Về cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine: Thấy gì sau ba vòng đàm phán?

Hương Khê (Danlambao) - Sau 12 ngày kể từ khi Nga mở cuộc tấn công xâm lược Ukraine(24/2), hai nước đã qua ba vòng đàm phán. Vòng đàm phán thứ ba được tổ chức tại công viên quốc gia Belovezhskaya Pushcha ở biên giới Ba Lan.

Truyền thông Nga tối 7/3 cho biết, vòng đàm phán thứ ba giữa Nga và Ukraine kéo dài hơn 3 giờ và đã kết thúc vào khoảng 21 giờ ngày 7/3 (khoảng 1 giờ sáng giờ Hà Nội).

Phát biểu sau cuộc họp, đại diện của phái đoàn Ukraine thông báo hai bên ít đạt được tiến triển trong các thỏa thuận nhằm tạo hành lang nhân đạo cho người dân đi sơ tán, cũng như cải thiện các công tác hậu cần hỗ trợ người dân. Phía Ukraine đánh giá tiến trình đàm phán là rất khó khăn, nhưng các động lực vẫn được quan sát thấy. Cả hai bên sẽ không nói về các điều kiện để giải quyết tình hình cho đến khi đạt được “lập trường chung”.

Qua ba vòng đám phán vừa qua, kết quả duy nhất mà người ta nhận thấy là hai bên nhất trí mở hành lang nhân đạo cho những người trong vòng cuộc chiến có thể di tản ra ngoài.

Kinh nghiệm từ các cuộc chiến tranh cho thấy rằng, đám phán chỉ là một thủ thuật để các bên chẩn chỉnh đội hình và bổ sung lực lượng, y như nghỉ giữa hai hiệp trong một trận bóng đá vậy. Và cuối cùng cục diện trên chiến trường sẽ là tiếng nói quyết định trên bàn hội nghị.

Trong cuộc xâm lược này, Nga đã nói rõ lập trường và quan điểm của mình về điều kiện để Nga chấm dứt chiến dịch quân sự.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 7.3 cho biết Moscow đã thông báo cho Kyiv về những điều Ukraine cần thực hiện. Nếu đáp ứng đủ, Moscow sẵn sàng ngừng hành động quân sự "chỉ trong chốc lát".

Các điều kiện này gồm Ukraine phải ngừng hành động quân sự, thay đổi hiến pháp để trở thành quốc gia trung lập, thừa nhận Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận các khu vực ly khai Donetsk cùng Luhansk cộng hòa độc lập.

Nghĩa là Ukraine phải buông súng đầu hàng.

Tại sao Nga lại đòi hỏi Ukraine thay đổi hiến pháp:

Theo hãng tin TASS của Nga, trong cuộc điện đàm ngày 3/3 với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái khẳng định quyết tâm đạt mục tiêu phi quân sự hóa và trung lập hóa Ukraine.

Theo Điện Kremlin, mục tiêu mà Tổng thống Putin đề cập là phi quân sự hóa Ukraine và Kiev duy trì trạng thái trung lập. Vì Nga cho rừng chỉ có tình trạng phi quân sự hóa và trung lập của Ukraine để nước này không là mối đe dọa an ninh đối với Nga.

Trước đây Nga từng công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia. Mục đích của Nga là ngăn chặn tham vọng gia nhập NATO của Gruzia.

Và chiến thuật ấy nay Nga đang sử dụng đối với Ukraine.

Nếu Ukraine chấp nhận những điều kiện do Nga đưa ra, có nghĩa là ngoài việc đảo Crưm đã bị Nga cướp năm 20014, thì sẽ mất thêm hai bang miền Đông là Donetsk và Luhansk. Và một khi Ukraine phi quân sự hóa và duy trì tình trạng độc lập theo yêu cầu của Nga, thì chẳng khác gì miếng mỡ đặt trược miệng mèo, và con mèo đầy tham vọng như Putin muốn nuốt lúc nào thì nuốt.

Ông Michael Oren, cựu đại sứ Israel tại Mỹ cho rằng, việc Nga công nhận độc lập cho các vùng ly khai của Ukraine có thể dẫn đến một bước đột phá về mặt ngoại giao những cũng dễ gây bùng phát xung đột.

Đánh giá về quyết định của Nga, cựu đại sứ Israel tại Mỹ Michael Oren nhận định: “Đây là một cuộc chơi có tỷ lệ thắng cược cao nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro. Mặc dù trong cuộc chơi như vậy, hầu như luôn có chỗ cho cả hai bên hạ thấp những yêu cầu của mình, song vẫn có nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm”.

Nay Putin sử dụng NATO như một cái cớ để xâm lược Ukraine. Thực chất NATO chỉ là hiệp ước phòng thủ. Chỉ có một số nước trong Liên Bang Xô Viết sau khi tan rã, đã tự nguyện xin gia nhập NATO để được bảo vệ, vì họ thừa biết tham vọng của Nga là như thế nào.

Về sức mạnh quân sự thì nếu Nga đè bẹp Ukraine không có gì lạ. Nhưng nếu Nga có chiếm đóng được Ukraine thì mục đích chỉ là dựng nên một chính phủ bù nhìn dễ sai bảo. Đồng thời cướp nốt hai bang miền Đông mà Nga đã công nhận độc lập. Và Nga sẽ bị sa lầy trong một cuộc chiến du kích do người dân Ukraine không chịu khuất phục.

Điều đó chứng tỏ rằng, Putin rất sợ NATO và sợ Ukraine đi theo con đường dân chủ hóa của phương Tây, thì điều đó sẽ dẫn đến lung lay tham vọng muốn làm vua cho đến hết đời của Putin.

Và chiến thuật vừa đánh vừa đàm đang được Putin áp dụng. Máu người dân Ukraine vẫn tiếp tục đổ để tô điểm cho ngọn cờ búa liềm của CCCP trước đây cũng như đã được trá hình sau này.

Thế nên, nếu ai đó nghĩ rằng, cuộc chiến giữa Nga và Ucraina đơn thuần chỉ là một cuộc xâm lược hay "bảo vệ lợi ích Nga" thì hãy nên nghĩ lại. Đây thực ra là một cuộc chiến giữa các giá trị: "dân chủ, tự do" chống lại "độc tài, toàn trị". Vì thế, việc chọn "ủng hộ" bên nào, thể hiện rõ bạn suy nghĩ ra sao, sẽ có được tương lai thế nào.

Previous Post
Next Post
Related Posts