Lịch sử 1945 không thể nói ngược, bẻ cong

Phạm Trần (Danlambao) - 75 năm lặng lẽ trôi qua như nước chảy qua cầu, nhưng cái gọi là “Cách mạng tháng Tám 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, như Tuyên giáo đảng tuyên truyền năm này qua năm khác có thật hay đồ giả?

Căn cứ theo diễn tiến có các nhân chứng tham dự ngày 19/08/1945 tại Hà Nội thì đó chỉ là ngày Việt Minh đã cơ may “cướp” được Chính quyền Trần Trọng Kim không có quân lính bảo vệ. Biến cố lịch sử này không có súng nổ, hay bạo động đổ máu nên không thể bảo đó là “cách mạng”.

Là người Việt Nam sinh ra trước và sau biến cố này đều biết rõ như thế, nhưng đảng Cộng sản do ông Hồ Chí Minh thành lập từ năm 1930 thì không nhận đã đi “cướp” sợ mất chính nghĩa nên đã phịa ra là “giành lại Chính quyền”.

Vậy đầu đuôi chuyện 19 tháng Tám của 75 năm trước như thế nào?

GS Nguyễn Đình Cống

Hãy đọc Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cống: "Đêm 9 tháng 3-1945 Nhật đảo chính Pháp. Trên đất VN không còn người Pháp cai trị. Ngày 11-3 vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, xóa bỏ mọi hiệp ước đã ký với Pháp. Tháng 4-1945 giải tán triều đình phong kiến với các Thượng thư, lập Chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu và các Bộ trưởng. Ngày 15-8 Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngày 17-8 Chính quyền Hà nội tổ chức mít tinh, treo cờ Quẻ Ly để chào mừng nước Việt Nam độc lập. Cuộc mít tinh này đã bị người của VM (Việt Minh)cướp đoạt, hạ cờ Quẻ Ly xuống, giương cờ đỏ sao vàng lên và kêu gọi đi theo VM. Từ trước ngày 17-8 thủ tướng Trần Trọng Kim, Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đã 5 lần tiếp xúc, hội đàm với đại diện của VM tại Hà nội (Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Khang) với đề nghị mời người của VM tham gia Chính phủ hoặc hợp tác lập Chính phủ liên hiệp để chuẩn bị đón tiếp quân Đồng minh, nhường quyền kiểm soát phần lớn đất nước cho VM một cách hòa bình. Nhưng cả 5 lần đều bị đại diện VM từ chối với tuyên bố là VM đủ lực lượng để cướp toàn bộ chính quyền mà không cần sự hợp tác nào hết, chỉ có đấu tranh một mất một còn. Để tỏ rõ thiện chí không dùng bạo lực, chính phủ ông Kim và Bảo Đại không thành lập quân đội, không có Bộ Quốc phòng.

Ngày 19-8 VM cướp chính quyền ở Hà nội. Sau đó việc cướp chính quyền lan rộng ra toàn quốc. Việc cướp này diễn ra dễ dàng, nhanh chóng vì không gặp phải sự chống đối. Ngày 25-8 vua Bảo Đại thoái vị.”

Vậy Việt Minh Cộng sản Việt Nam có công gì không?

