Kết quả của phong trào "học tập và làm theo..."

Phương Trạch (Danlambao) - Đã mấy chục năm nay, người Việt Nam yêu âm nhạc trong và ngoài nước, ai cũng biết ca khúc nổi tiếng "Nỗi lòng người đi" là sáng tác của cố nhạc sỹ tài danh Anh Bằng (tên là Trần An Bường 1926-2015).

Sau mấy chục năm tồn tại, ca khúc này rất được nhiều người yêu mến. Và tên tuổi của nhạc sỹ Anh Bằng đã gắn liền với kho tàng âm nhạc đồ sộ của ông, với gần 700 các ca khúc nhạc tình, nhạc dân tộc và nhạc trẻ nổi tiếng khác, trong đó có “Nỗi lòng người đi” ra đời ngày 15/04/1967.

Vậy mà gần đây, nhà nghiên cứu âm nhạc, kiêm nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha (NTK) lại nói rằng, ca khúc nổi tiếng này là của Khúc Ngọc Chân (KNC), một nhạc công dàn Cello trong Dàn nhạc Giao hưởng VN (1).

Theo trí tưởng tượng phong phú của ông Nguyễn Thụy Kha, thì ông Khúc Ngọc Chân viết ca khúc này vào năm 1954, khi phải chia tay người yêu là Nguyễn Thu Hằng đi vào Nam theo dòng người di cư.

Điều đáng nói là, vị nhạc sỹ tài ba đã viết lên ca khúc nổi tiếng Nỗi lòng người đi- Khúc Ngọc Chân, mà ông ấy nói tên gốc của ông là Tôi xa Hà Nội ấy, thì chỉ duy nhất viết được có một bản nổi tiếng này, còn sau đó là… tịt, không thấy có bài nào được lưu hành rộng rãi nữa.

Giải thích lý do vì sao ông KNC không lên tiếng từ lâu, mà mãi đến năm 2012 mới lên tiếng nhận ca khúc này là của mình, thì ông KNC nói, vì lúc đó sợ bị mất việc nên không dám nói mình là tác giả của ca khúc này.

Điều này thật vô lý. Vì từ năm 1986 về sau, khi VN "mở cửa", thì những tác phẩm văn học và âm nhạc của nhóm Tự lực Văn đoàn, của Nhân Văn Giai Phẩm, nhiều bản nhạc tiền chiến, bị nhà nước cho là nhạc vàng phản động, đã bị cấm tiệt, bắt người hát đi tù v.v... đều được xuất bản và cho lưu hành rộng rãi.

Vậy tại sao KNC không lên tiếng vào những năm đó, nếu như ông ấy là tác giả của ca khúc này. Hay những lúc đó ông ấy chưa kịp cùng NTK dàn dựng vở kịch này?

Thật là đáng tiếc cho nền âm nhạc VN. Một tài năng âm nhạc như KNC, chỉ có mấy ngày bên người yêu mà viết nên nhạc phẩm bất hủ như thế, làm hàng triệu con tim người VN, nhất là những người di cư 1954, và những người tị nạn cs sau này, mỗi khi nghe là phải rơi lệ.

Vậy mà “tài năng xuất chúng” này chí vụt lóe sáng như một tia chớp trên bầu trời đêm Hà Nội, để rồi sau tắt lịm, mặc dù sau đó thời thế đã có nhiều đổi thay, các văn nghệ sỹ đã được “cởi trói” và tự do sáng tác.

Cho đến nay con người KNC ấy vẫn đang sống sờ sờ ra đấy. Vẫn cùng ông bạn tri kỷ và là đồng tác giả bộ phim Tôi xa Hà Nội- NTK, thỉnh thoảng vẫn cùng nhau “chém gió” trên chương trình “Giai điệu tự hào” của Đài Truyền hình VN.

Vậy mà chẳng hề vắt óc “nặn” ra được thêm một bài nào nữa.

Bằng cảm nhận, chúng ta cũng có thể thấy, về ca từ và giai điệu của bản nhạc này, là nỗi lòng day dứt và cay đắng của một người phải bất đắc dĩ rời xa HN, xa quê hương miền Bắc thân yêu. Nay đứng giữa Sài Gòn hoa lệ mà gửi gắm lòng mình về trên cõi đất Bắc yêu dấu, mà Thăng Long là đại diện:

“Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa dòng đời
Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu não đi trong bùi ngùi”.

