"Mình phải thế nào đó nên mới được người ta tiếp đón chớ"

Nguyễn Thị Cỏ May (Danlambao) - Sáng nay, vài người bạn của chúng tôi đều cùng nhận được bức thư ngắn đầy thân tình của Cụ nhà báo nhân dân bày tỏ với chúng tôi là Cụ "đang phân vân về chuyến viếng thăm nước Pháp của me-xừ Trọng lú" (nguyên văn). Cụ thắc mắc "Tại sao cấp cao Nhà nước (ý muốn chỉ Nguyễn Phú Trọng) mà không có chào cờ, duyệt binh danh dự? Không có 21 phát đại bác? Lễ đón ở đâu? Ở sân bay Orly? Hình như không có quan chức nào? Hay chỉ có đại diện là Bộ trưởng Đất đai, nhà ở và quy hoạch đô thị, ông Jacques Mezard, nhân vật thứ 13 trong chánh phủ? Không có hội đàm với ai, chỉ có hội kiến với Chủ tịch Quốc hội, với Thủ tướng. Không có Quốc yến,...? Sao kỳ vậy? Có ảnh chụp cả đoàn chừng 50 người đứng trước Hôtel des Invalides? Sao lại thế? Tôi không hiểu nổi?

Báo Nhân Dân đăng bài dài của ông Trọng dịch bản in trên Le Monde, nhưng các anh có báo Le Monde đăng bài này hay không?....". 

Một bạn khác trả lời Cụ nhà báo nhân dân, viết "Ủa Trọng Lú viếng Paris sao? Còn gì hân hạnh bằng?. Tôi không hề hay biết! Một chuyến đi thật sự lặng lẽ. Đi bí mật như người "rơm", người Việt Nam đi lậu ngang qua Pháp trốn qua Anh". 

Ông nhà báo nhà nước (VNThông tấn xã trước 1975) có ý kiến rất đơn giản: "Đón tiếp không có nghi lễ chính thức, vì Trọng Lú chỉ là tổng bí thư một đảng chính trị, không phải là chủ tịch nước, thủ tướng. 

Báo chí không nói gì tới, trừ vài bài vớ vẩn nói về chuyện Trọng thăm Choisy le Roi (trên báo online gõ: visite de Nguyên phu Trong trên Google)". 

Từ ít lâu nay, Cỏ May tôi không theo dõi tình hình Việt Nam nữa. Vì chủ quan tin nó sẽ không thể thay đổi cho tốt được bởi đảng cộng sản kiên giữ chế độ cộng sản, ra sức khủng bố, đàn áp, và theo đuổi lý tưởng "tiền", trong lúc dân chúng "mặc kệ nó", chỉ lo kiếm đủ miếng ăn, thanh niên thì sáng say, chiều xỉn. Chỉ có vài thanh niên còn tỉnh táo, biết thương nước, dám xả thân tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ, vẹn toàn lãnh thổ. Tội nghiệp vì vậy mà họ trở thành kẻ thù không đội trời chung với đảng cộng sản. 

Nay bức thư ngắn của Cụ nhà báo nhân dân bỗng đánh thức sự tò mò của Cỏ May, vừa xem lại thông tin để trả lời Cụ, vừa muốn biết có đúng ông Nguyễn Phú Trọng tới Pháp theo lời mời của Tổng thống Macron mà bị đón tiếp thờ ơ lạnh nhạt như vậy không? Pháp xưa nay có tiếng là văn minh. Người Pháp thứ thiệt luôn miệng nói "cảm ơn" và "xin lỗi" cả khi chẳng may đi đụng nhằm cột đèn cũng "xin lỗi", xong rồi liền "cảm ơn" Monsieur hay Madame cột đèn, nay sao lại xử tệ quá với khách được mời như vậy?

Cỏ May tôi coi lại các tuần báo Le Point, Le Nouvel Observateur, Marianne, ấn bản trong ngày: sáng, trưa và tối phổ biến trên internet dành cho độc giả dài hạn và tin tức trên internet, đều không thấy có loan tin về Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng cộng sản ở Hà Nội, tới thăm viếng chính thức nước Pháp theo "lời mời của Tổng thống Pháp". Tuy nhiên, những báo lớn ở Việt Nam lại có đăng khá ồn áo tin ông Nguyễn Phú Trọng của họ tới thăm viếng Pháp 3 ngày 25 – 27/03/2018. Ông Trọng tới chiều ngày 25/3 tại phi trường Orly, ngoại ô phía Nam Paris. 

Khi biết quả thật có ông TBT Nguyễn Phú Trọng tới Paris, Cỏ May tôi vội nhớ lại câu ông nói với báo chí ở Việt Nam sau khi từ Mỹ về tháng 7/2015: "Mình phải thế nào đó nên mới được người ta đón tiếp chớ". 

Lần này, Cỏ May tôi cũng chờ khi ông về tới Hà Nội, ông sẽ nói câu gì đây? Sẽ thâm thúy hơn không?

