Hành trình về quê hương

Bảo Giang (Danlambao) - Con đường về quê chỉ có hai hướng đi. Một là tuyệt giao hoàn toàn với những kẻ bán nước để chúng ta có ngày về trong Tự Do, đất nước ta có Độc Lập và đời sống của người dân có Công Lý bảo vệ. Hai là, cúi xuống, uốn mình trước những tên cộng sản bán nước thuộc diện vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo để van xin chúng đóng cho cái... mộc mà vui thú! 

Ta chọn phương cách nào để đi, để nên người Việt Nam anh dũng, hay thành kẻ bại hoại cho đất nước đây? 

*

I. Những diễn biến đưa đến chia ly 

Tự Do ơi, Người trả bằng nước mắt. 
Ôi Tự Do! Ta trả bằng máu và chia ly! 

Vâng, đúng thế và còn hơn thế. Vì Tự Do, vì Độc Lập người Việt Nam đã không nề gian khổ, bỏ nhà, bỏ phố lên rừng từng đoàn, từng toán để gia nhập vào các đoàn quân kháng chiến, tranh đấu cho ngày Độc Lập, Tự Do của đất nước. Trước kia là những phong trào kháng chiến trải dài suốt từ nam ra bắc với những anh hùng Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật... Kế đến là cuộc khởi nghĩa Yên Bái với Nguyễn Thái Học và sau này là phong trào Việt Minh. Tất cả đã nguyện lấy máu xương của mình để tranh dấu cho nền Độc Lập của của Tổ Quốc. 

Kết qủa, người Việt Nam đã trắng mắt ra. Đúng ra là ngỡ ngàng khi thấy một dúm người gia nhập đoàn biểu tình tuần hành của công chức, thanh niên thành phố ở Hà Nội vào ngày 17-8 tại nhà hát lớn nhằm ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, trương lên ngọn cờ đỏ sao vàng của Phúc Kiến. Khi người dân chưa kịp nhận biết nhóm người kia thuộc đoàn thể nào thì chỉ mấy hôm sau, chúng lại rải truyền đơn, kêu gọi dân chúng tụ họp ở đây, rồi nghênh ngang tuyên bố khai sinh triều đại cộng sản tại quê hương này vào ngày 2-9-1945. Từ đó, và sau khi Pháp rút lui, máu và nước mắt của ngưòi dân Việt không ngừng tuôn chảy. Chảy thảm khốc trong suốt hơn hai mươi năm lửa khói chiến tranh. Cho đến hôm nay, 45 năm sau ngày 30-4-1975, có ai ngờ dòng máu ấy vẫn chưa khô cạn. 

Nhớ lại, khi những cái loa kèn bằng… mồm nổi lên để mở hội Sol đố mì… mừng chiến thắng Điện Biên chưa tan, người Việt Nam đã biết mình bị mắc bẫy lừa của tập đoàn cộng sản hôi tanh. Nên ngay khi nghe được bản tin chia đôi đất nước ra đời, người người vội vơ lấy cái quần, manh áo, cõng con, gánh mẹ di cư vào Nam. Chuyến đi trải qua muôn ngàn gian khổ, nước mắt, nhưng xem ra, đó là bước may mắn nhất trong đời của họ. Họ tạm thoát nạn vong nô nhà Hồ. 

Phận người chưa kịp đi, hay chạy không thoát thì chợt thấy ánh sao của những cái mã tấu trong tay Hồ Chí Minh vụt nhoáng lên ngay trước cửa nhà. Kết qủa, 172000 ngàn gia đình mất phần mộ, mất hương hỏa, mất phần đất mà tổ nghiệp đã nhiêu đời gây dựng nên. Dĩ nhiên, không phải chỉ có 172000 gia đình mất mạng, mất nghiệp, nhưng là cảnh tất cả mọi người trên đất Bắc đều trắng mắt, trắng tay. Khi ấy, tuy có người vẫn còn được ở lại trong mái nhà xưa với mảnh đất cũ, nhưng vuông đất ấy theo pháp lệnh của Việt cộng, không còn là của riêng họ. Trái lại, tất cả được quy hoạch là tài sản của xã hội chủ nghĩa, do nhà nước quản lý. 