Giáo sư Cống khẳng định: "Câu chuyện vào CM tháng 8 VM đã đánh Pháp, đã đuổi Nhật để giành độc lập mà trên 70 năm qua nhiều người Việt vẫn tin và khẳng định như vậy thì thực tế lịch sử đã chỉ ra rõ ràng là không đúng. Trong thời gian diễn ra CM tháng 8 VM không hề đánh một đơn vị Pháp nào, không hề đuổi một đơn vị Nhật nào. VM quả thực đã lợi dụng được thời cơ và điều kiện rất thuận lợi để cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim khi Pháp đã bị Nhật loại bỏ, Nhật đã đầu hàng, chính quyền hợp pháp không có quân đội, không chống lại. Hơn nữa khi CM sắp nổ ra, tổng chỉ huy quân Nhật tại VN có đề nghị với Bảo Đại và Trần Trọng Kim, rằng nếu phía VN yêu cầu thì quân đội Nhật sẽ giúp bảo vệ chính quyền và đánh tan VM. Nhưng các ông Bảo Đại và Trần Trọng Kim đã không đồng ý, cho rằng như thế là huynh đệ tương tàn, là làm đổ máu của người Việt một cách không cần thiết. Ông Kim còn đòi Nhật thả nhiều thanh niên VM bị Nhật bắt giam trước đó. Nhật đã thả họ. Trong tuyên ngôn thoái vị, Bảo Đại nêu cao tình đoàn kết dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân." (trích bài “Vài đánh giá nhầm trong cách mạng tháng 8”, ngày 18/08/2016)

Theo Bách khoa toàn thư mở, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, sinh ngày 12/12/1937 tại Quảng Bình, từng là nhà giáo nhân dân tại Đại học Xây dựng. Ông là một trong những kỹ sư đầu tiên ở Việt Nam chuyên về nghiên cứu Bê tông và các lĩnh vực khác trong Xây dựng. Ông đã có nhiều đóng góp cho công tác nghiên cứu giảng dạy đào tạo trong lĩnh vực Xây dựng.

Tuy nhiên, sau khi nghỉ hưu ông đã có nhiều bài viết phê bình nghiêm khắc chính sách cai trị phản dân chủ của đảng CSVN. Ông còn thẳng thắn nêu ra những sai lầm của Chủ nghĩa Mác- Lênin, và kêu gọi thực hiện đa nguyên, dân chủ.

Vào ngày 03 tháng 02 năm 2016, ông tuyên bố từ bỏ Đảng. 

Cố đại tá Bùi Tín

Trong khi đó, khi còn sống, cựu Đại Tá Bùi Tín, cựu Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân của Trung ương đảng CSVN viết trên trang cá nhân của ông: "Sau 70 năm, nhìn lại không thể gọi biến cố đó là Cách mạng tháng Tám. Gọi vậy là “ngoa ngôn”, là “đại ngôn”, vì “cách mạng” là phải thay đổi hẳn chế độ cai trị, đổi mới hoàn toàn bản chất chế độ, đem lại dân chủ, tự do cho mọi công dân, quyền tự do bình đẳng trong kinh doanh, cốt lõi là tự do ngôn luận, tự do báo chí.” 

Nhà bất đồng chính kiến với đảng CSVN nói thêm: "Biến cố gọi là Cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam hoàn toàn không đổ máu, không có đấu tranh giằng co bằng bạo lực quyết liệt. Chính quyền thực dân Pháp đã bị phát xít Nhật lật đổ ngày 9/3/1945 trong một cuộc đảo chính nhẹ nhàng. Trước đó cả Đông dương thuộc Pháp đã đầu hàng phát xít Đức, Việt Nam trở thành thuộc địa của nước Pháp thua trận đã đầu hàng phát xít, cho nên bị khối Đồng minh xếp vào loại bị quân Đồng minh là quân đội Anh và quân đội Trung Hoa Dân quốc chiếm đóng để giải giáp quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Quân đội Trung Hoa vào miền Bắc, quân Anh vào miền Nam.

Việt Nam trở thành đất trống về quyền lực cai trị, chính phủ Trần Trọng Kim vừa thành lập được 6 tháng còn non yếu, tuy về danh nghĩa đã giành được nền độc lập từ tay phát xít Nhật đã buông súng đầu hàng Đồng minh. Do sức ép của quần chúng xuống đường theo lời hiệu triệu của Mặt Trận Việt Minh do đảng CS Đông Dương tổ chức ra. Vua Bảo Đại thoái vị nhanh chóng, bày tỏ niềm vui “từ bỏ ngai vàng để trở thành một công dân tự do”.

