Thành kính tưởng niệm nhạc sĩ Lê Dinh

Điệp Mỹ Linh (Danlambao) - Bài phỏng vần này được thực hiện – năm 2015 – chỉ với mục đích tìm hiểu về những nhận xét của một trong ba nhạc sĩ tài danh của Nhóm Lê Minh Bằng đối với Nền Âm Nhạc Việt-Nam từ trước và sau năm 1975.

Điệp Mỹ Linh: Kính chào nhạc sĩ Lê Dinh.

Thưa anh, từ cuối thập niên 90, em được hân hạnh gặp anh và cô Đan Thi tại Canada. Vào dịp đó cô Đan Thi đã dành cho em một cuộc phỏng vấn. Từ đó, Điệp Mỹ Linh được hân hạnh cộng tác với nguyệt san Nghệ Thuật do anh làm chủ bút và chủ nhiệm. Đến đầu tháng Tư-2015 – sau gần 20 năm – em mới được gặp lại anh, trong dịp anh sang Houston ra mắt DVD. Để mở đầu bài phỏng vấn này, xin anh vui lòng cho độc giả biết về tiểu sử của anh.

Lê Dinh: Tôi được sinh ra tại làng Vĩnh Hựu, Gò Công; Cha là nhà giáo, Mẹ nội trợ. Thuở nhỏ, tôi học trường Gò Công; sau đó lên Mỹ Tho học trường Collège Le Myre de Vilers rồi học trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện (Ecole Supérieure de Radio Electricité) tại Saigon.

Thời gian theo học trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện, tôi học hàm thụ âm nhạc tại trường École Universelle de Paris, Pháp.

Năm 1954, tôi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện; vì chưa có việc làm, tôi dạy Pháp văn và âm nhạc tại các trường tư thục ở Gò Công và Chợ Lớn.

Năm 1956, tôi làm việc tại Đài Phát Thanh Saigon cho đến đầu năm 1975, với chức vụ Chủ Sự Phòng Sản Xuất (Production Section) rồi Phòng Điều Hợp (On Air Section) của Đài.

Vì lý do riêng, tôi xin nghỉ việc từ ngày 01-01-1975 cho nên không bị cộng sản nhốt tù.

Sau 30-04-1975 tôi bị tù ở trại Phan Đăng Lưu vì vài lần vượt biên bị thất bại; nhưng vì tôi ghi nghề nghiệp là bán thuốc Tây cho nên cũng không bị đưa đi cải tạo.

Đến năm 1978 tôi vượt biên thành công.

ĐML: Xin anh cho biết một cách khái quát về những sinh hoạt văn nghệ của anh trước năm 1975.

LD: Tôi bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1956. Nhạc khúc đầu tiên là Làng Anh, Làng Em; rồi sau đó là những bài như Ngày Ấy Quen Nhau, Ngang Trái, Xác Pháo Nhà Ai, Cánh Thiệp Hồng, Tấm Ảnh Ngày Xưa, Thương Đời Hoa, v.v…

Thời gian làm việc ở Đài Phát Thanh Saigon, tôi quen với nhạc sĩ Minh Kỳ. Tôi cùng với nhạc sĩ Minh Kỳ sáng tác nhiều ca khúc như Tiếng Hát Mường Luông, Đường Chiều Sơn Cước, Đường Về Khuya, Cánh Thiệp Đầu Xuân, Hạnh Phúc Đầu Xuân, v.v…

Sau đó, tôi quen với nhạc sĩ Anh Bằng và hợp tác viết những ca khúc như: Nếu Ai Có Hỏi, Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé, Nếu Hai Đứa Mình, Đôi Bóng, v.v…

ĐML: Thưa anh, nguyên nhân nào, động lực nào thúc đẩy ba nhạc sĩ Minh Kỳ, Lê Dinh và Anh Bằng thành lập nhóm Lê Minh Bằng?

