Kẻ bất lương nhất

Đỗ Thành Nhân (Danlambao) - Mưa lũ năm 2020 lại xác lập kỷ lục mới về mức độ tàn khốc của lũ lụt miền Trung, hàng ngàn người kêu gào, hàng triệu người cứu giúp và cũng không ít người chửi “đồ bất lương”. Người viết đã từng là nạn nhân lũ lụt, với trả nghiệm của bản thân trong nhiều môi trường và vị trí xã hội cố gắng chỉ ra kẻ bất lương nhất.

I. Ai bất lương?

Từ những câu chuyện nhỏ trong thực tế...

1.

Có anh nông dân bị cướp đất oan ức, khốn khổ tìm đến luật sư, nhờ tư vấn, làm cho cái đơn, xong việc luật sư tính tiền 25 triệu.

Anh nông dân chửi: đồ bất lương, làm chưa được buổi mà lấy chừng đó tiền.

Luật sư trả lời: Anh có biết tôi bỏ ra bao nhiêu năm học để làm việc với anh một buổi này không?

2.

Có năm gặp thiên tai lũ lụt, anh luật sư về quê cứu trợ cho bà con. Luật sư thuê ghe (đò) anh nông dân cả ngày để phát hàng cứu trợ. Xong việc nông dân tính tiền 5 triệu.

Anh luật sư chửi: đồ bất lương, làm chưa được ngày mà lấy chừng đó tiền.

Nông dân trả lời: Anh có biết tôi bỏ ra bao nhiêu tiền để mua ghe, cả năm chỉ để chở vài ba chuyến như thế này không?

3.

Suy cho cùng, các cá nhân với nhau chẳng ai trấn lột tiền của người kia cả, công sức bỏ ra họ cần phải thu lại theo quy luật cung cầu của thị trường. Ở đây không ai ép người khác phải thuê dịch vụ của mình.

Còn "bất lương": là kẻ dùng quyền lực chiếm đoạt tiền của bạn cho mục đích riêng.

Tôi thông cảm cho những người bức xúc chửi người khác là “đồ bất lương”. Tuy nhiên những người đó hãy bình tâm lại, trả lời: “tiền của bạn làm ra có bị cá nhân, băng đảng nào đó chiếm đoạt làm của riêng hay không ?”, “môi trường nào tạo ra sự độc quyền, ép giá?”

Nếu bạn trả lời đúng bản chất câu hỏi, thì sẽ thấy được: AI MỚI CHÍNH LÀ KẺ BẤT LƯƠNG?

Nếu không có “kẻ bất lương” này thì không đến nỗi anh nông dân và anh luật sư gọi nhau là “đồ bất lương”. Không còn nhiều tình trạng cướp ngày oan trái, cảnh phá rừng gây lũ lụt kinh hoàng để người dân than khóc, ai oán kêu trời.

II. Đồng bào

...đến lịch sử mở mang bờ cõi.

1.

Thời kỳ đầu mới giành được độc lập tự chủ, lãnh thổ Đại Việt bao gồm khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, các đồng bằng nhỏ ven biển Bắc Trung Bộ. Sông Gianh là cực nam của đất nước. Hành trình Nam tiến để mở mang bờ cõi về phương Nam kéo dài từ thế kỷ 11, và cũng chừng đó thời gian người dân miền Trung phải đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên.

Trong tiến trình rời bỏ quê hương, mở mang bờ cõi tiến vào phương Nam, người Việt mang theo 2 chữ “ĐỒNG BÀO”.

Theo wikipedia: “đồng bào” là một cách gọi của người Việt Nam có ý coi nhau như con cháu của cùng tổ tiên sinh ra. Nghĩa đen "đồng bào" có nghĩa là "cùng một bọc" hay là "cùng một bào thai" và chỉ anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ. “Đồng bào” từ truyền thuyết con rồng cháu tiên, trăm trứng trăm con mà lúc nhỏ ai cũng được nghe.

Những thế hệ đầu tiên mở nước, “đồng bào” tự cưu mang nhau để đồng hóa dân bản địa, chống lại thú dữ, sống chung với thiên nhiên nghiệt ngã, ... không có chính quyền và càng không có bất kỳ một đảng nào lãnh đạo. Nghĩa tình đồng bào hoàn toàn tự nguyện, gắn kết với nhau đã trở thành truyền thống của dân tộc trong tiến trình mở rộng đất nước đến ngày hôm nay.


