Hoa Kỳ không phải là đế quốc xâm lược Việt Nam

Lời truyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam và quan điểm của những người phản chiến.

Thảo Dân (Danlambao) - Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tuyên truyền rằng Hoa Kỳ là đế quốc xâm lược Việt Nam nên họ phải “chống Mỹ cứu nước”. Thế nhưng không có một lãnh tụ nào của Cộng sản Việt Nam đưa ra được những chứng cớ xác đáng để chứng minh lý lẽ này ngoại trừ những lời kết tội lính Mỹ giết dân ở Mỹ Lai, dội bom, rải chất độc da cam.

Để chứng minh Hoa Kỳ là đế quốc xâm lược, ông Nguyễn Hòa, trong bài viết có tựa "Gọi tên cuộc chiến hay xuyên tạc sự thật?” , viết:

“…Tham gia vào cuộc chiến với sự có mặt lúc cao nhất tới hơn nửa triệu quân nhân, với pháo tầm xa 175 ly và xe tăng M41, xe lội nước M113..., với hàng ngàn chiếc máy bay từ F4 -con ma, F105-thần sấm đến F111, pháo đài bay B52... Nhìn chung, sự huy động đến mức tối đa sức mạnh của quân đội Mỹ lúc bấy giờ vào chiến trường miền nam kết hợp với các cuộc ném bom rải thảm với cuồng vọng đẩy miền bắc vào "thời kỳ đồ đá"...

…Sự có mặt của người Mỹ ở Việt Nam giai đoạn 1954-1975 thực chất là một cuộc chiến tranh xâm lược. Ðế quốc Mỹ đã không "ủy nhiệm" cho ai cả, chúng trực tiếp nhập cuộc. Bom Mỹ từ máy bay Mỹ, do người Mỹ lái đã giội xuống hầu hết các phố phường, làng mạc, trường học Việt Nam(?)... Xe tăng Mỹ, do người Mỹ lái, đã cày nát không biết bao nhiêu cánh đồng và thôn xóm Việt Nam... Rồi nữa là con số gần sáu vạn quân nhân Mỹ chết trận cùng những sự kiện như Mỹ Lai…

…Bom Mỹ giết chết hàng trăm y sinh của Bệnh viện Yên Bái năm 1965, đã có mặt ở Hà Nội trong trận quyết chiến "Ðiện Biên Phủ trên không" năm 1972”

Những điều ông Nguyễn Hòa nêu trên có lẽ đã thuyết phục nhiều người dân Việt Nam hiền hòa, chân chất, thiếu thông tin, nhất là dân miền quê tin vào lời tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rằng Mỹ là đế quốc xâm lược.

Thực ra Hoa Kỳ không “huy động đến mức tối đa sức mạnh của quân đội”, không hề “giội bom xuống hầu hết các phố phường, làng mạc, trường học Việt Nam”. Hoa Kỳ giội bom miền Bắc chỉ để làm áp lực buộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trở lại bàn đàm phán; số thương vong cao chỉ chứng tỏ mức độ ác liệt của chiến tranh; ở Mỹ Lai, lính Mỹ đã cố tình giết hàng trăm dân thường. Nhưng vụ thảm sát ấy không phải là chứng cớ Hoa Kỳ xâm lược. Đó là tội ác chiến tranh. Số nạn nhân của “sự kiện Mỹ Lai” có cao; tuy nhiên về bản chất không khác nạn nhân của CSVN trong vụ nhà hàng Mỹ Cảnh, vụ pháo kích vào khu triển lãm vũ khí trước Tòa đô chánh Sài Gòn. Đó là tội ác chiến tranh. (Thực ra có khác: tội ác của lính Mỹ ở Mỹ Lai đã bị chính quân nhân Mỹ tố cáo và trung úy William Calley - kẻ chịu trách nhiệm đã bị mang ra tòa; còn thủ phạm gây ra vụ nổ bom kép ở nhà hàng Mỹ Cảnh lại được vinh danh!)

Về thường dân chết trong các cuộc giội bom của Hoa Kỳ ở Hà Nội: Hầu hết các cuộc chiến tranh trên thế giới đều có bom rơi, đạn lạc; các bên tham chiến đều ít nhiều gây thương vong cho dân thường, kể cả phía CSVN (như pháo kích nhầm vào trường Tiểu học Cai Lậy).

Ông Nguyễn Hòa quên không nêu lên việc quân đội Mỹ thả chất độc da cam như là một minh chứng việc Mỹ xâm lược như có người khác đã làm. Việc rải chất độc da cam cũng không phải là chứng cớ Hoa Kỳ xâm lược; cũng không phải là tội ác chiến tranh. Chất độc da cam là phương tiện chiến tranh. Phương tiện ấy nhắm mục đích làm trụi lá cây để quân địch không có nơi ẩn nấp. Chất độc ấy gây hậu quả tai hại cho bất cứ ai ở trong phạm vi tác động của nó: lính Cộng sản, lính Việt Nam Cộng Hòa, thường dân và dĩ nhiên cả lính Mỹ.

Có lập luận cho rằng Hoa Kỳ là thực dân kiểu mới vì muốn nước khác theo thể chế chính trị của mình hoặc muốn gây ảnh hưởng về văn hóa, xã hội. Việc người Mỹ muốn gây ảnh hưởng với thế giới là chuyện đáng tin. Đó là điều bình thường vì Hoa Kỳ là cường quốc số 1 thế giới, người Mỹ mang tâm lý muốn lãnh đạo thế giới, muốn làm người hùng cứu thế giới. Trên thực tế, nhiều nước có thể chế chính trị giống Hoa Kỳ, có lối sống giống người Mỹ; tuy nhiên cũng có rất nhiều nước khác không theo Mỹ nhưng được Mỹ tôn trọng. Nhiều người nhìn nhận là Hoa Kỳ đã sử dụng quyền lực mềm (thuyết phục, viện trợ) để gây ảnh hưởng.

Còn những người Mỹ chống lại sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam nói gì?

Một người đứng về phía Cộng sản Việt Nam, ông Trần Chung Ngọc, dẫn quan điểm của một viên chức và 2 giáo sư Mỹ để chứng minh Hoa Kỳ xâm lược Việt Nam, nguyên văn như sau:

Daniel Ellsberg viết trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, Viking, 2002, p.255:

Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp-Mỹ, sau đến toàn là Mỹ. Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam - không phải là tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh - chống chính sách của Mỹ và những kinh viện, ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực, và cuối cùng, quân đội và phi công, của Mỹ.

Cuộc chiến đó không có gì là “nội chiến”, sau 1956 hay 1960, như nó đã không từng là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến.

Bảo rằng chúng ta “xía vào” cái gọi là “đích thực là một cuộc nội chiến”, như hầu hết các tác giả Mỹ, và ngay cả những người có khuynh hướng tự do chỉ trích cuộc chiến cho rằng như vậy cho đến ngày nay, đơn giản chỉ là che dấu một sự thực đau lòng hơn, và cũng chỉ là một huyền thoại như là luận điệu chính thức về một “cuộc xâm lăng từ miền Bắc”.

Theo tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ."

Trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa Mỹ (The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991), Các giáo sư John Carlos Rowe và Rick Berg viết, trang 28-29:

“Cho tới năm 1982 – sau nhiều năm tuyên truyền liên tục mà hầu như không có tiếng nói chống đối nào được phép đến với đại chúng – trên 70% dân chúng vẫn coi cuộc chiến (ở Việt Nam) “căn bản là sai lầm và phi đạo đức”, chứ không chỉ là “một lỗi lầm.”

Tưởng cũng nên nhớ lại vài sự kiện. Mỹ đã dính sâu vào nỗ lực của Pháp để tái chiếm thuộc địa cũ của họ, biết rằng kẻ thù là phong trào quốc gia của Việt Nam.”

“Số tử vong vào khoảng nửa triệu. Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức hiến thân vào việc phá hoại Hiệp Định Genève năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố cho đến năm 1961, giết có lẽ khoảng 70000 “Việt Cộng”, gây nên phong trào kháng chiến mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc tạm thời chia đôi bởi Hiệp Định Genève mà Mỹ phá ngầm. Trong những năm 1961-62, Tổng thống Kennedy phát động cuộc tấn công thẳng vào vùng quê Nam Việt Nam với những cuộc thả bom trải rộng, thuốc khai quang trong một chương trình được thiết kế để lùa hàng triệu người dân vào những trại (ấp chiến lược?) nơi đây họ được bảo vệ bởi những lính gác, giây thép gai, khỏi quân du kích mà Mỹ thừa nhận rằng được dân ủng hộ. Mỹ khẳng định là đã được mời đến, nhưng như tờ London Economist đã nhận định chính xác, “một kẻ xâm lăng là một kẻ xâm lăng trừ phi được mời bởi một chính phủ hợp pháp  và thật ra Mỹ thường thay đổi những chính phủ này khi họ không có đủ thích thú trước sự tấn công của Mỹ hay tìm kiếm một sự dàn xếp trung lập được mọi phía ủng hộ nhưng bị coi là nguy hiểm cho những kẻ xâm lăng, vì như vậy là phá ngầm căn bản cuộc chiến của Mỹ chống Nam Việt Nam. Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xăm lăng với nhiều tội ác khủng hiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương.”

Có lẽ có bạn trẻ cho rằng “chính người Mỹ đã nhìn nhận như vậy tất nhiên là đúng rồi!”.

Thực ra không phải vậy.

Trước hết, Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ; bất cứ người dân nào cũng có quyền lên tiếng chống lại chính sách của chính phủ dù có lý hay hay không. Ông Daniel Ellsberg và 2 vị giáo sư  John Carlos Rowe và Rick Berg không phải là “chính quyền Mỹ”, nên đó không phải là lời tự thú, mà chỉ là quan điểm riêng.

Mọi người đều biết chính giới Hoa Kỳ chia làm 2 phe ủng hộ và chống lại cuộc chiến (giới truyển thông gọi tắt là phe diều hâu và phe bồ câu). Ba nhân vật trên rõ ràng thuộc phe “bồ câu”.