Điển hình, trường hợp của cô Phạm Thị Nhu, con của một điền chủ bị VC sát hại và cướp của là một thí dụ. May thay, giữa lúc cô thành kẻ ăn mày không có cái rổ, luẩn quẩn trên nương đồng tìm củ khoai còn sót lại thì gặp đấng trượng phu, một thiếu tá chính trị viên tiểu đoàn thuộc đại đoàn 304 của VC trên đường về quê sau chiến dịch. Hoa Sim lại nở, họ nên duyên. Người chiến binh tài hoa hôm nào sau đó không còn tay súng, tay sách đèn, nhưng là một tiều phu dưới chân núi. Ngày ngày đập đá, khai hoang trồng rau đổi lấy gạo nuôi gia đình mà có được một đời thanh thản, yên vui, không vướng bận. Ngoài một trường hợp con địa chủ này ra, người ta không còn nghe biết nhiều đến số phận của các nạn nhân của ít nhất 172000 gia đình đã bị Hồ Chí Minh đấu tố kia ra sao. 

Từ đây, ai cũng biết, với sách lược tắm máu trong mùa đấu tố của Hồ Chí Minh, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, tất cả chỉ còn lại hai con mắt trắng dã, đợi chờ. Chuyện không dừng lại ở đó, trong lúc tài sản riêng của các gia đình bị chiếm đoạt, đời sống của trẻ thơ trên đất bắc còn bị đẩy ra khỏi gia đình. Trẻ hoang mang trong bước chân lạ lẫm. Người ngượng ngùng dưới ánh lửa khuya khi nắm tay nhau nhẩy múa theo bài ca Sol, đố, mì… tàn dân đoàn kết, đều được Hồ Chí Minh dẫn đường chỉ lối vào lối sống Vô Gia Đình bằng cách, chỉ mặt gọi tên chính cha mẹ, họ hàng mình ra mà đấu tố. Sau khi theo Hồ đấu tố cha mẹ, thân nhân, làng xóm xong, chúng bơ vơ, không nơi tựa. Hồ kéo chúng nhập vào cuộc sống bầy, đàn, rồi thoát ly gia đình, rồi thành đảng đoàn viên Việt cộng. 

Có thể nói, từ thời điểm này, nền tảng luân lý gia đình, đạo đức của xã hội Việt Nam ở đất Bắc đã thực sự bị phá sản. Nó bị phá sản bởi một ngôn từ rất “chuẩn mực” của Hồ Chí Minh là “ủng hộ” hay “hộ lý”! Khởi đầu là Nông Thị Trưng rồi Nông Thị Xuân, những con người thuần hậu được biến đổi thành giai cấp “hộ lý” cho Hồ Chí Minh. Kết qủa, họ đều phải chết vì nghề “ hộ lý” nhưng lại đòi làm vợ “bác” như trong một gia đình! Tuy thế, ngôn từ ngắn gọn này lại trở thành vốn liếng cơ bản trong sinh hoạt của đảng CS do Hồ lãnh đạo. Hơn thế, được rất nhiều báo chí, sách vở của chính những ngưòi từ phía bên kia viết về đời sống vợ chung, chồng chạ, hay tự hiến cho nhau của các cán bộ CS bắc Việt để được nên quan CS. (Đêm giữa ban ngày - Vũ Thư Hiên. Tôi bỏ đảng - Hoàng Hữu Quýnh). 

Từ đây, rất nhiều thanh niên thiếu nữ ở miền Bắc lấy nhau là do bác đảng tác hợp. Họ không còn biết đến cha mẹ mình là ai, thay vào đó là lá đơn gởi bác đảng xin phép được kết hôn, sống chung với ai đó cùng trong tổ chức, hay trong sinh hoạt. Cũng từ đây, những tục lệ cưới xin trong nhân gian của ta xưa kia hầu như bị san bằng, hủy bỏ. May thay, trò nhảy sol, đố, mì và chế độ “hộ lý” của Hồ Chí Minh đã bị phế bỏ ít lâu sau khi chúng vào được miền Nam. Lý do, ánh sáng từ đời sống nhân bản của người ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30-4 1975 có khả năng làm cho giấc mộng “rừng hoang” của chúng bừng tỉnh. 

II. Lịch sử của những chuyến đi 

Phải nói cho rất đúng là từ ngày 20-7-1954 và sau này là ngày 30-4-1975, mỗi người, mỗi gia đình Việt Nam từ Bắc đến Nam đều có những con số riêng cho gia đình gìn giữ. Những con số mà suốt đời những người còn sống không bao giờ được phép rời xa, nếu như không muốn nói đến việc phải thắp nén nhang hàng năm, hết đời mình thì truyền lại cho con cháu ghi nhớ. Bởi lẽ, người ta chưa khi nào quên được những tội ác của Hồ Chí Minh khi họ phải rời bỏ quê hương mình. 

a. Khởi đầu cuộc xa rời đất Bắc 

Hình ảnh của những đứa trẻ ngồi trong thúng, khi bà mẹ gánh chúng trên đường trốn chạy bọn cộng sản Hồ Chí Minh trên đất bắc, và ở miền Nam sau này, để lại trong tôi nhiều ấn tượng, đến nay vẫn chưa thể xóa nhoà. Tại sao ư? 

