Hiệp ước giữa Việt Minh và Trung Cộng

Báo The Scotsman, 29 tháng Tám, 1950 

O.M. Green * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Có tin đồn không ngớt trong chính phủ Anh rằng Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo cộng sản của Việt Minh phiến loạn ở Đông Dương, đã chết, hay bị giết cách đây nhiều tháng, nhưng những đồng chí thân cận nhất của ông giấu kín tin ông chết vì sức lôi cuốn của tên ông.

Một tin đồn tương tự với tin đồn này là trường hợp của Tan Malakka, nhà lãnh đạo cộng sản người đảo Java, người mà, những người Indonesia quả quyết, đã bị người Hòa Lan hành hình hai lần và bị chính họ hành hình một lần. 

Hiện nay không ai biết Hồ Chí Minh ở đâu; dường như không có ai đã thấy ông trong suốt nhiều tháng qua. Năm ngoái ông trả lời phỏng vấn hai lần, một lần dành cho một tờ báo New York. Nhưng cả hai cuộc phỏng vấn đều qua điện thoại, và bất kỳ ai quen thuộc với ngôn ngữ cộng sản Châu Á cũng đều có thể viết ra dễ dàng các câu trả lời. 

Ngày hôm qua là ngày kỷ niệm chu niên lần thứ năm tuyên ngôn về nước "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" tại Huế, kinh đô của An Nam, mà Hồ Chí Minh là Chủ tịch, và nhân dịp này ông, hay bóng ma của ông đã đưa ra bài diễn văn trước quốc dân. Giống như những cuộc phỏng vấn trên, bất kỳ ai cũng có thể viết ra bài diễn văn này - bài diễn văn theo một công thức quen thuộc là ca tụng chiến thắng của Việt Minh, khinh thường người Pháp đang suy yếu, chưởi rủa đế quốc Mỹ. 

Nhưng cuối bài diễn văn lời lẽ có vẻ khá khác thường. Chiến thắng cuối cùng là chắc chắn; nhưng "chiến thắng không thể có nếu không trường kỳ đấu tranh." Rồi tiếp theo là bản liệt kê dài "những nhiệm vụ cấp bách" mà tất cả phải được thống nhất trong đấu tranh. 

Hiện nay, tình hình ở Đông Dương gần giống như bế tắc. Cho dù không chờ viện trợ Mỹ, mà cho đến nay chỉ có tám chiếc máy bay Dakota và một chuyến tàu đầy xe quân sự, nhưng không có xe tăng hay xe thiết giáp, người Pháp cũng đã chiếm thêm được nhiều nơi. 

An Nam ở miền Trung khá yên tĩnh. Nhưng ở miền Bắc người Pháp đã kiểm soát được vùng tam giác trồng lúa rộng lớn của đồng bằng sông Hồng và đã mở ra con đường mới từ thủ đô Hà Nội đến Lạng Sơn, ở biên giới với Trung Quốc, thay thế con đường Việt Minh đã phá hủy. 

Giết người và bắt cóc 

Ở miền Nam kể từ tháng Sáu đến nay quân đội Pháp và Việt Nam đã tiêu diệt một số trại và cơ sở Việt Minh và tịch thu nhiều vũ khí trong các cuộc hành quân càn quét. Nhưng tin tức về những cuộc đụng độ khác chứng tỏ rằng Việt Minh vẫn còn có thể chống trả lại ở Nam Kỳ và đồng thời gia tăng khủng bố. 

Kể từ tháng Sáu ba ký giả người bản xứ thân Bảo Đại (Quốc trưởng Việt Nam), một tỉnh trưởng và phụ tá bị sát hại, và chủ bút người Pháp của tờ Saigon Presse bị thương nặng. Khủng bố thậm chí còn lan đến vương quốc Cambodia gần kề, nơi vào ngày 15 tháng Tám, khi buổi khiêu vũ được tổ chức trong một câu lạc bộ của các chủ đồn điền thì bị bắn súng và quăng lựu đạn vào, bốn người bị giết, năm người bị thương, năm người bị bắt cóc. 

Mới đây, người Pháp đã bắt giữ 40 tên khủng bố cùng một số vũ khí và lựu đạn ở Chợ Lớn, vùng ngoại ô người Hoa của Sài Gòn. 

