Mở đầu là cuộc phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Viện và giáo sư Đặng Phùng Quân.
*
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhà văn Dương Thu Hương không những đã trả lại đúng tên gọi cho Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông năm xưa, mà tác giả cuốn truyện dài gây chú ý "Thiên Đường Mù" cũng đã nhỏ lệ bên hè phố Sài Gòn khi nhận ra mình đã bị đánh lừa và tọng đầy những chiếc bánh vẽ như sau: "Khi vào đến Sài Gòn, chúng tôi mới hiểu rằng XH Miền Bắc là một XH cấu trúc man rợ: mỗi tháng được nhà nước phát cho từng bó cỏ, con "người" không còn là người nữa, mà dưới người!"
Và rồi bây giờ chúng ta lại ngồi đây, để nghĩ về 30/4/75 với một tâm cảm đáng ra phải như thế nào? Liệu sau 43 năm đã quá đủ, để những con người của ngày hôm ấy đã không còn trẻ nữa, hoặc đã già nua cho ngày hôm nay vẫn cứ hãnh tiến xuẩn ngốc rầm rộ ăn mừng chiến thắng, trên những quặn đau, tan hoang, mất mát của toàn dân hai miền Nam Bắc lòng người vẫn ly tán?
Nguyễn Viện: Lại một lần nữa, sắp đến ngày 30/4. Một ngày đã trở thành cái mốc của lịch sử, thay vì nối liền những tâm thức, làm gần hơn những tình cảm giữa những con người VN, thì 30/4 đã trở thành một nhát cắt tàn nhẫn của thời gian, phân biệt trước và sau cho lý lịch một con người, cũng như cho những sự kiện của đất nước, cả về chính trị lẫn văn hóa, đời sống.
30/4 còn là ngày để xác định bên thắng cuộc, bên thua cuộc, dù đã 43 năm trôi qua. Thậm chí, sự chia rẽ sau thống nhất đất nước còn trở nên trầm trọng hơn, một cách bất thường. Tôi nghĩ, không một người có lương tri nào không cảm thấy xót xa. Mọi hãnh tiến hay thù hận, lẽ ra đều không nên có. Nhưng tiếc thay, hãnh tiến vẫn tiếp tục được phô trương, thù hận vẫn tiếp tục được đào sâu. Điều ấy, hậu quả thế nào, hẳn nhiên ai cũng biết, cũng thấy.
Trong lúc vận mệnh đất nước đang đứng trước rất nhiều hiểm họa từ trong ra ngoài, thì ý chí người Việt bị phân hóa, tiềm lực người Việt bị bào mòn. Vừa đau, vừa lo.
Đặng Phùng Quân: Chia cách đất nước là số phần lịch sử không chỉ tái diễn một lần, từ sông Gianh đến Bến Hải, những thời điểm như 54, 75... Không phải chỉ có những tham vọng quyền lực, vật chất song còn là những sa đọa nhân tính, nô lệ tinh thần, biểu lộ tha hóa từ người xuống thú vật một khi cam tâm làm khuyển ưng cho ngoại bang .
Đặng Phùng Quân: Chia cách đất nước là số phần lịch sử không chỉ tái diễn một lần, từ sông Gianh đến Bến Hải, những thời điểm như 54, 75... Không phải chỉ có những tham vọng quyền lực, vật chất song còn là những sa đọa nhân tính, nô lệ tinh thần, biểu lộ tha hóa từ người xuống thú vật một khi cam tâm làm khuyển ưng cho ngoại bang .