Trước hết, mảnh vườn, vuông đất, mái nhà, trong lòng người Việt Nam có thể nói còn mạnh hơn cả sự chết. Nghĩa là họ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình để bảo vệ lấy sản nghiệp ấy. Thế mà hôm nay, bà mẹ lại phải còng lưng gánh trên vai một đôi quang nặng. Một bên, có khi không phải là một, nhưng là vài đứa con trong thúng và phía bên kia là toàn bộ tài sản của gia đình bà. Bà đi như tháo chạy, bỏ lại cả ruộng vườn, nhà cửa khi Việt Minh mò về. Xem ra, cái họa Hồ Chí Minh còn kinh hoàng hơn cả sự chết! 

Thoạt đầu, câu chuyện những tưởng chỉ xảy ra ở miền Bắc khi Việt Minh cộng sản mò về. Ai ngờ, chuyện ấy lại cũng cuống cuồng ở trong Nam. Khởi đầu là vài ba tên du kích ranh vào làng vồ gà bắt vịt theo kiểu Võ Văn Kiệt, hay nhân viên cạo mủ Lê Đức Anh hướng dẫn. Kế đến là từng đoàn, từng toán gài mìn, chặn xe đò xin tiền hay cướp của trên đường. Kết quả, chính mắt tôi đã nhìn thấy nhiều bà mẹ áo đẫm mồ hôi, còng lưng gánh con trên đôi quang chạy trốn cộng sản trên đường và phía sau lưng bà là cảnh nhà với khói lửa bốc lên cao. Khi hỏi thăm, bà nói trong nước mắt. “khổ qúa con ơi, cái bọn gì đâu người không ra người, ma không ra ma, tối ngày về cướp làng, đốt xóm thì ai ở với chúng cho nổi”. Đó là câu chuyện ngắn khi bà gánh con xa xóm thôn. Chuyện dài hơn thế, có ai ở Việt Nam không nghe biết khi giặc Hồ tràn vào? 

Hỏi xem, ai có thể quên được những câu trả lời chất phác của bà? Kết qủa, chẳng một ai cần hỏi thăm ai nữa, mà cả miền nam đều gồng gánh trên vai, bỏ nhà, bỏ của cải, bỏ ruộng đồng khi Việt cộng tràn vào miền nam vào ngày 30-4-1975. Họ đi đâu? Lên rừng hay xuống biển? 

Câu chuyện di cư đến đây tưởng là đoạn kết, vì còn miền đất Tự Do nào cho dân ta đến? Vậy mà không. Chuyện chạy giặc đã không chấm dứt sau khi mất Sài Gòn. Bởi lẽ, hôm ấy bà mẹ Việt Nam đã gánh con ra biển. Nhìn dòng nước mênh mông, bà không chùn bước. Bà cúi xuống, quăng bỏ đôi quang, bế lấy đàn con lội vào dòng nước xanh với những đợt sóng vươn cao ngang đầu. Bà kiên cường, nhoài người, bám vào mạn thuyền để đưa con ra khơi. Cứ thế, bà ra đi. Mà buổi ra đi ấy, nào có phải là dưới nắng mai yên bình. Trái lại, chỉ là trong đêm tối hay trong những lúc mưa úp đầu người. Nhưng còn tệ hơn cả mưa phùn gió bão vì sau lưng bà là hàng lũ nón cối dép râu với những nòng súng AK đầy lửa đạn của TC đuổi theo. Mặc, “ Người đi vẫn đi, chó sủa mặc chó”! 

- Nay sao rồi? 

- Thủy triều còn lên xuống, hải ngoại còn có chỗ dung thân, người VN còn ra đi. 

- Đừng dở hơi! Ở đó đã có bác Hồ Chí Minh và đảng Việt cộng làm chủ, còn đi làm gì?? 

- Ấy, vì có cái tên ấy mà Người phải ra đi. Nếu hết Hồ Quang, Người sẽ quay về! 

