Ngân hàng Việt Nam thiếu an toàn: Doanh nghiệp "kiệt sức", nguy cơ sụp đổ dây chuyền


Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) Việt Nam thiếu thanh khoản là căn bệnh trầm kha khởi đầu từ cả chục năm nay; thỉnh thoảng bị lập lại trong ngắn hạn. Nhưng lần này hiện tượng thiếu thanh khoản xảy ra trước khi Quốc Hội Việt Nam nhìn nhận thông tin cá nhân của cả trăm ngàn trương mục ngân hàng tại Việt Nam bị Hacker đánh cắp rao bán trên mạng, cùng lúc nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp (DN) “nóng” dần sau thời kỳ dài bị “dồn nén” bởi dịch Covid-19. Trong 7 tháng đầu năm có đến 95 ngàn công ty phá sản, nhóm còn lại thì trầm mình trong nợ xấu lan rộng khắp nội bộ; mong vay được vốn để cầm cự tránh gây đổ vỡ dây chuyền.

Ngày mùng 8 tháng 8, báo Nhà Nước cho biết, dữ liệu thông tin cá nhân từ 100,000 trương mục ngân hàng tại Việt Nam bị rao bán trên mạng bao gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, mã số thẻ ngân hàng, số dư tài khoản… đang bị rao bán với giá chỉ có 500 Mỹ kim. Đến hôm mùng 10 tháng 8, Bộ Trưởng Công An Tô Lâm xác nhận trước Quốc Hội, cơ quan Công an đang điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân trên mạng. Cùng ngày 10 thang 8, Truyền hình Quốc Hội Việt Nam dẫn nội dung báo cáo của Bộ Công an, “2/3 dân số Việt Nam, trên 68 triệu người đang bị chia sẻ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau.” [1]

Cuối tháng 5/2022 Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) lạc quan với dòng tiền tiết kiệm của khách hàng cá nhân gởi vào NHTM lên đến 5,56 triệu tỷ đồng, số tiền này cao hơn đáng kể so với tiền gửi từ các tổ chức kinh tế. Tháng 7/2022 do NHTM có tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ tiềm ẩn) lên tới 6,3%. Khối nợ xấu khổng lồ này không cân đối được với nguồn tiền huy động trong ngắn hạn khiến NHTM đột nhiên lâm vào tình cảnh thiếu tiền để thanh toán, phải vay mượn lẫn nhau với nhịp độ “chóng mặt” đẩy lãi suất cho vay qua đêm trong liên ngân hàng “bùng” lên gần 11 lần.

 

Cho đến nay, tại Việt Nam có tổng cộng 49 ngân hàng. Trong đó bao gồm: 31 ngân hàng Thương Mại Cổ Phần (TMCP), 4 ngân hàng 100% vốn nhà nước, 2 ngân hàng chính sách, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 1 ngân hàng hợp tác xã.

Khối NHTM giao dịch nội bộ gọi là Thị Trường Liên Ngân Hàng (interbank market) mục đích tương trợ lẫn nhau về nguồn vốn ngắn hạn. Thị trường Liên Ngân Hàng, gọi tắt là “thị trường 2”, còn thị trường gởi tiết kiệm dành cho công chúng, gọi tắt là “thị trường 1”.

Đầu tháng 6/2022, lãi suất Thị Trường 2 qua đêm còn ở trong khoảng 0,48%. Nhưng đến hôm 26/7/2022 (một ngày trước khi FED tăng lãi suất lần thứ tư trong năm nay, thêm 0,75%) thì lãi suất bình quân Thị Trường 2 qua đêm đã bùng lên đến mức 5,13%.

Trong 3 ngày cao điểm 25, 26 và 27 tháng 7 liên ngân hàng đã vay mượn nhau lần lượt: 237,992 tỷ đồng, lãi suất 3,67%; 278, 883 tỷ đồng, lãi suất 5,01% và 253,817 tỷ đồng lãi suất 5,13%. Như thế, lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm đã tăng vọt gần 11 lần so với đầu tháng 6. Biến động tài chánh bất ngờ này cho thấy khối NHTM Việt nam đang lâm vào tình trạng thiếu thanh khoản đến độ phải vay mượn nhau với lãi suất qua đêm cao chưa từng có. (xem biểu đồ phía dưới)[2]


Để giúp cho khối NHTM có thêm thanh khoản, lần lượt trong 5 ngày 22, 25, 26, 27 và 28 tháng 7 NHNN đã bơm 50 ngàn tỷ đồng vào thị trường mở Open Market Operations (OMO) qua khối NHTM với lãi suất tuần tự khác nhau: 5 ngàn tỷ đồng, lãi suất 2,5%; 10 ngàn tỷ đồng, lãi suất 2,5%; 15 ngàn tỷ đồng, lãi suất 3,8%; 15 ngàn tỷ đồng, lãi suất 3,9% và 5 ngàn tỷ đồng, lãi suất 4%. Việc NHNN chỉ chấp nhận cấp vốn cho NHTM vay với lãi suất cao hơn mỗi qua đêm cho thấy NHNN đã không còn muốn cung ứng cho hệ thống NHTM nguồn vốn giá rẻ như trước. Mục đích của quyết định này là nhằm tăng sức mạnh cho công cụ kiềm chế lạm phát (xem biểu đồ phía dưới)



Tính đến cuối tháng 5/2022, tín dụng Bất Động Sản (BĐS) đã lên đến 2,33 trệu tỷ đồng, trong đó có đến 1,55 triệu tỷ đồng vay với mục đích tự sử dụng, tương đương 66,3%, còn lại chỉ có 786 ngàn tỷ đồng dùng cho mục đích kinh doanh BĐS, tương đương 33,7%. Không có tài liệu nào giải thích rõ “tự sử dụng” 1,55 triệu tỷ đồng là chi tiêu vào những việc gì, công luận muốn biết, Nhà Nước ém nhẹm, không nói ra. [3]

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng được NHNN công bố, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1,400 tỷ trong tháng 6 đầu năm. Thời gian còn lại của năm 2022, các Tổ Chức Tín Dụng (TCTD) vẫn sẽ “giữ nguyên” xu hướng “thắt chặt” đối với lĩnh vực “Cho vay đầu tư kinh doanh BĐS”.

