Diễn biến, hoàn cảnh chính trị thế giới và những sai lầm chết người của thực dân Pháp

Chu chi Nam và Vũ văn Lâm (Danlambao)Nói đến trận Điện Biên, có nhiều mốc điểm thời gian: Có người cho rằng đó là những ngày vào cuối tháng 11/1953, khi Tướng Henri Navarre quyết định thành lập trận tuyến này; có người nghĩ rằng đó là ngày 7 thàng 5/1954, ngày thất thủ, khi tướng de Castries ra đầu hàng. Riêng tôi, tôi nghĩ đó là ngày 13/3/1954, khi quân cộng sản mở cuộc tấn công đầu tiên.

Tại sao?

Vì ngay từ cuộc tấn công đầu, hai người Đồn Trưởng và Đồn Phó, của đồn ở phía bắc trận tuyến, đã bị tử trận. Đồn chính để bảo vệ trận tuyến đã bị xóa sổ. Chỉ hai ngày sau, 15/3, viên Đại tà chỉ huy Lực Lượng pháo binh Pháp, Charles Piroth, mở lựu đạn tự tử trong hầm của mình, có trăn trối với một người sĩ quan khác, bạn thân:

“Tôi đã hứa với cấp trên là dùng lực lượng pháo binh của mình để tiêu diệt pháo binh của địch, nay ngược lại. Tôi không đáng sống.”

Nói đến trận Điện Biên thì có rất nhiều vấn đề: Sự thành lập trận tuyến, sự sửa soạn tấn công, diễn biến trận tuyến, kết quả trận đánh.

Tuy nhiên, vì giới hạn bài viết cũng như sự hạn hẹp hiểu biết của mình, ở đây tôi chỉ xin nói về hoàn cảnh chính trị quốc tế và sự sai lầm chết người của Bộ Tổng tư lệnh thực dân Pháp ở Đông dương. Những phần còn lại, tôi xin giành cho Quí Vị khác.

I) Hoàn cảnh chính trị thế giới của trận Điện Biên

Nói đến hoàn cảnh chính trị thế giới vào lúc trận Điện Biên, người ta không thể không nói đến chiến tranh Lạnh, cuộc đương đầu bởi 2 Khối, khối Tư bản, cầm đầu bởi Hoa Kỳ, và khối Cộng sản, cầm đầu bởi Liên sô.

Về phía Hoa Kỳ, là lúc mới xảy ra cuộc bầu cử tổng thống 1952, tướng Eisenhower lên nắm quyền vào năm 1953. Người ta còn nhớ trước đó một năm, trong cuộc tranh cử, mặc dầu là tướng, nhưng ông này hứa với dân Mỹ là sẽ đem lại hòa bình và sẽ đưa lính Hoa Kỳ ở Hàn quốc trở về nước, đưa ra những khẩu hiệu “Chung sống hòa bình”, “Nguyên tử phục vụ hòa bình”. Nên nhớ lúc này Liên sô đã có bom nguyên tử.

Về phía Liên sô, thì cũng vào đầu năm 1953, tháng 3, Staline chết, Khrouschev lên thay. Staline là phe bảo thủ trong đảng Cộng sản Liên sô, chủ trương Chiến tranh Lạnh tới cùng. Chính ông đã một phần giúp đảng Cộng sản Tàu có thể cướp được chính quyền, bằng cách trao phần lớn những vũ khí cướp được từ tay Nhật, trong cuộc tấn công Mãn châu, ngay sau Thế Chiến thứ Hai, cho Cộng sản Tàu. Chính ông là người ra lệnh cấm vận thành phố Berlin năm 1948. Và cũng chính ông đã xúi dục Kim nhật Thành, ông nội của Kim chung Nhất hiện nay, xua quân xuống xâm chiếm Nam Hàn.

Chúng ta thấy, Hoa Kỳ, thì một ông tướng lên nắm quyền, nhưng chủ trương “Hòa hoản, Chung sống hòa bỉnh”. Bên kia Liên sô, thì người chủ trương tiếp tục chiến tranh Lạnh tới cùng, không còn nữa.

Chính vì lẽ đó mà có cuộc họp tứ Cường ở Berlin, để giải quyết nội qui của thành phố này. Tứ Cường đây là Hoa Kỳ, đại diện bởi Eisenhower, trong cuộc họp, vào giữa năm 1953, Liên sô, đại diện bởi Malenkov, Chủ tịch nước, Anh bởi Thủ tướng Eden, Pháp bởi Thủ tướng Edgar Faure.

