Trung Cộng đe dọa tấn công Đài Loan

Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Giới chức ngoại giao của Trung Cộng tại Hoa Thịnh Đốn vừa lên tiếng đe dọa tấn công Đài Loan nếu chính phủ Trump giữ nguyên quyết định cho tàu chiến cập bến Đài Loan vào năm tới (1 A, 1 B). Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Tom Cotton đã phải lên tiếng kêu gọi Tổng thống Trump và Quốc Hội hãy đồng lòng hợp tác và chi viện quân sự cho Đài Loan nếu hòn đảo Tự do này bị Trung Cộng tấn công. Hành động của Thượng nghị sĩ Cotton được coi là lời đáp trả chính thức của Hoa Kỳ trước sự lên tiếng đe dọa của giới ngoại giao Trung Cộng đối với Đài Loan. Thượng nghĩ sĩ Cotton nói: "Tôi coi lời đe dọa của Trung Cộng tấn công Đài Loan là một sự việc rất nghiêm trọng, do đó, tôi kêu gọi cả Tổng thống lẫn Quốc Hội gia tăng việc trao đổi vũ khí với Đài Loan, cũng như mở rộng các hoạt động tập trận với Đài Loan hơn nữa, chúng ta không thể cứ để Trung Cộng lớn lối mãi." (2)

Việc đấu đá võ mồm công khai tại Hoa Thịnh Đốn giữa giới chức Hoa Kỳ và Trung Cộng về vấn đề Đài Loan cho thấy mối quan hệ giữa hai nước không hoàn toàn êm thắm dựa trên quyền lợi kinh tế như nhiều người lầm tưởng. Ngược lại, Trung Cộng và Hoa Kỳ đang ngày càng xích lại gần bờ vực của xung đột quân sự hơn là mọi người nghĩ. Chỉ trong hai ngày 11 và 12 tháng này, các chiến đấu cơ của Trung Cộng đã bay lượn vòng không phận Đài Loan làm rúng động cư dân hòn đảo Tự Do này.

A. Tự nguyện cam kết của chính phủ Hoa Kỳ trong việc bảo vệ đảo Tự Do Đài Loan:

Toàn Bạch Ốc có thể dựa vào đạo luật “Taiwan Relations Act (TRA)” tạm dịch ý là “Đạo Luật Bảo vệ Đài Loan” để can thiệp quân sự trực tiếp bảo vệ Đài Loan khi cần thiết. Đạo Luật TRA được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua vào tháng Tư năm 1979 sau khi đồng ý chấp nhận Trung Cộng là thành viên của thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào tháng Giêng cùng năm. Điểm chính của đạo luật TRA này là Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Cộng tấn công Đài Loan.

Vụ việc phản bội đồng minh Việt Nam Cộng Hòa của Hoa Kỳ vào năm 1975 đã làm niềm tin của mọi người về quyết tâm bảo vệ hòn đảo Tự Do Đài Loan của Hoa Kỳ bị lung lay đến tận gốc rễ. Để trấn an, Quốc Hội Hoa Kỳ và Tòa Bạch Ốc từ thời Reagan trở đi đến nay tự mình chính thức cam kết cương quyết theo đuổi sáu điểm đề cương quan trọng như sau:

1. Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấm dứt trao đổi vũ khí với Đài Loan.

2. Hoa Kỳ sẽ không bao giờ xáo bỏ hay thay đổi các điều khoản trong đạo luật "Bảo vệ Đài Loan" TRA

3. Hoa Kỳ sẽ không thông báo trước hay xin phép Trung Cộng khi trao đổi viện trợ vũ khí cho Đài Loan.

4. Hoa Kỳ sẽ không tìm cách thiên vị Trung Cộng hay Đài Loan.

5. Hoa Kỳ chủ trương chủ quyền hay độc lập của Đài Loan phải được quyết định dựa trên khuôn khổ hòa bình bầu phiếu dân chủ trong nội bộ dân tộc Trung Hoa

6. Hoa Kỳ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng lên Đài Loan.

Đạo luật TRA và sáu điểm cam kết chính thức của chính phủ Hoa Kỳ đối với Đài Loan đã khiến giới lãnh đạo Hoa Kỳ không thể có chỗ trống trong kẻ hở ngoại giao để có thể mặc cả quyền lợi ngắn hạn để rồi đi đến phản bội Đài Loan như đã từng phản bội Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1975. Sự phản bội Việt Nam Cộng Hòa đã làm nước Mỹ bị thiệt hại về uy tín quá nặng nề mà mãi đến hơn bốn mười năm sau, di hại này vẫn chưa khắc phục hoàn toàn khi Hoa Kỳ xúc tiến nhiều cam kết khác tại biển Đông đối với các nước trong vùng.