Thật vậy, không người Việt Nam nào không đau xót khi phải bỏ nước ra đi. Tuy nhiên, vì tiếng gọi của Tự Do, Nhân Bản, họ đành đánh đổi bằng chính sinh mệnh của mình. Lý do, họ ghê tởm cái diện mạo và lòng gian trá của Hồ Chí Minh khi nghe rõ tiếng Y căn dặn tập đoàn Việt cộng của Y là “...Mỗi lần các chú giết được Tây hoặc Việt gian ( lính ngụy) thì phải viết giắt cài lên áo tội trạng… Nếu muốn cho xác người chìm xuống (có lẽ ý muốn nói là thủ tiêu) thì các chú phải mổ bụng và bổ đôi cái bao tử thì cái xác mới chìm xuống được…” (Tôi bỏ đảng - Hoàng Hữu Quýnh). 

Từ lời dạy đó, ngươì ta thêm bàng hoàng vì cách giết người dã man, lạnh lùng mang dấu ấn Hồ Chí Minh trong cuộc cải cách ruộng đất, cũng như trong các vùng CS tạm chiếm trước 1975. Ấy là chưa kế đến cái diện mạo như ma trơi của Hồ ẩn hiện ở khắp đầu đường hay xó chợ: “Nghĩ đến đó tôi bỗng giật mình, sợ bác như sợ ma. Tôi không tin ở bác. Hình như bác có cái gì bí ẩn, giấu giếm. Vẻ mặt bác gian ác, con người bác nhiều thủ đoạn. Tôi lạnh toát mồ hôi” (trang 130). 

Hoàng Hữu Quýnh nói thật quá. Vì đây chính là lý do của người mẹ Việt Nam phải gánh con mình chạy trốn khỏi vùng Việt cộng do Hồ Chí Minh tạm chiếm. Từ đó, không lạ gì khi thấy triệu người dân đất Bắc bồng bế nhau trốn chạy cộng sản sau ngày 20-7-1954. Cũng thế, sau ngày 30-4-1975 có đến hơn 2 triệu người Việt Nam đã xuống thuyền vượt biển khơi. Họ đi trong cái chết để tìm tự do là mốc điểm khắc ghi vào lịch sử và tâm khảm của người dân Việt Nam. Từ đó, những chuyến đi này trở thành vết hằn đáng kinh tởm mang tên cộng sản và Hồ Chí Minh trên giải đất này. 

III. Ra đi là lo cho ngày về 

Có thể nói một cách không ngoa rằng, không có một gia đình nào trong cuộc ra đi từ miền Bắc mà không tích cực góp máu xương cho mộng ước trong ngày trở về quê xưa. Hôm nay, dù không có trong tay cuốn sổ nào ghi lại đầy đủ danh tính quê quán của những chiến binh VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến, tôi cũng tin rằng, không có một gia đình người Bắc di cư nào mà không góp phần bằng cả máu xương của mình trong cuộc chiến kéo dài hơn hai mười năm sau ngày di cư. Ngay trong dòng họ bé nhỏ của tôi đây đã có ba người góp thân mình trong cuộc chiến, năm người bị thương và 6 người khác có nhiều năm trong cái gọi là “trại cải tạo” sau 1975. 

Như thế, ước mong cho một ngày về quê xưa là không bao giờ vơi cạn trong lòng những người đi và con cái của họ. Bởi, như dân Do Thái xưa, họ có nhà, có đất sống, nhưng không có quê hương. Họ khát khao cho ngày về. May mắn thay. Họ đã có ngày về, có mảnh đất trên quê hương mà tổ phụ hàng ngàn năm trước đã khởi nghiệp. So với họ, người Việt Nam ta còn may mắn hơn nhiều. Quê hương ta mới chỉ lọt vào tay Việt cộng, nhưng chưa mất tên. Tuy nhiên về lâu về dài thì chưa biết ra sao. Nhưng dù thế nào, dẫu là 50 hay hơn thế, người đi vẫn mong có một ngày về. Về để khơi nguồn sống cho quê hương trong Tự Do và Độc Lập, trong Hoà Bình và Nhân ái, chứ không phải về làm tôi mọi cho Tầu-Hồ. 

Nhắc đến chuyện về, có người bảo là Việt Nam vẫn còn đó, tại sao không về tiếp tay xây dựng, mà lại đòi phải đào thải CS ra khỏi nơi chốn ấy? 

