Con dê và cây sồi

Trần Quốc Việt (Danlambao) - Người bình thường đọc bản cáo trạng dài lê thê chế độ áp đặt lên Quỳnh thì thấy rõ ràng ngay tức thì Quỳnh vô tội. Mục đích chính của chế độ chỉ là dập tắt ngọn lửa đấu tranh chống lại Formosa và ngọn lửa hy vọng về tương lai khởi sắc sau Formosa mà Quỳnh và bao người khác thầm lặng thắp sáng và duy trì bấy lâu nay trong lòng rất nhiều người. Formosa là đèn xanh trong lòng cho Quỳnh vững tiến nhưng là đèn đỏ đối với chế độ. Quỳnh đã chạm đến Formosa - tử huyệt của chế độ.

Trong cuộc đấu tranh đôi khi lắm hư chiêu nhiều mộng ảo này Quỳnh luôn luôn chọn con đường đấu tranh ôn hòa chừng mực trong khuôn khổ luật pháp và trong tinh thần các công ước quốc tế. Và khác với rất nhiều người cùng chí hướng, Quỳnh dưới sự dẫn dắt của lương tâm đã phản kháng bền bỉ không chỉ trên ngòi bút và qua tiếng nói mà còn chính bằng hành động. Những dòng chữ, tiếng nói, hành động đấu tranh của Quỳnh tựa như những giọt nước theo thời gian và lòng yêu nước và kiên trì đã kết thành dòng chảy. Chế độ ra tay trước để chặn lại dòng nước khơi đi từ nhà hoạt động yêu nước can đảm này trước khi nó có cơ hội hòa vào bao dòng nước khác để dâng lên thành cơn sóng thần cuốn phăng Formosa ra khỏi Việt Nam và tống chế độ quái thú vô nhân tính này vào bãi rác lịch sử.

Xét cho cùng, sự tồn vong hay hưng thịnh của quốc gia và xã hội thường đặt trên vai những công dân như Quỳnh - bình thường nhưng có trách nhiệm trước thời thế - hơn là dưới tay chỉ đường của lãnh tụ dù dưới sắc áo màu cờ nào hay dưới bóng che chở phù du của ngoại viện. Độc tài hay dân chủ đều do chính tất cả các công dân quyết định. Dưới thể chế dân chủ công dân tham gia chính trị qua lá phiếu đầy cân nhắc. Dưới thể chế độc tài công dân hoàn toàn thờ ơ với chính trị - quay lưng cũng là một cách tham gia - dù họ có thể lên tiếng hay phản kháng trong quyền hạn công dân. Thể chế độc tài có thể ra đời dễ dàng nhưng không thể nào dễ dàng tồn tại lâu nếu có những công dân như Quỳnh - những người không thờ với chính trị.

Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt thường nói rằng bổn phận đầu tiên của con người là lo cho bản thân và gia đình. Bổn phận kế tiếp của họ là phụng sự quốc gia, không phải trong thời chiến nhưng bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu quốc gia cần đến mình.

Vì thế Quỳnh lên đường theo tiếng gọi sơn hà. Trước thảm họa môi trường Formosa Quỳnh lặn lội vào vùng tâm điểm để tìm hiểu và sau đấy không ngừng phản kháng Formosa. Đứng trước cảnh nhiều người đi vào các đồn công an bình an đi ra tắt thở Quỳnh cùng bạn hữu đã gióng lên lên tiếng chuông phản kháng trước công luận trong nước và quốc tế. Đứng trước bao cảnh cướp đất và oan sai Quỳnh đồng hành với các nạn nhân... Quỳnh là người bình thường nhưng là công dân phi thường trong xã hội mà đại đa số mọi người đang từ bỏ tư cách công dân để cam phận làm thần dân với ảo vọng được an thân.

Trong chế độ toàn trị chính trị từ bên trên quyết định số phận chung mà chắc chắn là bi kịch cho cá nhân và dân tộc. Chính trị từ bên dưới của những người như Quỳnh có thể quyết định tương lai tươi sáng chung. Chính chính trị không chính trị từ bên dưới của những công dân như thế đã đưa đến những cuộc cách mạng không cách mạng như các cuộc cách mạng nhung ở Đông Âu vào năm 1989.

Trong tác phẩm tự thuật của mình tựa đề "Cây sồi và con bê" nhà văn Nga Solzhenitsyn kể lại cuộc chiến đấu đơn độc với tư cách nhà văn của ông chống lại chế độ toàn trị Liên Xô. Ông ví ông là con bê một mình đương đầu với cây sồi. Để đạt được tự do tinh thần và tư tưởng con bê quyết tâm húc đầu không ngừng vào cây sồi cho đến khi nào "con bê gãy cổ trong khi húc vào cây sồi, hay cho tới khi cây sồi nứt và ngã rầm xuống. Một chuyện không thể nào xảy ra, nhưng là một chuyện tôi rất sẵn sàng tin tưởng." Cuối cùng con bê chiến thắng. Tác phẩm trường thiên "Quần Đảo Ngục Tù", thành quả của cuộc đấu tranh cực kỳ không cân sức ấy, đã ra mắt ở Phương Tây và gây ra cơn động đất chính trị toàn cầu và góp phần rất lớn làm sụp đổ Liên Xô về phương diện chính trị ý thức hệ. Lịch sử làm nốt công việc còn lại ông đã mở đường.

Khi tôi đọc đến cuối bản cáo trạng dài "thăm thẳm chiều trôi" về Quỳnh tôi thật bất ngờ khi biết chế độ đã tịch thu một tang vật là "con dấu mộc khắc hình con dê và chữ "NHU QUYNH"".

Tôi đoán Quỳnh chọn hình ảnh con dê cho con dấu riêng của mình có lẽ vì Quỳnh sinh vào năm Mùi (1979). Một con dấu mộc bình thường mà có lẽ Nấm hay Gấu thích đóng chơi kín trên giấy mỗi khi mẹ vắng nhà, nay đã trở thành tang vật cho vụ án chính trị gán ghép tội một cách thô thiển cho một công dân yêu nước.

Từ đấy tôi liên tưởng đến tác phẩm thượng dẫn trên của Solzhenitsyn và nghĩ đến sức mạnh tinh thần của cá nhân như ông hay như Quỳnh. Cây sồi toàn trị ở Việt Nam giờ mục ruỗng tận gốc toàn diện. Nếu nhiều con dê công dân hợp quần lại thay nhau húc vào nó thì điều không tưởng trên biết đâu có thể xảy ra để trong tương lai những người can đảm ở bên dưới thực thi trách nhiệm chính trị công dân của mình khỏi phải đơn độc đứng trước tòa án độc tài và chúng ta cũng không phải đứng trước tòa án lương tâm khi thờ ơ hay vô tình mà đặt cả phần gánh nặng đáng lẽ ra của mình lên đôi vai nhỏ bé của Quỳnh.

Đến lúc ấy, vào những ngày mưa buồn, Nấm không còn áp mặt vào cửa để trông mẹ về trong vô vọng, và Gấu không còn mừng hụt mỗi khi nghe tiếng chuông reo hay tiếng gõ cửa. Còn bây giờ hai chị em chỉ biết nhớ mẹ và có lẽ biết đâu nhớ con dấu mộc hai chị em ngày trước có lẽ giành nhau đóng trên giấy.

Mẹ ơi, sao mẹ không về và dê cũng không về!



28.06.2017

Previous Post
Next Post
Related Posts