Sau nữa, là “viên chức”, là “giáo sư” không có nghĩa quan điểm của họ là đúng. 

Bài viết "Quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam (1948-1975)" của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia  ghi: "Arthur Schlesinger khẳng định: "Thật là sai lầm khủng khiếp, nếu coi Hà Nội và Việt cộng là mũi lao xâm lược". Noam Chomsky kết luận: "Chính Mỹ đã đẩy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào vòng chiến"."

Chúng ta hãy phân tích phát biểu của những người Mỹ kể trên.

Về quan điểm của Daniel Ellsberg, ông viết: “Cuộc chiến đó không có gì là “nội chiến”, sau 1956 hay 1960, như nó đã không từng là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến”.

Nhận định: Ông Daniel Ellsberg đã sai khi cho rằng cuộc chiến tranh VN không có gì là “nội chiến”, rằng “Mỹ ủng hộ Pháp tái chiếm thuộc địa” và “một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình”

Ông Daniel Ellsberg đã không biết hoặc không tính chính xác thời điểm bắt đầu cuộc chiến. Hoa Kỳ chỉ can dự vào Việt Nam khi đất nước đã bị chia đôi. Cuộc chiến giữa người Cộng sản và không Cộng sản đã diễn ra rất lâu trước đó. Ông không biết hoặc phớt lờ cuộc xung đột Quốc-Cộng xảy ra từ 1930 khi ông Hồ Chí Minh thành lập đảng Cộng sản, chủ trương sử dụng bạo lực vũ trang để kháng Pháp và áp đặt Chủ nghĩa Cộng sản lên nước Việt Nam trong khi các lãnh tụ yêu nước khác( Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Cường Để, Nguyễn Hải Thần, Lý Đông A…), các đảng phái quốc gia (Việt Quốc, Việt Cách…), các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo chống lại chủ trương ấy. 

Ông Daniel Ellsberg cho rằng "cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ" là sai. Mỹ  không hề muốn Pháp tái chiếm Đông Dương làm thuộc địa. Tại Hội nghị Teheran họp từ 20 tháng11 đến 1 tháng12 năm1943, TT Hoa Kỳ Roosevelt phát biểu "Đồng minh đổ máu không phải nhằm khôi phục ách thống trị của Pháp ở Đông Dương". Nên biết từ tháng 7 năm1944, Tổng thống Pháp De Gaulle công bố kế hoạch về quyền tự trị của Đông Dương trong Liên Hiệp Pháp.

Hoa Kỳ hỗ trợ Pháp ở Điện Biên Phủ nhằm chống lại Cộng sản Việt Nam:

Năm 1952, ông Eishenhower trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ ở tòa Bạch ốc đã tuyên bố: “Đối với người Mỹ, cuộc chiến ở Đông Dương không còn là chiến tranh chống thuộc địa nữa, mà là một thứ chiến tranh của Tây Phương chống lại chủ nghĩa cộng sản, một cuộc chiến tranh nhằm đem lại tự do cho Việt Nam”.

(Dĩ nhiên, ông Daniel Ellsberg biết các lời tuyên bố của TT Eishenhower. Ông chỉ cố tình phớt lờ chúng.)

Ông Daniel Ellsberg cho rằng “Một cuộc chiến mà trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc – một quyền lực nắm quyền quyết định về bản chất của chế độ địa phương vì những quyền lợi của mình – thì không phải là một cuộc nội chiến”.

Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tuy được trang bị và trả lương bởi Hoa Kỳ nhưng quân đội ấy được hình thành bởi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Vã lại quân đội Cộng sản miền Bắc cũng được trang bị, trả lương bởi quyền lực ngoại quốc  là Liên Xô và Trung Cộng.

Hoa Kỳ không áp đặt chế độ tự do dân chủ lên Việt Nam, chế độ ấy do ông Ngô Dình Diệm lập ra, ông Nguyễn Văn Thiệu kế thừa (có sửa đổi đôi chút: Quốc hội từ một viện trở thành lưỡng viện và mở rộng tự do dân chủ hơn). Hoa Kỳ chỉ hỗ trợ, phát huy chế độ ấy, và đó là điều dễ hiểu. Dĩ nhiên Hoa Kỳ giúp đở Việt Nam Cộng Hòa chống lại Cộng sản trước hết vì lợi ích của chính Hoa Kỳ. Và lợi ich ấy cũng là lợi ích của Việt Nam Cộng Hòa. Đó là  xây dựng, phát triển đất nước theo mô hình dân chủ Tổng thống chế.

Ông Daniel Ellsberg  phủ nhận “cuộc xâm lăng từ miền Bắc”. Nhưng lịch sử cho thấy rõ ràng đúng là vậy. Chế độ miền Bắc theo Chủ nghĩa Cộng sản là chủ nghĩa có bản chất xâm lăng; hơn nữa, đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động cuộc chiến nhằm áp đặt Chủ nghĩa Cộng sản lên Việt Nam Cộng Hòa trái với nguyện vọng của dân chúng miền Nam.

Ông Daniel Ellsberg cho rằng “Theo tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ” . Lập luận này mơ hồ nói lấy có.

Nhận định quan điểm của các GS Giáo sư John Carlos Rowe và Rick Berg:

Hai vị giáo sư viết: “Cho tới năm 1982 – sau nhiều năm tuyên truyền liên tục mà hầu như không có tiếng nói chống đối nào được phép đến với đại chúng – trên 70% dân chúng vẫn coi cuộc chiến (ở Việt Nam) “căn bản là sai lầm và phi đạo đức”, chứ không chỉ là “một lỗi lầm.”

Tưởng cũng nên nhớ lại vài sự kiện. Mỹ đã dính sâu vào nỗ lực của Pháp để tái chiếm thuộc địa cũ của họ, biết rằng kẻ thù là phong trào quốc gia của Việt Nam.”

Nhận định:

Sự thật cho thấy Hoa Kỳ không hề muốn Pháp tái chiếm Việt Nam như đã nói ở phần nhận xét những phát biểu của ông Daniel Ellsberg.

Kẻ thù ở đây là Cộng sản Việt Nam, là một nhánh của phong trào quốc tế chứ không phải quốc gia. Phong trào quốc gia gồm các lãnh tụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Hải Thần, Cường Để, cựu hoàng Bảo Đại… các đảng phái, giáo phái không Cộng sản: Việt Nam Quốc dân đảng(Việt quốc),Đại Việt cách mạng (Việt cách), Việt Nam Phục quốc Đồng minh Hội , Việt Nam Quốc gia Liên hiệp, Đại Việt Phục hưng Hội và Đảng Xã hội Thiên Chúa giáo (2 tổ chức do ông Ngô Đình Diệm thành lập), Cao Đài, Hòa Hảo.

Hai ông viết : “Số tử vong vào khoảng nửa triệu. Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức hiến thân vào việc phá hoại Hiệp Định Genève năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố cho đến năm 1961, giết có lẽ khoảng 70000 “Việt Cộng”, gây nên phong trào kháng chiến”.

Nhận định: Mỹ không phá hoại hiệp định Geneve, kẻ phá hoại chính là Cộng sản Việt Nam đã vi phạm hiệp định khi cho quân vượt qua khu phi quân sự tiến đánh Việt Nam Cộng Hòa.

Ông Ngô Đình Diệm không phải do Hoa Kỳ dựng lên mà được cựu hoàng Bảo Đại mời lập chính phủ ngày 7 tháng 7 năm 1954 trong lúc diễn ra hội nghị ở Geneve. Sau đó chính phủ của ông bị Pháp âm mưu lật đổ. Hoa Kỳ lúc đầu đã không ủng hộ ông.

Chính phủ Ngô Đình Diệm  không phải là chính phủ khủng bố mà chính là chính phủ chống lại sự xâm chiếm của Cộng sản Việt Nam  một cách quyết liệt và hiệu quả.

Bảo rằng chế độ Ngô Đình Diệm đã khủng bố giết hàng ngàn “Việt Cộng”, và gây nên phong trào kháng chiến” là một kiểu “nói ngược”quen thuộc của người Cộng sản. “Phong trào kháng chiến” (Mặt trân dân tộc giải phóng miền Nam)  không được thành lập sau khi bị khủng bố mà trước đó rất lâu; sự thật “phong trào” này chỉ bị “khủng bố” sau đã giết hàng ngàn viên chức chính phủ đệ nhất Cộng hòa. “Phong trào” này do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Cộng sản Việt Nam) lập nên để đánh chiếm miền Nam.

Hai ông viết  tiếp: “Mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc tạm thời chia đôi bởi Hiệp Định Genève mà Mỹ phá ngầm. Trong những năm 1961-62, Tổng thống Kennedy phát động cuộc tấn công thẳng vào vùng quê Nam Việt Nam với những cuộc thả bom trải rộng, thuốc khai quang trong một chương trình được thiết kế để lùa hàng triệu người dân vào những trại (ấp chiến lược?) nơi đây họ được bảo vệ bởi những lính gác, giây thép gai, khỏi quân du kích mà Mỹ thừa nhận rằng được dân ủng hộ. Mỹ khẳng định là đã được mời đến, nhưng như tờ London Economist đã nhận định chính xác, “một kẻ xâm lăng là một kẻ xâm lăng trừ phi được mời bởi một chính phủ hợp pháp.”

Nhận định: Thực ra các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đều là chính phủ hợp pháp, hình thành từ cuộc đấu tranh của các đảng phái quốc gia và cựu hoàng Bảo Đại với thực dân Pháp và với cả Hoa Kỳ ( như chúng ta sẽ thấy trong phần “Các chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ”).Ông Ngô Đình Diệm được vua Bảo Đại chọn, chính phủ của ông được hình thành bởi cuộc trưng cầu dân ý; ông Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống sau cuộc bầu cử có nhiều liên danh ứng cử. Mỹ chỉ ủng hộ chứ không “dựng lên” hai chính phủ ấy.

