Đòn hù dọa của Tổng Thống Donald Trump bị lộ tẩy


1. Mở bài

Hù dọa là làm cho sợ. Nói mà không làm. Đòn hù dọa của ông Trump về một giải pháp quân sự đã bị lộ tẩy. Hết hiệu nghiệm. Biết thế, nên ông con Kim Jong-un vẫn còn cứng cựa với những thái độ thách thức. Đầu mối gây căng thẳng với Mỹ và các nước trong khu vực là việc Bắc Hàn thử nghiệm hỏa tiễn liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân với mục đích nhấn chìm nước Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản trong biển lửa như đã từng tuyên bố như thế.

Mỹ tuyên bố sẽ đánh phủ đầu vào Bình Nhưỡng nếu Bắc Hàn thử hỏa tiễn hạt nhân. Bắc Hàn đáp trả, họ sẽ thử tên lửa hàng tuần, hàng tháng và cả hàng năm nữa. Thật sự, Mỹ không có lý do nào để tiêu diệt Bắc Hàn vì vụ thủ vũ khí hạt nhân cả, vì có nhiều nước khác cũng sở hữu vũ khí hạt nhân. Đòn hù dọa rất nguy hiểm vì Bắc Hàn có thể đánh phủ đầu tạo ra một cuộc chiến toàn diện mà không có bên nào mong muốn cả.

Vụ việc sẽ được giải quyết như thế nào? Sau khi nghe Tập Cận Bình nói về Bắc Hàn, chỉ trong 10 phút thôi, ông Trump kết luận: “Vấn đề Triều Tiên không dễ dàng như vậy đâu”. Không dễ tức là khó. Khó thực hiện.

Liệu Tổng Thống Donald Trump có thể trừng trị được ông con Kim Jong-un hay không?

Khó lắm. Chưa chắc được. Vì nếu dễ thì các tổng thống tiền nhiệm đã làm được rồi. Nếu Tập Cận Bình tích cực giúp đỡ thì cũng còn hạn chế ở một mức độ nào đó thôi, chớ không hoàn toàn hủy bỏ chương trình hạt nhân, là sự sống của Bắc Hàn.

2. Những hù dọa về quân sự của Mỹ

2.1. Hù dọa quân sự

Quả bom MOAB ném xuống Afghanistan* Tàu sân bay USS Carl Vinson

Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan, vừa cập cảng Busan

Tổng Thống Donald Trump ra lệnh phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria, cho thả trái bom lớn nhất MOAB (Mother Of All Bombs) vào Afghanistan. Ngày 25-4-2017, Hải Quân Mỹ đưa tàu ngầm hạt nhân Michigan, chuyên phóng tên lửa Tomahawk đến cặp bến Busan, Nam Hàn. Dự tính sẽ tham gia nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson diễn tập tác chiến.

Phi cơ ném bom chiến lược B-52 cũng được triển khai ở đảo Guam để vào trận khi cần thiết. Tàu sân bay USS Carl Vinson trên đường đến bán đảo Triều Tiên, đi nửa đường thì quay lại vào Ấn Độ Dương, đó cũng là một đòn hù dọa.

2.2. Phản ứng của Bắc Hàn

Bắc Hàn phô trương tên lửa trong cuộc diễn binh

Bắc Hàn tổ chức diễn binh rầm rộ, nhân dịp kỷ niệm 105 năm, sinh nhật của Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) 15/4/1912 - 15/4/2017. Phô trương các loại hỏa tiễn, và ngay ngày hôm sau, 16/4/2017, thử nghiệm hỏa tiễn khi Phó Tổng Thống Mike Pence đang trên đường sang Nam Hàn. Nhưng thử nghiệm thất bại. Các chuyên gia cho rằng Bắc Hàn vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển động cơ sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa đời mới.

Đồng thời, Bình Nhưỡng giận dữ, đe dọa sẽ nhấn chìm tàu sân bay USS Carl Vinson xuống đáy biển.

Nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, được trích dẫn có đoạn viết: “Nếu Mỹ và những kẻ hiếu chiến điên cuồng thực hiện đòn đánh phủ đầu liều lĩnh thì chúng ta sẽ giáng đòn trừng phạt mạnh mẽ nhất bằng một cuộc tấn công phủ đầu trên không, trên bộ cũng như trên biển và ngầm dưới biển mà không phải cảnh báo hay báo trước.”

