Luật Sư Đào Tăng Dực - Từ năm 2020, cộng đồng người Việt trong lẫn ngoài nước bị chia rẽ không nhiều thì ít vì cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ giữa 2 phe Dân Chủ và Cộng Hòa.
Các chính đảng tại các quốc gia như Hoa Kỳ hay u Châu là những định chế nền tảng của nền dân chủ tại các quốc gia này. Một sự hiểu biết tương đối chính xác và khách quan về xuất xứ, sự hình thành và những chủ trương căn bản của các chính đảng trong môi trường chính trị dân chủ Tây Phương sẽ giúp chúng ta nhận định khách quan hơn và hóa giải những xung đột không cần thiết, hầu mọi người có thể chung tay, góp sức, thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, thay vì tranh cãi vô bổ.
I. Nguyên nhân của sự chia rẽ trong cộng đồng người Việt hải ngoại và tại quốc hội này phát xuất từ 3 sự kiện căn bản:
1. Sự kiện thứ nhất là chúng ta quên rằng mục tiêu tối hậu của chúng ta là phụng sự cho tổ quốc Việt Nam và tất cả những xung đột đảng phái tại các quốc gia dân chủ đa nguyên chỉ là những hiện tượng đoản kỳ. Chúng ta cần phải học hỏi kinh nghiêm từ những hiện tượng đoản kỳ này để phục vụ cho tổ quốc Việt Nam, thay vì đánh mất bản thân mình trong những hiện tượng đoản kỳ này.
2. Sự kiện thứ nhì là chúng ta thiếu hiểu biết nghiêm túc về bản chất và sự vận hành của các chế chính trị dân chủ đương đại.
3. Sự kiện thứ ba là chúng ta thiếu sự hiểu biết khách quan về xuất xứ, sự hình thành, chủ trương của các chính đảng đương đại.
II. Yếu tố đa nguyên của một nền dân chủ chân chính:
Một cách tổng quát, chúng ta có thể định nghĩa rằng một nền dân chủ chân chánh phải bao gồm 3 yếu tố nền tảng.
Đó là hiến định (được quy định trong một bản hiến pháp là bộ luật nền tảng), pháp trị (thượng tôn luật pháp) và đa nguyên (quyền lực chính trị phát xuất từ nhiều tụ điểm khác nhau).
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng trong khi 2 yếu tố hiến định và pháp trị mang tính củng cố cho ý niệm dân chủ, thì yếu tố đa nguyên lại chính là bản chất của ý niệm dân chủ. Lý do đơn giản là vì nếu chỉ nhất nguyên (quyền lực chính trị phát xuất từ một tụ điểm duy nhất) thì chúng ta sẽ có các hình thức độc tài chính trị khác nhau mà thôi, như quân chủ chuyên chế, độc tài đảng trị, độc tài cá nhân trị, quân phiệt, giáo phiệt v…v… và môi trường chính trị sẽ vắng bóng chế độ dân chủ.
Tuy bản chất của ý niệm dân chủ là đa nguyên (pluralism), nhưng sự vận hành của ý niệm dân chủ trong chính trị thực tế lại thông thường mang yếu tố lưỡng đảng (two-party system).
Điều này thông thường xảy ra khi chính trường có sự hiện diện của nhiều chính đảng hay chính trị gia dân cử, nhưng sau một cuộc bầu cử đa nguyên đa đảng thì các cá nhân và phe nhóm khác nhau lại có khuynh hướng tái phối trí các lực lượng chính trị (realignment of political forces) chia làm 2 thế lực: một là một chính đảng hay một liên minh thành lập chính quyền (Quốc hội chế) hoặc đứng về phía chính quyền (tổng thống chế), hai là một chính đảng hay một liên minh đứng về phía đối lập.
Một cách nghiêm túc mà nói, sự chia rẽ này không nhất thiết phát xuất từ sự khác biệt giữa 2 chính đảng rường cột của môi trường chính trị Hoa Kỳ là các đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.
