Ngàn Hương (Danlambao) - Muốn biết quá trình “lên voi xuống chó” của ông Đinh La Thăng diễn ra như thế nào, cần nhìn khung cảnh chính trị của chính trường Việt Nam trong mười mấy năm gần đây. Trong đó, Đinh La Thăng cũng là một vai diễn với những vai trò khác nhau trong vở tuồng ấy.
Từ một Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN, Bí thư Thảnh ủy TP.HCM năm 2016, là một bán bộ trẻ đầy triển vọng, với những hành động và phát ngôn nổi đình nổi đám một thời gian, đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí. Vậy mà chỉ gần 2 năm sau, lần lượt bị “lột áo” UVBCT vào tháng 5/2017, và đến ngày 8/12/2017, thì toàn bộ sự nghiệp của ông Thăng coi như mất trắng, và nay phải vướng vòng lao lý.
Trong chính thể cs, luôn tồn tại một luật ngầm. Nếu coi những nhân vật chóp bu của họ như những ngọn nến được thắp lên và tỏa sáng cho mỗi nhiệm kỳ, thì những ngọn nến chầu rìa không bao giờ được phép tỏa sáng hơn những ngọn nến chính. Và những ngọn nến nào phát ra những thứ ánh sáng khác lạ, “không đúng quy trình”, cũng sẽ bị thanh trừng.
Những người đồng chí cùng thời với ông Hồ, như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… đều là những nhà trí thức thực thụ, từng học tại quốc học Huế hoặc quốc học Vinh, chứ không phải vì thất nghiệp, nên phải xin làm phụ bếp cho tàu buôn Pháp để “tìm đường cứu đói”. Sau đó lại xin học trường Thuộc địa Đông Dương để hy vọng nối nghiệp đường quan lại của cha, nhưng không được chính phủ Pháp chất thuận.
Lê Hồng Phong, đã phê Nguyễn Ái Quốc là "tàn dư của cương lĩnh các nhóm cộng sản cũ đã máy móc chia giai cấp địa chủ thành hạng đại và trung". Cuốn Đường Kách mệnh được Hồ Chí Minh viết năm 1927, bị Lê Hồng Phong phê phán là "những điều ngu ngốc về lý luận". Hà Huy Tập phê phán Nguyễn Ái Quốc "phạm một loạt sai lầm cơ hội chủ nghĩa". Chiến lược đấu tranh dân tộc của Nguyễn Ái Quốc bị các đồng chí "Bônsêvich" Nga Xô như Trần Phú và Hà Huy Tập bác bỏ. Vậy là những người đồng chí thân yêu này đều lần lượt bị bắt và bị giết chết.(1)
Sau đó là những nhà cách mạng như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Lê Văn Thử, Hồ Hữu Tường v.v... Đa số những người này từng du học ở Pháp trở về. Và đều bỏ mạng vì trí thức của họ tỏ ra vượt trội so với lãnh tụ của họ thời ấy.
Chính ông Hồ cũng không thèm giấu giếm điều này, khi trong một cuộc hội kiến diễn ra vào năm 1946 với nhà văn Pháp Daniel Guérin, người bạn và đồng chí cũ của Tạ Thu Thâu trong Tả đối lập Pháp, ông đã tuyên bố: “Tạ Thu Thâu là người yêu nước tầm cỡ lớn. Tôi khóc cho cái chết của ông ấy” (Tạ Thu Thâu était un grand patriote, nous le pleurons)? Nhưng ngay sau đó, ông Hồ đã bồi thêm: “Nhưng tất cả những ai không đi theo đường lối do tôi vạch ra sẽ đều bị bẻ gẫy”.(2)
Thời đó, muốn tiêu diệt đồng chí của mình là rất dễ. Chỉ cần chỉ điểm cho Nhật, Pháp, để bọn này ra tay là êm chuyện. Ngay cả nhà yêu nước nổi tiếng Phan Bội Châu cũng vậy. Vì cụ Phan không muốn dựa vào cộng sản Nga-Xô để chống Pháp, mà cụ muốn dựa vào Nhật, là cùng “máu đỏ da vàng”. Nên cụ bị chỉ điểm, và bị Pháp bắt, giam lỏng tại Huế cho đến chết. Có thể nói cụ Phan cũng là nạn nhân của cái luật ngầm ấy.
Thời đại sau này, tuy không còn Pháp, Nhật để mượn tay thanh trừng nhau được nữa, thì người ta lại có biện pháp khác. Nếu không thể đầu độc như Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ, thì người ta lại tổ chức cho các vị này “đi kiểm tra sức khỏe”. Và một khi đã vào bệnh viện, thì chỉ cần một mũi tiêm là xong. Cái chết của cựu TT Võ Văn Kiệt, vì dám viết thư phản đối việc mở rộng TP. Hà Nội, hay của cựu Uy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đình Tứ là một ví dụ.
