Nhân có vụ Yên Bái

Tôi đã từng là đối tượng điều tra của CA Yên Bái và... tôi đã chửi ầm lên

Nhà báo Nguyễn Huy Toàn - Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, nhưng hôm nay nhân chuyện Nhà báo Lê Duy Phong bị Công an Yên Bái bắt, nên xin kể để các bạn thấy tài chỉ đạo điều tra của Giám đốc Công an tỉnh Đặng Trần Chiêu.

Ngày 18 tháng 5 năm 2013, đoàn công tác của Bộ Công an do Thượng tướng Đặng Văn Hiếu dẫn đầu ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa. Tham gia đoàn có lãnh đạo Công an nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Đại tá Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái (lúc đó chưa lên thiếu tướng). Hôm đó tôi cùng quay phim Nông Văn Phòng và lái xe Nguyễn Quốc Khánh đi làm ghi nhanh hoạt động này. Sau khi ghi hình các hoạt động tại bến cảng, thu phát biểu của Thượng tướng Đặng Văn Hiếu và một số thành viên, tàu nổi còi rời cảng thì chúng tôi cũng thu xếp ra về.

Vừa viết xong ghi nhanh, chuyển cho bộ phận kỹ thuật để dựng hình thì bỗng nhận được điện thoại một thành viên trên chuyến tàu đi Trường Sa gọi cho tôi (Vì trên tàu rất nhiều tướng tá không chỉ biết tôi mà còn cả số điện thoại của tôi) tự giới thiệu là Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an Yên Bái và hỏi một số câu vu vơ đại ý: Có phải các anh về sau cùng không? Có ai trong tổ công tác nhặt được cái cặp màu đen không? Sau đó anh ta còn khẳng định các đồng chí Hải quân cho biết ngoài thành viên đi trên tàu thì chỉ có các anh được vào bến cảng vào thời điểm đó và khi rời khỏi có mang theo cặp màu đen... Tôi trả lời ngắn gọn mà nóng ran hai mang tai - Tôi không để ý. Tôi chỉ tập trung công việc và xong việc thì ra về.

Tiếp sau đó Đại tá Huỳnh Ngọc Phương - Cục phó Cục xây dựng phong trào cũng là thành viên đi trên tàu gọi điện cho tôi nói chuyện từ tốn, có đầu có đuôi, anh Phương cho biết: - Anh Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái có bỏ quên cái cặp màu đen trên bến cảng, bên trong có nhiều tài liệu quan trọng. Anh có thông tin gì thì giúp anh ấy. Tôi cũng trả lời không quan tâm.

Chuyện tưởng dừng lại ở đó, nhưng sau đó ít phút lại có cuộc điện thoại của Đại tá Nguyễn Đắc Thế, (lúc đó là Cục phó cục quản trị) giở giọng vừa đe dọa, vừa bắt nọn: -Trên tàu nhiều anh em quay phim chụp ảnh có thấy mấy anh có xách cái túi màu đen, anh đừng để nội bộ với nhau mà có chuyện nọ chuyện kia. Trên tàu có Phó giám đốc Công an TP. HCM đã gọi về chỉ đạo anh em hình sự Quận 2 điều tra… Hiền lành như tôi cũng phải gầm lên vì cú điện thoại của Nguyễn Đắc Thế (bây giờ là Thiếu tướng) - Này anh nghĩ tôi là người thế nào mà nói vậy. Nhờ tôi hỏi giúp thì tôi giúp còn đe dọa tôi thì mặc các anh.

Mấy hôm sau, Công an Yên Bái cử hai sỹ quan hình sự vào phối hợp với cục hình sự phía Nam để mời tôi làm việc, nhưng Cục CSHS chẳng lạ gì con người và bản tính của tôi, nên không hợp tác. Hai cậu này tự tìm đến đơn vị tôi xin gặp lãnh đạo đơn vị để yêu cầu tôi làm việc và cũng được đồng chí Tạ Quốc Việt khuyên “các anh nên trao đổi trực tiếp với anh Toàn xem sao chứ theo chúng tôi nếu anh ấy nhặt được thì anh ấy nói liền, hơn nữa hôm đó đi có cả mấy anh em”… Tôi cũng không chấp nhận kiểu làm việc đưa tôi trở thành đối tượng điều tra như vậy. Hai cậu ấy đành dò xét những chiến sỹ trẻ của tôi, thậm chí quay phim Nông Văn Phòng đang đi công tác miền Trung phải dùng điện thoại chụp ảnh cái túi màu đen đựng máy gửi về cho mấy cậu ấy.