Nguyễn Thị Thanh Bình: À... vậy thì bạn có nhớ ngày hôm đó 30/4 (phải gọi đúng tên gọi là gì nhỉ, hay có khi chỉ là những vần thơ Tháng Tư Đen mà bạn muốn chia sẻ?) khi Miền Nam VN bị đồng minh bỏ rơi và thất thủ, trong khi Miền Bắc VN thì cứ một mực vượt Trường Sơn, vạch dòng Bến Hải ngăn chia để xé rào tràn vào "đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào" hoặc "đánh cho chết đến người Việt Nam cuối cùng" thì toàn cảnh lịch sử đó, bạn đã ghi nhận được những gì, và lúc đó bạn cùng gia đình đang làm gì, ở đâu và ra sao? Chắc bạn còn nhớ cảm giác của mình hoặc gia đình ngày hôm ấy, rồi thì những ngày sắp đến và đã đến sau đó của thời điểm ấy, bạn đã sống như thế nào?
Nguyễn Viện: Ngày 30/4/1975, khi ấy tôi là một công chức ở Sài Gòn. Tình hình chiến sự căng thẳng, có lẽ hầu hết nhân viên mọi ngành nghề đều nghỉ làm. Hôm đó, tôi cũng nghỉ ở nhà với gia đình. Anh tôi là sĩ quan hải quân đóng ở Phú Quốc. Ở nhà, tôi thành con trai lớn, phải lo lắng tất cả mọi chuyện cho gia đình, không thể rời xa gia đình nửa bước. Kinh nghiệm của cuộc tấn công năm 1968 vẫn còn, dù khi ấy tôi còn nhỏ, nhưng cũng phải lo cho gia đình chạy loạn. Tình hình 1975 kinh khủng hơn. Tôi ở nhà chờ đợi tất cả mọi may rủi. Các tin tức về những ngày trước đó ở miền Trung với những tin đồn trả thù khủng bố, tra tấn, giết chóc… thật sự không làm tôi sợ hãi, mặc dù kinh nghiệm Mậu Thân ở Huế không phải không khiến tôi lo nghĩ. Tôi tự xét, mình chỉ là một anh công chức hạng bét, nên cũng có phần an tâm.
Trước đó vài ngày, tướng Nguyễn Cao Kỳ có về khu tôi ở (Xóm Mới, Gò Vấp) đăng đàn sẽ chiến đấu tới cùng và nếu cần, sẵn sàng ở lại ăn mắm tôm với Việt Cộng. Tất nhiên, tôi không đủ dốt để tin chuyện đó. Trước đó nữa, tôi cũng được nghe chính giọng Tổng thống Thiệu trên đài phát thanh nói về gói viện trợ khẩn cấp 300 triệu đô bị Mỹ từ chối. Khi tướng Dương Văn Minh nắm quyền Tổng thống, tôi biết mọi chuyện coi như xong. Vấn đề tôi chờ đợi là cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào? Tuy nhiên, khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nghe được qua radio, tôi không cảm thấy thất vọng hay vui mừng, mà chỉ buồn. Từ đây, tôi cũng như mọi người miền Nam sẽ phải sống với Cộng sản.
Có một ông già trong xóm nhà tôi cũ, ông đi từng nhà bảo mọi người hãy chuẩn bị cờ để đón quân giải phóng. Khu tôi ở toàn dân Bắc kỳ di cư Công giáo, tôi hiểu vấn đề chào đón quân giải phóng theo cách của mình. Chúng tôi không hân hoan, nhưng chúng tôi muốn có hòa bình và thông hiểu. Tôi cũng làm một lá cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam bằng giấy cho gia đình, và bôi xóa lá cờ Việt Nam Cộng Hòa được vẽ trên bức tường trước cửa.
Ngoài đường, từng toán lính miền Nam tháo bỏ súng ống, giày bốt, nón sắt… vất bừa bãi trên đường. Thảm hại đến đau xót.
Rồi quân Giải phóng tiến vào, họ đi hàng một. Đây không phải lần đầu tôi nhìn thấy Việt cộng. Hồi năm 1960, một anh lính du kích đột ngột xuất hiện giữa nhà tôi vào lúc 7g tối. Anh mời mọi người ra cuối nhà thờ họp. Khi ấy, nhà tôi ở Bến Cát, Bình Dương.
