nước có chung mối lo an ninh và mối lợi kinh tế với HK, như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Phi, Việt Nam...

Với nguyên tắc đồng thuận, hiện giờ 10 nước ASEAN có mối lợi kinh tế chung, nhưng không có mối lo an ninh chung. Cho nên có lẽ giá trị thật của ASEAN nằm ở chổ nó thành lập được một khu vực kinh tế, nhất là nó sắp xây dựng cộng đồng kinh tế chung, giống như thị trường chung Âu Châu (trừ tiền tệ chung) dự trù hình thành năm 2015 và đi vào hoạt động năm 2016.

28/4/2015





Previous Post
Next Post
Related Posts