Chỉ là động tác giả

Hương Khê (Danlambao) - Sau hơn mười năm thực hiện trót lọt kế hoạch ăn cướp trắng trợn nhất, thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ, nhưng lại ít tốn phí, ít gây ra hệ lụy nhất. Đó là chủ trương đầu tư xây dựng các công trình BOT trên cả nước. Nói BOT là công trình dễ hút máu dân và mau đem lại lợi nhuận kếch xù là vì, qua vụ Công ty Minh Tâm Group của bà Đỗ Thị Huyền Tâm thì biết.

Trước khi chuyển vế từ “con nuôi” thành “vợ hai” của cựu Tổng bí “răng chắc”, bà Đỗ Thị Huyền Tâm đã có lúc lao đao về những món nợ khổng lồ với ngân hàng.

Trước năm 2013, Công ty Minh Tâm Group của bà Đỗ Thị Huyền Tâm ở trong tình trạng thua lỗ, nợ nần tới mức bị Ngân hàng Nông nghiệp liệt vào danh sách kiểm soát đặc biệt. Có tin nói suýt chút nữa thì bà Tâm đã phải “tra tay vào còng.” Thế nhưng, sau khi trở thành vợ sau của cựu tổng bí, và nhờ cái “vỗ vai” của ông này, Công ty Minh Tâm của bà này được giao hai dự án BOT: Nâng cấp sửa chữa đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Đầu tư cải tạo, nâng cấp QL1 Hà Nội - Bắc Giang.

Từ chỗ nợ như chúa chổm, tay đã chạm tới hơi lạnh của còng, chỉ cần nhận được hai dự án BOT, các khoản nợ "nghìn tỷ" trở thành tiền lẻ. Bà ấy chẳng những đã trả hết nợ, còn thu lãi hàng ngàn tỷ, và có tiền xây “biệt phủ” và trang trí nội thất dát vàng khảm ngọc, còn hơn cung vua phủ chúa thời xưa.

Hay như BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cũng vậy.

Công ty Bắc Ái nắm 65% cổ phần tại BOT Cai Lậy có trụ sở tại Số nhà 215 đường Mê Linh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, là địa chỉ nhà riêng của Ngô Hồng Thắng, là con trai của ông Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ CT khóa XI, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ.

Trạm BOT Biên Hòa là của Trung tướng Nguyễn Văn Thành nguyên là Phó Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông này có người con rể là Thượng tá Võ Đình Thường. Cách nay 14 năm, từ một tay đại úy trạm trưởng CSGT Dầu Dây, do ăn bẩn, đã bị đuổi việc chuyển đi chỗ khác chơi. Nhưng nhờ bố vợ cứu vớt, đã được thăng chức thăng hàm. Lên thượng tá, Phó phòng CSGT tỉnh Đồng Nai.

Tóm lại, tất cả những công trình BOT trên cả nước đều là của những ông lớn của các bộ, ngành trung ương. Các địa phương chỉ có đi “Theo voi hít bã mía”, làm công cụ hợp thức hóa hồ sơ và và làm kẻ sai bảo cho các nhóm lợi ích mà thôi.

Những tưởng kế hoạch hút máu này cứ tiếp tục diễn ra “đúng quy trình”. Tiền bạc cứ tiếp tục đều đều chảy vào túi các quan tham như nước Hồng Hà, Cửu Long… Thì đến nay, qua các vụ dân phản đối kịch liệt vì chẳng những vị trí đặt trạm bất hợp lý, làm cho người không đi qua đoạn đường BOT cũng phải đóng phí, và giá phí quá cao, bắt đâu từ trạm BOT Bến Thủy (giữa hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh), rồi đến BOT Biên Hòa, và nay là BOT Cai Lậy (Tiền Giang), đang là miếng gân gà nhùng nhằng khó nuốt, làm cho nhà cầm quyền ‘khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào”. Thật là khó xử.

Cái khó của nhà cầm quyền khi muốn dùng lực lượng để trấn áp trong những vụ kẹt xe gây ách tắc tại các trạm BOT là, đây là các hợp đồng kinh tế. Là giao dịch dân sự giữa các nhà đầu tư BOT, là người cung cấp dịch vụ, và kẻ thụ hưởng là người dân lưu thông qua trạm BOT.