Hai ông viết tiếp: “và thật ra Mỹ thường thay đổi những chính phủ này khi họ không có đủ thích thú trước sự tấn công của Mỹ hay tìm kiếm một sự dàn xếp trung lập được mọi phía ủng hộ nhưng bị coi là nguy hiểm cho những kẻ xâm lăng, vì như vậy là phá ngầm căn bản cuộc chiến của Mỹ chống Nam Việt Nam.Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xăm lăng với nhiều tội ác khủng hiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương.”

Nhận định:  Năm 1956 khi ông Ngô Đình Diệm  từ chối mở rộng thành phần chính phủ, Hoa Kỳ cho rằng ông thiếu dân chủ, muốn thay ông. Về sau, khi ông đánh bại lực lượng của các tướng lãnh thân Pháp và các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Hoa Kỳ mới ủng hộ ông.

Năm 1963, Hoa Kỳ hổ trợ các tướng lãnh đảo chính lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm vì cho rằng chính phủ ấy độc tài gia đình trị, đàn áp Phật giáo.

Hành động ấy không phải là xâm lăng, Hoa Kỳ chỉ muốn chính phủ VNCH mở rộng  tự do dân chủ, thu hút rộng rãi sự ủng hộ của dân chúng.

Về phát biểu của ông Hồ Chí Minh:

Trong bài chính luận "Sách trắng của Mỹ" đăng trên báo Nhân dân (số 3992, ngày 8 tháng 3năm1965) nhằm phản đối việc Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam, ông Hồ Chí  Minh phát biểu: "Hiệp định Giơnevơ 1954, trong Điều 17, 18, 19 và trong điểm 4, 6 đã quy định rõ ràng: Cấm không được đưa vào Việt Nam các thứ vũ khí nước ngoài. Cấm không được xây dựng cǎn cứ quân sự mới trên lãnh thổ Việt Nam. Cấm nước ngoài không được lập cǎn cứ quân sự ở Việt Nam. Cấm đưa binh lính, nhân viên quân sự và vũ khí đạn dược nước ngoài vào Việt Nam. Giới tuyến 17 là tạm thời, không phải là giới tuyến chính trị, hoặc giới tuyến lãnh thổ; Việt Nam sẽ thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do khắp cả nước vào nǎm 1956."

Nhận định: Hoa Kỳ không ký vào Bản hiệp định thì không có vấn đề tôn trọng hay không tôn trọng.

Hoa Kỳ xây dựng căn cứ quân sự, đưa vũ khí, binh lính vào  miền Nam căn cứ hiệp ước Liên Phòng Đông Nam Á sau khi chính phủ Cộng sản miền Bắc nhận vũ khí của Liên Xô, Trung Cộng tiến đánh chính phủ miền Nam. Hiệp ước Liên Phòng Đông Nam Á bảo vệ các nước Đông nam Á trong đó có Việt Nam Cộng Hòa.

Về lời tuyên bố của Thượng nghị sĩ Kennedy:

Kết thúc Hội nghị Genève, trưởng phái đoàn Chính phủ Mỹ tuyên bố ghi nhận và cam kết tôn trọng quyết định của 9 nước thành viên Hội nghị Genève. Nhưng liền sau đó, chính Tổng thống Mỹ lại tuyên bố: "Hoa Kỳ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Genève và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy". Cũng như Tổng thống của mình, thượng nghị sĩ (4 năm sau trở thành Tổng thống) John F. Kennedy tuyên bố: "Nó (Quốc gia Việt Nam) là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó."

Nhận định: Diễn biến lịch sử cho thấy Hoa Kỳ không hề “đẻ ra” Quốc gia Việt Nam”(tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa). Đó là một cách nói ám chỉ nhờ Hoa Kỳ Việt Nam Cộng Hòa mới tồn tại trước sự xâm lăng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Một vài quan điểm khác (trích từ “Chiến tranh VN” trên Wikipedia):

Chính sách chống Cộng sản của chính phủ Mỹ, theo Jonathan Neale, chỉ là cái cớ để phục vụ cho quyền lợi của những tập đoàn tư bản Mỹ.

Ông Jonathan Neale nói đúng ở điểm chính phủ  Hoa Kỳ cần phải bảo vệ những nhà  tư bản Mỹ khỏi chủ nghĩa Cộng sản vốn chủ trương tiêu diệt tư bản. Tuy nhiên ông ta rất phiếm diện, ông nói theo người Cộng sản, không thấy công lao của nhà tư bản trong việc phát triển kinh tế; ngoài ra ông chỉ nói lên một trong nhiều mối đe dọa từ Chủ nghĩa Cộng sản. Người Cộng sản muốn xóa bỏ toàn bộ nền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của giai cấp tư sản, thiết lập chính thể chuyên chính vô sản của giai cấp công nhân (theo LêNin) và nông dân (theo Mao)

Theo quan điểm của nhiều sử gia, cuộc chiến này,do đó, mang tính dân tộc rất cao: nguyện vọng độc lập và thống nhất đất nước, sự ủng hộ của đa số nhân dân đã trở thành yếu tố quyết định giúp những người Cộng sản thắng lợi dù họ là bên yếu thế hơn nhiều về trang bị quân sự. Hoa Kỳ đã thất bại vì không nhận ra đó là một cuộc "chiến tranh nhân dân", và người Việt Nam gắn bó với cách mạng bởi vì họ coi đó như là một cuộc chiến để bảo vệ gia đình, đất đai và tổ quốc mình. 

Nhận định: Cuộc chiến do Cộng sản miền Bắc phát động thực ra không hề mang tính dân tộc. Vì họ không kế thừa truyền thống tổ tiênLý ,Trần, Lê, Nguyễn ( vốn theo Khổng Mạnh, Nho giáo…); chủ nghĩa Cộng sản là một phong trào quốc tế, có chứng cớ lịch sử cho thấy mục đích giành độc lập của đảng Cộng sản Việt Nam đứng sau mục đích áp đặt Chủ nghĩa Cộng sản lên miền Nam.

Nguyện vọng độc lập và thống nhất đất nước của người Quốc gia cao hơn của người Cộng sản; vì vậy người Quốc gia mới chấp nhận độc lập do Nhật và Pháp trao trả; và sau đó phản đối sự chia cắt đất nước.

Sự tuyên truyền rằng chống Pháp đuổi Mỹ giành độc lập là lừa bịp, công lao  thống nhất đất nước không đáng kể đến vì chính đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương chia cắt đất nước.

Về khẳng định của ông Arthur Schlesinger rằng "Thật là sai lầm khủng khiếp, nếu coi Hà Nội và Việt cộng là mũi lao xâm lược", và kết luận của ông Noam Chomsky rằng "Chính Mỹ đã đẩy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào vòng chiến":

Hai ông đã không biết rõ hoặc nhầm lẫn thời điểm Hoa Kỳ tham chiến: Hoa kỳ tham chiến sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến hành chiến tranh chống nước Việt Nam Cộng Hòa. Đây là một kiểu nói ngược của Cộng sản Việt Nam. Sự thực chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà đã đẩy Mỹ vào vòng chiến.

Sau khi bác bỏ lời buộc tội của đảng Cộng sản Việt Nam và những người ủng hộ họ chúng ta thử khách quan xem xét những yếu tố nào có thể dựa vào để biện hộ cho Hoa Kỳ.

Để biết Hoa Kỳ có phải là đế quốc xâm lược Việt Nam, người ta cần trả lời các câu hỏi:

- Tại sao Hoa Kỳ can thiệp và dựa vào đâu để can thiệp vào Việt Nam?

- Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam  lúc nào?

- Mục đích của sự can thiệp là gì?

- Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc chiến thế nào?

- Trong thực tế Hoa Kỳ đã làm gì ở miền Nam?

Trước khi nghiên cứu các vấn đề nêu trên, chúng ta cần xem xét  vài vấn đề nhạy cảm đối với dư luận: Sự hiện diện của lính Mỹ ở Việt Nam.

Năm 1965, đứng trước các cuộc tấn công dữ dội  của quân Cộng sản vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ  bắt đầu đổ quân vào miền Nam, chủ động chiến đấu chống lại quân Cộng sản.

Sự hiện diện của quân Mỹ đã có tác động rất lớn đến nhận thức của người dân Việt Nam phần lớn sống ở nông thôn( hơn 80%). Nhiều người tin lời  tuyên truyền rằng đó là bắng chứng Hoa Kỳ xâm lược Việt Nam.

Sự có mặt của binh lính ngoại quốc trên lãnh thổ một nước có phải đã đủ để chứng minh nước ấy bị xâm lược?

Để trả lời, chúng ta hãy xét Nhật Bản và Đại Hàn Dân Quốc, hai quốc gia có quân Mỹ trú đóng lâu dài trên lãnh thổ nước mình.

Trường hợp Nhật Bản:

Cuối đệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ chiếm đóng Nhật Bản, xóa bỏ chế độ quân phiệt, giúp nước này thiết lập một "Bản Hiến pháp hòa bình" với chủ quyền thuộc về người dân, cải tổ toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế.

Năm 1951, Hoa Kỳ  trao trả nền độc lập cho Nhật Bản. Nhờ kế hoạch Marshall của Mỹ, giữa năm 1960 từ tro tàn chiến bại Nhật Bản đã khôi phục nền kinh tế và tăng trưởng một cách "thần kỳ". Ngày nay Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh thế thuộc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chấp thuận sự hiện diện và đài thọ chi phí cho gần 40.000 binh sĩ Mỹ để bảo vệ đất nước mình.

Trong danh sách "12 nhân vật mà người dân Nhật Bản tôn vinh", nhân vật thứ 10 là Thống tướng Mỹ Douglas MacArthur.

Tại sao một vị tướng chỉ huy quân xâm chiếm lại được người dân nước bị xâm chiếm tôn vinh? 