(trích theo GS-TS Phạm Cao Dương: “Việt Minh Cướp Chính Quyền, 73 Năm Nhìn Lại”, ngày 17/08/2018)

Ông Bùi Tín, sinh ngày 29/12/1929, đã tị nạn chính trị tại Pháp năm 1990 và qua đời tại Paris ngày 11/8/2018

Nhạc sỹ Tô Hải

Đến lượt nhân chứng, cố Nhạc Sỹ Tô Hải, tác giả bài ca nổi tiếng Nụ Cười Sơn Cước đã kể: "Chỉ đơn cử 2 ngày 17 và 19/8/1945 là đã có sự lẫn lộn rồi. Thì ra 17/8 là cuộc Mít tinh của công chức biểu tình ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Còn ngày 19/8 là ngày Mít tinh ủng hộ Việt Minh. Bọn thanh niên chúng tớ ngơ ngác về chính trị, cứ thấy Mít tinh là ào ào đổ ra đường chẳng hiểu ai lãnh đạo?"

Theo Bách khoa Toàn thư mở thì ông Tô Hải, tên thật là Tô Đình Hải, sinh ngày 24/09/1927, qua đời ngày 11/08/2018, từng phụ trách các hoạt động văn nghệ và mỹ thuật, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia công tác tại Khu 4 và Nhà xuất bản Mỹ thuật

Trước khi xuất bản “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” năm 2009, ông đã ra khỏi đảng. Ông cho biết không khí hoang mang của ngày 19/08/1945 như thế này: "Ai hô thế nào thì hô theo thế ấy. Cờ vàng, cờ đỏ chẳng có gì quan trọng. Miễn là đi qua trại lính Nhật chẳng thấy đứa nào dám nổ súng dù có hô to “Đả đảo Phát xít Nhật!” “Việt Nam muôn năm!” Cả hai cuộc mít tinh nói trên đều có mặt cái thằng tớ. Cũng may là tớ chẳng vướng vào các cuộc mít tinh có lính Tầu Tưởng đứng gác ở chợ Đồng Xuân để bị nghe “Tỉu cái là ma lồng pào!” khi bị Việt Minh giải tán!...”

Với lời tự nhận “Tớ đúng là một tên gà mờ”, ông Tô Hải kể tiếp: "Có phải chính những người như bọn tớ, tay cầm cờ vàng ba sọc đỏ, miệng hát “Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng“ kéo nhau đi biểu tình ủng hộ chính phủ TTK đã “quáng gà cách mạng” nên, giữa chừng đã a-dua, khi thấy người ta trương lên lá cờ đỏ sao vàng to tướng và phát cho chúng tớ những lá cò đỏ nhỏ bằng cái quạt mo là những người đã được “Đảng giáo dục” và “đồng lòng cùng đi tiếc gì thân sống“ để thực hiện nghị quyết của Đại Hội Quốc Dân (?) họp ở Tân Trào? Không! Hoàn toàn không! Chúng tớ, lúc ấy, dù bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào, đã đưa ra đường lối chống Pháp, đã hứa hẹn Độc Lập-Tự Do cho đất nước, đều sẵn sang đi theo! Đến cựu Hoàng Bảo Đại cũng còn tuyên bố “Làm dân một nước tự do còn hơn là làm vua một nước nô lệ!” nữa là…!”

Cuối cùng Nhạc sỹ Tô Hải đã thẳng tay bác chuyện đảng CSVN “nhận vơ” đã lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 như sau:

“Nói trắng ra rằng, dân Việt Nam chẳng hề biết đến cái sự lãnh đạo tài tình nào của Đảng Cộng Sản trước cái ngày 19 tháng 8 năm 1945 ấy! Vả lại lúc đó Đảng các ông có mấy người? Làm sao chỉ có gần 60 chục mống, (trong đó có cả ông anh họ tớ, Tô Kim Châu, Ban Bình Dân Học Vụ cùng Nguyễn Hữu Đang, không hề là Đảng viên CS, sau này bỏ vô Nam, làm cái gì đó ở toà án quân sự VNCH, nên đi học tập “có” 11 năm!) đi họp ở Tân Trào về mà động viên được cả triệu người, đủ mọi thành phần từ Bắc vô Nam, đứng lên đòi Độc Lập Tự Do kia chứ!