LD: Khi quen với anh Minh Kỳ và anh Anh Bằng, mỗi người trong chúng tôi cũng đã có một số tác phẩm riêng rẽ của mình rồi. Nhưng tôi nghĩ, cứ mãi viết chung 2 người – giữa tôi với anh Minh Kỳ hay giữa tôi với anh Anh Bằng – thì không có lợi, không hay hơn, không mạnh hơn là cả ba người cùng hợp tác với nhau mà sáng tác, lấy tên chung là Lê Minh Bằng. Nhưng, có một điểm ít người biết là, ngoài biệt danh Lê Minh Bằng – mà sáng tác đầu tiên là bài Đêm Nguyện Cầu (1966) – chúng tôi còn có rất nhiều biệt danh khác như Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Cầm, Trúc Ly, Dạ Ly Vũ, Vũ Chương, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Giang Minh Sơn, Nhật Nguyệt Hồ, v.v… Những bài chúng tôi dự đoán là sẽ không được thính giả tha thiết lắm – nói một cách khác là sẽ không “ăn khách” – chúng tôi không lấy tên Lê Minh Bằng mà lấy một trong những biệt danh như đã đề cập. Nhưng không ngờ, trong số những bài chúng tôi không dùng biệt danh Lê Minh Bằng lại được nhiều người ái mộ, số bài ấn hành lên đến cả trăm ngàn bài, như: Truyện Tình Lan và Điệp (Mạc Phong Linh & Mai Thiết Lĩnh), Linh Hồn Tượng Đá (Mai Bích Dung), v.v…

ĐML: Xin anh cho biết những kỷ niệm đáng nhớ nhất giữa anh và hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng.

LD: Trong suốt 9 năm thành lập nhóm Lê Minh Bằng, chúng tôi sống với nhau rất vui vẻ, hòa thuận. Tôi là người miền Nam, anh Minh Kỳ là hoàng tộc, còn anh Anh Bằng, từ một làng xa xôi tận miền ranh giới Việt Trung; Nam Trung Bắc hợp thành một nhóm rất hài hòa.

Một kỷ niệm đáng nhớ nhất là nguồn gốc của bài Linh Hồn Tượng Đá mà đôi lần tôi đã kể cho thính giả và độc giả nghe: Một cuối tuần, anh Minh Kỳ, anh Anh Bằng và Lê Dinh rủ nhau ra Vũng Tàu chơi cho khuây khỏa và cũng để tìm cảm hứng sáng tác. Khi xe chúng tôi đến bãi Trước, chỗ Ty Bưu Điện, chúng tôi thấy ba cô gái mặc áo dài đang đi dưới nắng trưa nóng của Vũng Tàu. Anh Anh Bằng lái xe. Anh Minh Kỳ ngồi phía trước. Bất ngờ anh Minh Kỳ nói với anh Anh Bằng: “Bằng, Bằng dừng xe lại cho ba cô đó lên xe đi chung với mình. Tội quá, nắng chư vầy mà 3 cô đi bộ tội nghiệp quá!” Vì tính hơi nhác, anh Anh Bằng bảo: “Thôi, ông đi đi, tôi không đi đâu”. Anh Minh Kỳ nói: “Thôi, dừng xe lại để ‘moi’ đi cho”. Nói rồi, anh Minh Kỳ xuống xe và không biết anh Minh Kỳ nói gì với 3 cô đó mà 3 cô vui vẻ, đồng ý lên xe. Vì phía băng trước có anh Minh Kỳ ngồi, cho nên 3 cô phải ngồi ở băng sau với tôi. Tôi hỏi tên 3 cô và tại sao đi bộ dưới nắng trưa như vậy? Cô ngồi kế bên tôi cho biết cô tên là Mai, cô kế là Bích và cô bên kia là Dung. Tất cả 3 cô đều là sinh viên Khoa Học, đi Vũng Tàu tìm con sứa để về trường thí nghiệm.