Thống tướng Douglas MacArthur (26 tháng 1 năm 1880 – 5 tháng 4 năm 1964) là Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ thập niên 1930 và sau đó đã đóng một vai trò quan trọng ở mặt trận Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tướng MacArthur được bổ nhiệm chỉ huy cuộc xâm chiếm Nhật Bản đã được hoạch định tiến hành vào tháng 11 năm 1945. Nhưng khi thấy không còn cần thiết nữa, ông chính thức chấp nhận sự đầu hàng của Nhật ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Tướng MacArthur giám sát cuộc chiếm đóng Nhật Bản từ 1945 đến 1951 và được công nhận vì đã đóng góp cho những thay đổi dân chủ sâu rộng của đất nước này.

Trường hợp Đại Hàn:

Năm 1950, Bắc Hàn vượt giới tuyến tạm thời ở vĩ tuyến 38 tấn công chớp nhoáng,  đánh bại Nam Hàn. Được Liên Hiệp Quốc chấp thuận, Mỹ và 15 quốc gia khác (dưới sự chỉ huy Thống tướng Douglas MacArthur) can thiệp, đẩy lui quân Bắc Hàn tận bờ sông Áp Lục. Trung Quốc đưa "chí nguyện quân" tham chiến giúp Bắc Hàn. Chiến sự giằng co đến năm 1953, các bên thỏa thuận ngưng bắn ở phòng tuyến Kansas nằm ở phía bắc vĩ tuyến 38.

Đã có trên 36.000 quân nhân Mỹ hy sinh khi bảo vệ Nam Triều Tiên.

Sau chiến tranh, với kế hoạch Marshall, Mỹ đã hỗ trợ Nam Hàn trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển đứng thứ 3 ở châu Á và đứng thứ 10 trên thế giới theo GDP năm 2006.

Năm 2007, GDP Bắc Hàn là 40 tỉ USD , của Nam Hàn là 1.196 tỉ USD. Thu nhập bình quân đầu người của Bắc Hàn là 1.800 USD, của Nam Hàn là 24.500 USD.

Nam Hàn đã chi trên 866 triệu USD trong năm 2014 để chia sẻ gánh nặng với chính phủ Mỹ trong việc duy trì trên 20 ngàn quân Mỹ hầu đối phó với mọi cuộc xâm lăng từ Bắc Hàn.

Tình hình Nhật bản và Hàn quốc cho thấy không phải sự trú đóng của quân đội một nước ở một nước khác mà chính là mục đích sự chiếm đóng mới quyết định có xâm lăng hay không.

Trường hợp Phi Luật Tân:  

Phi Luật Tân là thuộc địa của Tây Ban Nha từ 1565.

Đến năm 1898, Tây Ban Nha bán Phi Luật Tân cho Hoa Kỳ với giá 20 triệu USD theo  Hiệp định Paris kết thúc chiến tranh Tây Ban Nha - Hoa Kỳ.

Năm 1916, Hoa Kỳ  thông qua Đạo luật Tự trị Phi Luật Tân và tự cam kết cho phép Phi Luật Tân độc lập càng sớm càng tốt khi thiết lập được một chính phủ ổn định.

Năm 1935, Phi Luật Tân  được tự trị một phần với tư cách là một "Thịnh vượng chung" để từng bước chuẩn bị cho nền độc lập hoàn toàn vào năm 1946.

Thời Đệ nhị Thế chiến, Nhật Bản chiếm đóng Phi Luật Tân  khiến việc chuẩn bị gián đoạn. Hoa Kỳ đã tổn thất tổng cộng 62.514 binh sĩ trong đó có 13.973 binh sĩ tử trận trong công cuộc giải phóng Phi Luật Tân khỏi tay Quân phiệt Nhật từ 1944 đến 1945.

Năm 1946 Hoa Kỳ trao trả độc lập hoàn toàn cho Phi Luật Tân.

Có một nhân vật ngoại quốc được phong Thống tướng trong Quân đội Phi Luật Tân. Đó là Douglas MacArthur, Thống tướng quân đội Hoa Kỳ.

Sự mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ: 

Nghiên cứu sự mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ cũng không phải là vô ích trong khi đi tìm câu trả lời Hoa Kỳ có xâm lược Việt Nam hay không.

Nhiều nước trong quá trình lập quốc có mở rộng lãnh thổ ( Việt Nam cũng ở trường hợp này) 

Trong lịch sử phát triển của mình Hoa Kỳ đã mở rộng lãnh thổ dưới các hình thức:

- Nhượng địa" ( đất được nhường lại và tuyên bố từ bỏ chủ quyền từ quốc gia đang chiếm đóng hay sở hữu ) thông qua các hiệp ước chính trị như Florida, Oregon, New Mexico ...

- "Cấu địa" ( đất được mua lại từ quốc gia đang sở hữu ) bằng các thương lượng thương mại như Louisiana từ Pháp,  Alaska từ Nga, Gadsden, Quần Đảo Virgin… .

- Tự nguyện gia nhập Liên Bang như Texas, Hawaii, Samoa ...

- Khối Thịnh Vượng Chung như Puerto Rico, Quần Đảo Bắc Mariana ...

- Hiệp Ước Liên Kết Tự Do như Quần Đảo Marshall, Liên Bang Micronesia, Palau  ...

- Hiệp Ước Liên Kết Tự Do như Quần Đảo Marshall, Liên Bang Micronesia, Palau  ...

(Trích “MỸ XÂM LĂNG VIỆT NAM!? của Canh Le )

 “Mảnh đất duy nhất nước Mỹ xin từ thế giới là đất để chôn các tử sĩ của họ” (Colin Powell)

Sau đây, chúng ta hãy trả lời những câu hỏi chủ yếu để biết Hoa Kỳ có phải là đế quốc xâm lược Việt Nam hay không.

Tại sao Hoa Kỳ can thiệp và dựa vào đâu để can thiệp vào Việt Nam?

Bản chất bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản.

Theo lý thuyết Cộng sản, chủ nghĩa Tư bản chủ trương bốc lột giá trị thăng dư, áp bức người lao động; các quốc gia Tư bản phát triển đến một mức độ nào đó sẽ trở thành đế quốc, đi xâm chiếm nước khác để khai thác tài nguyên, chiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Lý thuyết Cộng sản cho rằng quá trình phát triển của xã hội loài người sẽ khiến chủ nghĩa Tư bản sụp đổ để chuyển sang chủ nghĩa Cộng sản. Và nhiệm vụ của các đảng Cộng sản trên thế giới là đẩy nhanh quá trình ấy để sớm loại bỏ chủ nghĩa Tư bản, xây dựng xã hội công bằng, không có cảnh người bốc lột người, mọi người làm theo năng lực, hường theo nhu cầu.

Vì vậy Stalin, lãnh tụ Liên Xô  bác bỏ sự hợp tác với Ngân hàng Thế giới  và Quỹ Tiền tệ Quốc  tế vì nếu làm thế vô hình trung đóng góp vào sự lớn mạnh của chủ nghĩa Tư bản. Stalin ủng hộ sự bành trướng chủ nghĩa Cộng sản ở Tây Âu và châu Á sau này.

(Trích “Chiến tranh Lạnh” Bách khoa toàn thư mở Wikipedia )

Thực tế, lịch sử thế giới đã cho thấy các nước Cộng sản đã thực hiện đúng lý thuyết ấy.

Sự bành trướng của Liên Xô.

Ở giai đoạn cuối của thế chiến thứ 2, sau khi đẩy lui quân Đức khỏi lãnh thổ của mình, Liên Xô tiến quân qua Châu Âu, hỗ trợ thành lập các chính quyền Cộng sản ở các nước Đông Âu gồm:

Cộng hòa Nhân dân Ba Lan (1944), Cộng hòa Nhân dân Rumani (1944), Cộng hòa Nhân dân Hungari (1945), Cộng hòa Tiệp Khắc (1945), Liên bang cộng hòa dân chủ Nhân dân Nam Tư (1945), Cộng hòa Nhân dân Anbani (1945), Cộng hòa Bungari (1946).

Riêng ở Đông Đức , với sự giúp đỡ của Liên Xô, tháng 10 năm 1949 nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã được thành lập.

Năm 1949, Liên Xô thành công trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

(Theo “Chiến tranh lạnh”, wikipedia)

Tham vọng thực dân của nước Trung hoa Cộng sản.

Ngày 22 tháng 1 năm 1949 quân Cộng sản do ông Mao Trạch Đông lãnh đạo đã đánh bại quân Quốc Dân Đảng, chiếm tòan bộ lục địa Trung hoa. 

Mao tuyên bố vào năm 1965 trước Bộ chính trị Trung Cộng : "Chúng ta phải nhất quyết dành lại khu vực Đông Nam Á, bao gồm miền Nam Việt Nam, Thái  Lan, Miến Điện, Malaysia, Singapore. Đông Nam Á là một khu vực rất phong phú, có rất nhiều nguyên liệu. Trong tương lai nó sẽ rất hữu ích cho sự phát triển của ngành công nghiệp Trung Quốc. Sau khi chúng ta nắm giữ được của khu vực Đông Nam Á thì gió từ phương Đông sẽ vượt lên trên những cơn gió từ phương Tây"

(Gahrana, 1984, "China, Asia, and world" New Delhi : New Delhi Publications, page: 7)

Bắc Hàn tiến đánh  Nam Hàn năm 1950

Giữa năm 1949, Kim Nhật Thành, lãnh tụ Bắc Hàn theo Cộng sản đề nghị Liên Xô giúp đánh Nam Hàn, nhưng Stalin từ chối do sợ Hoa Kỳ can thiệp. Đầu năm 1950, Kim Nhật Thành đề nghị lần nữa và được chấp thuận. Chủ nhật, ngày  25 tháng 6 năm 1950, quân đội nhân dân Triều Tiên (Bắc Hàn) có xe tăng và máy bay do Liên Xô  viện trợ, vượt qua vĩ tuyến 38, tấn công Nam Hàn. Với quân số áp đảo, trang bị tốt, huấn luyện thành thục chỉ trong vòng 3 ngày quân Cộng sản Bắc Triều Tiên chiếm được  Seoul, thủ đô Nam Hàn.

Tổng thống HK  Harry Truman xin Liên Hiệp quốc chấp thuận can thiệp giúp Nam Triều Tiên.