Chúng ta có thể tưởng tượng môi trường chính trị dân chủ đương đại như một hàm phổ chính trị (political spectrum) bao gồm từ các quan điểm bảo thủ (conservative values) nhất đến các quan điểm cấp tiến (progressive values) nhất, tương tự như một hàm phổ âm nhạc (musical spectrum) bao gồm từ những cung bậc trầm ổn nhất (low pitch) đến những cung bậc cao bổng nhất (high pitch).
III. Hai khuynh hướng chính trị nền tảng của nền dân chủ Tây Phương là Khuynh hữu (Bảo thủ) và khuynh tả (Cấp tiến):
Vì hoàn cảnh lịch sử, như sẽ trình bày trong tài liệu này, các khuynh hướng chính trị bảo thủ (khuynh hữu) Tây Phương thường chủ trương thiên về tư bản chủ nghĩa và các khuynh hướng chính trị cấp tiến (khuynh tả) thường thiên về khuynh hướng xã hội chủ nghĩa.
Khái niệm khuynh hữu hay khuynh tả nguyên thủy phát xuất từ chính trường Pháp khi những dân biểu ủng hộ chế độ vương quyền ngồi bên phải quốc hội (bảo thủ) và các dân biểu ủng hộ chế độ cộng hòa ngồi bên trái quốc hội (cấp tiến).
Sự khác biệt giữa tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa tuy phức tạp, nhưng có thể tóm lược như sau:
1. Tư bản chủ nghĩa có khuynh hướng tập trung tư bản vào tay một số cá nhân hay tập thể với động lực sáng tạo của cải (wealth creation).
2. Trong khi đó xã hội chủ nghĩa chủ trương công bằng xã hội và hậu quả là nhu cầu tái phân phối của cải (wealth redistribution) là ưu tiên đối với họ.
Các đảng phái chính trị, tùy theo chủ trương của mình, sẽ có chỗ đứng đích thực trong hàm phổ chính trị đó, cũng như những cung bậc khác nhau của những bản nhạc có chỗ đứng đích thực trong hàm phổ âm nhạc vậy.
Nền chính trị dân chủ chân chính vận hành như một bản đại hòa tấu trong đó sự tương tác, cộng sinh hài hòa là yếu tố quan trọng.
Những nốt nhạc trầm không thể loại bỏ những nốt nhạc bổng và ngược lại trong một bản đại hòa tấu. Tương tự, các khuynh hướng chính trị bảo thủ không thể loại bỏ các khuynh hướng cấp tiến hoặc ngược lại, trong một nền dân chủ chân chính.
IV. Xuất xứ, hình thành và chủ trương các chính đảng tại Hoa Kỳ:
Hoa Kỳ đại diện các quốc gia theo tổng thống chế.
Nếu chúng ta có thể nêu ra hai vấn nạn quan trọng nhất của tiến trình dân chủ hóa Hoa Kỳ thì có lẽ sẽ là:
a. Chọn lựa giữa củng cố quyền lực cho liên bang (Federalism) hay các tiểu bang (Anti-Federalism hay States’ rights)
b. Tương quan sắc tộc (racial relations) phát xuất từ chế độ nô lệ (slavery) xa xưa.
Sự hình thành các chính đảng tại Hoa Kỳ qua các giai đoạn sau đây:
Đoạn này sẽ phân tích sự thành lập 2 chính đảng thống trị môi trường chính trị Hoa Kỳ và hoàn cảnh đưa đến hai khuynh hướng chính trị bảo thủ và cấp tiến.
1. Hệ thống đảng phái đầu tiên 1792- 1824:
Có 2 chính đảng. Một là đảng Liên Bang (Federalist Party) do Alexander Hamilton thành lập, chủ trương củng cố quyền lực cho chính phủ liên bang và một chính quyền trung ương mạnh. Hai là đảng Dân Chủ Cộng Hòa (Democratic-Republican Party), gọi tắc là đảng Cộng Hòa (Republican) có khuynh hướng chống Liên Bang (Anti-Federalist) do Thomas Jefferson va James Madison thành lập chủ trương chính quyền liên bang giảm thiểu và củng cố vị thế các tiểu bang. Đảng Federalist vượt trội đến năm 1800 và sau đó đảng Cộng Hòa thống lĩnh chính trường từ năm 1800 về sau.
