Bạch thư ngoại giao 2017: Úc phải giảm bớt lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc để không đánh mất chủ quyền

Ls Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Vào ngày 23/11 vừa qua, Thủ Tướng Malcolm Turnbull đã chính thức công bố Bạch Thư Ngoại giao 2017 sau hơn 15 tháng tham khảo ý kiến và soạn thảo. Bạch thư dài 122 trang và chia thành 8 chương sẽ là văn kiện kim chỉ nam hướng dẫn đường lối và chính sách ngoại giao của Úc trong một thập niên tới. Độc giả chính mà Canberra nhắm tới là Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh. Thông điệp Bạch thư nhắn gửi gồm có 2 phần. Thứ nhất là Mỹ chớ nên đánh mất lòng tin của đồng minh và các quốc gia trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương qua chính sách đóng cửa thu hẹp vai trò vì chính điều đó sẽ làm tổn hại đến quyền lợi của nước Mỹ. Thứ hai và quan trọng hơn là đối với Trung Quốc, Úc sẽ chọn mở rộng và đa phương hóa quan hệ kinh tế và giao thương chớ sẽ không chấp nhận lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do đó, Canberra sẽ tìm cách hoàn tất TPP 11 hoặc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP) do Nhật lãnh đạo cũng như đẩy mạnh quan hệ thương mại và chiến lược với các nền dân chủ gồm có Ấn Độ, Nam Dương và Hàn Quốc.

Một điều đáng hoan nghênh là Bạch thư nhận định một cách thẳng thắn, rõ ràng và không tránh né là trật tự thế giới dưới sự lãnh đạo của Mỹ trong khuôn khổ luật pháp và tập quán quốc tế đang bị thách thức bởi Trung Quốc thể hiện qua hành động tôn tạo đảo và quân sự hóa Biển Đông cũng như thái độ xem thường phán quyết vụ kiện Đường Lưỡi bò của Tòa Trọng Tài Quốc tế. Tình trạng này sẽ tiếp tục gia tăng nhất là khi Mỹ dưới thời của Tổng Thống Trump đã rút khỏi TPP và hủy chính sách tái định vị về Châu Á - Thái Bình dương của người tiền nhiệm Obama.

Bạch thư tiên đoán nếu tỷ lệ tăng trưởng không có gì thay đổi thì vào năm 2030, GDP của Trung Quốc sẽ cao nhất thế giới khoảng 42,000 tỷ Mỹ kim so với 24,000 tỷ của Mỹ (tức hơn gần gấp đôi). Điều này sẽ có tác động nghiêm trọng đến cán cân quyền lực kinh tế và quân sự giữa hai siêu cường. Trong khi đó, GDP của Úc có thể chỉ lên tới 1,700 tỷ so với 1,200 tỷ trong năm 2016. Trong khi đó, GDP của Nam Dương ước lượng sẽ tăng lên 5,500 tỷ và của Ấn độ sẽ là 20,000 tỷ. Do đó, khái niệm "Ấn - Thái Bình dương" (Indo - Pacific) se thay thế châu Á - Thái Bình dương trong sách lược ngoại giao, kinh tế và an ninh của Úc.

Bạch thư cũng nói rõ Biển Đông có thể sẽ là ngồi nổ cho một cuộc thư hùng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật cũng như đe dọa xâm chiến Đài Loan của Bắc Kinh cũng có thể dẫn đến chiến tranh giữa hai siêu cường mà Úc bắt buộc phải lựa chọn đứng về một bên.

Về mặt nội địa, một đe dọa chủ quyền nghiêm trọng không kém là việc Bắc Kinh bỏ tiền mua chuộc một vài chính khách và học giả hầu lũng đoạn chính sách an ninh và chiến lược quốc gia chẳng hạn như tặng tiền cho chính khách và chính đảng, mua chuộc truyền thông Anh và Hoa ngữ cũng như hăm dọa các nhà xuất bản không phổ biến sách mà Bắc Kinh cho là không phù hợp với quan điểm của họ ví dụ như trường hợp của Allen & Unwin hủy quyết định phát hành sách của Gs Clive Hamilton vào trung tuần tháng 11 vừa qua.