Đây đúng là những sợi tơ vàng óng ánh, được rút ra từ ruột những con tằm đầy cảm xúc nhớ nhung, là của những người phải ra đi như Anh Bằng, chứ không phải là sự bùi ngùi thương nhớ vu vơ của người ở lại KNC. Bởi vì Anh Bằng đã viết ra “Nỗi Lòng Người Đi” cho cả một thế hệ người Bắc di cư vào Nam năm 1954, trong đó có gia đình ông, sau khi Việt Nam phải chia đôi đất nước.

Đồng cảm với nỗi niềm và tâm tư của những người ra đi trong khung cảnh ấy, một nhà văn di cư đã viết: "Cỏ sân bay Gia Lâm tung họ lên, bay về phía trước, muôn ngàn lần tươi đẹp hơn những gì họ bỏ lại sau lưng”.

Có lẽ trong đầu ông KNC nghĩ rằng, Anh Bằng nay đã già, đã 86 tuổi, đã “gần đất xa trời” rồi, chắc đầu óc không còn minh mẫn, nên cứ “vuốt đuôi” một phát may chi thì được.

Khi được bao chí hỏi: “Tại sao đến tận bận bây giờ (2012), ông mới nhận Nỗi lòng người đi là của mình. Ông có bằng chứng gì thuyết phục rằng đó chính thức là ca khúc của mình không? Ông đã sáng tác ca khúc đó trong hoàn cảnh nào và liệu ông có còn nhạc bản ngày xưa hay không?”

KNC nói: “Bản nhạc ngày xưa sao mà giữ được.

Ca khúc của tôi sáng tác hồi đó chính ra chỉ có 2 người biết với nhau là tôi và cô người yêu thôi. Tôi sinh năm 1936 tại phố Tô Tịch, Hà Nội. Năm 1954 tôi tròn 18 tuổi, cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta sắp vào hồi kết. Bởi vậy, tôi cũng như các thanh niên Hà Nội nơm nớp sợ bị bắt lính, tống ra các chiến trường và gia đình xin tôi làm sửa chữa máy vô tuyến điện trong thành Hà Nội. Vốn yêu âm nhạc, tôi tìm đến học đàn với thầy Wiliam Chấn ở gần Hồ Tây và quen một thiếu nữ Hà Nội tên là Nguyễn Thu Hằng, kém 2 tuổi. Chúng tôi đã có những ngày đầu yêu thương bên bờ Hồ Gươm thơ mộng”(2).

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (báo Tiến Phong, 11-10-2014) viết: “Khúc Ngọc Chân khẳng định, mãi tới năm kia (2012) ông mới biết đến sự tồn tại của Nỗi lòng người đi. Bởi ông không thích và rất ít nghe nhạc hải ngoại”.

“Qua lời kể của ông Chân thì thậm chí Nguyễn Thụy Kha cũng đã biết đến “nghi án” Nỗi lòng người đi. Ông Chân thuật lại lời ông Kha trong cuộc gặp lần đầu tiên của hai người: “Anh có cái bài Nỗi lòng người đi bên kia người ta nói là bài của anh?!” 

Nhưng Nguyễn Thụy Kha lại khẳng định không hề biết đến nghi án này cho tới khi Khúc Ngọc Chân kể ra: “Một buổi sáng cuối thu Hà Nội (2012), có một người nhỏ thó đến văn phòng tôi làm việc ở 59 Tràng Thi – Hà Nội. Ông tự giới thiệu là Khúc Ngọc Chân… ông bắt đầu kể cho tôi nghe về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Nỗi lòng người đi mà chính ông là tác giả với cái tên đầu tiên là Tôi xa Hà Nội.” 

Đúng là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

KNC nói “ông không thích và rất ít nghe nhạc hải ngoại”. Thì đây, ca sĩ Lộc Vàng, nhờ hay nghe trộm đài Sài Gòn vào những năm 1967-1968, đã nghe ca khúc “Nỗi lòng người đi”. Vì qua say mê ca khúc này. Lộc Vàng đã chép và hát theo. Lộc Vàng là người đầu tiên hát bài ca này trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội. Ngày 12 tháng 9 1968, Đỗ Nhuận làm đại diện cho Hội Nhạc Sĩ Việt Nam mời Lộc Vàng, Toán Xồm và Thành Tai Voi hát và đàn cho khoảng 20 chuyên viên âm nhạc muốn tìm hiểu nhạc "màu vàng." "Nỗi lòng người đi" là một trong những bài ca được hát tại Nhà Hát Lớn ngày đó (3).

