Vũ Đông Hà (Danlambao) - Với những dữ kiện thông tin đến từ các trang báo uy tín của Đức và Slovakia, sự việc Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ đạo và có mặt tại chỗ trong cuộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã không còn là mối nghi ngờ gì nữa. Đối diện với những thảm họa bang giao Việt-Đức và nhu cầu thông qua Hiệp ước Thương mại Tự do EVFTA, Hà Nội không còn chọn lựa nào khác là phải trao trả Trịnh Xuân Thanh trở về Đức theo yêu cầu của Bá Linh. Nhiều thoả thuận đã được đồng ý bởi 2 phía từ cuối năm 2017 theo lời công bố của Tham tán công sứ ĐSQ CSVN tại Đức là Nguyễn Hữu Tráng, cũng như theo dự đoán của bà Petra Schlagenhauf - luật sư của Trịnh Xuân Thanh.
Điểm mấu chốt của việc thương thảo giữa Hà Nội và Bá Linh là Hiệp định Thương mại Tự do VN-EU (EVFTA). Xác suất cao là Cộng đồng chung Âu châu, trong đó Đức là quốc gia dẫn đầu, sẽ không thông qua EVFTA nếu Hà Nội không giải quyết vấn đề Trịnh Xuân Thanh theo đòi hỏi của chính phủ Đức. Dĩ nhiên bên cạnh yêu cầu này còn có những yêu sách khác của EU đặt ra đối với Hà Nội như thực thi Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, vấn đề môi trường và giám sát việc thực thi EVFTA.
Một trong những yêu cầu của Bá Linh đã được đáp ứng bởi Hà Nội là trả tự do cho Ls Nguyễn Văn Đài sang Đức vào tháng 6/2018.
Robert Kaliňák |
Trong khi đó tại Slovakia, vụ cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Robert Kaliňák bị nghi ngờ có liên quan với Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã tạo nên một cuộc khủng hoảng chính trị.
Thủ tướng Peter Pellegrini |
Thủ tướng Slovakia, ông Peter Pellegrini tuyên bố chính phủ của ông sẽ điều tra đến tận gốc mọi sự liên quan, dính líu của quan chức Slovakia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Bà Denisa Sakova, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đương nhiệm đã gặp ông Joachim Bleicker - Đại sứ Đức tại Slovakia để cam kết Bộ Nội vụ Slovakia sẽ hợp tác với Đức trong việc điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Bên cạnh đó, bà Sakova đã ra lệnh đình chỉ công tác đối với 14 nhân viên cảnh sát Slovak hộ tống phái đoàn Tô Lâm vào ngày 26/06/2017 để những cảnh sát này có thể dễ dàng làm nhân chứng cho cuộc điều tra.
Tổng thống Andrej Kiska |
Tuy nhiên, ông Andrej Kiska -Tổng thống Slovakia không tin là bà Sakova sẽ tiến hành một cuộc điều tra khách quan vì bà này được xem là cánh tay phải của cựu Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák - người đã gặp Tô Lâm tại khách sạn Bôrik trước khi Trịnh Xuân Thanh được chuyển sang đoàn xe ra phi trường Milan Rastislav, bay sang Moscow và về Hà Nội làm người đầu thú theo phiên bản của Nguyễn Phú Trọng.
Tổng thống Andrej Kiska đã lên tiếng yêu cầu bãi nhiệm bà Denisa Sakova. Thủ tướng Pellegrini cũng tuyên bố là sẽ chỉ thị xúc tiến điều tra cả hai bộ trưởng tiền nhiệm lẫn đương nhiệm Kaliňák và Sakova.
Bộ trưởng CA Tô Lâm |
Với khủng hoảng chính trị ở tầm mức lớn xảy ra tại Slovakia, cuộc điều tra buộc sẽ thực hiện đến nơi đến chốn với sự theo dõi của truyền thông và quan tâm của đại chúng. Nó sẽ phơi bày những quan hệ giữa Bộ trưởng công an Tô Lâm với Bộ Nội vụ Slovakia; những đổi chác, hối lộ giữa Hà Nội với cựu thủ tướng Robert Fico; vai trò của Lê Hồng Quang - cố vấn ngoại thương của ông Fico và là người được Fico bổ nhiệm làm Đại biện lâm thời Sứ quán Cộng hòa Slovakia tại Việt Nam sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thành công.
Mọi việc sẽ không thể dừng lại ở mức thoả thuận giữa Hà Nội và Bá Linh vào cuối năm ngoái. A can of worms / một hũ giòi đã bị khui ra và Ba Đình sẽ không còn có thể có những thương lượng ngầm với các chính khách Đức khi mà mọi sự đã bị phơi bày trước công chúng Đức lẫn Âu châu.
*
Tham khảo:
09.08.2018