Tham gia bên cạnh lực lượng Mỹ còn có binh sĩ từ 15 quốc gia thành viên khác của Liên Hiệp quốc: Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Anh, Pháp, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Hy Lạp, Hà Lan, Ethiopia, Colombia, Phi Luật Tân, Bỉ, và Lục Xâm Bảo.

Lực lượng Liên Hiệp Quốc do Douglas MacArthur , thống tướng Mỹ chỉ huy đẩy lui quân Bắc Triều Tiên, vượt biên giới, chiếm được Bình Nhưỡng ngày 19 tháng10 năm1950.

Cùng ngày ấy  Trung Cộng gởi “Chí nguyện quân” vượt sông Áp Lục  tiến vào Triều Tiên giúp quân Bắc Triều Tiên.

Cuộc chiến dằng co suốt 2 năm đến 27 tháng 7 năm 1953 hai bên ký kết hiệp ước đình chiến. 

(Chiến tranh Triều Tiên do chế độ Cộng sảnBắc Triều Tiên gây ra, vậy mà Cộng sảnViệt Nam lại vu cáo do Mỹ xâm lược. Trong quyển sách có tựa ““ Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua” do Nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội xuất bản năm 2009 có đoạn: “…Bước vào những năm 1950, khi bắt đầu công cuộc xây dựng lại hòng đưa nước Trung Hoa nhanh chóng trở thành cường quốc trên thế giới, những người lãnh đạo Trung Quốc phải đối phó với cuộc chiến tranh của Mỹ xâm lược Triều Tiên ở phía bắc” )

Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo muốn sử dụng vũ lực đánh Việt Nam Cộng Hòa

Ngày 3.tháng 7 năm 1954  trong thời gian nghỉ họp ở Geneve, lãnh tụ Trung quốc Châu Ân Lai mời ông Hồ chí Minh và ông Võ nguyên Giáp qua Liễu Châu thuộc Tỉnh Quảng Tây hội họp. Tại cuộc họp Võ Nguyên Giáp nói muốn để lại ở miền Nam từ 5.000 đến khoảng 10,000 cán bộ, chôn giấu vũ khí  để chờ thời cơ đánh miền Nam.

Ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, Hồ Chí Minh đã gọi Hoa Kỳ là đế quốc. Ông tuyên bố: “...chúng ta phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính chất xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế Đông Dương cùng Đông Nam Á”.

Chỉ sau khi ký hiệp định 2 ngày, ngày 22 tháng7năm 1954 Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: "Đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ", và khẳng định: "Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước ta nhất định thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng".

(Bây giờ thì chúng ta có thể hiểu lý do tại sao Hồ Chí Minh “biết trước” được Hoa Kỳ sẽ “xâm lăng” miền Nam: Đó là vì ông đã có ý định “giải phóng miền Nam” từ khi chưa đặt bút ký vào bản hiệp định Geneve chia đôi đất nước năm 1954 (ông đã cho chôn giấu vũ khí, để lại cán bộ ở miền Nam).

Để thực hiện điều ấy, chủ tịch Hồ Chí Minh  và các đồng chí của ông đã làm những gì?

Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tiến hành xâm lược Việt Nam Cộng Hòa từ tháng 2 năm 1959.

Mùa thu năm 1955 -1956, ở Bến Tre và Sài Gòn, đồng chí Lê Duẩn, khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đã dự thảo Đề cương Cách mạng miền Nam. Đề cương vạch rõ: “Ngày 20-7-1956 đã không có tổng tuyển cử như Hiệp định Giơnevơ quy định. Nhân dân ta ở miền Nam đang rên xiết dưới ách áp bức, bóc lột, tù đày, chém giết man rợ, đất nước bị chia cắt và bị chiến tranh của Mỹ – Diệm hăm dọa. Tình hình đó buộc nhân dân phải vùng dậy đập tan chế độ Mỹ – Diệm để tự cứu mình…Muốn chống Mỹ – Diệm, ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác”.

Sách sử 1954-1975 của nhà nước Cộng sản Việt Nam ghi :

“Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1/1959) khẳng định con đường cách mạng bạo lực, chuyển cách mạng miền Nam tiến lên đấu tranh vũ trang”.

“Phong trào từ chỗ lẻ tẻ ở từng địa phương như cuộc nổi dậy ở Vĩnh Thạnh (Bình Định), Bác Ái (Ninh Thuận) tháng 2/1959, Trà Bồng (Quảng Ngãi) tháng 8/1959, lan rộng khắp miền Nam thành cao trào cách mạng.”

“Tại Bến Tre, ngày 17/1/1960, “Đồng khởi” nổ ra ở huyện Mỏ Cày (Bến Tre), sau đó nhanh chóng lan nhanh toàn tỉnh Bến Tre, phá vỡ từng mảng lớn chính quyền của địch.”

Tháng 5, 1959, Công sản Việt Nam thiết lập đường mòn dọc theo dãy Trường Sơn đưa súng đạn và lực lương chiến đấu vào miền Nam.

"Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhận định cần thiết có một con đường để hành quân, vận chuyển khí tài cho chiến trường miền Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chủ trương mở đường Hồ Chí Minh trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn. Ngày 19/5/1959, con đường ấy bắt đầu được mở ra." (Trích bài báo "Tướng Giáp và đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử ")

Tháng 7 năm 1959, Cộng sản Việt Nam lập đường mòn trên biển, mở luồng mở bến cho những con tàu không số chở súng, đạn, thuốc nổ từ Ðồ Sơn, Hải Phòng vào Vũng Rô, Phú Yên, Trung Bộ, Gành Hào, Cà Mau.

Đại hội lần thứ III của đảng Lao động (đảng CSVN) tại Hà Nội từ ngày 5tháng9 đến ngày 10 tháng 9 năm 1960, một lần nữa xác quyết kế hoạch “giải phóng” miền Nam bằng võ lực. Để tiến hành kế hoạch nầy, ngày 12 tháng 12 năm 1960, tại Hà Nội đảng Lao động thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGP). Ngày 20 tháng 12 năm 1960, đảng tổ chức ra mắt MTDTGP tại chiến khu Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh), Nam Việt Nam và đặt MTDTGP dưới sự chỉ huy của Trung ương cục Miền Nam (TƯCMN), cơ quan đại diện ban Chấp hành Trung ương đảng tại miền Nam.

Một loạt các sự kiện, biến cố kể trên cho thấy nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do đảng Cộng sản lãnh đạo đã chủ trương xâm chiếm  nước Việt Nam Cộng Hòa ngay từ trước khi  ký hiệp định chia đôi đất nước và sau đó đã tiến đánh miền Nam trước khi Hoa Kỳ can thiệp.

Liên Xô, Trung Quốc viện trợ  trang bị vũ khí cho CSVN (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa)

Từ cuối năm 1949 , từng đoàn cố vấn Trung cộng  vào miền Bắc mang theo viện trợ quân sự gồm vũ khí quân trang quân dụng để trang bị mới hoàn toàn cho 6 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn pháo binh.

Giai đoạn 1955-1960: Tổng số 49,585 tấn gồm : 4,105 tấn hàng hậu cần, 45,480 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật trong đó Liên Xô viện trợ 29,996 tấn, Trung Quốc viện trợ 19,589 tấn.

(Theo Trần Tiến Hoạt và Lê Quang Lạng thuộc Viện Lịch Sử Quân Sự Cộng Sản Việt Nam trình bày trong hội thảo tổng kết cuộc chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức tại Sài Gòn trong hai ngày 14 và 15 tháng 4 năm 2006).

Thuyết domino và chủ trương ngăn chận sự bành trướng Cộng sản của Hoa Kỳ

Đứng trước hiểm họa ấy, thuyết Domino hình thành  tại Hoa Kỳ, theo đó nếu một quốc gia đi theo Chủ nghĩa cộng sản, các quốc gia thân phương Tây lân cận sẽ "bị đe dọa". (chiến tranh VN wiki).

Ở Á châu, Trung Hoa đã rơi vào tay Cộng sản, nếu Nam Hàn, Nam Việt Nam sụp đổ sẽ kéo theo Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương… như những con cờ domino, một con cờ ngả kéo theo những con cờ kế tiếp theo dây chuyền.

Để chống lại Cộng sản, Hoa Kỳ khởi xướng thành lập  nhiều tổ chức quân sự liên quốc gia như (NATO, CENTO, SEATO), các tổ chức và hiệp ước phòng thủ song phương và khu vực.

Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization viết tắt là  SEATO) còn gọi là Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á được thành lập căn cứ theo Hiệp ước phòng thủ tập thể Đông Nam Á hay Hiệp ước Manila được ký vào tháng 9 năm 1954. Thể chế chính thức của SEATO được thiết lập vào ngày 19 tháng 2 năm 1955 tại Bangkok, Thái Lan, trụ sở cũng đặt tại Bangkok.  Có 8 quốc gia thành viên là Thái Lan,  Phi Luật Tân, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Tân Tây Lan, Pakistan (bao gồm Đông Pakistan, nay là Bangladesh), Pháp , Úc.

Việt Nam Cộng hòa, Cam Bốt và Lào do quy định trong Hiệp định Genève nên không gia nhập, tuy vậy  3 nước này vẫn được tổ chức đặt dưới sự bảo vệ về quân sự.  Các quốc gia Hoa Kỳ, Úc, Thái Lan, Tân Tây Lan đã gởi quân đến miền Nam Việt Nam giúp chống lại Cộng sản. Đại Hàn tuy không ở trong SEATO nhưng cũng gởi quân giúp.

Thời điểm Hoa Kỳ tham chiến.

Như trên chúng ta thấy Cộng sản Việt Nam (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) bày tỏ quyết tâm xâm chiếm miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) từ năm 1954. Và đã chính thức sử dụng lực lượng vũ trang tiến hành xâm lược ( thành lập MTDTGPMN năm 1960).

Trong khi ấy, theo Wikipedia,  "Người Mỹ thường quan niệm "Chiến tranh Việt Nam" được tính từ khi khi họ trực tiếp tham chiến trên bộ đến khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu hàng (từ 1965 (nhiều nguồn cho là 1964  đến 1975).