Một ca khúc nổi tiếng đã vang lên tại Nhà Hát lớn giữa mùa thu Hà Nội năm 1968, gây tiếng vang lớn trong đời sống âm nhạc miền Bắc lúc ấy, đến nỗi Lộc Vàng và những người bạn của ông do hát những ca khúc này mà phải trá giá cho mấy chục năm tù tội, đã chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong chốn lao tù.

Vậy mà những “chuyên gia âm nhạc” như KNC và NTK lại không hề hay biết?

Cái “cơ sở lý luận” (học cách nói của những người cs) duy nhất mà KNC nhận ca khúc Nỗi lòng người đi là của mình, là vì ông ấy sinh năm 1936, đến 1954, khi có phong trào di cư, thì ông ấy 18 tuổi, khớp với lời trong bài hát.

Còn việc KNC nói học đàn gần Hồ Tây, mà trong bài hát có câu “Ai đứng trông ai ven hồ”. Vậy thì có hàng trăm thanh niên HN thời ấy cũng hội đủ hai điều kiện ấy. Ví dụ họ sinh năm 1936, có nhà gần Hồ Gươm, và nhờ ai đó vào loại to mồm như Nguyễn Thụy Kha làm chứng rằng bài hát đó là của họ sáng tác, thì cũng được vậy?

Cái dở của KNC là, nói học đàn ở gần Hồ Tây, và cô gái tên Hằng lại ở Hồ Gươm, hai nơi cách nhau trên 3km. Sao KNC không nói học đàn ở gần Hồ Gươm cho khớp, cho phù hợp trong câu: “Ai đứng trông ai ven hồ” nhỉ?.

Cuốn phim “Tôi xa Hà Nội” do đạo diễn Nguyễn Thụy Kha dàn dựng, nghe có vẻ lâm ly bi đát. Nhưng khác với cuốn phim hài Lê Văn Tám của Trần Huy Liệu, LVT đã tự tẩm xăng vào mình, chạy hàng trăm mét khi “ngọn đuốc sống” đang cháy ngùn ngụt mà không bị đổ, để tìm đến kho xăng Thị Nghè mà đốt. Trong bộ phim LVT này, điều lạ lùng là thời đó thực dân Pháp sơ sài đến nỗi, xăng đựng trong bể lộ thiên như đựng nước mưa vậy. Có như vậy thì LVT mới dễ dàng chạy ào tới với thân mình đang bốc lửa và làm cho kho xăng cháy. Nếu như xăng được đựng trong những chiếc bồn vững chắc và kín đáo, thì làm sao có thể bén cháy dễ dàng như vậy được?

Đạo diễn Nguyễn Thụy Kha cũng cho Khúc Ngọc Chân và Nguyễn Thu Hằng ở bên nhay mấy ngày để cùng nhau hát vang ca khúc “Tôi xa Hà Nội”, và cùng nhau lên thuyền, chàng vừa đàn vừa hát, nàng vỗ tay theo nhịp, cho đến khi lên tàu.

Nhưng rất tiếc cho tác giả NTK và diễn viên KNC, là nhiều hình ảnh tư liệu cho thấy, tàu há mồm đưa người di cư vào Nam lúc ấy, cập sát cảng Hải Phòng, chứ không phải lên thuyền từ bến Bính ra “phao số không” mới lên tàu như KNC nói.

Theo NTK, sau 1975, KNC có theo Dàn nhạc Giao hưởng vào Sài Gòn biểu diễn. Ông ấy tìm người yêu qua họ hàng thân thiết, thì biết người yêu đã chết. Ông tìm đến mộ và thắp hương cho nàng…

Tài thật. Với hơn 1 triệu người miền Bắc di cư những năm ấy, đã được nhà nước VNCH sắp xếp, ổn định cuộc sống chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này đã được thế giới đánh giá rất cao, coi đây là một kỳ tích của chính phủ ông Ngô Đình Diệm còn rất non trẻ và gặp rất nhiều khó khăn bởi thù trong giặc ngoài. Hàng triệu con người bỏ quê cha đất tổ để chạy giặc cs ấy, đã được nhà nước VNCH bố trí định cư rải rác khắp mọi vùng miền. Từ các tỉnh miền Trung, đến các tỉnh Cao Nguyên, đến các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, và rải rác quanh Sài Gòn.