NHNN đã bắt đầu theo đuổi chính sách siết chặt tín dụng trong khu vực BĐS để chống lạm phát đang khá cao trong thực tế, nhưng về mặt chính thức, Chính Phủ vẫn nói lạm phát chỉ mới từ 2% - 2,5%. Giai đoạn các nhà đầu tư gọi là “tiền rẻ” đã “khép lại”. Gần đây, tín dụng ngành BĐS và Thị Trường Chứng Khoán (TTCK) đang dần bị “bịt chặt”. Theo đuổi chính sách thắt chặt tín dụng có thể “ghìm chân'” phần nào lạm phát, nhưng cũng đồng thời tạo ra áp lực lên thanh khoản cũng như chi phí vốn của khối NHTM.

Về lãi suất huy động, ngay từ đầu tháng 7/2022, hàng loạt NHTM, kể cả ngân hàng vốn Nhà Nước cũng đã tăng lãi suất huy động. Lãi suất tiền gởi tiết kiệm một năm có ngân hàng đã tăng đến 7,55%. [4]


Đối với lãi suất cho vay, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm khuyến khích tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện tiếp tục giữ lãi suất cho vay ở mức vừa phải. Tuy nhiên, chỉ tiêu tín dụng năm nay được NHNN giới hạn là 14%, thì chỉ còn khoảng 500 ngàn tỷ trong 5 tháng còn lại cho cả nền Kinh Tế, thì đó là số tiền khiêm tốn.

Số liệu của Tổng Cục Thống Kê nhìn nhận, 7 tháng đầu năm 2022 có 94,6 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7%, so với cùng kỳ 2021. Bình quân một tháng có 13,5 nghìn DN phá sản. Số DN không còn sản xuất vẫn đang tăng lên cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Hôm mùng 03/8/2022, báo Nhà Nước đồng loạt phản ảnh tình huống đau lòng của nhiều DN, do dòng tiền tắc nghẽn, vốn tín dụng khan hiếm nên có tình trạng các DN mua hàng của nhau và ghi nợ khối lượng rất lớn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Nguy cơ nợ xấu giữa các DN đang lan rộng gây rủi ro, đổ vỡ.

Giới DN buôn bán vật liệu xây dựng cho biết, thời gian qua công ty liên tiếp bị đối tác nợ tiền hàng. Số nợ nay đã gấp ba lần vốn ban đầu. Không đòi được nợ nên công ty cũng nợ các nhà cung cấp của mình, nợ ngân hàng... Lúc khó khăn quá đã phải liều vay tín dụng đen để thanh toán các khoản cấp bách. [5]

Không phải chỉ có đồng nội tệ thiếu hụt khiến khối NHTM thiếu thanh khoản mà đồng Mỹ kim trên thị trường chính thức và chợ đen đều khan hiếm. Tình trạng này làm cho tỷ giá Mỹ Kim cao hơn đồng bạc Việt Nam. Giá Mỹ Kim tại thị trường chợ đen hôm 5/8 được nói là “đi ngang” nhưng cũng vẫn lên đến 24.200 đồng ăn 1 Mỹ kim.

Cùng ngày (5/8) NHNN đã can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách bán ra 13 tỷ Mỹ kim cho các NHTM trong nước trên cả thị trường giao ngay và thị trường kỳ hạn. Động thái này của NHNN lập tức làm cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm 12%. Khi NHNN tung Mỹ Kim vào thị trường thì làm dịu tỷ giá nhưng đồng thời gây thêm thiếu hụt đồng nội tệ trên thị trường. (https://vanhoimoi.org/?p=14683)

Tài liệu còn ghi lại nguồn cơn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là câu chuyện thanh khoản xảy ra trong ngành ngân hàng ở quá khứ tại nhiều quốc gia. Rủi ro tín dụng và thanh khoản năm trước sẽ liên quan cùng chiều với rủi ro thanh khoản của khối NHTM vào năm hiện tại và tương lai, tùy theo cách giải quyết của Ngân Hàng Trung Ương của từng quốc gia.

Tại Việt Nam, các giới chức điều hành NHNN phải lệ thuộc vào quyết định của thể chế độc tài lúc nào cũng muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cao trên danh nghĩa để mỵ dân, nên NHNN không thể có quyết định chuyên môn một cách độc lập.

Trong trường hợp khối NHTM không bảo vệ được tính riêng tư của khách hàng gởi tiền cùng với hoàn cảnh khủng hoảng thanh khoản kéo dài đưa đến mất lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống NHTM, dân chúng sẽ đổ xô đến các nhà băng để tranh nhau rút tiền gửi, làm sụp đổ toàn hệ thống.

Tham khảo:






(10 Aug)

Previous Post
Next Post
Related Posts