Thủ đoạn thao túng tâm lý của các sư
Chắc có nhiều người sẽ thấy vô cùng khó hiểu khi chứng kiến một đám đông quỳ lạy và tranh nhau đưa tiền cho một ông sư, gọi đó là cúng dường.
Họ mê tín hay cuồng tín? Không, khoan nói chuyện đó. Họ bị thao túng tâm lý.
Thao túng tâm lý, hiểu nôm na là dùng các biện pháp, thủ đoạn để thay đổi hành vi hoặc nhận thức của người khác, nhằm mang lại lợi ích cho mình. Việc sử dụng các kinh sách nhà Phật rồi giảng giải thiên lệch, làm đối tượng trở nên tin tưởng, lo âu, hoặc sợ hãi, từ đó mà điều khiển họ chính là một ví dụ điển hình cho chiến lược thao túng này.
Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện là một kinh Đại thừa được truyền bá và thuyết giảng phổ biến bậc nhất trong các chùa chiền hiện nay ở Việt Nam. Kinh này nói gì? Nói về nhân - quả. Trong đó mô tả chi tiết các tội báo khủng khiếp do nghiệp ác gây ra; và đồng thời dạy về cách “giải” những tội báo ấy. Một trong những cách giải linh nghiệm và thù thắng nhất chính là bố thí, cúng dường. Không bàn về tính chân ngụy của bộ kinh, ở đây nói chuyện khác.
Xem kinh dạy thế nào. Ví dụ: “Trong đời sau, như có kẻ thiện nam cùng người thiện nữ nào gặp hình tượng Phật, hình tượng Bồ tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng Vua Chuyển Luân mà bố thí cúng dường, thời được vô lượng phước lành, thường sanh ở cõi người, cõi trời hưởng sự vui thù thắng vi diệu”. Các vị sư thời nay sẽ dựa vào những câu như thế để thuyết, làm cho mọi người không những tin rằng mình đang tự cứu mình khi cúng dường, mà hơn thế, còn nghĩ rằng chính các vị sư ấy đang giúp chúng sinh gieo trồng phước đức vì đã đại lượng mở lòng từ bi sẵn sàng nhận cho chúng sinh!
Tuy nhiên, các vị sư này đã không nói hết, họ chỉ nói một phần nhỏ và giảng giải sai lệch nội hàm. Ví dụ, họ sẽ không nói gì đến mấy chữ “thiện nam, thiện nữ”. Thế nào là thiện nam thiện nữ? Phải trọn vẹn đạo làm người (KHÔNG sát, trộm, tà dâm, say sưa, nói dối), kính thờ cha mẹ, thương yêu mọi người... Nghĩa là để việc cúng dường trở nên có giá trị thì phải tu thân tu tâm cho tốt đã. Đó là ý trong Kinh, nhưng sư sãi tuyệt nhiên không giảng đến.
Họ cũng sẽ lờ đi điều đầu tiên được nói trong kinh Địa Tạng: “Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây mù quáng, gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn” mà “mở tâm từ bi lớn, vui vẻ” bố thí thì “được phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy”. Nghĩa là bố thí cúng dường trước tiên cần phải hướng đến những người nghèo khổ, thiệt thòi trong xã hội.
Họ cũng lờ đi cách thức bố thí cúng dường. Kinh luôn nhắc đi nhắc lại về “cái tâm” khi cho đi. Đó là cái tâm vô tư, không mong, không cầu, tuyệt đối không tơ tưởng đến phước báu hay quả lành gì hết, thì mới có tác dụng.
Họ cũng lờ đi mục đích của việc bố thí cúng dường, đó là hồi hướng. Hồi hướng nghĩa là mỗi khi làm việc gì tốt đẹp thì chỉ luôn nghĩ đến người khác, vì người khác mà làm, vì những điều cao cả mà làm; không màng danh lợi cho bản thân. Tức, bố thí là một cách để gột rửa thân tâm, thoát ra khỏi lòng tham, từ đó mà tự tại an vui.
Họ cũng lờ hẳn đi rằng chỉ có cúng dường cho Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác – tức những bậc đức hạnh và có đạo lực sâu dày thì mới mang lại ý nghĩa. Điều ấy cũng có nghĩa là mang tiền đi cúng cho những kẻ hư hỏng, đốn mạt là ngu si và đang tạo tội chứ không ích lợi gì.
Những thứ cần nói như trên thì nhiều sư sãi ngày nay tuyệt nhiên không nói đến, mà họ dùng địa ngục, dùng nghiệp báo để đe dọa; dùng phước đức để quyến rũ; và dùng chính họ (sư) để quy về. Những thủ đoạn này đang được sử dụng một cách phổ biến, khiến người đi chùa nhận thức sai lạc, sinh tâm lý khiếp nhược, từ đó mà bị dẫn dắt và thao túng.