Chúng tôi chở 3 cô ra bãi Sau, mời 3 cô vào quán dùng cơm trưa. Ăn xong, 3 cô xuống mé biển tìm sứa. Sau đó chúng tôi đưa 3 cô ra bến xe Vũng Tàu trở về Saigon. Đêm đó chúng tôi về khách sạn, anh Anh Bằng là người đề xướng việc viết bài Linh Hồn Tượng Đá, lấy tên tác giả - tên của 3 cô ghép lại - là Mai Bích Dung. Chúng tôi cùng hoàn tất bài Linh Hồn Tượng Đá ngay đêm đó. Mặc dù, trong bài có câu “Không bao giờ gặp lại lần thứ hai”, nhưng thật ra chỉ đúng với tôi và anh Minh Kỳ thôi; còn anh Anh Bằng thì, sau khi nhạc khúc được in ra, anh Anh Bằng mang đến trường, tặng 3 cô, mỗi người một bổn.

Bây giờ, nửa thế kỷ sau, tôi được biết, qua cô Mai – tên thật là Mai Xuân Lan – hiện đang ở tiểu bang Ohio, thành phố Cleveland; cô Dung còn ở Việt Nam; và cô Bích cư ngụ tại tiểu bang Arizona. Chỉ có cô Mai Xuân Lan thỉnh thoảng liên lạc với tôi.

ĐML: Thưa anh, với nhiều thập niên sinh hoạt trong giới nghệ sĩ trình diễn cũng như nghệ sĩ cầm bút, có kỷ niệm nào anh cho là vui nhất và kỷ niệm nào anh cho là buồn nhất?

LD: Đối với nghệ sĩ như chúng tôi, mà nghệ sĩ cũng là người bình thường, trong một quốc gia có chủ quyền, dành cho người dân đầy đủ quyền hạn. Mọi người dân được sống hạnh phúc, tự do, yên bình trong suốt 9 năm dưới thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) do Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo; và sau đó, dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, dù bị Việt cộng gây chiến, phá hoại, nhưng người dân cũng vẫn được sống sung túc, ấm no. Đó là niềm vui của chúng tôi – chúng tôi được tự do sáng tác.

Một kỷ niệm vừa vui mà cũng vừa buồn khác là khi thành lập nhóm Lê Minh Bằng, chúng tôi cũng đã nghĩ tới việc hợp tác giữa 3 người – theo quan niệm thông thường thì sẽ không thể kéo dài được – nhưng từ năm 1966 cho đến năm 1975, chúng tôi sống với nhau như anh em một nhà. Nếu không có ngày 30 tháng Tư năm 1975, có lẽ nhóm Lê Minh Bằng vẫn còn có mặt cho đến ngày nay. Nhưng 9 năm sau ngày thành lập nhóm Lê Minh Bằng, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng người xưa nói không sai. Ngày 30-04-1975, anh Anh Bằng không có ý định di tản thì lại di tản; vì lúc đó anh đang ở ngoài Vũng Tàu, rất thuận lợi cho việc chạy trốn cộng sản. Còn anh Minh Kỳ thì quả quyết rằng nếu Việt cộng vô, anh sẽ chạy trốn ngay – vì anh là đại úy Cảnh Sát – và dắt theo đứa con trai để nối dòng. Nhưng nghiệt ngã thay, anh đã không kịp chạy trốn cộng sản để rồi 4 tháng sau, anh chết một cách tức tưởi, oan khiên bởi cộng sản, ở tuổi chỉ mới 45! Đó là nỗi buồn không nguôi của tôi. Câu người xưa nói “Làm gì mà có 3 người thì sẽ thất bại”, nhưng chúng tôi thành công trong 9 năm, rồi mới có sự chia ly, chết chóc. Nhưng đó không chỉ là một kỷ niệm buồn riêng của hai người còn lại trong nhóm ba anh em chúng tôi mà còn là nỗi buồn to lớn của cả một dân tộc bất hạnh.