Sự thật về ông Trọng viếng Pháp

Ông Trọng tới bằng máy bay Việt Nam chở riêng ông và phái đoàn tháp tùng ông, tới phi trường Orly, một phi trường dân sự nhỏ dành cho những chuyến bay nội địa và các xứ gần ở miền Nam, chớ không phải phi trường quân sự như báo Việt Nam viết. 

Ông Trọng tới có thảm đỏ nhưng chắc do Tòa Đại sứ Hà Nội đem tới hoặc mượn cho dịp này. Khó nghĩ là của chính phủ Pháp bởi trải thảm đỏ mà chỉ có một bà đầm lớn tuổi, nhưng còn kém ông Trọng, của Sở Nghi lễ ra tận máy bay đón quốc khách, hướng dẫn quốc khách và phái đoàn qua khu vực cảnh sát làm thủ tục nhập cảnh? Báo Hà Nội nói có Bộ trưởng Nhà Đất, Qui hoạch Jacques Mezard ra phi trường đón tiếp nhưng tin chánh thức của chính phủ Pháp, ông Jacques Mezard không đi. Dư luận ở Hòa Lan loan tin là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng cộng sản ở Việt Nam, ra phi trường Orly, được một bà đầm đỡ đẻ (bà mụ) do chính phủ Pháp cử đi đón rước ông tận cửa máy bay!

Ngoài ra, phía Pháp, không có một viên chức cao cấp nào khác có mặt ở sân bay. Việt kiều yêu nước cầm cờ đón mừng ông Trọng và phái đoàn khá hùng hậu với nhiều cán bộ cấp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, nhưng cũng không đủ đông cho phù hợp với tầm quan trọng của phái đoàn. 

Qua ngày 26/3, ngày thăm viếng chính, ông Trọng cũng chỉ được đón tiếp ở Hôtel des Invalides, trước kia là nơi nghỉ dưỡng của thương phế binh, nay là Bảo tàng viện quân đội và nhà mồ của các vị anh hùng dân tộc, Napoléon và nhiều vị khác cũng an nghỉ nơi đây, nay là nơi tiếp nhận thương phế binh. 

Ngoài ra, Hôtel des Invalides còn là nơi tổ chức tang lễ cấp quốc gia. Ngày 8/12/2017, tang lễ nhà văn, Hàn lâm viện sĩ Ormesson tổ chức ở đây. Sáng nay 28/03/2018, cũng tại đây, diễn ra tang lễ vô cùng trọng thể, tất cả chính khách Pháp, tả hữu, cựu tân, đều tham dự, tưởng niệm và vinh danh sĩ quan Hiến binh Arnaud Beltrame tự nguyện đem mạng sống của mình thế cho một phụ nữ bị khủng bố á-rặp bắt làm con tin. Ông bị quân khủng bố bắn và cắt cổ trong lúc nạn nhân thoát được ra khỏi siêu thị Super U ở miền Nam nước Pháp. 

Nhiều người không khỏi ngạc nhiên tại sao chính phủ Pháp tổ chức lễ tiếp đón chính thức ông Trọng hôm 26/03 tại đây, với mươi lính kèn, vài lính lễ, lối 50 người tham dự, phần lớn là đoàn tùy tùng của ông Trọng và Việt kiều. Hoàn toàn không có một đại diện của chính phủ tới, thế mà báo chí ở Việt Nam loan tin là "theo lời mời của Tổng thống Pháp". Nghi lễ tẻ nhạt, cả thiếu sự trọng thị dĩ nhiên, nhưng điều làm người ta để ý đây có lẽ là lần đầu tiên chính phủ Pháp làm lễ đón tiếp một người cầm quyền cấp cao tột đỉnh của quốc gia bạn tại đây, nơi trước giờ chỉ làm tang lễ. Chẳng lẽ Pháp ngụ ý "chúc thọ" ông Tổng Bí thư? Xin nhắc lại trước đó, trong việc sửa soạn chuyến viếng thăm của ông Trọng, hai nước đã hội ý với nhau về danh xưng chuyến viếng thăm của ông Trọng là "Viếng thăm chính thức", tức chỉ dưới "cấp Nhà nước". Thực tế nghi lễ như vậy, phải nói là đã bị đơn giản đi rất nhiều. 

Nhân đây, thấy báo chí Việt Nam nhắc tới chữ "Hôtel" là "Khánh sạn", Cỏ May xin nói thêm một chút về tiếng "Hôtel" như Hôtel des Invalides. Phải ở tại Pháp mới thấy điều này rất đặc biệt của xứ Pháp. Ngày trước, ở Sài Gòn, cũng có "Hôtel de Ville". Từ năm 1955, đổi ra là "Tòa Đô chánh". Ở Pháp, tất cả tòa Thị xã đều gọi là "Hôtel de Ville". Cơ sở quan trọng của chính phủ cũng gọi là Hôtel. Hôtel de Matignon, 57 rue Varenne, Paris VII, là Dinh Thủ tướng (từ năm 1935). Sở thuế là "Hôtel des Impôts". Hôtel Dieu (nghĩa từ ngữ: Khách sạn Trời) là nhà thương lâu đời ở Paris I. Du khách bị bệnh thình lình có thể xin vào đây chữa miễn phí. Thường thì vào hôtel ở phải trả tiền và giữ chỗ trước. Nhưng "Hôtel de Police" là khách sạn vào ngủ miễn phí và khỏi cần giữ chỗ trước. 