Đảng Federalists được sự ủng hộ của giới tư bản (business), trong khi đó đảng Cộng Hòa được sự ủng hộ của các điền chủ (planters) và nông dân (farmers)
2. Hệ thống đảng phái thứ nhì - Giai đoạn đảng Dân Chủ theo trường phái Andrew Jackson (Jacksonian Democrats) 1824-1860:
Andrew Jackson là tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ (1829- 1837). Ông chủ trương mở rộng dân chủ đến cá nhân mỗi công dân. Trong giai đoạn này đảng Dân Chủ Cộng Hòa của Thomas Jefferson bị chia làm 2. Những thành phần ủng hộ Andrew Jackson thành lập đảng Dân Chủ bây giờ. Phe chống lại Jackson trở thành đảng Whigs. Đảng Cộng Hòa (Republican Party) được thành lập sau này, năm 1854 với sự cộng tác của Đảng Whigs và những thành phần chống chế độ nô lệ như Abraham Lincoln.
Ghi nhận 2 chủ trương rường cột của Andrew Jackson:
Kinh tế Laissez-Faire: kinh tế tự do không có sự can thiệp của chính quyền. Chính quyền chỉ kiểm soát giới hạn hầu bảo vệ quyền tư hữu.
Trên bình diện pháp lý họ chủ trương “strict constructionalism” có nghĩa là tòa án không có quyền diễn giải quá rộng rãi luật pháp và hiến pháp (có nghĩa là chủ trương bảo thủ về pháp lý).
3. Thời kỳ Vàng Son (The Golden Age) 1860- 1937:
Giai đoạn này có 2 hiện tượng quan trọng. Một là sự bùng nổ dân số do hằng triệu di dân từ u Châu sang và hai là sự phát triển kinh tế và kỹ nghệ vượt bực, vượt lên trên u Châu và dĩ nhiên phần còn lại của thế giới.
Đây là giai đoạn bao gồm hệ thống đảng phái thứ ba và thứ tư.
3.1 Hệ thống chính đảng thứ ba (third party system) 1854- 1896:
Đây là giai đoạn đảng Cộng Hòa thống lĩnh chính trường. Đảng CH chiến thắng trong cuộc nội chiến, dưới sự lãnh đạo của TT Abraham Lincoln và giữ vững giềng mối của Liên Bang, hủy bỏ chế độ nô lệ, phát triển kinh tế, hiện đại hóa hạ tầng cơ sở, tăng thuế, chi phí xã hội gia tăng. Đảng Dân Chủ đối lập chỉ thắng 2 cuộc bầu cử tổng thống 1884 và 1892. Đảng CH thống trị các tiểu bang miền Bắc và Tây. Đảng DC các tiểu bang miền Nam.
3.2 Hệ thống chính đảng thứ tư 1896- 1932
Giai đoạn này cũng do đảng CH thống trị chỉ trừ 8 năm của đảng DC tại Nhà Trắng bắt đầu từ 1912. Giai đoạn này được các sử gia gọi là giai đoạn cấp tiến, bao gồm Thế Chiến thứ Nhất và cuộc Đại Khủng Hoảng (Great Depression) tàn phá thế giới. Giai đọan này về ngoại vận cũng bao gồm cuộc chiến giữa Hoa Kỳ- Tây Ban Nha, Đế Quốc Chủ Nghĩa, cuộc cách mạng Mexico và League of Nations.
