ĐBQH Phạm Phú Quốc chi 2.5 triệu USD mua "hộ chiếu vàng"

CTV Danlambao - Ngày 24/8, hãng tin Al Jazeera (Qatar) đăng một loạt bài viết dẫn từ tài liệu mật thu thập được, gọi là “The Cyprus Paper” (hồ sơ Cyprus), đã tiết lộ ông Phạm Phú Quốc, một đại biểu Quốc hội của nhà nước CSVN, nằm trong danh sách các nhân vật chính trị đã mua quốc tịch của quốc đảo Cyprus.

Danh sách bị rò rỉ do Al Jazeera công bố bao gồm các chính trị gia, quan chức quản lý các tập đoàn nhà nước đến từ Đông Nam Á, Trung Quốc, Lebanon, Nga, Việt Nam… mỗi người trong danh sách này phải trả ít nhất 2,5 triệu USD cho mỗi cuốn "hộ chiếu vàng" (golden passport) trong khoảng thời gian từ năm 2017-2019.


Hồ sơ “Cyprus Papers” cho biết ông Phạm Phú Quốc và vợ được phê chuẩn cấp quốc tịch cùng ngày qua đường đặc cách vào tháng 12 năm 2018.

Ông Phạm Phú Quốc đang là đại biểu Quốc hội của đoàn Tp.HCM nhiệm kỳ 2016-2021, là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhà nước CSVN. Ông nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Tân Thuận, một công ty nhà nước từ cuối năm 2019. Trước đó ông từng nắm chức TGĐ Tổng Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC).

Trong cương vị Tổng Giám đốc HFIC, ông Phạm Phú Quốc đã bán khu đất vàng 3.700 m2, tức toà nhà ITC, cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng với một số công sản khác. Tuy nhiên, vụ việc không được truy cứu trách nhiệm.

Ngay sau khi vụ việc mua hộ chiếu được loan tải trên mạng xã hội tại Việt Nam, trong chiều ngày 25/8, ông Quốc thừa nhận đã có quốc tịch Cyprus nhưng phủ nhận đã bỏ tiền ra mua.

Ông Quốc trơ trẽn, lấp liếm giải thích việc ông có quốc tịch là “do gia đình bảo lãnh” vào năm 2018.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn nhập tịch cho thường trú nhân của chính phủ quốc đảo này thì để được nhập quốc tịch Cyprus, cá nhân cần có 5 năm trước ngày nộp đơn nếu đương đơn là cha, mẹ, con của người đã được công nhận là công dân Cyprus.

Theo luật Tổ chức Quốc hội CSVN vừa được thông qua vào tháng 6 năm nay, ĐBQH Việt Nam chỉ được phép có 1 quốc tịch. Tuy nhiên, luật này đến 1/1/2021 mới có hiệu lực.

Trước đây, vào năm 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, một cựu ĐBQH của Hà Nội, đã bị bác tư cách đại biểu vì sở hữu thêm quốc tịch Malta nhưng không khai báo trong hồ sơ ứng cử.

Việc ông Phạm Phú Quốc, một quan chức cộng sản bậc trung nhưng đủ thừa số tiền 2,5 triệu USD mang đi mua quốc tịch một xứ khác, đây là minh chứng sắc nét để thấy rõ hơn về một đám sâu mọt đảng viên đang ngày đêm “ăn không chừa một thứ gì” của người dân nước Việt.

Tưởng cũng nói thêm: khi thuyền sắp đắm, những “nô bộc” của dân, mạnh ai nấy tìm đường “vơ của chạy lấy người”, sẵn sàng bỏ lại sau lưng xác bác Hồ bác Phiêu và 1 đất nước rách nát k còn gì.

27/08/2020

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com
Previous Post
Next Post
Related Posts