Những người lính Giải phóng, trong tư cách người chiến thắng, nhưng cũng không lấy gì làm oai hùng, khi họ đi giữa hai hàng cờ của nhân dân. Họ cũng nhếch nhác, có người cởi trần và chỉ với một quần xà lỏn. Họ vừa từ phía An Phú Đông lội qua sông tiến vào Sài Gòn. Khi ấy, trời mưa lất phất. Dẫu sao, nhìn họ tôi cũng kính nể. Sau đó, qua tiếp xúc, tôi thấy hầu hết họ đều rất hiền. Chỉ khôi hài với những ông phét lác quá đà như kiểu miền Bắc TV chạy đầy đường, hay cắm ống tre xuống đất là có dầu đốt lửa nấu cơm…
Hai ngày sau, tôi đến cơ quan trình diện, đi làm lại. Học tập tại chỗ 3 ngày. Và lần đầu tôi biết với người Cộng sản, mọi bản thu hoạch hay phát biểu đều rập khuôn nhau và lập lại gần như nguyên văn những gì cán bộ nói. Sau đó, tôi biết cả những người lãnh đạo cao nhất, cũng luôn phát biểu rập khuôn nhau. Thậm chí, sự rập khuôn này mang tầm vóc thế giới, diễn ra ở tất cả các nước Cộng sản.
Kinh khủng nhất, có lẽ là những người “thức thời” nhất, họ nhái cả giọng nói, cách nói của cán bộ. Hồi đó, thú thật, tôi không tránh được phải dành cho những người “thức thời” ấy sự khinh bỉ. Giờ đây, tôi chỉ thấy buồn cười.
Cuộc cách mạng “long trời lở đất” nhanh chóng đưa cả nước đến nghèo đói, kiệt quệ bởi sự vô lý, phản văn minh của nó. Đó là cái giá rất đắt.
Năm 1979, tôi bỏ cơ quan đi làm cuộc cách mạng khác. Và năm 1980, tôi đi tù.
Cuối cùng, mọi chuyện cũng qua. Tôi sống và đi làm như mọi người. Cách mạng hay phản cách mạng thì cũng cần có cơm ăn, áo mặc.
Đặng Phùng Quân: Ngày 30 tháng 4 là chung cuộc phơi bày mọi mặt nạ ý thức hệ rơi xuống. Tuy nhiên, không có sự thật và công lý trên mảnh đất gọi là quê hương này:
Cái gọi là Mặt trận trơ khất những thằng người gỗ, cái gọi là cờ Giải phóng, nửa xanh nửa đỏ trên sòng bài chính trị, lưỡi liềm liếm một cái nhuộm đỏ tươi màu máu.
Khôn? Dại?
Đặng Phùng Quân: Ngày 30 tháng 4 là chung cuộc phơi bày mọi mặt nạ ý thức hệ rơi xuống. Tuy nhiên, không có sự thật và công lý trên mảnh đất gọi là quê hương này:
Cái gọi là Mặt trận trơ khất những thằng người gỗ, cái gọi là cờ Giải phóng, nửa xanh nửa đỏ trên sòng bài chính trị, lưỡi liềm liếm một cái nhuộm đỏ tươi màu máu.
Khôn? Dại?
Nguyễn Thị Thanh Bình: Thật ra để phải mở lại lòng mình như mở lại những trang ký ức buồn bã xót xa, hoặc nhiều phần là không vui nổi, những người bên này hoặc bên kia chiến tuyến không lẽ cho đến lúc này không nhận ra được lời thú tội phũ phàng của Lê Duẩn: “Ta đánh đây là đánh cho Nga cho Tàu”? Và như thế, khi lật lại những trang quân sử đớn đau bi tráng của 30/4, hay mới đây là mốc điểm tưởng niệm của “50 năm thảm sát Mậu Thân Huế”, liệu có làm chúng ta tự hỏi đã đến lúc mình cần phải hành xử như thế nào để xứng đáng đáp đền linh hồn của những anh linh VN?
