Thù xưa bỏ lại để tương lai lên đường

Xã luận báo The Christian Science Monitor * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - 13 Tháng Mười Hai, 2017- Sau khi ông tuyên bố chiến thắng Nhà nước Hồi giáo (ISIS) vào ngày 9 tháng Mười Hai, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã có một lời hứa quan trọng. Ông dự định bắt đầu giải quyết mối xung đột sâu rộng giữa người Sunni và người Shiite-vốn là căn nguyên của cuộc nổi dậy của ISIS cách đây ba năm.

"Iraq ngày nay là của tất cả mọi người Iraq." ông nói và nhắc lại sự đoàn kết hiếm hoi giữa các lực lượng quân sự trong cuộc tấn công mãnh liệt cuối cùng chống ISIS.

Ông Abadi hiện nay là vị nguyên thủ mới nhất trên thế giới tìm cách hòa giải dân tộc và hàn gắn các vết thương xã hội sau khi kết thúc cuộc xung đột vũ trang hay sau khi chế độ chuyên chế sụp đổ.

Ở nước Tây Phi Gambia, vị tổng thống mới, Adama Barrow, dự định thành lập ủy ban sự thật nhằm đưa ra ánh sáng những vụ vi phạm nhân quyền trong hai thập niên cai trị của người tiền nhiệm độc tài, Yahya Jammeh. "Chúng tôi phải hiểu những chuyện đã xảy ra dưới chế độ Jammeh để chúng tôi tránh không bao giờ lặp lại," Abubacarr Tambadou, Bộ trưởng Tư Pháp Gambia, nói.

Tuần qua ở Colombia, Tổng thống Juan Manuel Santos đã đi một bước rất quan trọng nhằm củng cố thỏa thuận hòa bình vào năm 2016 giữa chính quyền và nhóm kháng chiến lớn nhất trong nước. Ông lập ra ủy ban sự thật mà sẽ tiết lộ hoàn toàn mức độ các tội ác đã gây ra suốt trong nửa thế kỷ nội chiến. Và một tòa án khác sẽ thực thi công lý đối với các tội ác chiến tranh nghiêm trọng.

Ở Tunisia, ủy ban sự thật lập ra theo sau Mùa Xuân Ả Rập vào năm 2011 hiện vẫn tiếp tục hoạt động để khám phá ra những hành động tàn ác của chế độ độc tài trước đây. Trong khi ấy, Nepal và Sri Lanka đang cân nhắc những nỗ lực tương tự theo sau chiến tranh ở những nước này.

Mặc dù bất kỳ nỗ lực nào trong tất cả những nỗ lực này cũng đều có thể là những khả năng đầy hứa hẹn cho các quốc gia khác hiện nay đang diễn ra xung đột-Syria, Miến Điện, Libya, Ukraine, Yemen, và Nam Sudan- nhưng có lẽ tấm gương hòa giải tốt nhất và mới đây nhất là Rwanda, 23 năm sau khi cuộc diệt chủng ở đấy sát hại 800.000 người.

Trong bài báo mới trên tạp chí Foreign Affairs, học giả Phil Clark ở trường Đại học Luân Đôn viết về "những bước tiến cực kỳ lớn lao" mà Rwanda đã thực hiện được ở cấp cá nhân, địa phương, và toàn quốc để đạt được sự hòa hợp giữa người Hutu, dân tộc đa số, và người Tutsi, dân tộc thiểu số.

"Hôm nay không có quốc gia nào khác có rất nhiều thủ phạm tội ác tập thể mà lại sống rất gần với gia đình các nạn nhân của họ." ông viết sau khi thực hiện hơn 1000 cuộc phỏng vấn với những người dân thường Rwanda trong suốt 15 năm trời nghiên cứu.

Từ năm 2002 đến 2012 quốc gia này dùng tòa án cộng đồng để khởi tố 400.000 can phạm diệt chủng. Những ai thú tội và tỏ ra ăn hận thì được khoan hồng và tái hội nhập vào làng họ.

Nhà lãnh đạo Rwanda, Paul Kagame, đã dùng những dịp lễ tưởng niệm hằng năm và công dân giáo dục để mang hai nhóm dân tộc này lại với nhau. Quốc gia này cũng cảnh giác đối với sự tuyên truyền gây chia rẽ giữa các dân tộc. Và những nạn nhân ở cả hai bên đều thấy đau khổ của họ giống nhau nên tự tìm đến với nhau.

Quan trọng nhất, khoảng cách kinh tế giữa người Hutu và người Tutsi đã rút ngắn lại, qua đấy "góp phần sửa lại nhiều bất công sâu sắc mà đã gây ra những vấn nạn lớn và dai dẳng trong những cộng đồng địa phương suốt hàng chục năm trời, " ông Clark viết.

"Nhiều cộng đồng đã... lập ra những hợp tác xã kinh tế, bao gồm cả người Hutu và người Tutsi, góp chung của cải lại với nhau như hạt giống hay nhiên liệu. Họ đã bắt đầu những hợp tác xã này không chỉ xuất phát từ nhu cầu kinh tế mà cũng từ hy vọng rằng cùng nhau làm việc chung với nhau sẽ bắt đầu hàn gắn lại những rạn nứt lịch sử," ông viết thêm.

Những người một thời xung đột bạo lực lẫn nhau bây giờ làm việc với nhau trên cùng cánh đồng, cho con cái đi học cùng trường, bán hàng hóa cho nhau ở ngoài chợ, và thường kết hôn với nhau. Những hoạt động hằng ngày như thế đã thử thách đạo đức của trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng. Họ đã tạo ra nền tảng tin tưởng.

Nguy cơ bạo lực tập thể giờ dường như khó xảy ra. Mặc dù dân chủ tiến triển chậm, nhưng Rwanda chứng tỏ rằng một quốc gia bị chiến tranh hay giới lãnh đạo tàn ác xâu xé vẫn có thể hòa giải được bằng sự kết hợp đúng đắn giữa công lý, đối thoại, và phát triển kinh tế xã hội.

Hầu hết người Rwanda, Clark kết luận, "đã quyết định bắt đầu sống tiếp cuộc đời bình thường hơn là trả mối thù cũ."

Nguồn: Tựa đề nguyên tác tiếng Anh "People once at odds don't try to even the score". Tựa đề tiếng Việt của người dịch.



Previous Post
Next Post
Related Posts