Nhưng nhiều nhân vật người Việt quan trọng tránh về phe Bảo Đại vì sợ bọn khủng bố. Tình hình cũng không khá hơn trước sự kiện hội nghị ở Pau (Nam nước Pháp), mà nhằm tạo ra sự hợp tác vững chắc giữa Việt Nam, Cambodia và Lào, và nhằm cải thiện bề ngoài tự trị của những nước này, vẫn còn kéo dài mãi. Cách đây một tháng họ nói hội nghị đang bước vào những giai đoạn cuối cùng. Nhưng, theo những tin tức mới nhất, nhiều vấn đề quan trọng nhất thậm chí vẫn chưa được đề cập đến. 

Hiện nay gió mùa làm cho các các hoạt động quân sự chậm lại, nhưng người Pháp sợ những gì có thể xảy ra khi gió mùa qua đi. Đã có rất nhiều tin tức về những tân binh Việt Minh được đào tạo trong các trại Trung Quốc ở Vân Nam và về những chuyến xe cam nhông chở đầy thiết bị Trung Quốc vượt qua biên giới đến bộ tham mưu của Hồ Chí Minh. Còn bây giờ người Pháp thu giữ được một tài liệu mà họ khẳng định là bản sao hiệp ước quân sự giữa Trung Cộng và Việt Minh được ký kết vào ngày 10 tháng Sáu và có hiệu lực từ ngày 1 tháng Bảy. 

Đây là một tài liệu đáng sợ. Trung Cộng cam kết duy trì sẵn sàng năm sư đoàn để đến giúp Việt Minh nếu được yêu cầu và sẽ cung cấp các cố vấn quân sự cho Hồ Chí Minh nếu ông cần họ. Nhưng nếu bản hiệp ước đúng như những gì đã được công bố ở Sài Gòn thì kỳ lạ thay bản hiệp ước cũng khiến ta ngộ ra bao nhiêu điều. 

Ghét Tàu 

Chỉ cái tên của hiệp ước thôi cũng có nhiều ý nghĩa - Kế hoạch Tấn công và Bảo vệ Quân sự trên Biên giới Việt-Trung. Từ đầu bản hiệp ước quy định rằng "nếu các vùng biên giới Việt-Trung bị bất kỳ lực lượng đế quốc nào xâm lăng thì lực lượng Trung Quốc và Việt Minh sẽ liên minh với nhau để đẩy lùi cuộc tấn công." 

Toàn bộ hiệp ước đều nhấn mạnh đến việc bảo vệ khu vực biên giới. Chỉ cuối cùng mới đề cập đến sự hợp tác cuả Trung Quốc trong cuộc phản công lớn; và rồi ngay theo sau đấy tuyên bố rằng "Quân đội Giải phóng Trung Quốc... sau chiến thắng sẽ rút về nước vô điều kiện trong vòng một tháng." 

Có thể do Trung Quốc không muốn cam kết quá nhiều. Nhưng cũng có thể, và có lẽ càng có thể, rằng Việt Minh hoàn toàn không muốn người Trung Quốc ở lại vô thời hạn trong lãnh thổ của họ. 

Cách đây năm năm, sau khi Nhật thua trận, lực lượng Trung Quốc đông đảo tiến vào Bắc Kỳ, và không có gì thấy rõ cho bằng cảnh người Việt nóng lòng muốn đuổi họ đi. Quân đội ấy, tất nhiên, là quân đội Trung Hoa Dân Quốc; còn hôm nay quân đội này là quân đội Trung Cộng. Nhưng ở Đông Dương thái độ ghét và sợ người Tàu đã có từ xưa và hoàn toàn có cơ sở. 

Ta không được đẩy cách hiểu như thế về quan điểm của Việt Minh đi quá xa. Nhưng đấy là điều ta cũng cần nhớ. Có nhiều dấu hiệu là quan điểm chung hiện nay ở Đông Dương trước hết là khao khát giải quyết công việc của quốc gia mà không có sự can thiệp bên ngoài, mặc dù rõ ràng chống Pháp cũng là chống cộng. Đó không phải là một dấu hiệu không tràn trề hy vọng vào lúc khi cuộc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, và khi người ta hy vọng tìm ra cách giải quyết hoàn toàn mới cho cả Triều Tiên và Việt Nam. 


Nguồn


Bản tiếng Việt

Previous Post
Next Post
Related Posts