Vâng Việt Nam còn đó, nhưng ở đó không còn là hồn núi sống Việt Nam trong Tự Do, Độc Lập và Tự Chủ. Nhưng đang là cảnh sống dưới ách cộng sản thờ Tàu, phụ thuộc Tàu. Kẻ mà cha ông chúng ta đã lấy máu xương của mình để đẩy chúng ra khỏi biên cương, khỏi cuộc Nam Tiến nhiều lần. Nay, lẽ nào chúng tôi lại phục vụ cho Lê Chiêu Thống dưới lớp áo Hồ Chí Minh? 

Thật vậy, bạn hãy hỏi xem, cái dúm “còn đảng, còn mình” ấy là ai? Nó xuất phát từ đâu và lãnh tụ của nó thế nào? 

- Xem ra, câu trả lời khá đơn giản mà ai cũng biết rõ là nó phát xuất từ Liên Sô. Và kẻ đứng ra thành lập đảng CS/VN và lãnh đạo nó là Hồ Chí Minh, cũng gọi là Hồ Quang, là đảng viên đảng cộng sản Tàu cộng. Y không bao giờ tuyên thệ gia nhập đảng CSVN. 

- Buồn cười thế! Đảng viên đảng cộng sản Tàu lại là chủ tịch nước Việt Nam à? Hỏi xem, Y tuyên thệ phục vụ cho quyền lợi của Việt Nam hay quyền lợi của Tàu khi Y xin vào đảng CSTC? 

- Nếu ông Donald Trump tuyên thệ phục vụ cho quyền lợi của Liên Sô thì đảng viên đảng cộng sản Tàu sẽ phục vụ cho quyền lợi của Việt Nam. Theo đó, chỉ có những tay sai và kẻ ngu muội mới tin và đi tuyên truyền là Hồ Chí Minh và đảng CS của Y phục vụ cho quyền lợi của Việt Nam mà thôi! Bằng chứng: 

Chỉ vừa chân ướt chân ráo vào đến Hà Nội, 1956, Phạm Văn Đồng đã theo chỉ thị của Hồ Chí Minh ký công hàm giao Hoàng Sa-Trường Sa cho Tàu cộng. Kế đến, chính Lê Duẩn đã thừa nhận tập đoàn CSVN là bọn tay sai cho Bắc Kinh ở trước mặt Mao là “chúng tôi chiến đấu là vì Mao chủ tịch”. Sau đó, khi về Việt Nam, chính y đã khẳng định mục đích của đảng CSVN mà y là lãnh đạo là: “Ta đánh Miền Nam là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”… 

Với những chứng cớ này, hỏi xem, Việt Nam ở nơi đâu? Hỏi xem, người cộng sản VN yêu nước Việt hay yêu nước Tàu? Nên hôm nay, điều tôi có thể viết là kêu gọi những ngưới cộng sản VN nếu còn một chút tri thức về Việt Nam, nếu còn nghĩ đến tiền đồ của tổ quốc và dân tộc Việt Nam, hãy tỉnh ngộ, đọc lại giáo điều của CS để biết rõ về thân phận của mình, xem có phải chính bản thân mình là những kẻ tôi tớ đi đánh thuê đánh muớn cho cộng sản QT và nay làm tay sai cho Tàu cộng không? Nếu sau khi đọc và biết rõ về thân phận là kẻ bị lợi dụng, bị lừa đảo thì hãy quay về với dân tộc, rồi cùng với toàn dân mà triệt tiêu cái nòi cộng sản thờ Tàu kia đi, để cùng nhau xây dựng lại Việt Nam tươi mới trong ngày mai. Bởi vì, qúy vị không thể theo Hồ Chí Minh để tiếp tục lừa dối chính bản thân, phản bội gia đình và lừa gạt lòng yêu nước của dân ta trong mưu đồ phục tùng Trung cộng như Lê Chiêu Thống được nữa. 

Riêng với người Việt tại hải ngoại, tôi cho rằng: Chuyến đi là đau thương, cuộc sống là cách trở, ngày về là hạnh phúc. Nhưng làm sao để có ngày về đây? Ta tự chủ, tranh đấu để có ngày về, hay là, cúi đầu xin bọn bán nước, bọn thờ Tàu, ban cho tờ giấy thông hành? 