May sao trong chiếc Samsonai màu đen của Đại tá Đặng Trần Chiêu có để chiếc IPad, nên các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tại TP HCM đã định vị được chiếc cặp đang di chuyển về phía Nam. Lại một cuộc điện thoại từ Trường Sa gọi về cho tôi hỏi thăm có đi công tác miền Tây không?... Mấy ngày sau được một đơn vị nghiệp vụ cho biết chiếc Samsonai đang trên chiếc tàu Bệnh viện của Hải quân cũng xuất phát sau chuyến tàu đi Trường Sa ít phút và đi về hướng đảo Thổ Chu, Kiên Giang. Hóa ra, do mải mê chụp ảnh ông Đặng Trần Chiêu đã bỏ lại chiếc Samsonai trên ghế đá ở bến cảng.

Chiếc cặp đã được một thành viên trên tàu Bệnh viện nhặt lên và được bảo vệ nguyên trạng. Cục phó Nguyễn Đắc Thế điện thoại về điều động một chiếc xe xuống Kiên Giang mang cái cặp ấy về cho Đặng Trần Chiêu. Hóa ra anh chàng Đặng Trần Chiêu quýnh lên không phải vì tài liệu mà vì số tiền khá lớn trong cái cặp ấy.

Ngày đoàn trở về đến Nhà khách Phương Nam Đại tá Đặng Trần Chiêu và Nguyễn Đắc Thế mời tôi qua uống bia để xin lỗi, tôi không những không thèm gặp mà còn chửi xối xả... vì cái năng lực và kiểu cách điều tra của ông ta. Đại tá Huỳnh Ngọc Phương vừa cười vừa cản tôi: 

- Thôi anh bớt nóng đi, dẫu sao anh ấy cũng là Giám đốc... đi trên tàu cũng thấy vui vẻ lắm.

- Tôi sợ gì mà không chửi, nó Giám đốc nhưng cũng ít tuổi hơn tôi, hơn nữa cái kiểu làm việc lếu láo vậy phải chửi cho nó biết (tức quá gọi nó luôn). Tôi nói.

Đại tá Phương không cản thì tôi còn chửi nữa mới hả giận. Nhưng cũng thông cảm phần nào cho Đặng Trần Chiêu vì con đường đi lên Giám đốc được xuất phát từ Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông nên nghiệp vụ hơi...

Theo thời gian tôi cũng quên chuyện cũ, nhưng đến khi báo chí, truyền hình đưa tin Yên Bái xảy ra vụ bắn chết hai lãnh đạo trong phòng làm việc mới nhìn thấy Đặng Trần Chiêu đã mang hàm Thiếu tướng.

Cho dù bây giờ Đặng Trần Chiêu là Thiếu tướng - Giám đốc Công an tỉnh nhưng không đủ tầm để tôi kính trọng.

Nhà báo Lê Duy Phong cũng vừa mới có chuyến đi Trường Sa trở về và quay lại Yên Bái thì... được Doanh nghiệp mời đi ăn và được dâng tiền lên bàn..

Trước đó, trên báo Giáo dục ông Đặng Trần Chiêu cũng là đối tượng điều tra tra về biệt phủ của các quan chức Yên Bái.

Mình cũng không bênh vực Lê Duy Phong khi sự việc chưa rõ ràng và cũng không đi quá xa vấn đề đối với Công an thành phố Yên Bái. Tuy nhiên, bắt phóng viên một tờ báo vừa đưa loạt bài về những dấu hiệu tham nhũng ở Yên Bái sẽ dễ làm mọi người hiểu rằng đây là chiêu “phản đòn”... Mình nêu vài nét về việc của mình cũng phần nào các bạn hiểu được chân dung Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu. Nêu sự việc cũng để bớt đi sự ấu trĩ trong điều tra vụ việc.

Nguyễn Huy Toàn
Previous Post
Next Post
Related Posts