Trong quyển hồi ký “Lời ai điếu”, nhà báo Lê Phú Khải kể lại rằng, nhà báo được ông Nguyễn Đình Thiên, là anh ruột ông Nguyễn Đình Tứ, trước là bạn dạy học cùng trường với nhà báo, như sau: “Anh Thiên cho biết khi Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm gia đình sau cái chết của anh Tứ, ông đã mắng vợ Tứ: “Cô là bác sĩ mà sao dốt thế, không biết bảo vệ chồng. Nếu tôi để người ta đưa đi kiểm tra sức khỏe thì tôi đã chết từ lâu rồi!” (Chả là, sau bữa cơm tối, người ta đem xe đến nhà ông, bảo ông Tứ đi kiểm tra sức khỏe và ông đã chết đột ngột tại bệnh viện!).(3)
Ngay cả ông Võ Nguyên Giáp là một trong những vị "khai quốc công thần" của chế độ. Một vị tướng được cho là "huyền thoại" của ĐCSVN. Sau khi ông Hồ chết, kể từ thời Lê Duẩn về sau, tất cả các đời TBT đều luôn tìm mọi cách tiêu diệt vị đại tướng này cho bằng được. Chỉ vì vầng hào quang quanh ông này quá chói lọi, làm lu mờ hình ảnh của họ.
Kể cả sau khi ông đã chết, người ta cũng còn căm thù ông và tố cáo ông là kẻ phản dân hại nước, làm tay sai cho đế quốc.(4)
Trở lại nhân vật Đinh La Thăng. Có thể nói, sự nghiệp chính trị của Đinh La Thăng có liên quan đến ba nhân vật chóp bu trong ĐCSVN. Là cựu TT Nguyễn Tấn Dũng, cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, và đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng.
Vào ngày 12/01/2011, Đại hội ĐCSVN khóa XI được tổ chức. Tại Đại hội này, đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng, là Chủ tịch Quốc hội khóa XII, làm Tổng Bí thư. Hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng vẫn trúng UVBCT. Sau đó, tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII, khai mạc vào ngày 22 tháng 5 năm 2011, đã bầu ông Trương Tấn Sang, là Thường trực Ban Bí thư, làm Chủ tịch nước. Ông Nguyễn Tấn Dũng tái cử chức Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng để có kết quả như trên, thì trong các năm 2009 và 2010, những cuộc đấu đá để tranh giành chức Tổng Bí thư giữa 2 ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đã diễn ra hết sức khốc liệt.
Trong 3 ông là Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, lúc đầu ưu thế nghiêng hẳn về đương kim TT Nguyễn Tấn Dũng. Vì ngay từ năm 1996, khi mới 47 tuổi, ông Dũng đã được bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCHTƯ, và sau đó làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Ông Dũng thời đó được đánh giá là ngôi sao đang lên đầy triển vọng trên chính trường Việt Nam.
Về ông Trương Tấn Sang. Năm 1996, ông Sang cũng được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư Thành ủy TP. HCM. Nhưng Tháng 1-2003, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, ông bị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN kỷ luật khiển trách vì trong thời kỳ làm bí thư Thành ủy Sài Gòn (khóa VI, từ 1996-2000), ông chưa "làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam cùng đồng bọn, và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ." (5)
Còn ông Nguyễn Phú Trọng, tuy làm Chủ tịch QH, nhưng những bê bối thời ông này làm Bí thư Hà Nội, từ năm 2000 đến 2006, trong dư luận vẫn râm ran chuyện ông ta từng nhận 2 căn biệt thự trong khu đô thị Nam Thăng Long do tập đoàn Ciputra của Indonesia làm chủ đầu tư, để giúp họ trốn thuế.
Tuy chỉ mới thanh tra 38/204 dự án, Thanh tra Chính phủ công bố nhiều sai phạm quản lý bất động sản Hà, về quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị tại Hà Nội. Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra là hơn 1.500 tỷ đồng...(6)
Như vậy trong số 3 nhân vật làm ứng cử viên cho chức TBT ĐCSVN tại ĐH XI, chỉ có đương kim TT Nguyễn Tấn Dũng là sáng giá hơn cả, và cũng còn sạch sẽ hơn.