Nguyễn Viện: Quả thật bi kịch, cho đến tận bây giờ, khi Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của VN và còn tiếp tục đe dọa lãnh thổ VN, Nga công khai ủng hộ lập trường lãnh thổ của Trung Quốc về đường Lưỡi bò ở Biển Đông, rất nhiều người VN vẫn chưa tỉnh ngộ. Họ không thấy VN là con cờ trong bàn cờ thế giới của Nga Tàu. Họ vẫn coi Tàu, Nga là ân nhân. Vẫn coi Mỹ là thù địch. Trong khi họ tìm mọi cách cho con cái, gia đình tị nạn tại Mỹ từ giáo dục đến sự an toàn về sau.
Làm thế nào để linh hồn những người đã hy sinh cho cuộc chiến tranh bi thảm ấy, ở cả hai miền Nam – Bắc cảm thấy được đền đáp, có lẽ không gì khác là chúng ta phải làm cho VN tự cường, phồn thịnh. Trí lực người VN không thiếu, nhưng chúng ta thiếu khả năng huy động trí lực ấy vào công việc xây dựng đất nước. Một lần nữa, ngoài nỗ lực của mỗi công dân, còn ai có thể tạo ra sự đoàn kết và thúc đẩy cho sự phát triển quốc gia, ngoài đảng và nhà nước? Nhưng đảng và nhà nước đã làm gì cho sự hòa giải và huy động trí lực của toàn dân vào một mục tiêu chung?
Đặng Phùng Quân: Hãy tưởng niệm cho những sinh linh oan khiên trong chiến tranh phi nghĩa, những lăng hào hố rãnh gói trọn chứng tích phi cầm phi thú:
Hào Hồ dựng lên những nghĩa trang, dinh thự xây phân chia hai thế giới - đảng lãnh đạo và nhân dân bị trị.
Mỗi trang kinh điển như một lá sớ gọi vong hồn về nhận phần mộ là những con diều giấy bay theo thiên đường mơ ước Hắn đã vẽ ra.
Là ai? Là ai?
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhiều quý vị trong chúng ta nói rằng, những con dân gốc Việt ở quê người không phải là không có tấm lòng cho quê hương mà hẳn nhiên là trái lại, có điều họ quên mất vai trò của mình là đã được quá an toàn tự do, khi kêu gọi những người dân thấp cổ bé miệng ở quê nhà phải biết hành động đứng lên đòi lại tự do cho chính mình. Nếu đồng bào ở ngoài nước chỉ đóng vai làm người ủng hộ, và hơn thế nữa cũng chẳng có cơ hội gì để có thể mong muốn xây dựng phát triển đất nước mình một cách thiết thực. Vậy theo bạn chúng ta phải làm gì để góp phần vào công cuộc dân chủ hóa một đất nước đã ù lì, lì lợm không hề muốn rủ bỏ thay đổi, khi mà chính Mahatma Ghandi, thủ lãnh của đường lối BBĐ cũng đã nói: “Hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này”? Thử hỏi bạn có muốn được làm một nhà văn chân chính hay đơn thuần là một công dân đúng nghĩa đang muốn lên tiếng cho những thao thức trăn trở cần thiết, cho một đất nước đang có quá nhiều thiếu vắng về quyền được nói, được tỏ bày biểu đạt của tự do ngôn luận, tự do báo chí?
Nguyễn Viện: Vâng, có rất nhiều người đang sống ở nước ngoài nói năng, hành sử một cách vô tội vạ. Có những người mà tôi không ngại nêu tên, như Tổng thống tự phong Đào Minh Quân, thậm chí gây tội ác, khi họ đẩy nhưng người yêu nước ngây thơ vào tù.
Những người đấu tranh trong nước cần sự hỗ trợ từ người ngoài nước trong một tinh thần chung, vì tự do và phát triển đất nước. Nhưng đừng đi buôn máu người khác.