Sau khi giải quyết vấn đề Berlin, Hoa Kỳ đề nghị với Liên sô, giải quyết vấn đề Hàn quốc, kéo dài hội nghị sang Genève. Liên sô đồng ý. Tất nhiên Anh và Pháp cũng đồng ý luôn.

Nhân cơ hội này, Pháp cũng đề nghị hội nghị Genève sẽ giải quyết vấn đề Đông dương. Tất nhiên Mỹ, Anh bằng lòng. Nhưng Liên sô bằng lòng, với một điều kiện: phải có sự hiện diện của Trung cộng.

Đó là Hội nghị Genève về Đông dương năm 1954.

Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ là ông Laniels, bạn thân của Tướng Henri Navarre, đương kim Tổng tư lệnh quân Pháp ở Đông dương, đã điện cho ông này, nói: Hãy giảm bớt hành động quân sự, để rồi đi đến một giải pháp chính trị.

Tướng Navarre kiêu hãnh đáp: Trước khi rời Đông dương, tôi muốn tặng nước Pháp một món quà lớn.

Đó là ý kiến thành lập ra mặt trận Điện Biên, với 2 mục đích: 1) Phòng thủ: chặn đường di chuyển quân của cộng sản về Hà Nội và Vientien của Lào; 2) Tấn công: dụ quân cộng sản bao quanh lòng chảo Điện Biên, rồi dùng pháo binh tiêu diệt, tạo thế mạnh cho Pháp trong hội nghị quốc tế tương lai.

Đây cũng là câu trả lời đối với một số người cho rằng Điện Biên chỉ là một phủ, một huyện nhỏ của Việt Nam, làm sao có liên quan đến tình hình chính trị quốc tế.

Theo như 2 tướng, cố vấn của Mao trạch Đông gửi sang để giúp Cộng sản Việt Nam, trong một quyển sách xuất bản bởi Trung cộng, thì ý đồ, kế hoạch của tướng Navarre và Chính phủ Pháp đã bị Tình báo Cộng sản Tàu biết trước. Cũng theo quyển sách, thì 2 tướng Tàu này có một cái nhìn rất thấp về tướng Võ nguyên Giáp và Bộ Tham mưu Cộng sản Việt Nam. Hai người, một người là cố vấn về chiến lược, Trần Canh; người kia về hậu cần, Lã quý Ba, có hỏi Bộ Tham mưu quân đội Cộng sản Việt Nam về việc quân Pháp đang thành lập trận Điện Biên, thì được câu trả lời: Dùng du kích để quấy phá.

Ý kiến phải biến trận tuyến này thành một trận tuyến chiến lược, quyết định số phận thực dân Pháp ở Đông dương là ý kiến của Trần Canh.

Tất nhiên Hồ chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam nghe lời Trần Canh lúc đó.

II) Những sai lầm chết người của Bộ Tổng tư lệnh của thực dân Pháp

- Trong Binh thư Tôn Tử có câu: “Biết người biết ta, trăm trận không thua.”

Tướng Navarre bị mắc vào sai lầm chết người là không biết người và cũng chẳng biết ta. Đánh giá quá cao về mình và đánh giá quá thấp về địch.

- Tướng Navarre dựa vào những tin tức sai lạc của tình báo Pháp ở Đông Dương:

a. Không lượng được sự có mặt quá sâu đậm của cố vấn Trung cộng ở miền Bắc Việt Nam: Theo như tin tức hiện nay được Trung cộng công bố, thì ngay sau khi cướp được chính quyền năm 1949, Trung cộng đã gửi sang miền Bắc Việt Nam rất nhiều cố vấn và đạn dược, cướp được từ quân Tưởng giới Thạch. Cố vấn xuống đến cấp làng xã. Tất nhiên trong quân đội, ở mức trung đoàn, sư đoàn là có cố vấn, họ dạy hay chính họ xử dụng những đại bác 105 hay 155 li. Trong khi đó thì tình báo Pháp và Tướng Navarre nghĩ rằng quân đội Cộng sản Việt Nam không thể xử dụng những loại súng này. Hơn nữa cũng theo tin tức của Phòng Nhì (Tình báo) Pháp, thì những quân đoàn thiện chiến cộng sản còn ở biên giới, không kịp di chuyển về Điện Biên. Đây lại là một tin tức sai lầm. Quân đội cộng sản không có đóng đồn, tản mát trong dân, có thể ở ngay chung quanh điện Biên ngay từ lúc đầu; Ngay dù họ ở biên giới, nhưng thời gian từ lúc đầu cho tới đợt tấn công thứ nhất là cả 4 tháng trời, họ di chuyển về còn kịp.