Trung Cộng cũng hiểu rõ được mọi vận động hậu trường chính trị tại Hoa Thịnh Đốn bằng tiền tài cũng như kêu gọi ngoại giao thỏa hiệp quyền lợi để có thể thôn tính Đài Loan trong êm thắm là điều không thể vì đạo luật TRA và sáu điểm cam kết nêu trên hoàn toàn trói buộc giới chức Hoa Kỳ, cho nên, hăm dọa tấn công thôn tính Đài Loan là một quyết định duy nhất mà Trung Cộng có thể làm nếu đã sẵn sàng đối đầu quân sự với Hoa Kỳ.

Trung Cộng hy vọng dùng Bắc Hàn làm món mồi mặc cả với Hoa Kỳ về Đài Loan, tức là Trung Cộng sẽ bỏ Bắc Hàn để chiếm Đài Loan nhưng vụ mặc cả này không thể thực hiện được vì vị thế quan trọng của Đài Loan trong sách lược kềm tỏa kinh tế quân sự Trung Cộng cũng như sách lược bảo vệ đồng minh Nhật Bản của Hoa Kỳ.

B. Đài Loan là yết hầu của Trung Cộng:

Tất cả các hải cảng quan trọng và các thành phố giàu có phát triển, cũng như các trung tâm đặc khu kinh tế lớn của Trung ở hướng đông (như Thượng Hải chẳng hạn,) đều có thể bị tấn công bằng hỏa tiễn từ Đài Loan mà Trung Cộng không cách gì có thể phòng thủ ngăn cản nổi. 


Ngoài ra, mọi hỏa tiễn của Trung Cộng bay ra biển Đông từ lục địa đều có thể bị hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đặt ở đảo Đài Loan phá hủy trước khi bay đến được mục tiêu.

Toàn bộ hạm đội của Trung Cộng không thể an tâm giao chiến ở tận phương Nam biển Đông khi mà sau lưng mình, lực lượng Hải quân Đài Loan chưa bị khống chế hay triệt tiêu, sẵn sàng công kích sau lưng và công kích lên lục địa bất cứ lúc nào.

Giới chức quân sự Trung Cộng cũng thừa nhận Đài Loan, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, có thể cắt hết mọi huyết mạch thương mại quan trọng của Trung Cộng khi cần thiết, các tàu chở dầu về Trung Cộng có thể bị Đài Loan bắn phá hủy dễ dàng. 

Mọi mục tiêu bành trướng lãnh hải của Trung Cộng ở phía Nam biển Đông chỉ là trò hề nếu Bắc Kinh thật sự chưa khống chế được Đài Loan.

C. Đài Loan là tử huyệt của Nhật Bản:

Không những vậy, giới chức quân sự Trung Cộng lại cho rằng, nếu nắm được Đài Loan thì Nhật Bản hoàn toàn phải chìu theo đường lối ngoại giao của Bắc Kinh.

Nhật là đối thủ đáng gờm của Bắc Kinh từ lâu về mọi mặt kinh tế đến quân sự. Khống chế được Nhật vẫn là tham vọng từ lâu của Bắc Kinh. Chín mươi phần trăm dầu hỏa cần cho nước Nhật phải đi ngang Đài Loan, 99% phần trăm các tài nguyên khoáng sản nhập khẩu cần cho nền kinh tế Nhật đều đi ngang đảo Đài Loan. Năm trăm triệu tấn hàng nhập khẩu mỗi năm cho nền kinh tế Nhật phải đi ngang Đài Loan. 

Không chiếm được Đài Loan, Bắc Kinh vĩnh viễn không ngoi lên thành đại siêu cường để chia sẻ quyền lực với Hoa Kỳ trong vùng được, vì dù gì, Nhật vẫn gần như ngang hàng với Bắc Kinh về mọi mặt, kinh tế đến quân sự. Nhật có gục yếu, ngoan ngoãn nằm trong quỹ đạo ngoại giao của Bắc Kinh thì Trung Cộng mới có hy vọng chia xẻ Thái Bình Dương với Hoa Kỳ.

