Luật Sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên đang là thịnh trào của thời đại và bước đi của quan điểm này là bất khả vãn hồi.
Tuy nhiên, một trong những huyền thoại lưu hành trong dân gian, được người CSVN khởi xướng và một số người quốc gia tin theo là đảng CSVN cần phải tiếp tục nắm quyền vì trong tương lai không có một đảng phái chính trị nào khả dĩ đủ sức mạnh để thay thế vị trí lãnh đạo của đảng CSVN.
Khi chính người CSVN lập luận như thế thì dĩ nhiên có một số mâu thuẫn về phương diện lý luận. Đó là nếu có một nhu cầu dân chủ hóa để đưa đất nước đi lên và bắt kịp đà tiến hóa của nhân loại, thì chính người CSVN đang cầm quyền phải có trách nhiệm tạo điều kiện để các chính đảng đối lập khai sinh, hoạt động và cạnh tranh công bằng như các chính đảng cầm quyền khác tại các quốc gia dân chủ.
Trong khi đó trên thực tế, CSVN cũng như các đảng thuộc Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản lại theo truyền thống của Phát Xít Đức Quốc Xã, tuyệt đối triệt tiêu mầm mống của mọi đảng phái đối lập qua sự hiến định hóa điều 4 Hiến Pháp, qua Bộ Luật Bầu Cử với sự chọn lọc ứng cử viên do Mặt Trận Tổ Quốc chủ trì để kiểm soát sự phát triển của các hội đoàn thuộc xã hội dân sự.
Rõ ràng là đảng CSVN không tin vào chính lập luận của mình và rất sợ sự khai sinh cũng như trưởng thành của các chính đảng đối lập. Điều này chứng minh rằng họ hoàn toàn ngụy biện.
Tuy nhiên vấn đề nguy hiểm hơn cho tiến trình dân chủ hóa không nằm nơi tính ngụy biện của CSVN mà là sự ngây thơ của nhiều người Việt quốc gia tin tưởng vào lập luận của đảng CSVN.
Chúng ta có trách nhiệm phải phân tách và đả phá triệt để lập luận này hầu dọn đường cho một tiến trình dân chủ hóa tốt đẹp.
Trước hết đảng CSVN mạnh vì các yếu tố sau đây:
Thứ nhất: Kỷ luật sắt đá qua quan điểm tập trung dân chủ, thể hiện qua nguyên tắc cá nhân phục tùng tập thể, hạ tầng phục tùng thượng tầng, số ít phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng trung ương. Quan điểm này thông thường đưa đến sự tôn sùng cá nhân chủ nghĩa như các thời Stalin, Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh…
Thứ hai: Đảng phải kiểm soát chặt chẽ cơ cấu chính quyền mà cả mọi thành phần xã hội dân sự qua sự kiểm soát quân đội, công an và một hệ thống ngoại vi được đảng tài trợ và giật dây như Mặt Trận Tổ Quốc, Hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh Niên CS…
Thứ ba: Đồng hóa đảng và nhà nước thành một thực thể duy nhất và buộc đảng viên các cấp phải tuyệt đối trung thành với đảng, thay vì tổ quốc như trong hiến pháp CSVN năm 2013.
Thứ tư: Mọi hoạt động của đảng đều tuyệt đối bí mật. Cố tình tiết lộ bí mật của đảng là một trọng tội, sẽ bị hình phạt nghiêm khắc.
Khi suy xét kỹ bản chất của một tập thể như thế, chúng ta nhìn thấy nhiều điểm tương đồng với các hội kín thời Trung Cổ bên Âu Châu và Trung Đông cũng như các bang hội tà giáo tại Trung Hoa thời xa xưa, hoạt động ngoài vòng kềm tỏa của vương pháp và luật pháp.
Những quốc gia dân chủ chân chính ngày hôm nay không còn dung túng cho những thực thể chính trị tà đạo như thế nữa.
