ĐÃ ĐẾN LÚC NHÌN LẠI ÂM LỊCH
Nguyễn Linh Đàn
Âm Lịch đóng một vai trò cực kỳ rườm rà, rắc rối, câu nệ và dị đoan lâu dài trên đất nước Việt Nam. Nó đã tạo nên một sự nô lệ thần thánh, mà người Việt ta chịu sự áp đặt một cách phi lý. Vậy hôm nay chúng ta phải cần nhìn lại Âm Lịch, nó có thiết thực bổ ích cho con người không, hay nó là một rào cản làm trì trệ sự tiến hóa của mọi thời đại,
Âm Lịch là gì ; Nói một cách khái quát : Âm Lịch (quen gọi là lịch Tàu) là lịch tính theo MẶT TRĂNG, người Trung Hoa cổ đại dựa theo hiện tượng đêm trăng để tạo nên âm lịch, thực ra âm lịch không phải là huyền bí như người xưa tưởng, Âm Lịch vẫn ứng dụng cho khoa thiên văn là một phần của khoa học, nhưng người xưa chưa chứng minh được mặt trời là định tinh, từ đâu có ánh sáng của mặt trăng và vòng quay của quả đất, chẳng qua họ tìm ra năm tháng ngày giờ cũng tương đối chính xác là nhờ nương theo sự hiển nhiên của mặt trăng, cộng thêm kinh nghiệm lâu đời mà có.
Cách tính tháng dựa theo hiện tượng đêm trăng tròn và đêm không trăng làm thành một tháng, tháng có 30 ngày gọi là tháng đủ, tháng có 29 ngày gọi là tháng thiếu, càng về sau người ta thấy thời tiết luân hoán nhau trong 12 tháng ấy có sự trùng họp trở lại, nên người xưa ghép lại thành một năm trong đó có 7 tháng đủ và 5 tháng thiếu; rồi cứ 5 năm lại có hai năm 13 tháng, gọi là năm nhuận, mà người xưa gọi tam niên nhất nhuận, nhị niên tái nhuận. và chia mỗi năm thành 24 tiết đế áp dụng cho nông nghiệp.
Về sau người ta thêm thiên can (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý) và địa chi (tý, sửu, dần, mẹo, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi) thiên can và địa chi hòa lại (trong đó có lục giáp : giáp tý, giáp dần, giáp thìn, giáp ngọ, giáp thân, giáp tuất) và (lục ất : ất sửu, ất mẹo, ất tỵ, ất mùi, ất dậu, ất hợi ; tiếp đến lục bính, lục đinh, luc mậu, lục kỷ, lục canh, lục tân, lục nhâm, lục quý…cho đến quý hợi là 60 lần) để đặt tên cho ngày giờ, tháng năm . Nếu như âm lịch dừng lại ở đây không thêm phần bói toán, dị đoan vào thì cũng khá hoàn hảo về khoa học tự nhiên, ứng dụng cho đời sống con người vẫn tốt.
Bức rào cản mọi sự tiến hóa
Càng về sau, người ta cứ thêm dần vào như ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), đem ứng dụng cho ngày giờ, năm tháng, và cứ 60 lần là có 30 ngũ hành,rồi đem áp dụng mệnh số cho con người không đơn giản một chút nào, nếu tính mạng gì, thì phải dựa vào lục giáp 2 năm một mạng ; khởi chuẩn tý ngọ, dần thân, thìn tuất. rồi ngũ hành người ta phân ra năm loại cho một hành như dưới đây :
KIM: xoa xuyến kim, bạch lạp kim, kiếm phong kim, sa trung kim, hải trung kim, MỘC : tang đố mộc, thạch lựu mộc, dương liễu mộc, bình địa mộc, đại lâm mộc, THỦY: đại hải thủy, trường lưu thủy, giang hạ thủy, thiên thượng thủy, sơn hà thủy
HỎA: lư trung hỏa, tích lịch hỏa, thiên thượng hỏa, địa trung hỏa, sơn hạ hỏa
THỔ: lộ bàng thổ, thành đầu thổ, ốc thượng thổ, bích thượng thổ, sơn đầu thổ vv….