Lấy mốc thời gian nào, 1964 hay 1965, cũng là sau khi quân Cộng sản miền Bắc tiến đánh miền Nam .

Điều này cho thấy Hoa Kỳ  chỉ muốn ngăn  không cho Cộng sản chiếm Việt Nam Cộng Hòa.

Mục đích của sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam

Trong Kế hoạch hành động đối với Việt Nam viết vào ngày 24 tháng 5 năm 1965, trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ John McNaughton đã lên danh sách những mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến:

- 70% - Để tránh một sự thất bại đáng xấu hổ của Mỹ (đối với uy tín của chúng ta là kẻ bảo vệ)

- 20% - Để bảo vệ [miền Nam Việt Nam] (và vùng lân cận) khỏi tay Trung Quốc

- 10% - Để cho người dân Nam Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn (wiki)

Kissinger khi gặp Chu Ân Lai ở Bắc Kinh ngày 22 tháng 6, 1972: “Chúng tôi không nhằm tiêu diệt Hà Nội và ngay cả truyện thắng Hà Nội, chúng tôi cũng không nghĩ đến. Nếu có thể sống với một chính phủ cộng sản ở Trung Quốc, thì chúng tôi cũng có thể chấp nhận một chính phủ cộng sản ở Đông Dương”. (Trích tài liệu giải mật của Mỹ công bố ngày 25/07/2006)

Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc chiến thế nào?

Hoa Kỳ rất kiềm chế, không để chiến tranh vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

Hoa Kỳ chủ trương giới hạn cuộc chiến trong lãnh thổ miền Nam.

“Bộ TTM Hoa Kỳ cùng đô đốc Sharp và đại tướng Westmoreland, đều có kế hoạch đánh ra vùng bắc khu phi quân sự, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, đánh phá các căn cứ ở Lào, Cam Bốt, và oanh tạc các mục tiêu quan trọng chung quanh Hà Nội, Hải Phòng. Các kế hoạch trên đều không được tổng trưởng quốc phòng McNamara và tổng thống Johnson (1967) chấp thuận”.

Ngày 6 tháng 4 năm 1969 Tướng Westmoreland, cựu Tư lênh quân đội Mỹ tại VN và Ðô đốc Sharp cựu Tư lệnh Mỹ tại Thái bình dương công bố bản phúc trình 347 trang về cuộc chiến Việt Nam trong 4 năm chỉ huy. Các Tướng nhấn mạnh sự bó tay của Bộ tư lệnh Mỹ trước chính sách chiến tranh hạn chế của TT Johnson.

“…Cuộc chiến không được lan rộng ra khỏi lãnh thổ miền Nam và điều này đã trở thành chủ trương của Hoa Kỳ trong suốt thời gian tham gia cuộc chiến tại miền Nam…” (Tướng Westmoreland)

Hoa Kỳ không muốn Việt Nam Cộng Hòa đánh ra miền Bắc

Nếu Hoa Kỳ là đế quốc, họ sẽ không giới hạn cuộc chiến trong lãnh thổ miền Nam, mà sẽ chủ động đánh ra Bắc hoặc sẽ khuyến khích quân đội Việt Nam Cộng hòa làm điều ấy. Nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại:

…Nhiều lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa vẫn nói rằng họ có tham vọng Bắc tiến để thống nhất Việt Nam. Năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra lệnh cho Phủ Đặc Ủy Công Dân Vụ chuẩn bị kế hoạch Bắc tiến, tiêu diệt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thống nhất Việt Nam. Ngày 14 tháng 7 năm 1964, người đứng đầu chính phủ là tướng Nguyễn Khánh công khai tuyên bố sẵn sàng Bắc tiến. Hai ngày sau, tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng khẳng định Không lực Việt Nam Cộng hòa đã sẵn sàng. Nhưng kế hoạch này đã bị Washington từ chối ủng hộ nên nó không bao giờ trở thành sự thật, một phần bởi Hoa Kỳ lo ngại sẽ lôi kéo Trung Quốc vào vòng chiến, châm ngòi cho một cuộc chiến tranh quy mô trên toàn châu Á.  (“Chiến tranh VN”- Wikipedia)

Chuyện Việt Nam Cộng Hòa  thực tâm muốn đánh ra Bắc là đáng ngờ; tuy nhiên, thái độ của Hoa Kỳ  cho thấy nước này  không muốn việc ấy xảy ra.

Điều ấy chứng minh Hoa Kỳ  không hề muốn xâm lược Việt Nam.

Việc gởi quân Mỹ tham chiến là chẳng đặng đừng

Tướng Taylor (từ tháng7năm1964 trực tiếp làm đại sứ ở Sài Gòn) viết lại: "Chúng ta thấy rằng nhịp độ phát triển các lực lượng mặt đất của chúng ta rõ ràng chưa đủ so với sự phát triển của Việt Cộng. Kết luận đó dẫn chúng ta đến một quyết định rất khó khăn, phải thảo luận lâu là: phải lấp lỗ hổng về quân số ở Nam Việt Nam bằng cách đưa lực lượng Mỹ vào. Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng chẳng có ai thích thú gì khi đề ra quyết định đó. Là một trong những cố vấn của Tổng thống, tôi đã miễn cưỡng nhiều nhất khi tham gia đưa ra đề nghị này, và tôi chắc rằng Tổng thống đã rất lấy làm tiếc khi phải đồng ý với quyết định đó" (M. Taylor. Responsibility and Response. Đã dẫn, tr.26).

Hoa Kỳ không trang bị vũ khí tối tân cho quân Việt Nam Cộng Hòa.

Tết Mậu Thân 1968 khi quân Cộng sản tấn công khắp 42  tỉnh thành Việt Nam Cộng Hòa chỉ có một số binh chủng thiện chiến  miền Nam  được Hoa kỳ trang bị AR15, XM 16 là súng tương đương AK47 của quân Cộng sảnViệt Nam. Đa số binh sĩ miền Nam  còn sử dụng Carbin M1 (bắn từng phát một) và M2(có thể bắn liên thanh). Sau cuộc tổng tấn công này, quân Việt Nam Cộng Hòa  mới được trang bị đầy đủ R15 và M16.

Theo lời tướng Cao Văn Viên - tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng Hòa, trong cuộc chiến tranhViệt Nam, Hoa Kỳ không viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa  đủ hỏa lực có thể tự vệ được. Năm 1972 nếu không có yểm trợ của B-52 , miền nam Việt Nam chưa chắc đã giữ được Quảng trị, Kontum, Bình Long. Hoa Kỳ không bao giờ muốn cho Việt Nam Cộng Hòa  mạnh có thể vì sợ miền Nam đánh ra Bắc. Họ chỉ muốn miền Nam yếu hơn Bắc Việt và cần phải yểm trợ bằng B-52 để tạo thế cân bằng.

Tại sao đánh sang Cam bốt, hạ Lào, oanh tạc miền Bắc?

Như trên đã viết, Hoa Kỳ không chủ trương mở rộng chiến tranh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, vậy tại sao lại dội bom Hà Nội, Hải Phòng; tại sao có cuộc hành quân của quân đội Việt Nam Cộng Hòa  và Hoa Kỳ sang Cam Bốt cuối tháng 4 năm 1970?  Tại sao có cuộc hành quân qua hạ Lào tháng 2 năm 1971?

Trong tác phẩm “No More Vietnam” nơi trang 81, Nixon chỉ trích kế hoạch chiến tranh giới hạn sai lầm của Johnson - McNamara những năm 1965, 1966, 1967 chỉ oanh tạc giới hạn miền Bắc và đánh hao mòn lực lượng địch ở miền Nam mà không cho đánh qua hậu cần địch bên kia biên giới Miên, Lào. Nixon nói đáng lý phải đưa một lực lượng lớn đánh lên trên hoặc dưới vĩ tuyến 17 rồi tiến về phía Tây Lào tới sông Cửu Long để ngăn chận địch. Các cuộc oanh tạc của Johnson có mục đích chính trị nhiều hơn như nâng cao tinh thần Việt Nam Cộng Hòa  và cho Bắc Việt thấy sự thiệt hại để ngồi vào bàn hội nghị, đó là điều ngây thơ. Nixon nhận định chiến tranh leo thang của Johnson-Mcnamara để dụ cho địch vào bản hội nghị là sai lầm; không thể mơn trớn Cộng sản từ bỏ cuộc chiến mà phải buộc họ từ bỏ nó.

Hoa Kỳ oanh tạc có giới hạn ở miền Bắc

Tuyên bố của một sĩ quan Hoa kỳ rằng sẽ biến Hà Nội trở về thời đại đồ đá chỉ là hù dọa; trên thực tế, Hoa Kỳ đã đặt ra giới hạn cho cho các phi công.

Trong bài viết có tựa "TRUTH ABOUT BOMBING OVER NORTH VN, - U.S. PILOTS were forbidden to bomb” ký giả Bud Landry ghi nhận sự giới hạn của các phi vụ oanh tạc của Hoa Kỳ ở miền Bắc:

“Phi công Hoa Kỳ không được oanh tạc những dàn SAM Liên Sô đang thiết lập, nhưng được đánh trả các hỏa tiễn địch phóng lên truy kích phi cơ bạn.

Phi công Hoa Kỳ  không được tiêu diệt phi cơ chiến đấu đối phương đang đậu dưới đất, nhưng được phản kích các phi cơ địch bay lên nghênh chiến.

Phi công Hoa Kỳ  không được bắn phá xe hàng chở chiến cụ địch đang đậu xa trục lộ chánh 200 yards, nhưng được đánh phá xe chiến cụ đang trên trục lộ.

Phi công Hoa Kỳ không được tác xạ trện các con tàu chở chiến cụ hướng tới các hải cảng VN, cho dù biết đó là tàu chở chiến cụ nhằm chống phá các lực lượng Hoa Kỳ...  (Bud Landry: “ Sự thật về không tập miền Bắc VN”).