b. Cho rằng quân đội cộng sản không thể xử dụng những pháo lớn như 105 ly, 155 ly; và những pháo lớn này không thể di chuyển tới Điện Biên:

Đây cũng là một sự sai lầm lớn. Ngay dù quân của tướng Giáp không biết xử dụng những súng cao xạ, mà những cố vấn người Tàu họ xử dụng, thì kết quả cũng vậy. Đừng nên quá coi thường địch thủ. Ít nhất là 2 năm, từ ngày Mao trạch Đông gửi Trần Canh, một trong chín người tướng nổi tiếng của Mao, có lúc làm Đổng lý văn phòng cho ông này, quân đội Tướng Giáp học bắn cao xạ, và dùng được là chuyện bình thường.

Còn việc nghĩ rằng không thể chuyển những cao xạ về điện biên, lại là một sai lầm nữa. Chính quân Pháp khi chuyển những đại bác 105, 155 li cũng tháo ra rồi chuyển bằng máy bay, sau ráp lại. Tất nhiên quân cộng sản họ cũng biết làm như vậy.

c. Điện biên là một vùng đồi núi, quân Pháp đóng ở lòng chảo, ở giữa, hai bên đông và tây là sườn đồi núi, xung quanh bao bọc bởi rừng, khí hậu ẩm ướt, quanh năm xương mù, hoạt động của máy bay cũng rất khó, chỉ có ban ngày. Cộng sản di chuyển quân và vũ khí đạn dược, ngoài những chiếc xe đạp thồ, mà ngay cả với những chiếc xe hơi được viện trợ bởi Liên sô, ngụy trang bằng cách che kín lá cây, khi có máy bay thì lụi vào một bụi dậm, như trường hợp đường mòn Hồ chí Minh sau này.

d. Nếu chúng ta tính từ ngày tướng Henri Navarra cho thiết lập Trận tuyến này, ngày 20/11/1953, tới ngày Cộng sản mở cuộc tấn công đầu tiên ngày 13/3/1954, thì cũng là gần 4 tháng. Bốn tháng trời tuy ngắn, nhưng cũng đủ di chuyển bất cứ cái gì, di chuyển bất cứ sư đoàn nào.

Quả thật ngày Điện Biên, ngày tấn công đầu tiên 13/3 hay ngày 7/5, ngày thất thủ, là ngày chấm dứt chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam nói riêng và ở Đông dương nói chung. Nhưng một câu hỏi được đặt ra: Sự giúp đỡ và can thiệp của Trung cộng trong trận này là bao nhiêu, để Việt Nam hiện nay lâm vào cảnh “Đuổi hổ cửa trước, nhưng dẫn báo vào cửa sau”, trước tình cảnh: Hôm nay Trung cộng xâm lấn đất ở biên giới; ngày mai đặt dàn khoan dầu ở lãnh hải Việt Nam.

Sau ngày 13/3 cũng là sắp đến ngày 30/4, ngày “Thống nhất đất nước”.

Quả thật có sự thống nhất về lãnh thổ; nhưng lòng người ly tán: Phân biệt người cộng sản và không cộng sản, phân biệt Bắc, Trung, Nam.

Phân biệt không những trong dân, mà còn ngay ở trong đảng Cộng sản.

Chính Nguyễn phú Trọng, đương kim Tổng bí thư, vào Đại hội Đảng thứ 11, có tuyên bố:

“Để trở thành Tổng bí thư, phải là người Cộng sản và cũng phải là người Bắc kỳ.”

Nhân 2 ngày quan trọng của lịch sử cận đại Việt Nam, chúng ta suy ngẫm về quá khứ, để biết rõ hiện tại và sửa soạn cho tương lai, làm thế nào để đất nước độc lập và thống nhất thật sự.

Paris ngày 13/02/2022
Previous Post
Next Post
Related Posts