Nhà Thơ Bùi Chát vào danh sách chung kết giải thưởng năm 2020 của Quỹ Hội Thư Viện Vaclav Havel

CTV Danlambao - Danh sách chung kết được tuyển chọn gồm 6 ứng cử viên từ 6 quốc gia cho giải thưởng “Tạo Bất An” (Disturbing The Peace) của Quỹ Hội Thư Viện Vaclav Havel (Vaclav Havel Library Foundation) năm nay có nhà thơ Bùi Chát từ Việt Nam.

Giải thưởng này được thành lập vào năm 2016 nhằm tôn vinh các tác giả can đảm vì sáng tác mà bị trù dập, đàn áp bởi các chế độ độc tài. Giải thưởng này cũng nhằm xiển dương các giá trị vị nhân sinh nhân quyền của nhà đấu tranh vì tự do dân chủ của Tiệp Khắc, ông Vaclav Havel. Xuất thân từ 1 nhà soạn kịch, ông đã lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng lật đổ đảng Cộng Sản Tiệp và trở thành vị tổng thống đầu tiên của 1 nước Tiệp Khắc dân chủ. Giải thưởng “Tạo Bất An” (“Disturbing the Peace”) từ 4 năm qua đã được trao cho các văn nghệ sĩ can đảm, dám nói lên sự thật “bất an” trong xã hội đất nước họ và truyền cảm hứng cho những người khác để không ngừng cùng cất tiếng nói và tranh đấu cho lẽ phải.

Năm nay 6 ứng cử viên vào danh sách chung kết bao gồm Ahmet Altan (Thổ Nhĩ Kỳ, đang trong tù), Bùi Chát (Việt Nam), Yirgalem Fisseha Mebrahtu (Eritrea, sống ở Đức), Angel Santiesteban Prats (Cuba), Anand Teltumbde (Ấn Độ, trong tù) và Marcia Tiburi (Brazil/Mỹ/Châu Âu).

Mỗi năm các tổ chức quốc tế uy tín trong lãnh vực văn học và nhân quyền như Hội Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Hội Nhà Văn Quốc Tế (International Pen), Hội Ngôn Từ Không Biên Giới (Words Without Borders), Freedom House, Ideas for Cuba v.v... gửi đơn đề cử các ứng viên cho giải thưởng. Từ danh sách được đề cử, một ủy ban gồm các chuyên gia tên tuổi trong lãnh vực văn học nhân quyền sẽ tuyển lọc ra 6 ứng viên vào danh sách chung kết. Danh sách chung kết này được trao cho một ban giám khảo gồm 3 cá nhân có uy tín nổi bật trong lãnh vực liên hệ để chọn ra người trúng giải.

Giải thưởng năm nay được trao cho Angel Santiesteban Prats (Cuba). Giải thưởng gồm $5000 hiện kim và 4 tuần cư trú tại Prague nếu hoàn cảnh và điều kiện hiện tại cho phép.

Tuy chưa được trúng tuyển cho giải thưởng năm nay, nhưng vào danh sách chung kết là một vinh dự cho nhà thơ Bùi Chát và tình trạng phi nhân quyền tại Việt Nam có cơ hội được dư luận quốc tế biết đến và quan tâm.

Đôi giòng về Bùi Chát: anh là nhà thơ, người sáng lập NXB Giấy Vụn, nơi xuất bản các tác phẩm có giá trị nhưng bị cấm phổ biến. Năm 2001 anh tốt nghiệp khoa Ngữ văn Báo chí tại trường Đại Học Tổng hợp TPHCM. Mười năm sau, anh trở lại trường học luật và tốt nghiệp cử nhân luật năm 2013.

Từ năm 2011, Bùi Chát đã làm nhiều nghề, từ giao hàng, bán đồ gốm đến xuất bản độc lập. Anh là người tích cực bảo vệ quyền tự do xuất bản. Năm 2010, tập thơ “Một Vần” của anh được xuất bản song ngữ Anh và Việt bởi tổ chức Eva Tas Foundation ở Amsterdam với sự tài trợ của Trung tâm Văn bút Hoà Lan.

Năm 2000, Bùi Chát và người bạn thân, nhà thơ Lý Đợi cùng sáng lập nhóm thơ “Mở Miệng”. Các thành viên của nhóm Mở Miệng tự xem mình là các “thi sĩ vỉa hè”. Vì suy nghĩ trái chiều với “đường lối chỉ đạo” của Hội Nhà Văn và Bộ Văn Hoá của nhà nước mà các nhà thơ trẻ cấp tiến này bị “gạt ra vỉa hè”. 

Bùi Chát còn sáng tạo ra khái niệm “thơ rác” (garbage poetry), nhằm chế diễu mỉa mai những văn bản lịch sử văn hoá do đảng CSVN cổ suý. Bùi Chát và Lý Đợi từng bị bắt giam 2 ngày chỉ vì phát tờ rơi tại một buổi đọc thơ bị công an giải tán. Vì các nỗ lực đề cao quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản và nhân quyền phổ quát, Bùi Chát đã được Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản Quốc Tế (International Publishers’ Association (IPA)) trao giải thưởng “Tự Do Xuất Bản” năm 2010 tại Buenos Aires, Argentina. Anh cũng được mời phát biểu tại Hội Nghị của IPA tổ chức tại Seoul, Nam Hàn về tình trạng xuất bản ở Việt Nam. 

Trong cuộc trò chuyện với nhà thơ Bùi Chát, chúng tôi bàn về ý nghĩa của tên gọi giải thưởng "Disturbing the Peace": giải thưởng dành cho những ai dám làm “xáo trộn hoà bình”, thứ hoà bình giả tạo trên bề mặt của những quốc gia độc tài, thiếu tự do phi dân chủ. Và quả là sự ngẫu nhiên lý thú vì Bùi Chát từng đặt tên tập thơ đầu của anh là “Xáo Chộn Chong Ngày”. Âu cũng là thích hợp với ý nghĩa của giải thưởng này vì các hoạt động của Bùi Chát nói riêng và của Nhóm Mở Miệng nói chung đang làm xáo trộn thứ hoà bình giả hiệu sau khi chiến tranh đã chấm dứt. Và như lời của nhà thơ Hoàng Hưng đã viết về Bùi Chát: “Thơ của anh đúng là "disturbing the peace", ai đọc nó cũng phải "bất an", phải nhìn thẳng vào xã hội và vào lòng mình!"

21/8/2020

Previous Post
Next Post
Related Posts