Do đó đã có ngũ hành là có tương sinh = Kim sinh thủy, Thủy sinh mộc, Mộc sinh hỏa, Hỏa sinh thổ, Thổ sinh kim ; đã có tương sinh là có tương khắc = Kim khắc mộc, Mộc khắc thổ, Thổ khắc thủy, Thủy khắc hỏa, Hỏa khắc kim (trong cái khắc có nhiều cái vô lý hết sức)
Rồi người ta thêm vào 12 trực tốt xấu, ứng dụng cho mọi việc
Đó lá : kiến, trừ, mãn, bình, định, chấp, phá, nguy, thành, thâu, khai, bế. ứng dụng vào tiết của mỗi tháng trong năm để tìm trục kiến… và 24 sao tốt xấu gọi là Nhị thập bát tú, đó là : giác, cang, đê, phòng, tâm, vĩ, cơ, đẩu, ngưu, nữ, hư, nguy, thất, bích, khuê, lâu, vị, mão, tất, trủy, sâm, tĩnh, quỷ, liễu, tinh, trương, dực, chẩn. Cách tính nhị thập bát tú tính theo tuần lễ dương lịch khởi Giác vào ngày thứ Năm của 4 tuần nhật để có 28 ngày , cũng không dễ dàng một chút nào .
Thật tệ hại hơn cả là tính theo 12 con giáp : Chuột : Một loài thú đáng ghét nhất, lại tôn lên đứng đầu sổ là nghĩa lý làm sao ! , rồi các loài thú 4 chân lại liên tục là : chó, heo, trâu, cọp, mèo, ngựa, dê, khỉ mà không có một loại chim quý nào đại diện cho loài cầm ở một địa chi, chỉ có gà có cánh nhưng không biết bay, rồi vẽ thêm rồng rắn vào cho có vị, 12 con giáp quả là điều phi lý hết sức khi đem áp dụng tuổi cho con người cao quý thế nầy, hỏi có uổng hay không ?
Các ngày hung thần
Ngày xấu mỗi tháng ấn định 6 ngày tam nương mọi việc đều xấu như sau : sơ tuần mồng 3 mồng 7, trung tuần 12 – 18, hạ tuần 22 – 27
Mỗi tháng có 2 ngày hoặc 3 ngày thọ tử,
Tùy theo địa chi của mỗi tháng để tính ngày sát chủ, rồi còn 4 mùa sát chủ nữa, ngày dương công sát, ngày thiên sư sát địa sư, ngày thiên cẩu hạ thực, ngày lục bất thành, ngày vãng vong, ngày phá bại, ngày cô thần quả tú, ngày hoang vu, ngày hoàng trì, ngày mộc mã sát, ngày diêm vương, ngày nguyệt kỵ, ngày ngũ hư, ngày tử thần, ngày trùng tang, ngày ngũ hổ, ngày đại hao, ngày chu tước hắc đạo, ngày châu cách, ngày nguyệt hỏa, ngày độc hỏa, ngày địa hỏa, ngày địa sát, ngày cẩu tích, ngày thiên địa chuyển sát ….còn rất nhiều và rất nhiều ngày xấu nữa vv…. Nói chung năm , tháng, ngày, giờ cái nào cũng rối rắm, tỷ như năm tuổi hoang ốc (nhà bỏ hoang), tháng cơ khát ( tháng đói khát) vv…….
Các ngày cát thần
Ngày cát thần là ngày tốt như ngày hoàng đạo, ngày bất tương, ngày vượng khí, ngày nguyệt đức, ngày thiên đức, thiên y, thiên thành vvv………
Ngày cưới gã, và ngày làm nhà, là vô cùng vô tận khó tìm được ngày toàn nguyên, cộng với năm tuổi, ngày tuổi, tháng tuổi đều kiêng…….