Như vậy, Đài Loan tự nhiên trở thành tiền đồn trong nỗ lực ngăn cản tham vọng của Trung Cộng bá chiếm lãnh hải. Giao tranh tại Bắc Hàn có thể xảy ra nhưng sau khi xảy ra, cuộc chiến có thể dàn xếp để tiếng súng lặng yên. Nhưng nếu giao tranh ở Đài Loan xảy ra, thì dứt khoát cả Bắc Kinh lẫn Nhật và Hoa Kỳ phải triệt hạ nhau đến tận cùng nhằm đảm bảo khống chế Đài Loan vì lý do an ninh kinh tế quốc phòng của mình.

D. Bắc Kinh tính toán gì khi tuyên bố sẽ tấn công Đài Loan?

Bắc Kinh phải tính toán cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi lên tiếng hăm dọa tấn công Đài Loan tại Hoa Thịnh Đốn trong tháng này. Lời tuyên bố đe dọa tấn công Đài Loan gần như đồng nghĩa với lời tuyên bố tuyên chiến với Nhật và Hoa Kỳ cùng lúc.

Nếu đây là hành động nhằm cứu vãn Cộng Sản Bắc Hàn trước sức ép kinh tế quân sự của Mỹ lên chế độ Cộng Sản này càng ngày càng tăng thì lại càng không thể. Bắc Kinh không thể vì Cộng Sản Bắc Hàn mà hy sinh quyền lợi bang giao kinh tế giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ, mà trong đó, thặng dư mậu dịch về cho Trung Cộng đã đạt được 400 tỷ trong năm nay.

Do đó, Bắc Kinh chỉ có thể hăm dọa tấn công đảo Tự Do Đài Loan khi và chỉ khi Bắc Kinh biết trước Hoa Kỳ sẽ có những hành động thắt chặt mậu dịch hay toan tính trừng phạt mậu dịch đối với Trung Cộng. Từ lâu, mậu dịch là cái kiềng duy nhất mà Hoa Kỳ dùng để buộc Trung Cộng đi vào quy cũ luật lệ của quốc tế. Tòa Bạch Ốc sẽ phải do dự hơn khi tiến hành những biện pháp trừng phạt kinh tế với Trung Cộng khi cân nhắc đến những tổn thất khi giao tranh tại vùng biển Đài Loan.

Nói một cách khác, Bắc Kinh hy vọng chính phủ Trump sẽ trùng tay khi tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Cộng vào những năm tới khi tuyên bố hăm dọa tấn công Đài Loan, trong đó có việc thanh tra đóng cửa hàng loạt các ngân hàng của Trung Cộng hoạt động tại Hoa Kỳ, tăng thuế mậu dịch đối với hàng hóa của Trung Cộng và siết chặt các điều lệ về chất lượng sản phẩm đối với hàng hóa Trung Cộng.

Từ lâu, chính phủ Hoa Kỳ đã mắt nhắm mắt mở để các ngân hàng Trung Cộng hoạt động tại Hoa Kỳ dù biết các ngân hàng này thường xuyên giặt ủi tiền hoặc chuyển ngân dùm cho Cộng Sản Bắc Hàn. Ngày 29 tháng Sáu năm nay, chính phủ Trump đã phải ra lệnh phong tỏa ngân hàng Danong. Bộ Tài Chánh đã có những bằng chứng cho thấy ngân hàng Dandong giặt ủi tiền cho Cộng Sản Bắc Hàn. Vụ này đã làm Bắc Kinh rất hậm hực. Tuy nhiên, danh sách các ngân hàng Trung Cộng nằm trong vòng điều tra của bộ Tài Chánh Hoa Kỳ không dừng lại ở ngân hàng Dandong mà còn lan ra nhiều đại ngân hàng khác của Trung Cộng như ngân hàng "Bank of China"(BOC), ngân hàng "Industrial and Commercial Bank of China (ICBC). Vào 26 tháng Chín năm 2016, Công Tố Viện Hoa Kỳ cũng đã buộc phải loan báo phong tỏa gần 25 trương mục của nhiều công ty hay thương gia Trung Cộng có dính líu đến giặt ủi tiền cho Cộng Sản Bắc Hàn. (3 A, 3B)