Xin bạn đừng buồn, đừng trách khi tôi đặt ra câu hỏi trực diện này. Bởi lẽ, tôi không tin rằng trước khi ra đi, bạn đã có sẵn ý định là sẽ xin bọn chúng cho bạn về thăm quê. Trái lại, là những nắm tay vung mạnh, rắn rỏi thề rằng ta sẽ triệt nó để ta có ngày về. Hoặc giả, là sẽ không bao giờ muốn nhìn thấy bản mặt của chúng nữa. Rõ ràng, lời thề này là tự nguyện, do chính bạn tự làm, không ai áp đặt cho bạn. Nay bạn về, dĩ nhiên, là chẳng ai dám trách ai. Chỉ tiếc, chính những chuyến về này đã ít, nhiều, làm ảnh hưởng đến khát vọng của chúng ta lúc ra đi. Lẽ dĩ nhiên, những chuyến về này không phải là đoạn kết ước muốn của người ra đi hôm nào. Nó chỉ là những đơn lẻ mang tính tình thế cá biệt mà thôi. Theo đó, chúng ta, bằng mọi giá hãy cùng bên nhau thực hiện ước nguyện của ngày phải xuống thuyền ra khơi hôm nào là: 

Thứ nhất: Luôn cố gắng tham gia vào các sinh hoạt với cộng đồng nơi bạn sinh sống. Để nơi ta đang sống trở thành làng mạc, là quận huyện hay thành thị của chúng ta. 

Thứ hai: Nếu không quá cần kíp, không gởi tiền về cho thân nhân ở Việt Nam. Một đồng cũng không gởi. Tiền ấy hãy giữ lại vài ba năm sau chúng ta đem về cho thân nhân cũng chưa muộn. Tôi viết ra điều này là vì mục đích chung. Bởi vì, nếu không nhờ có đồng tiền bạn gởi về, bọn Việt cộng đã chết từ lâu rồi, không còn làm khổ thân nhân chúng ta đến hôm nay. 

Thứ ba: Nếu phải về vì tang chế, đừng bao giờ bước chân lên những chuyến bay của chúng. Nhưng hãy tạm dùng chuyến bay của các nước khác mà đi. 

Ba việc tôi đề nghị, tuy nhỏ bé, nhưng chắc chắn nó sẽ mang đến những kết qủa hoàn hảo cho chủ đích của chúng ta. Bỡi lẽ, tập đoàn Việt Cộng bán nước sẽ cạn kiệt nguồn tài chánh. Không tiền tiêu sài, bia rượu. Không tiền để chia chác cho nhau. Chúng sẽ bước vào đường cùng của bọn cướp như trong những câu chuyện chúng ta đã nghe, đã đọc là: 

Chúng sẽ tự chém giết nhau để giữ phần bổng lộc cho mình và cho phe nhóm. Chúng sẽ tranh nhau van lạy Tàu cộng để có cơm ăn bằng cách bán hay nhượng thêm đất, trao những đặc quyền cho Tàu trên đất Việt. Từ đây, cuộc sống của người dân càng lúc càng khổ. Tranh giành bè phái càng lúc càng mạnh. Thêm những cuộc tuần hành đòi quyền lợi, quyền sống của người dân, cuộc nội chiến buộc phải bùng phát. Đây chính là thời cơ chúng ta nhập cuộc hỗ trợ toàn diện và chúng ta có cơ hội về nhà. 

Bên cạnh ý kiến này, đồng bào tại hải ngoại sẽ trực tiếp tố giác các cơ sở, nhà cửa hay thương buôn của chúng với chính quyền địa phương. Báo chí Việt ở hải ngoại sẽ vạch mặt chỉ tên từng tên ác cộng đã mua nhà, mua đất chuyển tiền và cho con cái đi học ở hải ngoại để chính quyền địa phương xử lý. Nếu chúng ta quyết tâm thực hiện những kế hoạch nhỏ này với nhau. Chúng ta sẽ nhìn thấy lá cờ Phúc Kiến của tập đoàn Việt cộng sẽ đổ xuống dưới chân ta, và cái mồ ma của cộng sản sẽ không còn tồn tại trên đất nước Việt Nam. 

Để kết. Tôi xin thưa với bạn là: Con đường về quê chỉ có hai hướng đi. Một là tuyệt giao hoàn toàn với những kẻ bán nước để chúng ta có ngày về trong Tự Do, đất nước ta có Độc Lập và đời sống của người dân có Công Lý bảo vệ. Hai là, cúi xuống, uốn mình trước những tên cộng sản bán nước thuộc diện vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo để van xin chúng đóng cho cái… mộc mà vui thú! 

Ta chọn phương cách nào để đi, để nên người Việt Nam anh dũng, hay thành kẻ bại hoại cho đất nước đây? 

09.08.2018

Previous Post
Next Post
Related Posts