Về nội bộ bao gồm vai trò của nghiệp đoàn, thuế nhập khâu, quyền bầu cử của phụ nữ, phân chia chủng tộc (racial segregation)…
4. Giai đoạn hệ thống chính đảng hiện đại 1932 - hôm nay:
Hai chính đảng CH và DC thay phiên nhau thống lĩnh chính trường.
Đảng DC có khuynh hướng cấp tiến ủng hộ cho giới thợ thuyền, công nhân và các chính sách xã hội. Đảng CH khuynh hướng bảo thủ, chủ trương kinh tế tự do (economic liberalism), ngân sách bảo thủ và bảo thủ xã hội (social conservatism)
Theo Website https://www.diffen.com/difference/Democrat_vs_Republican, thì chúng ta có thể so sánh lập trường chính trị của 2 đảng như sau:
So sánh Dân Chủ vs Cộng Hòa
Lập trường chính trị
(1). Chủ thuyết chính trị
(DC) Cấp tiến, khuynh tả vs (CH) Bảo thủ, khuynh hữu
(2). Quan niệm kinh tế
(DC) Quy định lương tối thiểu và thuế lũy tiến, tức lương cao thì thuế sẽ cao theo. Phát xuất từ khái niệm Anti-federalist nhưng chuyển hóa theo thời gian thành ủng hộ nhiều can thiệp của chính quyền vs (CH) Chủ trương không tăng thuế dù cho những người lợi tức cao và lương bổng phải do thị trường quyết định
(3). Những khái niệm về con người và xã hội
(DC) Đặt nền tảng trên cộng đồng và trách nhiệm xã hội vs (CH) Đặt nền tảng trên quyền cá nhân và công lý
(4). Lập trường về quân sự
(DC) Giảm chi phí quân sự vs (CH) Tăng chi phí quân sự
(5). Lập trường về hôn nhân đồng tính
(DC) Ủng hộ (nhiều người Dân Chủ không chấp nhận) vs (CH) Chống đối (Nhiều người Cộng Hòa ủng hộ)
(6). Lập trường về phá thai
(DC) Tiếp tục được coi là hợp pháp, ủng hộ phán quyết Roe vs Wade của Tối Cao Pháp Viện vs (CH) Không thể coi là hợp pháp (trừ một số trường hợp ngoại lệ), chống lại phán quyết Roe vs Wade của TCPV
(7). Lập trường về án tử hình
(DC) Khuynh hướng ủng hộ mạnh, nhưng khuynh hướng chống tại hạ tầng cũng rất cao vs (CH) Đại đa số đảng CH ủng hộ án tử hình
(8). Lập trường về thuế
(DC) Thuế lũy tiến. Người lợi tức cao phải đóng thuế tỷ lệ cao hơn. Thông thường không phản đối tăng thuế để tài trợ chính quyền vs (CH) Khuynh hướng ủng hộ áp dụng chỉ một tỷ lệ thuế bất chấp lợi tức thấp hay cao. Thông thường chống lại việc tăng thuế.
(9). Lập trường về sự kiểm soát của chính quyền
(DC) Sự kiểm soát của chính quyền cần thiết để bảo vệ người tiêu dung vs (CH) Cho rằng sự kiểm soát của chính quyền chỉ cản trở thị trường tự do của tư bản chủ nghĩa và sự phát triển của công ăn việc làm
(10). Chính sách chăm sóc sức khỏe
(DC) Ủng hộ chăm sóc sức khỏe hoàn vũ, ủng hộ mạnh sự can thiệp của chính quyền vào chăm sóc sức khỏe kể cả Medicare và Medicaid. Tổng quát ủng hộ Obamacare vs (CH) Chủ trương các doanh nghiệp tư nhân có thể cung cấp các dịch vụ hiệu năng hơn chính phủ. Chống lại Obamacare như (1) quy định cá nhân phải mua bảo hiểm sức khỏe hoặc đóng phạt (2) Đòi hỏi bao gồm ngừa thai.