-- Tóm lại, theo tớ, 19 tháng 8 năm 45 nếu tớ là nhà viết sử có lương tâm tớ sẽ viết hẳn một chương; CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM VÀ CUỘC ĐẢO CHÍNH 19 THÁNG 8 NĂM 45. Tiếp theo đó là những trang bi tráng nhất về lịch sử dân tộc Việt Nam sau cuộc Đảo Chính này… Vì: 

Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã bắt đầu bị đổi mầu từ đây. Máu đổ xương rơi cũng bắt đầu từ đây!”

(theo GS-TS Phạm Cao Dương: “Việt Minh Cướp Chính Quyền, 73 Năm Nhìn Lại”, ngày 17/08/2018)

Luật sư Trần Thanh Hiệp

Cuối cùng, nguyên Luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn và Paris, Trần Thanh Hiệp phát biểu về ngày 19/08/1945 như sau:

“Tôi nhớ là nhân có một cuộc biểu tình do công chức, dân chúng tổ chức để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, thì trong cuộc biểu tình ấy Việt Minh cướp cờ nổi lên và giành lấy như là cuộc biểu tình của Việt Minh để mà làm cuộc Cách mạng tháng Tám. Nhưng mà thực sự ra không có cách mạng gì cả, mà chỉ là một sự cướp chính quyền thôi."

Ông nhấn mạnh: "Đối với tôi đó là một hành động cướp chính quyền chứ không phải là cái mà người ta gọi là Cách mạng tháng Tám vì không có gì thay đổi, cách mạng cả, chỉ có cướp quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim để mà Đảng Cộng sản dưới tên gọi là Mặt trận Việt Minh hay Việt Nam Mặt trận Đồng minh, cướp lấy chính quyền..."

“…Đảng Cộng sản Việt Nam khi cướp chính quyền thì giữ luôn chính quyền cho riêng mình và giành lấy độc quyền, rồi từ đó đến nay mở ra đường lối toàn trị. Thành ra Đảng Cộng sản tự cho mình quyền thay dân chúng để sử dụng chủ quyền quốc gia.” - (BBC Tiếng Việt, 31/08/2018)

Vẫn nói dối quanh

Với 3 nhân chứng cựu đảng viên đảng Cộng sản Nguyễn Đình Cống, Bùi Tín, Tô Hải và Luật sư Trần Thanh Hiệp nói về ngày 19 tháng Tám năm 1945, thiết tưởng đã quá đủ để thấy ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN chẳng có công trạng gì với cái gọi là “Cách mạng tháng Tám 1945”.

Chẳng qua là nhóm cán bộ Việt Minh ở Hà Nội khi ấy đã nhanh chân chốp lấy thời cơ để biến cao trào quần chúng xuống đường ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim và ăn mừng đất nước đã được độc lập, sau tuyên bố của Vua Bảo Đại ngày 11-3-1945, để cướp chính quyền cho Cộng sản cai trị độc quyền.

Thế mà Tuyên giáo của đảng CSVN, qua báo Quân đội Nhân dân, đã huyênh hoang: "Phủ nhận thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm xuyên tạc lịch sử, hướng lái con thuyền cách mạng nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, là thủ đoạn không mới, nhưng vô cùng thâm độc của các thế lực thù địch. Do đó, luận giải và kiên quyết đấu tranh làm thất bại mưu đồ phản động ấy là vấn đề cấp thiết và thời sự hiện nay.

Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi cách đây 75 năm là dấu mốc lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam thời hiện đại.” 