Trong lúc nền tài chánh của Trung Cộng đang cần một khoảng ngoại tệ luân chuyển mạnh mẽ vào nội địa từng giờ một nhằm trang trải những thâm hụt nghiêm trọng trong cán cân tài chánh gây ra bởi nền quản trị độc tài đảng trị tham nhũng, thì việc Hoa Kỳ cứ từng bước siết chặt hay phong tỏa các đại ngân hàng của Trung Cộng ra khỏi hệ thống tài chánh thế giới sẽ khiến sự thiếu hụt tài chánh về mặt ngoại tệ của Trung Cộng thêm trầm trọng, dẫn đến những rối loạn khủng hoảng dây chuyền làm dự trữ ngoại tệ của Trung Cộng bị suy kiệt. Hoa Kỳ thanh trừng các ngân hàng của Trung Cộng là một cách gián tiếp khiến nền tài chánh của Trung Cộng từng bước bị cô lập để rồi đi đến đổ vỡ tê liệt toàn diện nếu không có biện pháp đối phó.

Vấn đề siết chặt để cân bằng mậu dịch giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ cũng được chính phủ Trump coi là nhiệm vụ hàng đầu của mình. Chính phủ Trump đã nâng tình trạng thâm hụt mậu dịch dài lâu với Trung Cộng là một đe đối với với nền an ninh quốc gia.

Số liệu từ Cục Thống kê Hoa Kỳ

Trung Cộng đã nới lỏng thị trường nội địa của mình hơn cho các công ty Hoa Kỳ vào năm nay, nhưng tham vọng của Trump muốn nhìn con số thâm hụt mậu dịch giảm hơn phân nữa vào những năm sắp tới. Trung Cộng khó mà thỏa mãn nổi yêu cầu này của Trump vì nền kinh tế của Trung Cộng cần thặng dư mậu dịch nhiều hơn nữa đối với Hoa Kỳ để chi trả nợ công của chế độ, dự đoán sẽ vượt qua 300% GDP vào năm 2022, và hiện nay là đang ở mức 4.6 ngàn tỷ Mỹ kim (4 A, 4B). Chỉ là trả tiền lời không thôi, mỗi năm Trung Cộng phải chi trả khoảng 154 tỷ Mỹ kim, tức là tương đương với toàn bộ ngân sách quốc phòng mà Trung Cộng loan báo vào năm nay.

Chính quyền Trump sẽ vin vào cớ thâm hụt mậu dịch với Trung Cộng còn ở mức quá cao và tiếp tục siết chặt mậu dịch trừ phi Trung Cộng thỏa mãn những yêu cầu của Hoa Kỳ về chính trị ngoại giao, Trung Cộng càng nhượng bộ thì lần hồi bị dồn vào chân tường về mọi mặt.

Cho nên dù hăm dọa đánh Đài Loan là một đòn thấu cáy để vòi vĩnh Hoa Kỳ trùng tay trong vấn đề trừng phạt kinh tế nhưng lại rất cần thiết cho Trung Cộng trong lúc này, vì đây là lựa chọn duy nhất mà chế độ Cộng sản này có thể làm. Hoa Thịnh Đốn biết điều đó, Bắc Kinh cũng biết điều đó.

Tuy nhiên, lần này dường như giới chức lãnh đạo ở Hoa Thịnh Đốn lại vờ vĩnh khẳng định lời hăm dọa của Trung Cộng là sự thật để thúc giục Tòa Bạch Ốc có kế hoạch quân sự cụ thể để đối phó. Lộng giả thành chân, đây là điều mà làm cho Bắc Kinh lúng túng.

Trong lúc vẫn còn nhiều dấu hiệu cho thấy nội bộ lãnh đạo Trung Cộng chưa thật sự hoàn toàn thần phục vây cánh họ Tập và tìm đủ cách để loại trừ vây cánh họ Tập (6), thì việc giới chức Hoa Kỳ lợi dụng sự thấu cáy của Trung Cộng khi tuyên bố tấn công Đài Loan để tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong vùng - thách thức công khai lời hăm dọa của Bắc Kinh, cho thấy Hoa Kỳ đang dồn Tập Cận Bình vào thế nội công ngoại kích khó bề chống đỡ. 

Sự đổ vỡ của các chế độ Cộng Sản bao giờ cũng bất ngờ và nhanh chóng theo cách nội công ngoại kích như đã từng thấy trước đây tại Liên Xô, bên ngoài thì bị Hoa Kỳ o ép đến cạn kiệt kinh tế, bên trong thì bị đảo chánh. Có lẽ, Trung Cộng cũng không thể thoát khỏi định mệnh này.



______________________________________

Chú Thích:

(1) 


(3) 

(4) 



Previous Post
Next Post
Related Posts