ĐML: Anh vui lòng cho biết về những sáng tác của anh sau năm 1975.

LD: Từ ngày cộng cản Việt-Nam cưỡng chiếm miền Nam, tôi ngưng sáng tác ra giấy, nhưng có ý tưởng trong đầu và sáng tác trong trí vài ca khúc, mở đầu cho Mười Bài Hận Ca.

Tháng 08-1978, vượt biển đến Đài Loan, tôi mới viết tiếp, hoàn tất tập Mười Bài Hận Ca. Nhưng toàn bộ 10 bài này không được thu thanh, vì lúc đó không có phương tiện, chỉ thu được vài bài như: Tiếng Hát Ly Hương (Phương Hồng Hạnh), Thân Phận Ly Hương (Phương Hồng Hạnh), Lời Người Xa Xứ (Đoàn Chính).

Sau khi định cư tại Montreal, Canada, tôi mới bắt đầu sáng tác trở lại. Những ca khúc sau đây được ra đời: Thương Về Gò Công, Sao Anh Không Nhớ Gò Công, Chữ Tình, Huế Buồn, v.v…

Sau đó tôi sáng tác khoảng 50 bài mà khán thính giả ít có dịp nghe vì phương tiện phổ biến chỉ trên trang nhà, tên là Website Lê Dinh (www.ledinh.ca).

ĐML: Thưa anh, nguyên do nào thúc đẩy anh – một nhạc sĩ chuyên nghiệp – trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút Nguyệt San Nghệ Thuật và phụ trách Chương Trình Đài Phát Thanh?

LD: Năm 1994, nhận thấy tình trạng báo chí ở hải ngoại ít có báo chuyên về văn nghệ, nhất là âm nhạc, cho nên tôi thực hiện ý định xuất bản Nguyệt San Nghệ Thuật mà đường lối nặng về âm nhạc, văn chương rồi kế đến mới là tin tức, thời sự, quan điểm, v.v… Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tôi cũng giữ tờ báo được 13 năm. Nhưng, vì tình trạng sức khỏe, tôi phải tự đình bản, năm 2007.

Thời điểm tôi thành lập Đài Phát Tiếng Nói Việt-Nam tại Montreal là lúc thành phố Montreal chưa có đài tiếng Việt nào cả. Tôi hợp tác với một người cũng làm việc ở Đài Phát Thanh Saigon trước 1975 là ông Lê Thái, tên thật là Lê Thái Tuế, thành lập đài Tiếng Nói Việt-Nam. Thời gian đó Nguyệt San Nghệ Thuật đã ra đời. Tôi lấy bài đọc trên đài và lấy bài của đài bổ túc cho báo, nhờ vậy đỡ rất nhiều công viết bài. Nhưng cũng vì lý do sức khỏe, tôi và anh Lê Thái nhường Đài Phát Thanh lại cho một người khác.

ĐML: Theo em được biết, thập niên 50/60, ông Hồ Đình Phương đặt lời ca cho nhiều tác phẩm của nhiều nhạc sĩ và cố nhạc sĩ Minh Kỳ. Anh có tình khúc nào do ông Hồ Đình Phương viết lời ca hay không?

LD: Nhà thơ Hồ Đình Phương làm việc chung với anh Minh Kỳ ở Nha-Trang – lúc anh Minh Kỳ chưa vào Saigon – cho nên một số nhạc phẩm thời đó của anh Minh Kỳ do anh Hồ Đình Phương viết lời. Tôi không quen với anh Hồ Đình Phương cho nên không có bài nào của Lê Dinh được Hồ Đình Phương viết lời cả.

ĐML: Xin anh cho biết anh nhận xét như thế nào về lời ca do ông Hồ Đình Phương viết?