Để tìm cho được một con người sau hơn 20 năm không có tin tức lên lạc với nhau giữa miền Nam ngổn ngang và bề bộn lúc ấy, còn khó hơn “mò kim đáy bể”. Vậy mà chỉ một vài buổi tranh thủ tại đoàn hát, mà KNC tìm được mộ người yêu để còn thắp hương thì đúng là một phép màu.

Nguyễn Thụy Kha đã hư cấu nhân vật Hằng sau khi vào Nam bằng giọng văn của một tay tuyên giáo cs như sau: "Còn nàng, khi vào Sài Gòn, vì mưu sinh, với khả năng văn nghệ và vẻ đẹp của mình, nàng đã đến đầu quân cho một quán bar. Ở đó, nàng vừa làm việc, vừa nhớ người yêu. Ca khúc của chàng đã được nàng tự hát trong những đêm thương nhớ. Hát để nhớ chàng, hát để chia sẻ với bao người khác có tâm trạng nhớ nhung như nàng".

Nhưng Khúc Ngọc Chân cho biết, ông đã không biết tin gì về người yêu của mình, cho đến khi ông Chân vào Nam vào năm 1975 và cất công đi tìm và biết rằng người yêu đã qua đời vào năm 1969” .

Trí tưởng tượng của Nguyễn Thụy Kha quả thật là phi thường!

Điều trớ trêu là, Khúc Ngọc Chân nói: "Người yêu của tôi đã mất, do vậy tôi không tranh chấp quyền tác giả". Nhưng Khúc Ngọc Chân lại đã đề nghị Trung tâm Bảo vệ quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (Vietnam Center for Protection of Music Copyright ,VCPMC), nơi nhạc sỹ Phó Đức Phương làm Giám đốc, để đăng ký bảo vệ tác quyền bản nhạc nói trên cho mình, nhưng đã bị bác bỏ. Vì ông Khúc Ngọc Chân, và cả quan thầy của ông là Nguyễn Thụy Kha đã không chứng minh được bài này do KNC sáng tác.

Bà Đinh Thị Thu Phương, Phó Quản lý, đặc trách ngoại vụ của Trung Tâm gửi điện thư cho Nhạc sỹ Anh Bằng về tác quyền như sau:

"Nhạc sĩ Khúc Ngọc Chân ủy quyền cho VCPMC ca khúc Tôi xa Hà Nội từ ngày 24.4.2014, tuy nhiên sau đó phát hiện có sự song trùng với ca khúc Nỗi lòng người đi của bác. VCPMC đã yêu cầu 2 bên cung cấp chứng cứ bằng văn bản, nhưng ông Khúc Ngọc Chân không có, vì vậy VCPMC đã quyết định ngừng bảo vệ, quản lý và khai thác ca khúc Tôi xa Hà Nội. Điều đó có nghĩa VCPMC chỉ công nhận tính hợp pháp của ca khúc Nỗi lòng người đi của nhạc sĩ Anh Bằng. Cháu xin chúc mừng bác ạ"(4).

Tại VN thì ai mà không biết Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Lưu là hai còn kền kền, chuyên sống bằng nghề “bới móc” xác chết trong giới âm nhạc lâu nay.

Vụ cấm lưu hành 5 ca khúc do các nhạc sỹ VNCH sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam, đã được phép lưu hành mấy chục năm qua, trong đó có ca khúc “Con đường xưa em đi” của Châu Kỳ-Hồ Đình Phương. Họ đã “chẻ sợi tóc làm tư”, soi kính hiển vi vào ca khúc này và lý luận rằng, "Con đường xưa em đi" là con đường nào?

Sau khi 5 ca khúc là Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân (cùng tác giả Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) bị cấm, dư luận đã phản ứng dữ dội. Họ cho đây là những nhận thức ngu dốt và lạc hậu. Vì vậy Cục NTBD đã phải vội vàng thu hồi quyết định cấm này.