Nhưng cuộc chiến một mất một còn giữa hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng diễn ra hết sức giằng co và khốc liệt, có lẽ là “độc nhất vô nhị” trong lịch sử ĐCSVN. Đến nỗi, thông thường, trong mỗi nhiệm kỳ 5 năm của BCHTƯ, đảng chỉ họp 12 lần. Và tại những kỳ họp thứ 10 và 11, có khi căng thẳng lắm cũng chỉ đến kỳ họp thứ 12, là đảng đã định hình xong dàn lãnh đạo cho nhiệm kỳ mới.
Nhưng lần này, sau Hội nghị TƯ lần thứ 13 không thành công về công tác nhân sự cho nhiệm kỳ tới, đảng đã phải tổ chức kỳ họp thứ 14 của BCHTƯ từ ngày 13 đến ngày 21/12/2010. Cho tới Hội nghị này, danh sách các vị trí tối cao vẫn chưa được ngã ngũ.
Và cuối cùng, phải đến ngày 9 tháng 1 năm 2011, nghĩa là trước Đại hội XI chỉ 1 ngày, Hội nghị BCHTƯ lần thứ 15 (khóa X) mới thông qua danh sách nhân sự cho ĐH XI.
Trong cuộc chiến giữa hai đồng chí lãnh đạo cao cấp người miền Nam này, đã đem lại kết của cho “ngư ông đắc lợi”, là ông Nguyễn Phú Trọng làm TBT.
Việc ĐCSVN lựa chọn ông Trọng là giải pháp tình thế, là để “giữ gìn sự đoàn kết của đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(Di chúc CT HCM). Vì lúc này ông Nguyễn Phú Trọng đã 67 tuổi. Mà theo thông lệ của ĐCSVN từ ĐH VI về sau, TBT không quá 65 tuổi.
Nếu như ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông Trương Tấn Sang làm TBT tại ĐH XI, thì chính trường Việt Nam với người cầm lái khác, sẽ có những diễn biến khác. Và sẽ không có bài diễn văn mếu máo thừa nhận thất bại trong kế hoạch hạ bệ đồng chí Ba X của ông TBT Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc HNTƯ 6 năm 2012. Và như vậy, sẽ không có cuộc trả thù quyết liệt và dai dẳng với phương châm "trồng tre nên gậy" của ông Trọng.
Cũng tại phiên bế mạc với bài diễn văn mếu máo này của ông Trọng, người ta còn ghi nhận được hình ảnh ông Đinh La Thăng ngồi bên dưới, đã cười mỉm và rung đùi khi nghe những lời thừa nhận thất bại cay đắng này của ông Trọng. Chính những điều này đã góp phần nung nấu ý chí quyết “không đội trời chung” của ông Trọng đối với phe Ba X.
Sửa đổi kịch bản.
Theo Quyết định số 46-QĐ/TW năm 2011 của BCHTƯĐCSVN, quy định về kỷ luật cán bộ là UV BCHTƯ như sau:
“Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng, sau khi xem xét, kết luận phải biểu quyết bằng phiếu kín việc có kỷ luật hay không kỷ luật. Nếu có quá nửa số phiếu đến mức phải kỷ luật thì bỏ phiếu quyết định hình thức kỷ luật cụ thể. Trường hợp biểu quyết các hình thức cụ thể mà không có hình thức kỷ luật nào đủ đa số phiếu theo quy định, thì cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật thấp hơn, đến hình thức nào mà kết quả có đủ đa số phiếu theo quy định thì lấy hình thức đó để quyết định”.(7)
Chính ông Nguyễn Tấn Dũng đã thoát hiểm qua “khe cửa hẹp” này, là “Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng, việc có kỷ luật hay không kỷ luật”. Và tại HN này, đa số ủy viên trong BCHTƯ đã không đồng ý kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng.
Rút kinh nghiệm xương máu trong trận “so găng” thua ông Dũng tại HNTƯ 6/2012. Sau Đại hội XII, ông Trọng đã nhanh chóng sửa đổi quy định trên bằng Quy định số 30-QĐ/TW năm 2016, trong đó quyền quyết định có kỷ luật hay không kỷ luật của Ban chấp hành Trung ương đã bị loại bỏ: Nghĩa là Bộ Chính trị nắm quyền quyết định có kỷ luật hay không kỷ luật. Còn Ban chấp hành Trung ương sau đó chỉ có quyền quyết định hình thức kỷ luật cụ thể.
“Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng, sau khi xem xét, kết luận phải biểu quyết bằng phiếu kín việc quyết định hình thức kỷ luật cụ thể. Trường hợp kết quả biểu quyết các hình thức cụ thể mà không có hình thức kỷ luật nào đủ đa số phiếu theo quy định, thì cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật liền kề thấp hơn, đến hình thức nào mà kết quả có đủ đa số phiếu theo quy định thì lấy hình thức đó để quyết định.”(8)
Nhưng để lập kế hoạch loại ông Nguyễn Tấn Dũng tại ĐH XII, ngay từ sau ĐH XI, phe ông Trọng đã thực hiện chủ trương “luân chuyển cán bộ, công chức”, với mục đích: “Phá vỡ thế khép kín, cục bộ địa phương trong công tác cán bộ hiện nay nhằm mục đích tránh tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ” tại các địa phương”. Từ chủ trương này, phe ông Trọng đã “cài cắm” người của mình về các tỉnh, với chức vụ Bí thư hoạc Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy. Với cương vị này, đương nhiên người của ông Trọng sẽ có tên trong Đoàn Đại biểu các tỉnh đi dự Đại hội XII, với cương vị Trưởng đoàn hay Phó đoàn. Chính đây là lực lượng hậu thuẫn rất đắc lực cho ông Trọng.
Ngoài ra, để cho thật bảo đảm chắc thắng, vì thế lực phe ông Dũng lúc này còn rất mạnh, thì phe ông Trọng đã đưa ra “Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của BCHTƯ về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng”.
Theo đó: “Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị”.(9)
Mà Bộ Chính trị khóa XI do phe ông Trọng thao túng, đã không đề cử ông Dũng vào danh sách Ban Chấp hành TƯ khóa XII. Do đó tại Đại hội này, một số Đoàn Đại biểu các tỉnh đã đề cử ông Dũng vào BCH khóa XII, nhưng ông Dũng đành buộc lòng “xin rút”.
Nhưng vì sợ phe ông Dũng không "buông cờ trắng" một cách dễ dàng như vậy. Nên phe ông Trọng đã có thỏa thuận ngầm với phe ông Dũng rằng, mặc dù ông Dũng phải chấp nhận "tan giấc mộng đế vương" để về "làm người tử tế". Nhưng bù lại, phe ông Trọng sẽ vớt vát và đưa 2 đệ tử ruột của ông Dũng, là Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình vào Bộ Chính trị khóa XII.
Ông Nguyễn Văn Bình được phân công làm Trưởng ban Kinh tế TƯ để "ngồi chơi xơi nước". Còn ông Đinh La Thăng được điều về làm Bí thư thành Hồ. Thực chất phe ông Trọng đưa ông Thăng về đây không phải là để “phát huy tài năng”. Mà là để cô lập và giám sát ông này chặt chẽ hơn.
Với bản chất ưa chơi trội, đồng thời để “đánh bóng” tên tuổi mình cho những tham vọng chính trị về sau, ông Thăng đã có những hành động và phát ngôn nổi đình nổi đám. Làm cho cánh phóng viên lề đảng tha hồ chạy theo để nâng bi, nịnh bợ. Nào là đi vớt bèo giữa lớp lớp trùng vây ống kính của các phóng viên. Nào là muốn xây dựng TP.HCM thành một thành phố phát triển như Singapore. Những phát biểu kiểu nịnh dân như: "Không chấp nhận TP HCM tụt hậu như một định mệnh"; muốn "TP HCM trở thành đặc khu như Thượng Hải" ; "Xử lý ngay cán bộ sai phạm, có dư luận xấu"; "Nhà dân sập thì mấy lãnh đạo cũng sập"; truy vấn lãnh đạo huyện Củ Chi” v.v... và v.v...
Chính những hành động phát ngôn và này, đã làm cho một số người tại đây cảm thấy “sướng rơn người”. Và họ coi ông Thăng như một “thần tượng”.
Ông Thăng không hề biết rằng, chính những hành động và phát ngôn của ông, cùng với cơn “lên đồng” của một số người, đã làm cho chiếc lưới đang bủa vây quanh ông ngày càng thắt chặt hơn.
Vậy là tại HN TƯ 5 của BCHTƯ vào đầu tháng 6/2017, chiếc áo UVBCT của ông đã bị lột. Ông bị “đuổi” về nấp bóng Nguyễn Văn Bình tại Ban Kinh tế TƯ.
Và cú lừa ngoạn mục.
Sau khi lột chiếc áo UVBCT tại HN TƯ 5 vào đầu tháng 5/2017, trong những cuộc tiếp xúc cử tri sau đó, khi được hỏi tại sao đảng xử ông Thăng nhẹ thế? Thì ông Trọng nói:
“Xử lý đồng chí Đinh La Thăng mới ở giai đoạn quản lý tập đoàn dầu khí thôi. Thừa nhận là đồng chí năng nổ, quyết liệt, lúc làm giao thông như thế, miệng nói tay làm, cũng được lòng dân lắm chứ. “Mong muốn là phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhưng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Và còn đạo lý của dân tộc ta là nhân ái, nhân văn, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại.” (10)
Đúng là những giọng điệu nghe êm ái dịu dàng như rót mật vào tai.