LD: Tôi nghĩ, vì anh Hồ Đình Phương là một nhà thơ và có lẽ cũng hiểu biết nhạc, cho nên Ông viết lời ca cho nhạc rất hay. Lời thơ giản dị dễ hiểu, rất hợp độ cao thấp với từng nốt nhạc. Bởi vậy, chúng ta thấy ngoài anh Minh Kỳ, nhà thơ Hồ Đình Phương cũng soạn lời ca cho nhạc sĩ Hoàng Trọng và một số nhạc sĩ khác.

ĐML: Thưa, anh xử dụng được những nhạc cụ nào? Khi sáng tác nhạc anh thường dùng nhạc cụ nào?

LD: Tôi có thể xử dụng nhiều loại đàn giây; nhưng tôi chuyên về Tây Ban Cầm. Khi sáng tác, Tây Ban Cầm là người bạn tri âm. Khi có đề tài trong đầu, Tây Ban Cầm giúp tôi thêm hồn nhạc, hồn thơ. Bấm lên Tây Ban Cầm một hợp âm, ta có ngay những âm điệu dễ thương với âm giai đó.

ĐML: Xin anh vui lòng cho biết anh nghĩ như thế nào về nền âm nhạc Việt Nam trước năm 1975 và sau 1975.

LD: Những ca khúc đầu tiên mà các bậc tiên liệt của nền âm nhạc Việt-Nam để lại – được gọi là nhạc cải cách – như Một Kiếp Hoa (Nguyễn văn Tuyên & Nguyễn văn Cổn), Khúc Yêu Đương (Thẩm Oánh) Bình Minh (Nguyễn Xuân Khoát), Bản Đàn Xuân (Lê Thương), Tâm Hồn Anh Tìm Em (Dương Thiệu Tước), Bóng Ai Qua Thềm (Văn Chung), Thu Trên Đảo Kinh Châu (Lê Thương), v.v… chúng ta thấy, dù đã ra đời hơn 80 năm, từ thời âm nhạc còn phôi thai cho đến nay, nhưng những tình khúc này nghe rất có hồn, lời lẽ tuy không trau chuốt văn chương nhưng không khó nghe và lai căn như bây giờ. Chẳng hạn như bài “Thu Trên Đảo Kinh Châu” của Lê Thương, một bài mang âm hưởng nhạc Nhật thời đó, tuy được soạn sau, nhưng cũng được xem như là một trong những ca khúc đầu tiên của gia tài âm nhạc Việt-Nam.

Nhắc lại tác giả và những nhạc phẩm của họ để chúng ta thấy rằng, tuy là những ca khúc đầu tiên, khởi thủy của nền âm nhạc Việt-Nam lúc còn phôi thai, nhưng vẫn có một giá trị không thể thay thế được.

Tiếp theo thời kỳ âm nhạc phôi thai, hay âm nhạc cải cách, là giai đoạn nhạc được gọi là nhạc tiền chiến mà tôi nghĩ rằng vài trăm năm sau nữa vẫn còn được nhắc nhở tới. Những tác giả như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Hoàng Giác, Dzoãn Mẫn, Hoàng Quý, Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn văn Tý, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, v.v… đã để lại cho chúng ta một gia sản âm nhạc đồ sộ, chỉ trong vòng có 20 năm ngắn ngủi. Lời ca thật nên thơ, trữ tình, như:

Tiếng ai hát chiếu nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc lối đào nguyên… (Thiên Thai của Văn Cao)

Suối mơ, bên rừng Thu vắng
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng… (Suối Mơ của Văn Cao)

Ngoài hiên giọt mưa Thu thánh thót rơi
Trời nắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi… (Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong)

Biệt ly, nhớ nhung từ đây
Chiếc là rơi theo heo may… (Biệt Ly của Dzoãn Mẫn)

Âm điệu du dương, uyển chuyển, tha thiết, thấm vào lòng người; lời ca sao mà lãng mạn, yêu đương, tình tứ, ngọt ngào đến như thế!

