Dân chết vì lũ là lẽ... đương nhiên?

Ngàn Hương (Danlambao) - Tính đến hết ngày 19/10/2020, đã có 128 người dân miền Trung bị chết vì lũ. Với con số khủng khiếp và đau thương này, lẽ ra nhà nước nên tổ chức lễ Quốc tang để tưởng niệm họ, chứ không phải chỉ nhăm nhăm nhắm vào tướng Man và 22 cán bộ chiến sĩ của binh đoàn 337 mà thôi. Điều đó thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc ta với câu phương ngôn: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.

Hơn nữa những người dân vô tội này chết đau xót và oan uổng dưới bàn tay độc ác và tham lam của nhóm lợi ích phá rừng để làm thủy điện “cóc”đang phát triển tràn lan tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Nếu chỉ tưởng niệm các cán bộ và chiến sĩ bị chết trong nạn lở đất vừa qua, trong đó 22 bộ đội, thì nguyên nhân làm kinh tế do tổ chức phân công thì đã rõ. Còn cái chết của tướng Man và 12 người khác, cả đêm chui vào vùng sạt lở với hai bàn tay không, không có phương tiện cứu trợ, và mục đích chưa rõ ràng. Vậy nếu chỉ tưởng niệm cán bộ và chiến sĩ quân đội, thì hóa ra coi nhẹ mạng người dân sao?

Báo Kinh tế &Đô thị ra hôm nay(20/10/2020) có bài “Lễ truy điệu 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 hy sinh diễn ra vào ngày 22/10”. Theo đó: “Sáng 20/10, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, lễ truy điệu 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hy sinh tại Quảng Trị sẽ diễn ra vào trưa 22/10 tại TP Đông Hà” (1).

Trước đó, báo Vietnam.net cho biết: “Quốc hội dành một phút mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man”.

Có người đặt câu hỏi: Liệu Quốc Hội có ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng biến toàn quốc, lo cho miền Trung tang thương? Và liệu Quốc Hội có chút lay động nào để bàn về quốc nạn "ăn" hết rừng? Chừng nào dừng các công trình thủy điện cóc?

Có thể nói tất cả cán bộ, chiến sĩ và hàng trăm người dân đều chết vì nạn thủy điện cóc.

Vậy thủy điện cóc là gì?

Theo ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Nghệ An: “Thủy điện cóc là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này được nhiều doanh nghiệp lao vào làm vì suất đầu tư vừa phải, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận lớn.

Tuy nhiên, nếu đầu tư thủy điện cóc ở khu vực miền Trung thì lợi bất cập hại. Bởi đây là khu vực có địa hình độ dốc lớn, sông ngắn, lại là nơi tập trung vào nhiều Khu bảo tồn thiên nhiên, địa chất ở vùng này phần lớn thuộc nhóm đất dễ sạt lở”.

Tại sao họ thích làm thủy điện cóc?

Việc làm thủy điện cóc có những lợi ích cơ bản sau đây:

Một là những thủy điện này làm ở rừng nguyên sinh. Rừng nguyên sinh là kho gỗ quý vô giá, do đó nguồn lợi khai thác gỗ là vô cùng to lớn, là miếng mồi béo bở cho các quan tham. Hậu quả của việc cạo trọc rừng nguyên sinh làm thủy điện là làm liên kết núi bị bẻ gẫy, do đó gặp mưa là gây ra lở đất đá.

Hai là nó ở xa xôi heo hút, phải đi bộ vài ba ngày đường mới tới, do đó tránh được những cặp mắt dòm ngó của người dân. Chỉ cần một tấm bảng “Vô phận sự cấm vào” treo lên là nơi đây trở thành lãnh địa bất khả xâm phạm.

Ba là chẳng phải đền bù nhà cửa, tài sản của dân.

Bốn là không ai kiểm soát được. Giả sử giấy phép duyệt 50ha, nhưng họ phá cả trăm ha thì có trời biết.

Năm là có thể khai thác dài hạn nhân danh rừng lòng hồ, sau đó trồng lại rừng khác, tạo ra chuỗi lợi tức từ rừng. Việc nhà đầu tư khoanh vùng diện tích lòng hồ và xin khai thác rừng lòng hồ sẽ kéo dài trong nhiều năm. Nói là khai thác rừng lòng hồ, theo diện tích lòng hồ đã được ấn định nhưng kỳ thực, diện tích rừng nguyên sinh bị khai thác là vô tội vạ và chẳng ai có thể kiểm soát được. Kiểm lâm thì đã được cho “ngậm” rồi.