Xét thấy vô số vị hung thần, cát thần ấy, cơ chi có một học thuyết như tôn giáo chẳng hạn để tôn sùng, mà ở đây không một mảy may lý thuyết, không một mảy may ứng dụng đạo đức, thế nhưng người ta bảo phải tin tưởng rồi thành ra thói quen, nghĩ một cách chính đáng các vị thần ấy không hiện diện trên đất nước Việt Nam, nhưng trải qua 4000 năm các vị thần ấy dọa dân tộc Việt Nam, thì mình thử nghĩ thần thánh của ai, dửng dưng mà người mình phải chịu áp lực, phải cúi đầu lạy lục, thêm vào đó mấy thầy bói toán chỉ cần học thuộc mấy kiểu nói : dần thân tỵ hợi tứ hành xung, thìn tuất sửu mùi tứ hành hoại. cộng thêm thiên la địa vọng, chỉ cần quyển sách ngọc hạp, quyển vạn sự, với cái miệng múa may lưu loát : tý ngọ ngân đăng giá bích câu, dần thân hán địa siêu sài lãng, thìn tuất yên mãn tự chung lâu, hay kế hán mộc âm vv….là tha hồ đi dọa thiên hạ để kiếm tiền, đồng tiền bất chính mà quá sợ thần thánh nên tiền rất dễ vào túi thầy bói.
Xét về nông lịch
Dương lịch ứng dụng cho nông nghiệp thuận lợi hơn Âm lịch ; chúng ta thấy 24 tiết khí của Âm lịch, mà tính theo âm lịch thì đôi lúc xê dịch quá xa, hơn nữa nó không phù hợp cho năm nhuận, còn tính theo năm Dương Lịch thì ngược lại rất chuẩn
XEM BẢNG ĐỐI CHIẾU THỜI TIẾT ÂM LỊCH theo DƯƠNG LỊCH
Lập Xuân từ 03 – 04 tháng 2 Dương Lịch (DL) …Vũ Thủy từ 18 – 19 tháng 2 DL
Kinh trập - 04 – 06 tháng 3 DL Xuân phân 19 – 21 tháng 3 DL
Thanh Minh: 05 – 06 tháng 4 DL Cốc Vũ : 18 – 20 tháng 4 DL
Lập Hạ : 05 – 06 tháng 5 DL Tiểu Mãn : 19 – 21 tháng 5 DL
Mang Chủng 05 – 06 tháng 6 DL Hạ Chí : 19 – 21 tháng 6 DL
Tiểu Thử hầu hết 07 tháng 7 DL Đại thử hầu hết 23 tháng 7 DL
Lập Thu : 07 – 08 tháng 8 DL Xử thử ấn định 23 tháng 8 DL
(Xử Thử theo Việt Hán Từ Điển của Đào Duy Anh)
Bạch Lộ : hầu hết 08 tháng 9 DL Thu phân hầu hết 23 tháng 9 DL
Hàn Lộ : 08 – 09 tháng 10 DL Sương Giáng - 24 tháng 10 DL
Lập Đông : 07 – 08 tháng 11 DL Tiểu Tuyết : 22 – 23 tháng 11 DL
Đại Tuyết : 06 – 07 tháng 12 DL Đông Chí : 21 – 22 tháng 12 DL
Tiểu Hàn : 05 – 06 tháng 1 DL Đại Hàn : 19 – 21 tháng 01 DL
Sự sai biệt Lập Xuân của năm Âm Lịch :
Năm Canh Tý 1900 Lâp Xuân ngày 5 tháng Giêng Canh Tý (4-2-1900)
Năm Ất Sửu 1925 Lập Xuân ngày 12 tháng Giêng năm Ất Sửu (4-2-1925)
Năm Canh Dần 1950 Lập Xuân ngày 18 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (4-2-1950)
Năm Ất Sửu 1985 Lập Xuân ngày 15 tháng Chạp năm Giáp Tý (4-2-1985)
Năm Canh Thìn 2000 Lập Xuân ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ (4-2-2000)