Rồi đến giai đọan nhạc kháng chiến (nhạc cách mạng), một loại nhạc hừng hực lửa của thời toàn dân đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp. Những tác giả tiêu biểu cho thể loại nhạc hùng tráng như đánh thẳng vào lòng người này có Phạm Duy, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý, Lê Yên, Phạm Duy Nhượng, Phạm Đình Chương, Văn Giảng, v.v… Nhưng phải công nhận rằng Phạm Duy là người có tác phẩm âm nhạc cổ xúy tinh thần tranh đấu nhiều nhất, hay nhất. Làm sao chúng ta quên được, dù 1000 năm sau, những âm điệu và lời ca như:

Này, bao hùng binh tiến lên!
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến… (Xuất Quân của Phạm Duy)

…Hò ới! Hò ơi! Chiều khô nước mắt rưng sầu
Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi… (Về Miền Trung của Phạm Duy)

Rồi 1954 ập đến, nền âm nhạc cũng như các lãnh vực khác, một nửa phát triển mạnh mẽ ở miền Nam tự do, phóng khoáng và một nửa bị chôn vùi trong chốn ngục tù miền Bắc, sau bức màn tre. Một số đông nhạc sĩ miền Bắc đã vào Nam, cùng với những nhạc sĩ đang sống dưới chính thể Đệ nhất Cộng Hòa, kết hợp thành một lực lượng sáng tác mạnh nhất, vững chãi nhất, nhân bản nhất và lãng mạn nhất.

Trong khi đó, miền Bắc với chính sách bịt miệng và láo khoét, cho nên nhạc sĩ miền Bắc viết toàn những bài ca tụng bác Hồ một cách gàn dở, vô duyên, không thể nào lọt vào tai thính giả được. Chỉ một mình nhạc sĩ Thuận Yến mà có đến 26 bài ca ngợi bác Hồ. Ngoài ra còn có những Đỗ Nhuận, Phạm Tuyên, Vân An, Trần Hoàn, Lưu Cầu, Trọng Loan, Phong Nhã, Huy Thục, Lê Lôi, Chu Minh, v.v… sáng tác những ca khúc tuyên truyền, đề cao cộng sản một cách lố bịch. Cả những nhạc sĩ có tài như Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Đỗ Nhuận, v.v… cũng bị lôi cuốn vào công tác viết những ca khúc thuộc loại “bưng bô” này. Chúng ta thấy Văn Cao với Ca Ngợi Hồ Chủ Tịch, Lưu Hữu Phước với Tình Bác Sáng Đời Ta, Phan Huỳnh Điểu với Nhớ Ơn Bác, Đỗ Nhuận với Bé Yêu Bác Hồ, v.v… Những tác giả tài hoa này hiểu rằng: Nếu không viết nhạc và lời để ca tụng và tung hô bác Hồ thì sẽ không có gạo mà ăn! Chỉ cái áo và đôi dép của bác thôi mà cũng có đến 5 bài hát nói về áo và dép này. Chỉ còn thiếu cái áo lót của bác thì chưa có nhạc mà thôi!

Tại miền Nam, dưới thời đệ Nhất Cộng Hòa – và luôn cả thời Đệ Nhị Cộng Hòa – miền Nam Việt-Nam chỉ có duy nhất một bài ca tụng cá nhân vị nguyên thủ quốc gia mà thôi. Đó là bài Suy tôn Ngô Tổng Thống của Ngọc Bích và Thanh Nam. Nhưng, đây không phải là chủ trương của chính phủ miền Nam đề ra để bắt buộc văn nghệ sĩ sáng tác ca tụng lãnh tụ; mà đó là ý nghĩ riêng của hai tác giả, vì muốn tỏ lòng biết ơn người đã khó khăn lắm mới đem đến sự an cư lạc nghiệp cho gần một triệu đồng bào di cư từ miền Bắc.