Bạch thư xác nhận Trung Quốc không chia sẻ các giá trị cốt lõi với Úc. Khác với Úc, Trung Quốc căn bản là một nước cộng sản độc tài toàn trị nơi mà người dân không tự do ngôn luận và tự do chọn lựa chính quyền đại diện cho họ. Trong thời gian qua, Bắc Kinh chứng minh cho thấy là họ sẵn sàng ngụy tạo và khuấy động tranh chấp bằng cách thay đổi nguyên trạng ví dụ như với Việt Nam tại Biển Đông, với Nhật tại Biển Hoa Đông, với Phi Luật Tân tại bãi cạn Scarborough, với Nam Dương tại Natuna và với Ấn Độ tại Doklam.

Nhưng Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của Úc. Kim ngạch thương mại hai chiều lên tới gần 142 tỷ Úc kim trong năm 2016. Úc xuất cảng hàng hóa phần lớn là khoáng sản, dịch vụ giáo dục và du lịch trị giá khoảng 93 tỷ tương đương gần 1/3 tổng giá trị xuất cảng. Nhập cảng từ Trung Quốc vào Úc trị giá khoảng 62. Tức cán cân mậu dịch trên dưới 30 tỷ nghiêng về phía Úc. Học sinh, sinh viên từ Trung Quốc chiếm 38% tổng số và đóng góp gần 24 tỷ hàng năm vào GDP. Khách du lịch từ Trung Quốc vào năm 2016 lên tới con số kỷ lục 1.2 triệu người trị giá tương đương với 10 tỷ Úc kim hàng năm và tiếp tục gia tăng. Có nghĩa là kinh tế của Úc lệ thuộc đáng kể vào thị trường xuất cảng, du học và du lịch từ Trung Quốc. Ngân sách của các viện đại học, kỹ nghệ du lịch, thậm chí là của quốc gia và quốc phòng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Bắc Kinh sử dụng đòn kinh tế để áp đặt ý đồ chiến lược.

Và Trung Quốc đã làm như vậy đối với Phi Luật Tân sau khi Manila nộp đơn khởi kiện với Tòa án Quốc tế phản đối yêu sách Đường Lưỡi Bò, với Nhật trong vụ tranh chấp chủ quyền Senkaku bằng cách giới hạn xuất cảng đất hiếm sang Nhật và với Hàn Quốc về vụ THAAD. Tập đoàn du lịch Lotte của Hàn Quốc làm chủ sân golf nơi mà hệ thống THAAD đầu tiên được thiết lập. Dù không phạm lỗi gì vì chính quyền Nam Hàn chỉ muốn tự vệ từ đe dọa hỏa tiễn của Bắc Hàn nhưng Lotte bị Bắc Kinh trừng phạt và lỗ tới 1.3 tỷ Mỹ kim. Kỹ nghệ du lịch Hàn Quốc mất 6.5 tỷ vì bị Trung Quốc tẩy chay. Không có gì bảo đảm là Bắc Kinh sẽ không chơi đòn bẩn tương tự đối với Úc trong tương lai khi có xung đột quan điểm và lợi ích chiến lược.

Trong lịch sử của nhân loại, các quốc gia trỗi dậy đều sử dụng sức mạnh để thể hiện ý tưởng bá quyền hoặc áp đặt mục tiêu chiến lược lên các quốc gia khác. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh. Trung Quốc cũng sẽ không ngoại lệ. Muốn tránh hoặc giảm thiểu xác suất nguy cơ này thì Úc phải có can đảm đối diện với sự thật và chuẩn bị cho tình huống đó.