Ngoài viện trợ vũ khí, quân trang quân dụng, Hoa kỳ còn viện trợ phát triển cho Việt NamCộng Hòa.

Viện trợ kinh tế cho miền Nam

Trải qua 21 năm, khối lượng viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng Hòa rất lớn, đạt hơn 10 tỷ USD (thời giá thập niên 1960, tương đương 70-80 tỷ USD theo thời giá 2015). Đây là con số viện trợ kinh tế cao nhất của Hoa Kỳ so với bất cứ nước nào khác trên thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ví dụ, Ấn Độ trong 20 năm (1950 - 1970) được Hoa Kỳ viện trợ 9,3 tỷ USD; Philippines trong 22 năm được viện trợ gần 2 tỷ USD (1945 - 1967); Thái Lan nhận được gần 1,2 tỷ USD, Indonesia nhận được gần 1 tỷ USD. Ở châu Phi, tính trong 25 năm (1946 - 1970), tổng số viện trợ Hoa Kỳ cho tất cả các nước mới đạt 4,9 tỷ USD... (Kinh tế Việt Nam Cộng hòa Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Viện trợ kỹ thuật

Giai đoạn 1965-1969, nhiều cơ chế, chính sách kinh tế của Việt Nam Cộng hòa là do Phái bộ viện trợ Mỹ (USAID-VM) thiết kế. Thí dụ, chương trình Người cày có ruộng mà chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã tiến hành do đoàn cố vấn Mỹ đấu thầu để xin hỗ trợ tài chính, thiết kế nội dung và lộ trình sau khi trúng thầu.

Nhiều dự án kinh tế với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Mỹ đã có tác dụng rõ rệt trong việc nâng cao năng lực sản xuất nông-lâm-ngư. (Kinh tế Việt Nam Cộng hòa Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Viện trợ xã hội

Gần 20 năm hoạt động, cơ quan Viện Trợ Hoa kỳ USAID đã giúp Chính phủ Việt Nam Cộng hòa phương tiện và kỹ thuật để phát triển giáo dục và đào tạo. Năm 1973 tỷ lệ biết đọc, biết viết là 70%, khá cao so với các nước Á châu láng giềng hồi đó... (Kinh tế Việt Nam Cộng hòa Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Trong bài viết “Hai Mươi Mốt Năm Viện Trợ Mỹ Ở Việt Nam” tác giả Đăng Phong có đoạn sau: “Quy chế cải cách điền địa của Diệm vẫn cho phép địa chủ được sở hữu tới 100ha. Ý đồ của Diệm là: phải cứu lấy giai cấp địa chủ. Ý đồ của Mỹ là: phải giành lấy địa vị ở nông thôn. nông dân là sức mạnh quyết định ở nông thôn... phải biến nông dân thành một tầng lớp khá giả, có điều sản, có cơ nghiệp, có nguồn sống. Đó là cái đích mà Mỹ nhằm trong chương trình cải cách điền địa.

Ông Đăng Phong cũng đã viết "Mỹ cũng đề ra và giúp Sài Gòn thực hiện hàng loạt dự án xây dựng: Mở mang các nhà máy điện và hệ thống cung cấp nước, xây dựng thêm đường sá, bến cảng, sân bay, xây các nhà máy  dệt, làm giầy, vải, đồ hộp, bánh mỳ, thực phẩm, xây hàng loạt khách sạn và cư xá mới, mở rộng các chương trình và các cơ sở dạy tiếng Anh v.v..."

Hãy khoan xét đến chuyện “Diệm muốn cứu lấy giai cấp địa chủ” chuyện Mỹ muốn “biến nông dân thành một tầng lớp khá giả, có điều sản, có cơ nghiệp, có nguồn sống” (trong một đất nước 17 triệu dân(Dân số miền Nam 1966), mà có tới 12 triệu nông dân tác giả đã vô tình cho thấy Mỹ không phải là đế quốc.

Tác giả Đăng Phong viết tiếp: "Tháng 12-1950, theo sự sắp đặt của Mỹ, 5 chính phủ gồm Mỹ, Pháp, bù nhìn Việt, Miên, Lào đã ký "Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương",

Khoản 1, điều III của "Hiệp nghị phòng thủ chung" quy định: "Mỗi chính phủ được cấp viện trợ có nhiệm vụ chỉ sử dụng số viện trợ đó vào mục đích phòng thủ Đông Dương".

Đến tháng 9-1951, Mỹ ký thẳng một hiệp ước tay đôi với chính phủ Bảo Đại, gọi là "Hiệp ước hợp tác kinh tế Việt Mỹ",

Điều IV quy định: "Mỹ đưa vào Việt Nam một "Phái đoàn kinh tế và kỹ thuật đặc biệt"  được hưởng những quyền ưu đãi bất khả xâm phạm... hưởng mọi dễ dàng cần thiết để quan sát và kiểm tra việc thực hiện hiệp ước, nhất là việc sử dụng viện trợ đúng theo tinh thần của văn bản hiệp ước".

Từ năm 1950 đến 1954, Mỹ đã viện trợ cho Chính phủ Bảo Đại 23 triệu đôla bằng hàng hóa và khoảng 36 triệu đôla bằng tiền Việt Nam

Tháng 5-1950 Robert Blum dẫn đầu phái đoàn viện trợ Mỹ đến Sài Gòn. Đến tháng 9-1950, phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ MAAG được thành lập ở Nam Việt Nam.

Nhưng khác với chế độ thực dân Pháp, Mỹ không có một cơ quan nào trực tiếp cai trị ở đây. Không có toàn quyền. Không có công sứ và khâm sứ. Nam Việt Nam vẫn có danh nghĩa một quốc gia có chủ quyền. Mỹ chỉ đặt đại sứ, các phái bộ ngoại giao, kinh tế, văn hóa xã hội, quân sự. Các nhân viên Mỹ thuộc các cơ quan này làm việc bên cạnh người Việt Nam với tư cách cố vấn.

Trong thời kỳ 1955-1960, số lượng các cố vấn chưa nhiều. Ngoài số cố vấn cao cấp như đã nói, có một số cố vấn cho các ngành, tổng cộng khoảng trên một ngàn người.

Ngày 16-9-1960, trong báo gửi về Washington, đại sứ Mỹ ở Sài Gòn E.Dubrow viết: "Nếu những tiến bộ hiên nay của cộng sản cứ tiếp diễn, thì có nghĩa là sẽ mất Việt Nam tự do vào tay cộng sản" (The Pentagon' Papers, đã dẫn, P.115).

Kennedy lên làm Tổng thống từ tháng 1 năm 1960. Kennedy nói: "Việt Nam là nơi duy nhất trên thế giới mà chính quyền phải đương đầu với một chính cố gắng phát triển rất tốt của cộng sản nhằm lật đổ một chính phủ thân phương Tây." (Hai Mươi Mốt Năm Viện Trợ Mỹ Ở Việt Nam- Tác giả: Đăng Phong)

 “…Ngô Đình Diệm nhanh chóng thi hành các chính sách về chính trị, xã hội. Chính phủ Hoa Kỳ đã viện trợ lớn cho Việt Nam Cộng hòa thực hiện những chương trình cải cách và phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực như xóa mù chữ, tái định cư, cải cách điền địa, phát triển nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống luật pháp... Việt Nam Cộng hoà đã đạt được một số thành quả quan trọng: kinh tế phục hồi và phát triển, hệ thống y tế và giáo dục các cấp được xây dựng, văn hoá phát triển, đời sống dân chúng được cải thiện. Trong chiến dịch Cải cách điền địa, Ngô Đình Diệm tránh dùng các biện pháp mà ông coi là cướp đoạt như phong trào Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam, ông chỉ thị cho các quan chức địa phương trả tiền mua số đất vượt quá giới hạn chứ không tịch thu. Sau đó chính phủ sẽ chia nhỏ số đất vượt giới hạn này để bán cho các nông dân chưa có ruộng, và họ được vay một khoản tiền không phải trả lãi trong kỳ hạn 6 năm để mua." (Tài liệu “Chiến tranh Việt nam”của Wikipedia)

Hoa Kỳ thúc đẩy chính phủ Đệ nhất Cộng Hòa  mở rộng dân chủ.

Năm 1956, khi thủ tướng Ngô Đình Diệm  từ chối  đòi hỏi mở rộng thành phần chính phủ của các giáo phái, đối lập, Hoa Kỳ đã làm áp lực với ông, có lúc muốn đưa ngoại trường Trần Văn Đổ lên thay ông.

Sau vụ đảo chánh hụt 11 tháng 11 năm 1960, và vụ bỏ bom dinh Độc Lập ngày 27 tháng 2 năm 1962, đại sứ Mỹ Durbrow gây áp lực đòi Tổng thống Ngô Đình Diệm cải tổ, nới rộng tự do dân chủ. Nhưng ông Diệm đã từ chối.

Việc này cho thấy 2 điều: Thứ nhất Hoa Kỳ không chỉ quan tâm đánh bại quân Cộng sản mà còn muốn xây dựng dân chủ ở miền Nam; thứ hai, mặc dù nhận viện trợ của Hoa kỳ, ông Ngô Đình Diệm chứng tỏ sự độc lập của Việt Nam Cộng Hòa. (Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, việc hạn chế tự do dân chủ  không những là điều nên làm mà còn cần thiết. Việc Cộng sản lợi dụng tự do dân chủ, và sự rối loạn xã hội trong nền đệ nhị Cộng hòa  là minh chứng  cho điều này)

Đệ nhị Cộng hòa dân chủ hơn Đệ nhất Cộng hòa.

Có dư luận cho rằng Hoa Kỳ đã làm áp lực để các tướng lãnh giải tán Ấp chiến lược vì Hoa Kỳ cho rằng nó vi phạm tự do dân chủ.

Cùng với Phật giáo, sinh viên học sinh, Hoa Kỳ đã gây áp lực để các tướng lãnh lãnh đạo đất nước tổ chức bầu cử , lập ra chính phủ dân sự.