Chuyện tiếp rước ông Trọng

Nói vậy chớ ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã được chính phủ Pháp tiếp như ông François Rugy, Chủ tịch Quốc hội, và ông Gérard Larcher, Chủ tịch thượng viện. Qua ngày 27, ông Trọng được Tổng thống Pháp tiếp bằng một bữa cơm trưa tại Điện Élysée. Sau bữa ăn kết thúc buổi tiếp rước bằng một thông cáo đơn sơ ngắn. Tất cả các cuộc gọi là "tiếp rước", thật ra chỉ là "hội kiến", nghĩa là gặp nhau bắt tay, hỏi thăm "mạnh giỏi, ăn cơm chưa" trong vây lác và chụp hình. 

Ngày thứ nhất 25/03/2018, ngay sau khi đến Pháp, rời sân bay, đoàn xe đã đưa ông Trọng tới một công viên nhỏ của thành phố Montreuil, ngoại ô phía Đông sát Paris, nơi còn đặt bức tượng Hồ Chí Minh được dựng từ năm 2005 để vọng bái. Nói còn vì sau khi bức tượng vừa dựng lên xong, chờ ngày khánh thành, thì một nhóm thanh niên sinh viên người Việt ở Paris đã tổ chức, ban đêm đem nước sơn tới sơn khắp bức tượng màu đỏ chói và xịt keo loại thật cứng vào ổ khóa căn "không gian Hồ Chí Minh". Đến ngày lễ khánh thành, Tòa Đại sứ vc ở Paris bị bất ngờ nên không mở cửa "không gian Hồ Chí Minh" được, đành hướng dẫn quan khách đi vòng ngoài nhìn vào. Dĩ nhiên sau đó, tượng được rửa, chỉnh trang lại, thay ổ khóa. 

Nên nói lại cho rõ tượng Hồ Chí Minh không phải của chính quyền Pháp, cũng không phải của thành phố Montreuil tặng, mà của Hà Hội đem tới tặng cho thành phố Montreuil, nhân năm 2005, ông Jean-Pierre Brard là đảng viên đảng cộng sản Pháp làm Thị trưởng. Vả lại Montreuil là thành phố nhỏ đông dân cư lao động phần lớn gốc di dân Phi Châu nên đã biến thành sào huyệt của cộng sản Pháp. 

Sau đó, bà Voynet thuộc đảng xanh làm Thị trưởng. Người Việt Nam viết thư yêu cầu bà cho phá bỏ bức tượng và đóng cửa "không gian Hồ Chí Minh". Bà trả lời bà không có quyền làm chuyện đó nhưng bà nói rõ Thị xã sẽ không bỏ ra một đồng xu để sửa sang nơi ấy và bà sẽ không tham dự lễ lạc gì liên quan tới Hồ Chí Minh. 

Công việc kế tiếp của ông Trọng ở đây là ghi vào sổ lưu niệm của "không gian Hồ Chí Minh" và trồng cây để "nhớ bác" ngay trước "không gian Hồ Chí Minh". 

Ông cũng tới Choisy-le-Roi, thành phố ngoại ô phía Nam Paris, thăm viếng Việt kiều và nơi cư ngụ của phái đoàn Hà Nội suốt thời gian Hòa đàm Paris (1968 – 1973) nay là 50 năm đã qua. 

Có lẽ chính ông Trọng cũng đã nhận thấy chuyến viếng thăm của ông thật sự quá tẻ nhạt nên ông đã mướn nhật báo Le Monde (ngày 27. 03/2018, Paris) đăng cho một bài quan điểm của ông về mối bang giao Pháp-Việt Nam, với cả hình của ông giữa trang báo. Le Monde đã đăng nguyên một trang báo ở phần quảng cáo. Và trên góc mặt của bài mướn đăng, có ghi rõ "Publicité" (quảng cáo). 

Theo bảng giá tiền quảng cáo, trang báo đăng bài của ông Trọng là 147 900€, tính thên TVA 2, 1%, ông Trọng phải trả 151 000€. 


VC có chức lớn xài ngon thiệt!

Về Hà Nội, kỳ này, báo chí hỏi, không biết ông Trọng có trả lời như lần đi Mỹ về hay chỉ lầm bầm một mình "Mình phải sao đó nên nay người ta mới đón tiếp mình như thế chớ". 

*

Khi viết xong bài này, báo chí Pháp loan tin chi tiết việc ông Trọng được ông Macron tiếp, sau đó xí nghiệp Pháp ký hợp đồng thương mại với Việt Nam khá quan trọng; đầu tư điện, xây cất, bán Airbus, phát triển họp tác Đại học và Pháp ngữ. 

Trong lúc hội kiến, ông Macron có nêu lên vấn đề nhân quyền, những trường hợp tù nhân lương tâm,… 

31/3/2018


Previous Post
Next Post
Related Posts