Năm Quý Mùi 2003 Lập Xuân ngày 4 tháng Giêng năm Quý Mùi (4-2-2003)
Năm Canh Dần 2010 Lập Xuân ngày 21 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (4-2-2009)
Năm Ất Mùi 2015 Lập Xuân ngày 16 tháng Chạp Giáp Ngọ (4-2-2015)
Năm Canh Tý 2020 Lập Xuân ngày 11 tháng Giêng năm Canh Tý (4-2-2020)
Năm Ất Tỵ 2025 Lập Xuân ngày 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ (3-2-2025)
Vậy ta thấy sự sai biệt của Âm Lịch quá xa, mà sai biệt của Dương Lịch chỉ một ngày không đáng kể
Sai biệt tiết của năm nhuận âm lịch 13 tháng :
Năm Kỷ Sửu (2009) nhuận hai tháng 5 =tính ngày Mang Chủng (lúa trổ đòng đòng) -Mang Chủng 13 - 5 ÂL (5-6-2009) ; Hạ Chí 29- 5-ÂL (21-6-2009),
-Tiểu Thử 15-5-ÂL (7-7-2009) ; Đại Thử 2-6-ÂL (23-7-2009)
Năm Nhâm Thìn (2012) nhuận hai tháng 4
-Mang Chủng 16-4-ÂL (5-6-2012); Hạ Chí 3-5-ÂL (21-6-2012)
-Tiểu Thử 19-5-ÂL (7-7-2012) ; Đại Thử 4-6-ÂL (22-7-2012)
Năm Giáp Ngọ (2014) nhuận hai tháng 9 =
-Mang Chủng 9-5-ÂL (6-6-2014) ; Hạ Chí 24-5-ÂL (21-6-2014)
-Tiểu Thử 11-6-ÂL (7-7-2014) ; Đại Thử 27-6-ÂL (23-7-2014)
*Vậy ta thấy sự chênh lệch của Dương Lịch không đáng kể.
Nên nhớ rằng trong 24 tiết khí thời tiết trong năm, ở Việt Nam chỉ cần vài tiết lấy lệ như : Lập Xuân, Thanh Minh (tảo mộ), Sương Giáng, Lập Thu, Lập Đông chẳng hạn,
Còn Kinh Trập đã có thuốc trừ sâu rầy, Mang Chủng ngày nay người ta cấy lúa ngắn ngày, ít nhất có đến 3 lượt lúa trổ đòng trong năm, Đại Tuyết, Tiểu Tuyết thì ở nước ta không cần đến…
Thủy Triều
Nước lên nước xuống là do sức hút của mặt trăng, nhưng ít ảnh hưởng về nông nghiệp, chỉ ảnh hưởng một phần của nghề cá và thương thuyền ra vào những chỗ sông cạn, trong nghề nghiệp người ta đã quá kinh nghiệm nên không cần đến lịch.
Nhật thực, Nguyệt thực
Nhật thực nhất định xẩy ra vào ngày Mồng Một âm lịch = Mặt Trăng che Quả Đất.
Nguyệt thực nhất định xẫy ra vào đêm Rằm = Quả Đất che Mặt Trăng, người xưa tin tưởng 2 hiện tượng trên là sự giao hợp của âm dương, nên mọi việc phải kỵ , và sợ đại dịch, mất mùa, lụt bão hay sóng thần có thể xẩy ra trong năm đó, nhưng ngày nay thì khoa học đã nhận ra 3 điểm thẳng hàng ( Mặt Trời, Quả Đất, Mặt Trăng đi qua một đường thẳng) nên không ảnh hưởng thời tiết, hiện tượng nầy khoa khí tượng thủy văn ngày nay dự báo chính xác còn dễ hơn âm lịch nhiều lần, kể cả dự báo thời tiết. vì khoa học chứng minh hiện tượng, còn âm lịch chỉ kinh nghiệm hiện tượng mà thôi.
Phong Thủy
Phong thủy là hướng gió và nguồn nước (trong đó có mạch nước ngầm), vậy phong thủy có chịu ảnh hưởng vào thiên can, và địa chi không (?)