2.

Tuổi thơ tôi từng sống trong rốn lũ, thành quy luật, cứ đón bão lũ lụt, dọn nhà cửa đồng ruộng, xuống giống xong là ăn Tết Nguyên đán. Tôi không quên được cảnh mưa xuống, đường tàu lửa chắn ngang như con đập, các hồ cùng xả, nước núi đổ về, nước dâng lên liên tục, lúc đầu còn đưa heo bò vào nhà, sau đó chỉ còn lo đến người !

Năm bão lụt lớn, người dân vùng nước ngập trong nhất thời vô cùng khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Có đoàn cứu trợ, từ thiện ở đâu về là mừng lắm. Đến khi nước rút, nghe thông báo “Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã [...] mời bà con đến [...] nhận quà cứu trợ”, vậy là người dân đi nhận quà là vài ba ký gạo, năm mười gói mì tôm; hiếm hoi lắm mới được ký đường, lạng bột ngọt; còn tiền thì không có. Tất cả mọi người nhận quà đều phải thuộc câu: cảm ơn đảng, cảm ơn nhà nước! (không thấy bóng dáng những ân nhân thực sự).

Những đứa trẻ ngày ấy (từ thiếu nhi, thiếu niên, đoàn viên) đều phải “thấm nhuần” câu cửa miệng “nhờ có đảng...”: nhờ có đảng cứu trợ qua cơn lũ lụt, nhờ có đảng mà một ngày công được một ký lúa; lớn lên: nhờ có đảng, nhà nước cho đi học !

Mấy hôm nay, các tỉnh Bắc miền Trung lại oằn mình gánh lũ lụt từ sự phẫn nộ của núi rừng Trường Sơn, nhiều đoàn người cứu trợ lại kéo về vùng lũ, người dân vùng lũ được cưu mang và... ơn đảng, nhà nước.

3.

Mọi người, mọi việc đều ơn đảng, giá như đảng đến sớm hơn thì may mắn biết bao!

Có khi nào những người luôn “ơn đảng” trả lời câu hỏi: nếu được đảng lãnh đạo từ hơn 300, 500, 700, 900 năm trước thì sao?

- Sẽ được bao nhiêu người chịu rời quê cha đất tổ vào phương Nam mở mang bờ cõi chấp nhận bỏ công sức, tính mạng ra khai khẩn đất đai rồi giao cho Triều Đình vào lập hợp tác xã, sở hữu toàn dân.

- Những người kéo nhau đi mở mang bờ cõi muốn giúp đỡ nhau chống chọi với thiên tai bất ngờ, nghiệt ngã đều phải thông qua Mặt Trận: họ có thể tồn tại được không?....

- Biên giới phía Bắc với người láng giềng “16 chữ vàng, 4 tốt; núi liền núi, sông liền sông” như thế nào?. Biên giới phía Nam sẽ đến đâu, có vượt qua Sông Gianh, Đèo Ngang không; có đến được đảo Lý Sơn, Phú Qúy... để từ đó những “đồng bào” đánh cá xác lập ngư trường để có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam.

***

Người dân lúc khó khăn, hoạn nạn nhận được sự cứu giúp của ai cũng quý, nên nhờ ơn đảng hay nghĩa tình đồng bào gì cũng tốt.

Truyền thống “đồng bào” có từ hơn 4000 năm lịch sử dân tộc, chính nhờ nghĩa tình đồng bào mà đất nước được mở mang và dân tộc trường tồn. Đồng bào trực tiếp cứu giúp đồng bào lúc nguy cấp để động viên, đồng cảm, chia xẻ nổi đau và tình yêu thương, lòng nhân ái từ trái tim đến trái tim; hướng con người đến những giá trị nhân bản, thiện căn.

Cho nên KẺ BẤT LƯƠNG NHẤT là kẻ dùng quyền lực ngăn cản đồng bào trực tiếp cứu nạn đồng bào trong nguy khốn. Chẳng khác gì băng cướp dùng sức mạnh buộc người cứu trợ phải phụ thuộc, kẻ gặp nạn phải mang ơn; rộng hơn nữa là hủy hoại “nghĩa tình đồng bào” nhường chỗ cho sự thuần phục, nô lệ.

24/10/2020

Previous Post
Next Post
Related Posts