Giải pháp mà Bạch thư đưa ra gồm có 3 điểm chính. Thứ nhất là thẳng thắn đặt vấn đề và báo trước cho Bắc Kinh để họ không cảm thấy nhạc nhiên. Thứ hai là thuyết phục đồng minh Hoa Kỳ tiếp tục vai trò lãnh đạo trong khu vực. Thứ ba là nâng cấp và siết chặt quan hệ với các quốc gia dân chủ khác trong khu vực gồm có Ấn Độ, Nam Dương, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó cũng là lý do Úc đang quyết tâm theo đuổi TPP 11 hoặc CPTPP cho bằng được để giảm mức lệ thuộc vào thị trường xuất cảng Trung Quốc cũng như siết chặt quan hệ kinh tế với Nhật. Bước kế tiếp là thúc đẩy đàm phán hiệp định thương mại tự do với Nam Dương và Ấn Độ. Một mặt là khuyến khích Bắc Kinh "chơi theo luật" vì đó cũng là cũng là quyền lợi của họ. Mặt khác là ''mua bảo hiểm'' để giảm thiểu rủi ro phòng ngày Trung Quốc trở mặt.

Về mặt an ninh, Canberra đã ngỏ ý là muốn nối lại đối thoại an ninh tứ giác gồm có Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc mà Thủ Tướng Shinzo Abe đề xướng và đặt tên là trục kim cương dân chủ vào năm 2007 đi cùng với diễn tập Malabar cho tới khi Kevin Ruud rút khỏi cơ cấu này vào năm 2008 sau khi Trung Quốc chính thức lên tiếng phản đối. Vào ngày 12/11 vừa qua, "tứ quốc" đi bước đầu tiên và có một phiên họp chung bên lề Thượng Đỉnh Đông Á tại Manila trong tiến trình và nỗ lực ''nối lại tình xưa''. Đối thoại an ninh tứ giác là một điều không thể thiếu nếu Canberra thật sự muốn thực thi mục tiêu vạch ra trong Bạch thư 2017.

Bạch thư 2017 đã được giới chiến lược Hoa Kỳ đồng ý và ủng hộ. Trong khi đó thì phản ứng của Bắc Kinh là kêu gọi Canberra ngưng có những lời phát biểu ''vô trách nhiệm'' về hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Hoàn Cầu Thời Báo (tờ báo lá cải của Đảng Cộng Sản Trung Quốc) giận dữ đòi Bắc Kinh trả đũa bằng cách hạ cấp quan hệ với Úc. Tương tự như vậy, Paul Keating cho rằng đây là một quyết định sai lầm nếu Úc muốn sử dụng kế sách này để đối trọng với Trung Quốc. Paul Keating là cựu thủ tướng Úc và cũng là người có công lớn trong việc thiết lập tổ chức APEC. Nhưng hiện nay ông là Chủ tịch Hội đồng Quốc tế của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Thủ Tướng Malcolm Turnbull cho rằng nhận định của Keating sai lầm và không thực tế. Úc không có ý định đối đầu với Trung Quốc hiện là đối tác và khách hàng lớn nhất. Nhưng Úc muốn thẳng thắn nói rõ với Bắc Kinh là nước Úc được xây dựng và phát triển dựa trên các giá trị không thể thương lượng được gồm có hệ thống chính trị dân chủ, xã hội pháp trị với hệ thống tư pháp và truyền thông độc lập. Và Úc sẵn sàng và quyết tâm bảo vệ các giá trị này nếu Bắc Kinh giở trò đe dọa.

Vào tháng 2 năm 2016, Camberra đã công bố Bạch Thư Quốc Phòng mà điểm chính là gia tăng ngân sách lực lượng hải quân và đóng thêm một đoàn tàu ngầm tân tiến gồm có 12 chiếc trị giá 50 tỷ để đối trọng với tham vọng hàng hải của Trung Quốc. Bạch Thư Ngoại giao 2017 giúp tích hợp mục tiêu chiến lược an ninh, ngoại giao và kinh tế một cách có hệ thống hơn. Vấn đề còn lại là chính quyền có trách nhiệm cung cấp ngân sách đầy đủ để thực thi các tiêu chiến lược đã đề ra. Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng là Canberra nên gửi một thông điệp rõ ràng là Úc không muốn bị đặt vào thế phải lựa chọn nhưng nếu có xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc thì Bắc Kinh nên hiểu là Úc sẽ chọn bên nào. 

13.12.2017

Previous Post
Next Post
Related Posts