Hãng thông tấn TW Triều Tiên KCNA (Korean Central News Agency) (Bắc Hàn) ngày 25/4 đưa tin, nêu rõ rằng “Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa đầu hàng chính trị và đầu hàng quân sự, trong bối cảnh tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang gia tăng”.

Rõ ràng là về mặt quân sự, Bắc Hàn còn thua xa Mỹ, khoảng cách một trời một vực, thế nhưng vì sao lại tỏ ra ương ngạnh với nhiều thách thức đối với Mỹ như thế?

Có thể Kim Jong-un đoán biết đó chỉ là những đe dọa suông do thói quen thấu cấy, hù dọa, đánh đòn tâm lý của Tổng Thống Trump mà thôi. Ông Trump đã tuyên bố: “Vấn đề Triều Tiên không dễ dàng như vậy đâu”.

2.3. Bắc Hàn sẽ thử tên lửa hàng tuần, hàng tháng và cả hàng năm nữa

Thử tên lửa trên bộ và phóng từ tàu ngầm

Mặc cho những chỉ trích quốc tế và tình hình căng thẳng ngày càng cao với Hoa Kỳ, Bắc Hàn vẫn tiếp tục thử tên lửa. Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn, ông Han Song-ryol nói với phóng viên BBC, John Sudworth: “Chúng tôi sẽ tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa hàng tuần, hàng tháng và ngay cả hàng năm nữa”.

“Một cuộc chiến tổng lực sẽ nổ ra nếu Mỹ có động thái quân sự. Nếu Mỹ lên kế hoạch quân sự thì chúng tôi sẽ đáp trả bằng một cuộc chiến tranh hạt nhân phủ đầu theo cách thức và biện pháp của chúng tôi”.

Trước đó, Phó Tổng thống Mike Pence đã cảnh báo Bắc Hàn đừng thử thách Mỹ, ông nói: “Thời kỳ kiên nhẫn chiến lược với Bắc Hàn đã kết thúc”.

Ngày 17-4-2017, Phó Tổng thống Mỹ nói với Quyền Tổng thống Nam Hàn, ông Hwang Kyo-ahn: “Bắc Hàn không nên thử thách Tổng Thống Donald Trump. Chỉ trong 2 tuần qua cả thế giới đều chứng kiến sức mạnh quân sự và sự quyết đoán của Tổng thống Trump tại Syria và Afghanistan. Tốt hơn hết là Bắc Hàn không nên thử thách sự quyết đoán và sức mạnh của Quân đội Hoa Kỳ trong khu vực này”.

3. Những đòn hù dọa đã bị lộ tẩy

3.1. Đối với khối NATO

Những lời nói của ông Trump, đương nhiên là có suy nghĩ, có mục đích và cũng biết hậu quả của những tuyên bố của ông.

Trước kia ông Trump chỉ trích liên minh quân sự NATO (North Atlantic Treaty Organization-Minh Ước Bắc Đại Tây Dương), cho là tổ chức nầy đã lỗi thời rồi. Nghĩa là không còn phù hợp với thời đại hiện nay nữa.

Ngày 12-4-2017, khi tiếp ông Tổng Thư Ký NATO, Jens Stoltenberg, tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Trump đã hết lời ca ngợi “NATO không còn lỗi thời nữa. NATO là thành trì hòa bình và an ninh quốc tế”.

3.2. Đối với Trung Quốc

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump chỉ trích Trung Quốc không tiếc lời: “Trung Quốc là một cường quốc tồi bại ở Châu Á, đã ăn cắp việc làm của người Mỹ và bịp bợm tỷ giá tiền tệ. Lừa đảo hối xuất đồng nhân dân tệ và trục lợi 800 tỷ USD ngoại thương với Hoa Kỳ”.

Trả lời phỏng vấn của Reuters, ông nói: “Tôi cho rằng họ là nhà vô địch thao túng tiền tệ. Đại vô địch lũng đoạn tiền tệ. Giữ giá nhân dân tệ thấp để gia tăng xuất cảng, gây thiệt hại cho nước Mỹ”.

Ông sẵn sàng trừng phạt Bắc Kinh bằng cách đánh thuế cao trên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc.