Trong nền Cộng hòa thứ hai, miền Nam thực sự có dân chủ: nhiều nhóm đối lập hiện diện trong Quốc hội lưỡng viện, nhiều tờ báo đả kích chính phủ, nhiều  tổ chức xã hội dân sự hoạt động đòi lật đổ chính phủ; sinh viên, học sinh, Phật giáo, ký giả nhiều lần xuống đường biểu tình chống chính phủ.

Kết luận:

Trước khi có 2 quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa đã có xung đột giữa các đảng phái Quốc gia  và đảng Cộng sản. Cộng sản đã giết nhiều lãnh tụ của các đảng phái Quốc gia. Cộng sản cũng đã lên tiếng cáo buộc các đảng phái Quốc gia giết người của họ.

Khi Hoa Kỳ can dự, Việt Nam đã bị chia đôi, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa- quốc gia Cộng sản ở một nửa phía Bắc đã tiến đánh Việt Nam Cộng Hòa -quốc gia không Cộng sản ở một nửa phía Nam.  Hoa Kỳ chỉ thực thi cam kết của mình trong Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á, chống lại sự bành trướng của Chủ nghĩa Cộng sản, bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa..

Hoa Kỳ không khai thác đất đai, tài nguyên của Việt Nam, không áp bức, bóc lột dân ta. Các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đều có thực quyền trong việc điều hành đất nước (ngoại trừ chiến lược đương đầu với quân Cộng sản trên chiến trường Hoa Kỳ giành thế chủ động)

Ngoài viện trợ quân sự, Hoa Kỳ viện trợ phát triển miền Nam.

Nếu là đế quốc, Hoa Kỳ đã không đóng góp nhiều đến thế để phát triển miền Nam.

Nếu là đế quốc, Hoa Kỳ đã không giúp xây dựng các chế độ tự do dân chủ ở miền Nam.

Dưới cả hai chế độ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, dân miền Nam tương đối được tự do: người dân đi bầu chọn người lãnh đạo, chính phủ tam quyền phân lập, có báo chí chống chính phủ , có dân biểu, nghị sĩ đối lập trong quốc hội…kinh tế tương đối phát triển. Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh được như vậy là rất đáng kể.

Bảo rằng Hoa Kỳ là đế quốc xâm lược Việt Nam là vu cáo, sai sự thật ở 2 điểm:

Thứ nhất, Việt Nam không phải là một quốc gia thống nhất dưới sự cai trị của đảng Cộng sản. Hoa Kỳ chỉ giúp miền Nam chống lại sự xâm chiếm của miền Bắc.

Thứ hai, Hoa Kỳ không những không khai thác thuộc địa mà còn giúp xây dựng phát triển mọi mặt ở miền Nam.

Khi Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ cho Quốc gia Việt Nam ( tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa), ông Hồ Chí Minh đã gọi Hoa Kỳ là đế quốc. ( Dĩ nhiên sau đó Hoa Kỳ viện trợ vũ khí rồi đổ quân vào miền Nam thì càng bị cho là đế quốc ) Nếu  một quốc gia viện trợ cho quốc gia khác là đế quốc thì Liên Xô và Trung Quốc cũng là đế quốc và hiện nay nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang bị cai trị bởi nhiều đế quốc. Nếu một nước mang quân đến nước khác là đế quốc, thì Liên Xô, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên cũng là đế quốc xâm lược Việt Nam vì trên thực tế- trái với lời ông Hồ Chí Minh nói, cả 3 nước ấy đều gởi binh lính đến giúp miền Bắc chống Mỹ và đều có lính hy sinh ở Việt Nam. 

Nhận định của tác giả J. Leroy

Trong cuốn sách có tên “Đối nghịch” của tác giả J. Leroy - một nhà hoạt động xã hội người Pháp và cũng là đảng viên đảng Cộng sản Pháp đã đi sâu phân tích về tính chất đối lập của đảng Cộng sản và các đảng phái khác và dẫn chứng về cuộc chiến Việt nam như là một sự đối nghịch đỉnh điểm về ý thức hệ. Trong trang 187 của cuốn sách in năm 2000 tại Pháp có nội dung  trích như sau: “Một cuộc chiến tại Việt Nam là điều mà Hoa Kỳ không mong muốn, họ đến với Việt Nam khác hẳn lũ người độc ác của chúng ta trước đây. Nhưng họ phải đổ quân vào vì họ không muốn Liên Xô bành trướng tư tưởng của Mác, Lê Nin…” (Ý kiến c ủa Lý Quang Diệu trong bài “Chỉ có kẻ ngu mới chống Hoa Kỳ”)

Hoa Kỳ được gì sau thất bại trong cuộc chiến bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa?  

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau hơn 20 năm chiến đấu với sự trợ giúp của Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh khác, Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng đã sụp đổ. Cộng sản đã chiến thắng. Hậu quả sự bại trận của quân dân miền Nam đúng như lời phát biểu của ông Ronald Wilson Reagan (tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ (1981–1989): “Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho hòa bình là ngàn năm đen tối cho các thế hệ sinh tại Việt Nam về sau.”

Còn về phía Hoa Kỳ, họ được gì sau sự thất bại ở Việt Nam?

Phản bác bài viết "Tranh luận về tên gọi cuộc chiến 1955-1975" của GS Lê Xuân Khoa, ông Nguyễn Hòa trong bài “Gọi tên cuộc chiến  hay xuyên tạc sự thật?” lập luận: “N ếu các điều khoản của Hiệp định Geneva (1954) được thực hiện nghiêm túc thì không chỉ người Pháp, mà chính người Mỹ cũng không xơ múi được gì.”

Vậy xin hỏi ông người Mỹ đã “xơ múi” được gì ở Việt Nam? Xin ông Nguyễn Hòa trả lời cụ thể.

Về phía những người yêu chuộng tự do dân chủ, có phải sự hy sinh của hơn 54.000 binh sĩ  Hoa Kỳ ở Việt Nam là vô nghĩa? Có phải  số tiền viện trợ lớn dành cho Việt Nam Cộng Hòa mà Hoa Kỳ bỏ ra là vô ích?

Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu đã nói lên quan điểm của ông: "Tôi cũng cảm thấy rất tiếc rằng sự thay đổi cân bằng quyền lực đang diễn ra vì  tôi cho rằng Hoa Kỳ là một cường quốc hoà bình. Họ chưa bao giờ tỏ ra hung hãn và họ không có ý đồ chiếm lãnh thổ mới. Họ đưa quân đến Việt Nam không phải vì họ muốn chiếm Việt Nam. Họ đưa quân đến bán đảo Triều Tiên không phải vì họ muốn chiếm Bắc hay Nam Triều Tiên. Mục tiêu của các cuộc chiến tranh đó là chống lại chủ nghĩa cộng sản. Họ đã muốn ngăn chủ nghĩa cộng sản lan tràn trên thế giới. Nếu như người Mỹ không can thiệp và tham chiến ở Việt Nam lâu dài như họ đã làm, ý chí chống cộng ở các nước Đông Nam Á khác chắc đã giảm sút, và Đông Nam Á có thể đã sụp đổ như một ván cờ domino dưới làn sóng đỏ. Nixon đã giúp cho miền Nam Việt Nam có thời gian để xây dựng lực lượng và tự chiến đấu. Nam Việt Nam đã không thành công, nhưng khoảng thời gian gia tăng đó giúp Đông Nam Á phối hợp hành động với nhau và tạo dựng nền tảng cho sự phát triển của ASEAN."

Một vài hình ảnh lính Mỹ vui đùa cùng trẻ em Việt Nam, giúp dân, bảo vệ dân tránh bom đạn.

Đảng Cộng sảnViệt Nam và giới truyền thông phản chiến chỉ đưa tin về thiệt hại của quân Mỹ khi chạm súng với quân Cộng sản Việt Nam, giết dân Việt (như ở Mỹ Lai), chán nản, bất mãn khi được đưa sang Việt Nam chiến đấu… Họ dựng lên hình ảnh lính Mỹ khát máu ăn thịt người, phi nhân bắn giết người già trẻ em, hiếp phụ nữ. ..Những hình ảnh dưới đây cho thấy lính Mỹ không phải là ác quỷ; họ là người và họ muốn giúp đỡ.

Chào hỏi dân chúng theo tập quán địa phương:



Vui đùa với trẻ em:






Chăm sóc trẻ em:


Đà Nẵng 1967 - Một lính TQLC Mỹ đang hướng dẫn cách tắm một đứa trẻ với xà phòng, dầu gội đầu cho các bà mẹ VN chán chẳng muốn nghe (có lẽ các mẹ vẫn còn quen tắm cho trẻ con theo kiểu truyền thống). Ảnh bởi Philip Jones Griffiths/Magnum Photos

Bảo vệ trẻ em khỏi bom đạn chiến tranh:



Giúp trẻ em, người già lánh nạn chiến tranh


Đảng& nhà nước Cộng sản Việt Nam và những người phản chiến  tuyên truyền Hoa Kỳ là đế quốc xâm lược Việt Nam, vu cáo chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là tay sai, bán nước.

Tại sao chúng ta-quân dân miền Nam lại đi chứng minh hộ cho Hoa Kỳ rằng họ không phải là đế quốc?

Vì: Trước hết, chúng ta có tư cách hơn ai hết để xác nhận hay phủ nhận Hoa Kỳ xâm lược miền Nam. Một thí dụ để đơn giản hóa vấn đề: Một người vào nhà mình khi mình có mặt trong nhà; người ấy bị hàng xóm hô lên là kẻ cướp thì chính mình chứ không phải hàng xóm xác nhận kẻ vào nhà có phải là kẻ cướp hay không (trên thực tế mình không bị mất bất cứ thứ gì, trái lại còn được kẻ ấy giúp đỡ thì kẻ ấy dứt khoát không phải là kẻ cướp).

Thứ đến, Hoa Kỳ không phải là đế quốc cũng có nghĩa chúng ta không phải là tai sai bán nước như Cộng sản Việt Nam vu cáo.

23.04.2018

Previous Post
Next Post
Related Posts