Thực vậy, trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, ánh sáng của quan điểm pháp trị chiếu rọi và soi đường không những cho tương quan giữa các thực thể của xã hội dân sự với nhau, như các hội đoàn, thương nghiệp, tôn giáo hoặc chính đảng, mà còn soi sáng tác phong của từng các cá nhân thành viên của các tập thể đó.
Hệ lụy tất nhiên là, không những các tập thể trên đều phải hoạt động trong vòng kềm tỏa của luật pháp, mà chính cá nhân của các thành viên phải tuân thủ luật pháp quốc gia trong vai trò thành viên của mình. Một tập thể, kể cả một đảng phái chính trị như đảng CSVN, nếu có hành vi phạm pháp thì không những đảng bị chế tài, mà những thành viên liên hệ cũng bị chế tài tương tự.
Điểm quan trọng thứ hai là trong một chế độ dân chủ chân chính, định nghĩa về “sức mạnh” của một chính đảng hoàn toàn khác với định nghĩa về “sức mạnh” của một đảng phái độc tài toàn trị.
Một chính đảng thực sự có sức mạnh trong một nền dân chủ chân chính thì cương lĩnh và nội quy của đảng luôn trong sáng và tuân thủ không những hiến pháp tối cao, mà còn phải tuân thủ luật pháp của quốc gia, từ trung ương đến địa phương.
Không bao giờ có tình trạng như TBT Nguyễn Phú Trọng thường tuyên bố vô trách nhiệm là Hiến Pháp 2013 là văn kiện tối cao “sau cương lĩnh đảng CSVN”.
Tính trung thành tuyệt đối của đảng viên một cách mù quáng, bất chấp đạo đức xã hội và luật pháp quốc gia không còn là một yếu tố cấu thành một chính đảng mạnh nữa, mà trở thành một hành vi tội ác, sẽ bị trừng trị nghiêm khắc như một trọng tội hình luật.
Cũng vì thế trong một nền dân chủ nghiêm chỉnh, những nhân tài nhan nhản, sinh hoạt trong mọi giai tầng và thực thể của xã hội dân sự, luôn sẵn sàng thành lập các chính đảng và cống hiến tài năng của mình cho dân tộc, trong khuôn khổ một nền dân chủ chân chính.
Thực tế đã chứng minh hiện tượng chuyển mình từ độc tài đảng trị, quân phiệt hoặc Phát Xít sang dân chủ đa nguyên thành công từ Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Nam Dương, Phi Luật Tân tại Á Châu đến các quốc gia Đông Âu. Tại các quốc gia này, giai đoạn chuyển mình từ độc đảng đến đa đảng xảy ra trong thời gian tương đối ngắn.
Chúng ta có thể khẳng định rằng, chỉ cần một thời gian ngắn tương tự, sau khi hiến pháp 2013 của CSVN bị hủy bỏ và một bản tân hiến pháp dân chủ thật sự được ban hành, nhiều chính đảng có sức mạnh chân chính sẽ khai sinh, với nhiều nhân tài từ nhiều tầng lớp xã hội, hoạt động dưới ánh sáng của quan điểm pháp trị, hầu góp phần phục hưng đất nước.
Dĩ nhiên tiến trình dân chủ hóa không phải lúc nào cũng hoàn hảo như tình trạng đình trệ tại Singapore, Thái Lan, Nga Sô…
Nhưng chúng ta cần phải nhận thức rằng, tuy có đình trệ tại các quốc gia trên vì một số thế lực phản động còn tồn đọng trong xã hội từ quá khứ, nhưng ít ra, các quốc gia này đã chính thức hội nhập tiến trình dân chủ hóa. Chắc chắn với thời gian, cũng như những điều chỉnh thích đáng, quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên sẽ hoàn chỉnh hơn và các dân tộc này sẽ vươn lên trong cộng đồng thế giới tự do.
31/3/2018