Chúng ta muốn thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn, trước hết là quyền được nói trung thực. Và theo ý của Mahatma Ghandi mà bạn đã trích dẫn, mỗi người chúng ta cũng cần trung thực. Chúng ta đang chiến đấu cho sự thật chiến thắng giả dối, ngụy tín. Và chỉ bằng sự thật, chúng ta mới có thể chiến thắng. Dù bạn là nhà văn hay một công dân bình thường, hãy nói sự thật.
Đặng Phùng Quân: Hãy nhìn thẳng vào cuộc xâm lược đang diễn ra với ngàn ngàn nô lệ đại biểu cho thực dân mới ở thế kỷ XXI này: Đấy Mao! Đấy Tập! Đấy Xtalin!
Nguyễn Thị Thanh Bình: Còn một câu hỏi chót, và câu này dường như được gợi ý từ câu nói rất đậm đà ý nghĩa của một Thiếu tướng khá trẻ và tài giỏi của quân lực Hoa Kỳ, hiện được biết đang đóng quân ở Nam Hàn, xin hân hạnh không chỉ muốn được hỏi Tướng Lương Xuân Việt rằng: Liệu có phải Thiếu tướng muốn nhắn nhủ điều gì thầm kín với tuổi trẻ Việt Nam khi thổ lộ: “… tôi cũng rất may là đã mang dòng máu dân tộc vốn có 4000 năm văn hiến, và trong máu tôi có dòng máu của Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền:? Phải chăng tuổi trẻ Việt Nam lúc này đã không còn được dạy dỗ môn học lịch sử ở trường lớp, để được ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc nên dần dà đã lãng quên cả những giấc mơ nhỏ nhoi được làm người, nói chi đến (giấc) “Mơ Làm Người Quang Trung” như thông điệp gởi gấm của một tựa sách Duyên Anh, khi đất nước đang đến hồi lâm nguy và tháng 4 đen với những bản án nặng nề của những tù nhân lương tâm gia tăng ở mức độ khùng. Không lẽ chúng ta không đồng ý là chế độ độc tài CSVN đã thua sạch sành sanh trong Hòa Bình, và ai sẽ là người phải biết hóa giải lòng mình trước hết?
Nguyễn Viện: Có lẽ phải nói lại cho đúng, những trang sử hào hùng của Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền vẫn được dạy dỗ cho lớp trẻ. Tuy có điều đáng phải suy nghĩ này, kẻ thù phương Bắc của dân tộc Việt, theo đúng tinh thần tuyên truyền của chế độ, không phải là Trung Quốc hôm nay, mặc dù Trung Quốc hôm nay từng đánh phá độc ác VN trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, chiếm Hoàng Sa năm 1974, chiếm Gạc-Ma và một số đảo khác từ 1988… Và tiếp tục dã tâm độc chiếm Biển Đông, đồng thời với một âm mưu Hán hóa toàn diện. Mà họ vẫn coi Cộng sản Trung Quốc là anh em, là ân nhân. Vì thế, phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo, hay tố cáo Trung Quốc phá hoại VN mọi mặt đều bị cho là phản động.
Chủ nghĩa Cộng sản đã tàn phá con người, xã hội VN đến tận gốc rễ. Tuy nhiên, vẫn may mắn, văn hóa và xã hội miền Nam còn giữ được những điều tốt đẹp, nó đủ sức hoán cải bộ mặt xã hội vô nhân này trở lại với dáng dấp con người. Và có lẽ vì thế, nhiều người cho rằng Cộng sản đã thua trong hòa bình. Với tôi, đây không phải là chuyện thắng thua. Bởi vì, con người, dù thế nào, hành trình về phía trước của nó, vẫn là hoàn thiện cái bản chất người của mình, cho dù nó bị giết.
Đặng Phùng Quân: Hành động nếu không quá muộn trước kẻ thù truyền kiếp của cha ông. Bọn khuyển ưng lúc đó ở đâu?
Đặng Phùng Quân: Hành động nếu không quá muộn trước kẻ thù truyền kiếp của cha ông. Bọn khuyển ưng lúc đó ở đâu?
(Tháng 4/2018)