(11). Lập trường về di trú
(DC) Tổng quát ủng hộ sách lược ân huệ cho việc trục xuất hay cho con đường trở thành công dân cho một số di dân không đủ giấy tờ như những cá nhân không có tiền án hình sự đã sống tại Hoa Kỳ trên 5 năm vs (CH) Chủ trương chống lại ân huệ cho những di dân không giáy tờ. Chống lại Lệnh hành pháp của TT Obama ân huệ cho một số công nhân. Chủ trương tài trợ nhiều hơn cho các biện pháp tại các biên giới.
(12). Các tiểu bang truyền thống mạnh Đảng Dân Chủ vs Đảng Cộng Hòa
(DC) California, Massachusetts, New York vs (CH) Oklahoma, Kansas, Texas
V. Xuất xứ, hình thành và chủ trương các chính đảng tại Vương Quốc Thống Nhất Anh (United Kingdom hay UK):
Nếu chúng ta có thể nêu ra hai vấn nạn quan trọng nhất của tiến trình dân chủ hóa UK thì có lẽ sẽ là:
a. Nên chọn quyền lực cho vương quyền (monarchy) hay quốc hội (parliament)
b. Sau khi đã chọn quốc hội rồi thì nên trao quyền lực cho thượng viện (house of Lords) hay hạ viện (House of commons)
UK là quốc gia tiêu biểu đại diện cho Quốc Hội Chế (Parliamentary system, Cabinet System, Westminster system).
Sự phát triển các đảng phái tại Anh Quốc (Great Britain) cũng rất quan trọng và chúng ta cần nghiên cứu.
Đoạn này cũng giải thích sự hình thành các đảng phái và phân chia 2 khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến.
Anh Quốc hay chính xác hơn là Vương Quốc Thống Nhất Anh (United Kingdom) là một quốc gia theo thể chế quân chủ lập hiến (constitutional monarchy). Thể chế tại Anh Quốc còn đại diện cho một hệ thống chính trị dân chủ chân chính nhưng đối diện với Hoa Kỳ.
Thật vậy Anh Quốc theo Quốc Hội Chế (parliamentary system) thay vì Tổng Thống Chế (presidential system) như tại Hoa Kỳ.
Tuy cả hai hệ thống đều là những nền dân chủ chân chánh, nhưng có sự khác biệt nền tảng:
Tổng thống chế căn bản trên:
1. Tam quyền phân lập (hành pháp, Lập pháp và tư pháp) của triết gia người Pháp là Montesquieu
2. Mỗi định chế như hành pháp, lập pháp và tư pháp đều ngang nhau, độc lập với nhau
3. Nhân dân bầu cử tổng thống và quốc hội riêng biệt
Quốc hội chế căn bản trên:
1. Quốc hội là tối cao và quyền lực chính trị phát xuất từ quốc hội
2. Từ quốc hội khai sinh ra hành pháp (Cabinet & government)
3. Chỉ có nhị quyền phân lập (một bên là quốc hội và chính quyền, bên kia là tư pháp độc lập) nếu là một nền dân chủ. Trong một chế độ độc tài thì quốc hội chế sẽ không có nhị quyền phân lập vì tư pháp sẽ không được quyền độc lập.
4. Nhân dân chỉ bầu cử quốc hội mà thôi.
Nhận xét:
Các chế độ cộng sản luôn theo quốc hội chế từ LBXV, đến Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Bắc Hàn và Hiến Pháp 2013 hiến định hóa luôn cả khái niệm Tập Trung Dân Chủ của cương lĩnh đảng (Điều 9.4. trong điều Lệ Đảng ghi tóm gọn như sau: “Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.”) trong hiến pháp. Điều này sẽ không thể xảy ra trong một hiến pháp theo tổng thống chế vì khái niệm Tam Quyền Phân Lập của Tổng Thống Chế khắc kỵ với quan điểm Tập Trung Dân Chủ, trong khi đó khái niệm Tính Tối Cao của Quốc Hội trong Quốc Hội Chế phù hợp với khái niệm Tập Trung Dân Chủ hơn.