Nếu như ở các cuộc cướp đất của dân để cho bọn quan tham chia chác làm giàu, được khoác cái áo là “xây dựng công trình phục vụ dân sinh”, thì nhà cầm quyền còn chụp mũ người dân phản kháng bằng cụm từ "chống người thi hành công vụ". Và họ huy động lực lượng công an, quân đội, CSCĐ, chó nghiệp vụ v.v... để đàn áp dân và ăn cướp cho bằng được. Như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, hay tại dự án Ecopark ở Văn Giang, Hưng Yên.. 

Nay với các chiến thuật dùng tiền lẻ theo công thức 25+1, hay tiền 500.000đ, hoặc các hình thức bất tuân dân sự khác, thì nhà cầm quyền khó kết tội, vì các tài xế rất ôn hòa, không gây rối.

Nhưng vì những ông chủ thực sự của các trạm BOT là những ông lớn, có nhiều ảnh hưởng trong giới chóp bu, do đó, việc tạm dừng thu phí 1 tháng do TT Nguyễn Xuân Phúc đưa ra chỉ là kế “hoãn binh”, để có thời gian cho nhà cầm quyền vắt óc nghĩ ra những “mưu hèn kế bẩn”, nhằm đối phó với dân.

Vì đối với những người cs, với thói kiêu ngạo, và bản chất “độc quyền chân lý”, họ luôn tự cho mình là đúng, và không bao giờ chịu thua dân.

Ví dụ như BOT Cai Lậy: Vẫn biết Ngô Hồng Thắng là con ông Ngô Văn Dụ, cưu UVBCT. Nhưng sau lưng Ngô Văn Dụ là ai? Ngô Văn Dụ là đệ tử ruột của Nông Đức Mạnh. Năm 1996, Nông Đức Mạnh vào Ủy viên Bộ Chính trị, liền kéo Ngô Văn Dụ vào chức Phó Chánh Văn phòng TW. Vì Nông Đức Mạnh, vốn xuất phát là anh công nhân ngành lâm nghiệp, mà dân ta hay gọi là anh chàng đốn củi, chú “tiều phu”, là kẻ “Tài Nông Đức cạn”. Nên Mạnh luôn lôi kéo kẻ có học và đa mưu theo hỗ trợ mình. Năm 2001, Mạnh giành được chức Tổng Bí thư, liền cho Dụ cái ghế Chánh Văn phòng TW. Năm 2009, Mạnh cho Dụ vào ban Bí thư TW. Năm 2011, Mạnh về hưu và để trả công phò tá của Dụ, Mạnh tiến cử Dụ lên chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW. 

Nay nếu ông Trọng muốn dẹp cái BOT Cai Lậy, tức là đụng chạm đến quyền lợi của Ngô Văn Dụ, thì phải dò xét thái độ của Nông Đức Mạnh, kẻ bảo kê cho Ngô Văn Dụ nữa.

Trong các trạm BOT đã có từ trước đến nay, thì BOT Cai Lậy là mới nhất. Vì mới bắt đầu thu phí đầu tháng 8/2017.

Lúc đầu tư xây dựng trạm này, nhà cầm quyền chỉ nghĩ đến lợi ích của nhóm này là chính. Vì đây là con đường độc đạo của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Việc đặt trạm ở đây chẳng khác gì đờm đó chặn ngay cổ họng. Dân không có lối thoát, nên nhà cầm quyền chỉ việc hứng bao đựng tiền.

Vì họ nghĩ rằng, dân Nam Bộ vốn hiền lành, dễ bảo, dễ bắt nạt. Nếu như người dân huyện Nghi Xuân-Hà Tĩnh dám chống BOT Bến Thủy là vì họ có Chủ tịch Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh chống lưng.