Đầu óc vĩ đại của giới “đỉnh cao trí tuệ” còn phát minh ra những điều vĩ đại hơn. Chẳng những phải thu hồi quyết định cẩm lưu hành 5 ca khúc nói trên, mà họ còn “cấp phép” cho hàng trăm bài hát khác “được phép” lưu hành, trong đó nổi bật nhất là bài “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao, ca khúc mà theo điều 13 Hiến pháp, là Quốc ca nước CHXHCN Việt Nam.

Tài thật. Vậy là mấy ông ở Cục nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ VHTTDL còn To hơn cả Quốc Hội? Họ đã “cấp phép” cho quốc gia. Hóa ra mấy chục năm nay, từ trung ương đến địa phương trên đất nước VN, người ta đã “hát chui” bản quốc ca này, vì chưa được Cục NTBD “cấp phép”?

Cái gọi là “Cục NTBD” từng cấp phép cho nhiều ca khúc hoàn toàn không có. Nhiều ca khúc được cấp phép sai lời, sai tác giả. Một số ca khúc được cấp phép, chỉ có tên chứ không có lời bài hát đính kèm. “Không có lời cụ thể thì chúng tôi không thể biết được cụ thể bài hát đó là gì để có thể bảo vệ quyền tác giả âm nhạc”, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết (5).

Suy cho cùng, những Nguyễn Thụy Kha, Khúc Ngọc Chân, hay là những Cục Cục gì đấy, thì cũng chỉ là sản phẩm tất yếu của quá trình “Học tập và làm theo…” mà thôi.

Phong trào này được đ/c Tổng Bí thư "Tài nông Đức cạn" phát động từ năm 2003, để tưởng nhớ công ơn kẻ sinh thành, đồng thời để bồi dưỡng tâm thức và “mài sắc ý chí chiến đấu” cho cái đảng của ông đang ngày một héo tàn về tất cả mọi mặt, nhất là về đạo đức, phong cách, có nguy cơ sụp đổ.

Và kết quả là đã sản sinh ra những con vẹt đầu đàn, chuyên “cầm nhầm” và sáng tác ra những câu chuyện hoang đường để ru ngủ nhiều người, như Hoàng Chí Bảo, Nguyễn Lưu, Nguyễn Thụy Kha v.v...

Nhưng, bậc thầy cho cai sự “cầm nhầm”, hay nói trắng ra là ăn cắp, đã xuất hiện từ lớp lãnh đạo tiền bối trong ĐCSVN.

Một tác phẩm văn học của một người tù bên Tàu, có tên là "Ngục trung Nhật ký", có ghi ngoài bìa sách là 1932 rõ ràng. Vậy mà “đảng ta” đã ‘hô biến” thành năm sáng tác là 1942 và được “nhét” vào mồm vị “cha già dân tộc”, thời kỳ ông Hồ bị tù tại Trung Quốc.

Người "học trò xuất sắc" của "bác" là Trường Chinh cũng không kém. Trước đây, người ta cứ tưởng tác phẩm "Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam" và cuốn "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" là của Trường Chinh.

Thế nhưng, nhà văn Vũ Thư Hiên đã phát hiện ra sự thật động trời này.

Nhà văn Vũ Thư Hiên viết: "Khoảng đầu thập niên 50, tôi tình cờ vớ được cuốn Chủ Nghĩa Mác Và Công Cuộc Phục Hưng Nền Văn Hóa Pháp của Roger Garaudy. Đọc xong tôi mới ngã ngửa ra rằng ông Trường Chinh đáng kính của tôi đã làm một bản sao tuyệt vời của cuốn này trong trước tác Chủ Nghĩa Mác và Vấn Đề Văn Hóa Việt Nam, được ca tụng như một văn kiện có tính chất cương lĩnh. Bố cục cuốn sách gần như giữ nguyên, thậm chí Trường Chinh trích dẫn đúng những đoạn mà Roger Garaudy trích dẫn Mác, Engels, và cả Jean Fréville.

Tiếp đó là sự phát hiện đáng buồn của tôi về cuốn Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi. Nó quá giống cuốn Trì Cửu Chiến Luận (Bàn về đánh lâu dài) của Mao Trạch Đông, trừ đoạn mở đầu rất đẹp, là một áng văn rất hay..." (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày. 2sd ed. Westminster, CA: Văn Nghệ, 199).

Sao mà trơ trẽn và lỳ lợm đến thế?

29/3/2018


________________________________

Chú thích:

Previous Post
Next Post
Related Posts