Thật không thể tưởng tượng được, trong một đoạn sông ngắn chưa đầy 30km và dốc thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, mà phải oằn mình gánh 4 thủy điện, là Thủy điện A Lin B1, B2 cùng thủy điện Rào Trăng 3 và 4, nằm trong hệ thống “thủy điện bậc thang” trên thượng nguồn sông Bồ.

Những ông chủ giấu mặt:

Ông Nguyễn Đại Thành sinh năm 1992 đang là Giám đốc công ty thủy điện Rào Trăng 3. Năm 2016, người đứng đầu công ty mới chỉ ở tuổi 24. Ai tin được một thanh niên 24 tuổi, bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cho 1 thủy điện cóc ở 1 nơi heo hút, mà công suất chỉ vỏn vẹn 13 MW, với tổng vốn đầu tư dự án là 409 tỉ đồng.

Trả lời báo Lao Động, ông Nguyễn Đại Lợi xác nhận, Nguyễn Đại Thành - GĐ Cty CP Thuỷ điện Rào Trăng 3 là con trai của ông “để làm các thủ tục ngân hàng, và để ký các giấy tờ liên quan đến việc triển khai dự án thôi, chứ mọi việc phó giám đốc kỹ thuật họ phụ trách, còn thằng con tôi về Đồng Hới 2 năm rồi, không liên quan gì nữa”.

Hậu quả của việc cạo nhẵn lớp mặt rừng nguyên sinh, cải tạo đất núi bằng máy xúc, máy ủi, bằng đốt rừng để trồng cây mới là không thể tưởng tượng được.

Khi rừng bị cưa sạch, lớp đệm giữ nước của rừng bị bóc, thay vào đó là những cánh rừng mới trồng xanh um, tươi tốt, nhưng kỳ thực lớp mặt đất núi đã bị tổn thương, liên kết núi bị bẻ gãy và chỉ cần một trận mưa lớn, núi trở thành cái túi đất ngậm nước, đến khi ngậm không nổi nữa thì vỡ ra, gây sạt lở, chuồi đất, lũ quét, lũ ống...

Và có hàng triệu quả bom nước khổng lồ đang treo lơ lửng trên đầu dân, có thể ụp xuống bất cứ lúc nào là điều đương nhiên.

Bình quân các nhà máy thủy điện cóc 1MW tiêu ngốn khoảng 10 ha rừng đầu nguồn. Vậy mỗi dự án thủy điện “nuốt chửng”.

Điều trớ trêu là họ xoen xoét nói rằng, cần làm nhiều thủy điện tại miền Trung để điều tiết lũ. Nhưng khi hạ lưu cần nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, thì họ tích nước để phát điện. Đến khi mưa to thì trong khi hạ lưu đang ngập trong nước, thì họ xả lũ ào ạt, gây ra lũ chồng lũ.

Lý do cơ bản gây ra lũ lụt là nạn phá rừng, còn gọi là lâm tặc phá rừng.

Vậy lâm tặc là ai?

Một thống kê cho thấy thì cứ 100 ha rừng bị phá, thì chỉ 11% là lâm tặc và người dân phá. Còn lại 89% là những “lâm tặc hợp pháp”.Là những kẻ phá rừng có giấy chứng nhận của chính quyền. Tất nhiên không có giấy chứng nhận nào cho phép “chặt cây phá rừng”, mà là giấy phép đầu tư dự án.Đó là những dự án phá rừng làm thủy điện, sân golf, resort, khu du lịch “tâm linh” v.v...

Số 11% còn lại tuy không có giấy phép, nhưng đố ai qua mắt được chính quyền địa phương và kiểm lâm?

Nay trời mưa rất lớn và kéo dài nhiều ngày, gây ra sạt lở và lũ lụt kinh hoàng, làm rất nhiều người dân các tỉnh miền Trung chết là lẽ đương nhiên. Đó là hậu quả của chiến dịch phá rừng làm thủy điện “rất đúng quy trình” tại các tỉnh miền Trung hiện nay.

Tóm lại: 

"Mưa lũ là tại ông trời.
Dân chìm, còn đảng muôn đời vinh quang."

*

Chú thích:


Previous Post
Next Post
Related Posts