(báo QĐND, ngày 18/08/2020)

Tại sao lại cay cú đến thế? Vĩ đại chỗ nào? Lý do tiếp tục bị phủ nhận vì cái gọi là Cách mạng tháng Tám 75 năm trước đầy đã không đem lại cơm no áo ấm và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Ngược lại, vì tham vọng quyền lực và vì phải chu toàn điều gọi là “nghĩa vụ quốc tế Cộng sàn” với hai đàn anh Nga-Tầu, đảng CSVN đã đưa đất nước vào 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn, gây chia rẽ hận thù và tiếp tục chậm tiến lạc hậu như ngày này.

Điều này được Giáo sư, Tiến sỹ Lịch sử Phạm Cao Dương tóm tắt trong bài viết năm 2018 của ông như sau:

“Cách đây đúng 73 năm, hai biến cố lớn đã xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, đã đưa dân tộc Việt Nam vào một khúc quanh lịch sử vô cùng quan trọng: Biến Cố 19/8/1945, Việt Minh cướp chính quyền và Biến Cố 2/9/1945, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập. 

Hai biến cố này đã đưa tới sự thay thế chính quyền của Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim bằng chính quyền Việt Minh do Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản lãnh đạo, từ đó tới Cuộc Chiến Ba Mươi Năm, đầy đau thương, chết chóc, chia rẽ và hủy diệt, kéo dài từ năm 1946 đến năm 1975.”

GS Phạm Cao Dương, sau nhiều năm giảng dạy tại các trường Đại học ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, và sau 1975 tại Mỹ, đã nghĩ hưu nói thêm: "Hai biến cố này thực ra là đều không cần thiết vì ít nhất hai lý do:

"Thứ nhất: Người Pháp đã bị người Nhật loại trừ ra khỏi chính quyền Đông Dương từ sau ngày 9/3/1945, ngày Nhật đảo chính Pháp. Tiếp theo đến lượt người Nhật đầu hàng, Việt Nam đương nhiên độc lập với chính quyền Bảo Đại–Trần Trọng Kim là chính quyền đương nhiệm và hợp pháp. Sau này khi người Pháp muốn trở lại, người ta vẫn có thể dùng các phương tiện ngoại giao để điều đình nhưng với một tư thế hoàn toàn khác trước.

Thứ hai: Chính quyền của Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim không phải là một chính quyền tệ hại, như bị CS tuyên truyền, trái lại gồm toàn những trí thức ưu tú đương thời, có khả năng, nhiệt tâm và sự hiểu biết cần thiết để điều hành đất nước, khác với các chính quyền sau đó. Chính quyền này đã và đang thực hiện được nhiều công trình quan trọng như thu hồi và cụ thể hóa nền độc lập và thống nhất quốc gia, thiết lập những cơ chế căn bản cho một chế độ dân chủ, tự do trong một tuần lễ được báo chí đương thời mệnh danh là Tuần Lễ Của Các Tự Do, đặc biệt và tồn tại cho đến tận ngày nay là công cuộc Việt hóa và xây dựng nền giáo dục quốc gia... dù chỉ mới cầm quyền được trên dưới bốn tháng, những gì chính quyền Cộng Sản cho đến tận ngày nay vẫn chưa muốn làm hay chưa làm được.”

(trích bài Phạm Cao Dương: “Việt Minh Cướp Chính Quyền, 73 Năm Nhìn Lại”, ngày 17/08/2018)

Như thế thì ngày 19/08/1945 nên được đặt vào chỗ nào trong lịch sử giữ nước và dựng nước của Việt Nam, và những tang thương, đỗ vỡ của dân tộc do đảng CSVN gây ra từ sau biến cố này có cách gì hàn gắn được không? 

Lịch sử đã là như thế thì tất nhiên không thể bị bẻ cong hay đổi trắng thay đen tùy tiện. -/-

(08/020)

Previous Post
Next Post
Related Posts