Quay ngược 180 độ. Ngày 12-4-2017, trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal, ông Trump cho rằng TQ không hề phá giá đồng tiền của họ. Ông ca ngợi Tập Cận Bình là người tốt, người yêu nước thương dân. “Ông ấy rất thông minh. Phu nhân ông ấy rất tuyệt vời. Chúng tôi rất thích nhau. Tôi rất thích ông ấy”.

Cháu ngoại của Tổng Thống Trump cũng được dạy một bài hát tiếng Tàu để đón mừng Tập Cận Bình.

Cháu ngoại Tổng Thống Trump hát tiếng Tàu. “Phu nhân ông ấy rất tuyệt vời”.

Báo chí Trung Quốc cho đó chỉ là những ngôn ngữ ngoại giao mà thôi.

Sự thay đổi 180 độ cho thấy những tuyên bố trước kia chỉ là những lời hù dọa mà thôi. Mà chính ông ấy đã tự lật tẩy của ông.

Có lẽ ông con Kim Jong-un đoán biết những đe dọa về chiến dịch quân sự chống Bắc Hàn cũng chỉ là những lời hù dọa cho nên không tỏ ra một thái độ nào lo ngại về sức mạnh quân sự của siêu cường Hoa Kỳ như hiện nay.

Các nhà quan sát nói Tổng Thống Trump là người “thay đổi đến chóng mặt”. Thật ra đó chỉ là những đòn hù dọa, đánh đòn tâm lý vào đối phương để đàm phán ở thế chủ động, thế mạnh. Nhà buôn thường hay nói thách về giá cả với khách hàng. Kỳ kèo thêm một bớt hai rồi thì cũng bán với giá trước khi nói thách.

3.3. Phóng 59 hỏa tiễn Tomahawk cũng được xem như một đòn hù dọa

Trước mặt Tập Cận Bình ở bàn ăn, Tổng Thống Trump ra lệnh phóng 59 hỏa tiễn Tomahawk vào phi trường Syria, được xem như trừng phạt vụ Bashar Al Assad sử dụng bom hóa học.

Chỉ có 23 quả Tomahawk đánh vào phi trường, 36 quả còn lại không biết đi về đâu. Phi trường bị thiệt hại không đáng kể. Syria chỉ sửa chữa sơ sài và hoạt động bình thường trở lại sau 24 giờ.

Bà Hillary Clinton nhận xét. “Đáng lẽ chúng ta phải tiêu diệt phi trường nầy”.

59 hỏa tiễn Tomahawk trị giá 59 triệu USD mà chỉ gây thiệt hại không đáng kể thì thật là phí tiền của. Đánh như thế thì chẳng khác nào như phủi bụi Al Assad.

Như vậy việc phóng hỏa tiễn Tomahawk cũng được xem như một đòn hù dọa mà thôi.

4. Bắc Hàn thử tên lửa

4.1. Tên lửa Musudan vô cùng lợi hại của Bắc Hàn

Tên lửa tầm trung Musudan

Trong năm 2016, Bắc Hàn đã thực hiện 21 vụ thử nghiệm tên lửa. Trong đó quan trọng nhất là tên lửa tầm trung Musudan trên bệ phóng di động và tên lửa KN-11 phóng từ tàu ngầm.

Tên lửa nhiên liệu lỏng Musudan được thử trong năm 2016, nhưng chỉ thành công một trong 8 vụ thử.

Tên lửa tầm trung Musudan thật sự là mối đe dọa Nam Hàn, Nhật Bản, bao gồm những căn cứ quân sự Mỹ ở hai quốc gia nầy.

Để đối phó, Mỹ đã khai triển hệ thống khắc tinh của hỏa tiễn Bắc Hàn là hệ thống THAAD ở Nam Hàn.

4.2. “Triều Tiên có thể tấn công nước Mỹ”

Hồi tháng 10 năm 2015, Đô đốc Bill Gortney, Chỉ huy cơ quan Phòng Thủ không Gian Bắc Mỹ, đã đánh giá: “Triều Tiên có khả năng tấn công nước Mỹ bằng tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân”.

Tuy nhiên ông Gortney khẳng định một các tự tin rằng: “Nếu tên lửa tầm xa tấn công nước Mỹ thì chúng tôi hoàn toàn ngăn chặn được nó”.