Và tại HN TƯ 6 vào đầu tháng 10/2017, ông Trọng cũng chỉ xử lý Nguyễn Xuân Anh chứ không đả động gì đến ông Đinh La Thăng.
Phát biểu tại phiên bế mạc HN TƯ 6, sau câu nói lấp lửng: “Mỗi Ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên cần tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa". Và ông khẳng định thêm: "Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân".(11)
Vậy là ông Đinh La Thăng nghĩ rằng, mình đã thoát nạn. Vì ông Trọng đã nói “từ nay trở đi”.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao ông Trọng không đưa ông Thăng ra lột nốt cái chức UVTƯ tại HN TƯ 6?
Dư luận cho rằng, tại HN TƯ 6, ông Trọng đã xử lý Nguyễn Xuân Anh rồi. Nay nếu đem ông Đinh La Thăng ra để BCHTƯ bỏ phiếu xác định hình thức kỷ luật, chắc gì ông Trọng đã thành công như ý muốn. Hơn nữa trong tay ông Trọng lúc này đã có Quy định số 30-QĐ/TW. Vì vậy ông ấy muốn “thịt” ông Thăng lúc nào mà chẳng được.
Vậy là một trận “đánh úp” đã được thực hiện. Chỉ sau gần 2 tháng bế mạc HN TƯ 6, vào ngày 8/12/2017, người ta làm 2 việc chỉ trong một buổi chiều.
Một là triệu tập cuộc họp bất thường của UBTVQH, với một mục đích duy nhất là đã bãi nhiệm chức vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Sau đó ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ký Quyết định 631- QĐNS/TW về việc đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Vậy là Bộ Công an đã “bắt khẩn cấp” và khám xét nhà ông Đinh La Thăng ngay trong buổi tối ngày 8/8/2017.
Và với trận “đánh úp” ngoạn mục này, ông Nguyễn Phú Trọng đã “bắt sống” Đinh La Thăng một cách dễ dàng.
Cũng cần nói thêm là, ngay sau HN TƯ 5, sau khi cách chức UVBCT, thì ông Đinh La Thăng đã bị giám sát 24/24. Ông Thăng lúc này đã như “kiến trong miệng chén”. Do đó, dù có “ba đầu sáu tay”, thì ông Thăng cũng không thể thoát được.
Nhưng về nguyên tắc đảng, thì ông Đinh La Thăng vẫn còn là một đảng viên ĐCSVN, vì ông này chưa bị khai trừ.
Sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt, dư luận đang đặt câu hỏi, khi nào thì đến lượt ông Nguyễn Bình xộ khám? Vì trong ngành ngân hàng của ông Nguyễn Văn Bình, đã có hàng loạt người đồng chí của ông đang ngồi bóc lịch với những đại án làm thất thoát hàng ngàn tỷ, như Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Trầm Bê v.v... Và ngay cả cấp phó của ông là Đặng Thanh Bình cũng đang mong mỏi ngồi chờ ông trong tù.
Vậy làm sao mà Nguyễn Văn Bình lại vô can được? Phải chăng là nhờ ông Bình đã biết thu mình trong ổ kén như con nhộng, biết thân biết phận, nên không dại gì mà có những phát ngôn hay hành động nổi trội, có thể làm lu ánh mờ hào quang của ông Trọng đang trong đà thắng thế?
Và nhân vật cuối cùng, là mục tiêu cuối cùng của ông Trọng, là đồng chí Ba X. Người đã làm cho ông Trọng mất ăn mất ngủ mấy năm nay. Bây giờ đồng chí này đã về "làm người tử tế". Vốn liếng của con gái ông tại các dự án khổng lồ cũng đã thoái vốn, và chắc cũng đã chuyển ra nước ngoài hết rồi.
Hơn nữa, việc xử lý một người trong hàng “tứ trụ” cũng chưa có tiền lệ.
Chúng ta hãy chờ xem, sau hàng loạt hành động ‘chặt ngọn và tỉa cành”, đến bao giờ thì ông trọng dám “đào gốc” để bắt con mối chúa lớn nhất trong hàng hà sa số những con mối đã ăn tàn phá hại, làm cho đất nước này ngày càng khánh kiệt?
13/12/2017
________________________________________
Chú thích:
(1) http://www.bbc.com/vietnamese/indepth/story/2008/12/printable/081211_viet_ussr_revaluation.shtml