Nhưng với dân Tiền Giang nói riêng, và các tỉnh Nam Bộ nói chung, tuy có một số vị ở trung ương, nhưng “ốc chỉ biết lo thân ốc”. Bằng chứng là ông Nguyễn Văn Thể, vào năm 2013, khi còn làm Thứ trưởng Bộ GTVT, đã “vâng vâng dạ dạ” hối hả ký vào các công văn và quyết định quyết đặt cho được trạm BOT Cai Lậy nằm ngay trên Quốc lộ I. Mặc dù ông biết như vậy là sai, và thiệt thòi cho dân miền Tây. Nhưng không dám trái ý cấp trên.

Kể cả dàn lãnh đạo tỉnh Tiền Giang lúc ấy, cũng chỉ là một đám bưng bô. Tuy không bằng lòng với việc đặt trạm BOT trên Quốc lộ I, nhưng không dám chống.

Qua đây chứng tỏ các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc kiểm tra, thẩm định các dự án BOT, như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn Giám sát của Quốc hội v.v... Ngoài ra tất cả các bộ như GTVT, Xây dựng, Kế hoạch&ĐT, và các tỉnh, đều có cơ quan Thanh tra rất hung hậu. Vậy những ông bà này làm gì trước những sai phạm động trời của các trạm BOT trong cả nước trong hơn chục năm qua?

Tất cả chỉ là một lũ ăn hại, vô công rồi nghề. Chỉ đến khi các sự việc bị người dân hoặc báo chí phát giác, thì những ông bà này mới cuống cuồng nhảy vào. Nhưng chủ yếu cũng chỉ là đi…làm tiền.

Nhưng sau những đợt xả trạm vào giữa tháng 8 vừa qua, nhất là chỉ sau 4 ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 này, mọi toan tính của nhà cầm quyền đã bị đảo lộn.

Và hiện tượng BOT Cai Lậy đã có hiệu ứng trước mắt.

“Chủ tịch UBND TP Thái Nguyễn Vũ Hồng Bắc cho biết, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất rằng, để tránh gây bức xúc dư luận, tiềm ẩn việc mất an ninh trật địa bàn, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã chủ động đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải bỏ trạm thu phí BOT Bờ Đậu trên tuyến quốc lộ 3 cũ; cho phép nhà đầu tư mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đặt trạm thu phí ở đó.

Vì người dân TP Thái Nguyên và các huyện Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Sông Công, Phổ Yên cũng như từ các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn... phản đối việc đầu tư trên đường cũ để thu phí (kể cả có giảm phí cho một số đối tượng) do họ đã đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm. Và trạm BOT Bờ Đậu đang chờ ngày "khai tử”(1).

Để xoa dịu dư luận, vừa qua Kiểm toán Nhà nước hứa sẽ tập trung kiểm toán các dự án trọng điểm ngành giao thông đầu tư bằng vốn ngân sách. Bên cạnh đó, một loạt dự án BOT giao thông cũng được kiểm toán trong năm sau.

“Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những sai phạm. Đó là hầu hết dự án BOT đều áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư và nhà thầu thi công thay vì đấu thầu, xác định tổng mức đầu tư của dự án còn sai sót...

Và một số dự án BOT đã bị "rút" năm thu phí:

+ Dự án công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 1488-Km1525, tỉnh Khánh Hòa giảm 13 năm 1 tháng 12 ngày;

+ Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km1793+600 (Km734+600 QL14) đến Km1824+00 (Km1765+00 Quốc lộ 14), tỉnh Đắk Nông giảm 12 năm 3 tháng 22 ngày;

+ Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài (Km921+025-Km926+331 Quốc lộ 14), tỉnh Bình Phước giảm 7 năm 9 tháng 21 ngày;

+ Dự án công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km17+027-Km50+00 trên địa phận tỉnh Bình Định và đoạn Km108+00-Km131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai giảm 7 năm 6 tháng 27 ngày;

+ Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Pleiku Km1610 đến cầu 110 (Km1667+570), tỉnh Gia Lai giảm 7 năm 2 tháng 27 ngày;

+ Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km 1738+148-Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk giảm 6 năm 10 tháng 22 ngày;

+ Dự án đầu tư xây dựng Cầu Cổ Chiên giảm 5 năm 24 ngày”.

Tổng cộng: 7 dự án nay bị rút ngắn 60 năm 17 ngày (2).