Từ năm 1975 cho đến nay, âm nhạc của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt-Nam là một sự tuột dốc thảm hại! Điều nhận xét này của Lê Dinh không phải vì định kiến chính trị mà điều nhận xét này căn cứ vào âm hưởng và lời ca của những bản nhạc Việt-Nam – do nhạc sĩ trong nước sáng tác – được phổ biến rộng rãi.

Mở YouTube, bấm vào bất cứ bài nào được sáng tác tại Việt-Nam ngày nay, quý vị sẽ thấy tôi không quá lời. Mời quý vị bấm vào bất cứ bài nào do Cẩm Ly hát, thí dụ bài Chồng Xa, quý vị sẽ nghe lời ca quá buồn cười, giống như lời đối thoại trong một vở tuồng cải lương hạng bét: “Dậy đi mua đồ nấu canh chua về cho Ba mầy bữa cơm trưa…”

Về âm điệu, chúng tôi đố người Việt tự do ở hải ngoại nhớ được một câu nhạc nào đó, trong bất cứ ca khúc nào ở Việt-Nam bây giờ. Tại sao không nhớ được? Xin thưa vì đó không phải là âm điệu mà là những nốt nhạc khác nhau, bỏ chung vào một cái túi rồi rút ra 5, 6, 7 hoặc 8 nốt, ráp lại cho thành một câu nhạc thôi. Trong khi đó, quý vị thử lấy một bài nào đó của miền Nam, trước 1975, như:

“Xuyên lá cành trăng lên lều vải.
Lòng đất ấm thương tình đôi mươi…” (Tình Anh Lính Chiến của Lam Phương)

…. Đây những chiều hành quân
Xóm nghèo dừng chân
Nhớ thương mẹ già nơi quê nhà xa xôi lắm… (Chiều Biên Khu của Tuấn Khanh)

Thượng Đế hởi có thấu cho Việt-Nam này,
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài… (Đêm Nguyện Cầu của Lê Minh Bằng)

Chúng ta nghe sao mà tha thiết quá, du dương quá và dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thương, dù cho cả đời mình hay một trăm năm sau cũng khó quên được.

Về phần ca sĩ trình bày – người bên Việt-Nam gọi là “thể hiện” – phải nói một cách công bằng, vì là nơi đông dân số, gần 90 triệu người, thì làm sao không có ca sĩ hát hay. Nhưng tiếc thay, có một số đông chỉ biết la, hét, hét toáng lên, khiến người nghe không biết họ hát cái gì. Và họ hay uốn éo ở chữ cuối câu (fioritures), có người còn ẹo ở giữa câu, nghe rất khó chịu. Việc điểm fioritures này – tức là láy – người viết nhạc chỉ dùng khi nào thật cần thiết thôi. Nếu tác giả không để thêm nốt fioritures thì ca sĩ đừng nên tự động láy, tự động uốn éo, tự động ỏng ẹo, tưởng rằng hát như vậy là lả lướt; nhưng lả lướt không đúng chỗ, nghe không được. Người mình có tài hay bắt chước và bắt chước giỏi. Cái uốn éo này xuất xứ từ nhạc Âu Mỹ, nhưng mà với lời ca tiếng ngoại quốc và cũng tùy thuộc chữ nào, ý nghĩa ra sao, thì nghe được, chứ cứ uốn éo tự do, uốn éo lung tung, bất kể quân thần thì không hợp với lời Việt chút nào.

Lý do ca sĩ Việt-Nam trong nước bây giờ hát khó nghe vì cách viết lời ca của đa số nhạc sĩ “lớp ba trường làng”, “trẻ tuổi tài cao” của thời Xã Hội Chủ Nghĩa này: Chỗ nốt cao thì để chữ dấu huyền hay dấu hỏi, còn chỗ nốt thấp thì để chữ dấu sắc, hay dấu ngã. Viết lời ca như thế thì chỉ có “giết” ca sĩ mà thôi; bởi ca sĩ không thể nào truyền đạt cho thính giả hiểu được mình hát cái gì. Hát mà người nghe không hiểu gì thì hát làm chi?