Luận vào Kinh Dịch, là một bộ sách dịch lý cổ đại của Phương Đông do người Trung Hoa chế tác là vua Phục Hy, đến Văn Vương và Khổng Tử, Kinh Dịch rất huyền diệu, có nghĩa là “thông thiên văn, đạt địa lý”…. Ta có thể hiêủ một cách khái quát, Kinh Dịch đề cập thuyết Âm Dương là Lưỡng Nghi, 2 vạch chồng lên nhau sinh ra Tứ Tượng để xác lập thái dương, thái âm và thiếu dương, thiếu âm, là bốn hướng chính Đông, Tây, Nam, Bắc, Rồi từ Tứ Tượng chồng lên nhau thành ra Bát Quái để phân định 8 hướng, tất nhiên tự nó tạo ra ngũ hành. thì nó ảnh hưởng khoa học , vì các nhà Khoa học Âu Mỹ đã chứng minh điều đó, để làm luận án về Khoa học Phương Đông cổ đại, mà Kinh Dịch tuyệt nhiên không đề cập đến 12 con giáp trong thiên can và địa chi. nhưng sau nầy người ta linh thiêng hóa nó ra, thành thử phong thủy lệ thuộc vào những hiện tượng dị đoan, để thầy địa lý lợi dụng cơ hội làm tiền
Nói đúng ra phong thủy rất khoa học, chúng ta nên chọn nơi có hướng gió thích hợp thông thoáng và nguồn nước trong lành kể cả mạch nước ngầm để sinh sống, sự sống sẽ phát triển tốt.
-------------------------------------------
Tóm lại Âm Lịch chỉ gây ra phiền toái đa đoan, từ tổ tiên ta cho đến ngày nay chúng ta phải gánh chịu cái cồng kềnh khó xử “bỏ thương, sương nặng”, “hay ít, dở nhiều”, cộng thêm cái dị đoan không đáng có trong thời đại văn minh, chúng ta hãy nhìn nước Nhật Bản, họ bỏ hẳn Âm Lịch đã ngoài 60 năm rồi, họ có nghèo đâu, mà họ càng ngày càng văn minh thêm, nước họ trở thành cường quốc công nghiệp phát triển ngang hàng với các quốc gia Âu Mỹ, Nước Ta cứ đeo đẵng cái âm lịch lạc hậu, nên nước ta nghèo mãi, vị thế Việt Nam là “cửa ngõ Đông Nam Á” mà cứ chịu nghèo hoài là điều phi lý. Mình thử nghĩ những nước quanh ta như Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, họ có dùng âm lịch đâu, chính ngày xưa họ là đàn em VN về mọi mặt, ngày nay mình trở lại làm em họ, thử hỏi như thế có đau không, Nước Ta nghèo chính vì một phần bởi Âm Lịch mà ra. Đừng nghĩ tết Âm Lịch là tết cổ truyền, là thiêng liêng nữa, mà chính tổ tiên ta là “nạn nhân an phận lâu đời”, chẳng phải quý báu chi đâu, xưa nay họ cũng muốn nước mình “an phận” như thế dài dài…., Vậy hôm nay ta hãy đoạn tuyệt nó, cho tinh thần ta rảnh rang để làm ăn, để tiến hóa, không lo không sợ thần thánh quấy rầy quở phạt, ta sẽ bước xa hơn nữa, mà thật sự cả nước ngày nay đa phần đám cưới, đám hỏi, tiệc tùng, sinh nhật, nhà mới người ta đều chọn ngày Chủ Nhật, coi như người ta đã tự loại bỏ ngày tốt ngày xấu một phần, mà rất nhiều người lâu năm nghiên ngẫm say mê và thấm sâu với âm lịch, họ vẫn đồng quan điểm như tôi. Đến nay thấy âm lịch không còn thực dụng nữa, nên tôi mạnh dạn viết bài nầy để hòa chung cùng lớp trẻ, hòa nhịp cùng thời đại văn minh với Dương lịch hợp thời và tiến bộ.
Khi đã bỏ âm lịch rồi, chúng ta sẽ chuyển các ngày lễ Hùng Vương (10-3-ÂL), Lễ Hai Bà Trưng (6-2-ÂL), và ngày giỗ của các dòng tộc hay các tư gia qua Dương Lịch là điều không khó,
Linh Đàn
Mùa xuân năm 2010.