Trước đó, trạm thu phí Tào Xuyên được dựng trên Quốc lộ số 1, thu phí cho đường tránh thành phố Thanh Hóa. Mặc du thời gian thu phí dự kiến hơn 20 năm, mới thu 7 năm, nhà đầu tư đã có lãi khủng, nên Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu nhà đầu tư ngừng thu kể từ ngày 10 tháng 8 /2017 vừa qua. Nếu tính cả thời gian rút ngắn của trạm BOT Tào Xuyên (Thanh Hóa) này nữa, thì thời gian rút ngắn thu phí tổng cộng là hơn 73 năm.

Trên đây chỉ mới là 8 dự án trong tổng số 88 BOT hiện đang hút máu dân trên cả nước. Thử hỏi với thời gian như trên, đủ biết nhà cầm quyền đã góp phần “làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân” biết chừng nào?

Câu hỏi đặt ra là, sau 1 tháng tạm dừng thu phí tại BOT Cai Lậy, nhà cầm quyền sẽ làm gì?

Ngày 05/12/2017, bộ GTVT đưa ra 3 phương án để giải quyết vụ BOT Cai Lậy như sau:

Theo đó, “kịch bản thứ nhất là vẫn giữ nguyên trạm thu phí ở vị trí hiện tại, nhưng tăng cường vận động, cải thiện việc thu phí và phục vụ các nhu cầu của người tham gia giao thông. Ví dụ có chỗ cho lái xe dừng lại khi họ thắc mắc và nội dung thắc mắc sẽ được giải thích”.

Đây lộ rõ ý đồ dùng các thủ đoạn, biện pháp mạnh để tiếp tục trấn áp người dân. Chúng ta không lạ gì các kiểu vận động xưa nay. Họ dùng việc “giải thích” làm mất thời gian của tài xế. Vậy là muốn đi không có cách nào khác là các bác tài phải mua vé qua trạm.

“Kịch bản thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh theo yêu cầu, tức là phá phương án tài chính cũ và tính toán lại. Kịch bản này phải thương thảo với nhà đầu tư vì liên quan đến thời gian thu phí Đồng thời, theo tính toán thì phương án này không khả thi ”.

Đây là mẹo đưa ra cho có. Chưa thương lượng mà Bộ GTVT đã nói là không khả thi, chứng tỏ đây chỉ là động tác giả nhằm lừa mị dân. Hơn nữa nếu dời trạm vào đường tránh, thì nhà cầm quyền rất sợ hiệu ứng dây chuyền. Nếu trạm này di dời được thì tại sao những trạm khác không thể di dời? Đây là cái xương gà đang đâm vào cổ họng của nhà cầm quyền.

“Kịch bản thứ ba, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là đặt hai trạm thu phí, một trạm đặt trên quốc lộ cũ để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; một trạm được đặt trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến đường này”.

Phương án này, người dân có quyền khiếu kiện nhà nước. vì khi đầu tư 26km trên QLI, nhà nước không hỏi ý kiến dân. Hơn nữa việc tu sửa nâng cấp trên đường cũ là trách nhiệm của nhà nước, vốn lấy từ phí bảo trì đường bộ mà người dân đóng hàng năm.

Chứng tỏ tất cả 3 phương án này đều nhằm mục đích cuối cùng là bóp dân bằng được (3).

Điều đáng nói là Bộ GTVT vẫn nhai đi nhai lại câu cửa miệng, là "BOT Cai Lậy được đầu tư đúng quy định".

Tóm lại, tất cả những động thái trên của nhà cầm quyền, chỉ là động tác giả, dùng kế hoãn binh để lừa mị dân.

Vì không bao giờ con chó chịu nhả miếng thịt nó đang ngậm.

Kêu gọi lòng nhân đạo của quân kẻ cướp chỉ là hão huyền.

Cuối cùng người dân vẫn là nạn nhân của chế độ độc tài độc đảng có thừa thủ đoạn gian manh và tàn bạo này.

Chúng luôn tìm mọi cách để vơ vét, hút máu dân, và chúng “ăn không từ một thứ gì của dân”.

6/12/2017



______________________________________

Chú thích:

Previous Post
Next Post
Related Posts