Gần nửa thế kỷ qua, thời gian đủ dài để những “đỉnh cao trí tuệ” giết chết tất cả, từ chữ nghĩa, văn hóa, đạo đức cho đến âm nhạc. Riêng về âm nhạc, họ đã vùi dập bao nhiêu công lao của những người đi trước, trải qua bao thế hệ, từ thời kỳ âm nhạc cải cách, đến nhạc mới hay tân nhạc, rồi nhạc vàng – danh từ cộng sản Việt-Nam gọi nhạc miền Nam từ 1954 đến 1975 mà họ đã cố tình tiêu diệt nhưng không được – và nay là nhạc của thời Xã Hội Chủ Nghĩa, của thời: “Dậy đi mua đồ nấu canh chua về cho Ba mày bữa cơm trưa”!

ĐML: Thưa anh, em từng chơi Accordéon trong Ban Ca Nhạc Bình-Minh Đài Phát Thanh Nha-Trang, do Ba em – Cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ – thành lập, từ cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 60. Ngày xưa Ba em thường bảo rằng: Âm nhạc phải đi đôi với văn chương và văn hóa.

Anh có nghĩ rằng vì thiếu văn hóa cho nên ý tưởng văn chương không nẩy nở trong hồn những nhạc sĩ dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa – ngoại trừ những nhạc sĩ “hàng đầu” như Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, v.v… phải ca tụng Bác Hồ để có miếng ăn – vì vậy, những nhạc sĩ trong nước đều viết lời ca quá kệch cỡm, quá thấp kém hay không?

LD: Đúng! Thân phụ cô Điệp Mỹ Linh nhận xét không sai. 

Ngày xưa, trước 1975, nhạc sĩ miền Nam viết ca khúc, nhạc ra nhạc, lời ca ra lời ca. Âm điệu của những bài hát thời V.N.C.H. nghe như tiếng suối reo, như tiếng sáo diều êm ái, diễn đạt được tâm trạng của nhạc sĩ. Lời ca bóng bẩy, trau chuốt, nhưng không dùng sáo ngữ và nhất là không nghịch với nốt nhạc cho nên ca sĩ dễ hát, dễ diễn tả. Chẳng hạn như:

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều,
Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa… (Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn)

Trong khi đó đa số những bài hát bây giờ, dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa, nhạc thì đâm lên đâm xuống vô trật tự, không căn bản, như lấy vật gì nhọn chích vào tai chúng ta. Nhạc dưới thời X.H.C.N. thiếu hẳn tiết tấu của một dòng nhạc, không theo luật lệ sáng tác.

Còn lời ca – đúng như cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ nói – thiếu sự chăm sóc kỹ lưỡng, có lẽ vì trình độ văn hóa của những người sáng tác, viết nhạc theo kiểu “mì ăn liền”, cho nên đôi khi nghe vô duyên, không phải là một tác phẩm văn nghệ nữa mà là một câu nói ta thường nghe ngoài đường phố, ở vỉa hè hay nơi chợ búa. Nhớ lời xưa: "Nhìn vào âm nhạc một quốc gia, nghe nhạc của quốc gia đó sẽ biết nước đó như thế nào" và hãy nghe âm nhạc Việt-Nam sau 1975 thì biết trình độ của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt-Nam ra sao!

ĐML: Thưa anh, bài phỏng vấn đến đây em nghĩ cũng tạm đủ. Em xin cảm ơn anh đã chịu khó trả lời rất nhiều câu hỏi của một “nghệ sĩ tài tử” nhưng rất mến mộ những tác phẩm của nhóm Lê Minh Bằng.


Điệp Mỹ Linh - https://www.diepmylinh.com/
Previous Post
Next Post
Related Posts