Theo Quỹ The Heritage thì tên lửa mới nhất của Bắc Hàn là Taepodong-3 có tầm bắn 13,000km, có nghĩa là tầm sát hại bao trùm nước Mỹ. Trong trường hợp đầu đạn hạt nhân nổ trên không thì sóng điện từ của nó có thể làm tê liệt những thiết bị điện tử của Mỹ. Nhưng điều nầy tuyệt đối không có thể xảy ra vì các hệ thống lá chắn của Mỹ hoạt động vô cùng có hiệu quả.

5. Tên lửa đạn đạo

5.1. Ba giai đoạn bay

Tên lửa đạn đạo (Ballistic missile) là tên lửa tầm xa. Đường đi của đầu đạn qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1:

Tên lửa được phóng thẳng đứng từ giàn phóng, bay trong bầu khí quyển của trái đất, dầy khoảng 120km. Thời gian bay từ 3 đến 4 phút. Hỏa tiễn liên lục địa có vận tốc 7km/giây.

Giai đoạn 2:

Tên lửa bay trong “khoảng không vũ trụ”. Ở đó không có sức hút của trái đất nên mọi vật không có trọng lượng nặng, nhẹ khác nhau, mà tất cả đều lơ lửng như nhau. Thời gian bay ngoài khoảng không vũ trụ kéo dài từ 15 đến 25 phút. Đường bay nằm ngang, xem như song song với mặt đất.

Giai đoạn 3:

Tên lửa trở lại bầu khí quyển trái đất. Từ cao độ 100km, đầu đạn lao xuống theo chiều thẳng đứng đánh vào mục tiêu. Tốc độ khoảng từ 1 đến 4km/giây.

5.2. Các loại tên lửa đạn đạo

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM=Short-range Ballistic Missile) có tầm hoạt động dưới 1,000 km.

Tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM=Medium-range Ballistic Missile) có tầm hoạt động từ 1,000 km đến 3,500km.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM=Intercontinental Ballistic Missile) có tầm hoạt động từ 5,500km trở lên. Taepodong-3 của Bắc Hàn có tầm bắn 13,000km bao phủ cả nước Mỹ.

6. Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối

6.1. Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD)


Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD = Terminal High Altitude Area Defense), được quân đội Mỹ chế tạo để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Lockheed Martin là nhà thầu chính. Năm 2008 hệ thống THAAD chính thức đi vào phục vụ trong quân đội Mỹ. THAAD tiêu diệt mục tiêu theo phương pháp tiếp cận “hit to kill” (truy đuổi - tiêu diệt), có nghĩa là các tên lửa đánh chặn không mang đầu nổ và phá hủy các mục bằng cách đập mạnh vào nhau với tốc độ cao, cả hai đều phát nổ.

6.2. Hệ thống này hoạt động như thế nào?

1. Quân địch phóng tên lửa;

2. Hệ thống radar phát hiện cú phóng và chuyển đến trạm chỉ huy và kiểm soát;

3. THAAD ra lệnh và kiểm soát tiến trình phóng tên lửa ngăn chặn;

4. Bệ phóng phóng tên lửa ngăn chặn đến tên lửa quân địch;

5. Tên lửa quân địch bị phá hủy trong giai đoạn cuối của hành trình, từ ngoài khoảng không vũ trụ bay trở lại bầu khí quyển của trái đất.

Một xe tải bệ phóng có thể chứa đến tám tên lửa ngăn chặn.

6.3. Những điểm yếu của hệ thống THAAD của Nam Hàn

1). Hệ thống THAAD Nam Hàn không đủ đầu đạn để đánh chặn.

Nam Hàn chỉ triển khai một đơn vị THAAD gồm từ 8 đến 10 đầu đạn đánh chặn. Trường hợp Bắc Hàn bắn hàng chục hoặc hàng trăm tên lửa, bao gồm rất nhiều tên lửa giả (không mang đầu nổ) để đánh lừa, thì THAAD Nam Hàn không đủ tên lửa để đánh chặn.

2). Hệ thống THAAD không thể đánh chặn tên lửa và đại bác ở tầm thấp.

Hệ thống THAAD chỉ đánh tên lửa ở tầm cao (high altitude) 150km. Trái lại Bắc Hàn có hàng trăm trọng pháo tầm xa loại bắn thấp, đầu nổ 300mm có khả năng đánh vào thủ đô Seoul.

GS Chang Young-keun, từ Đại học Công nghệ Không gian Hàn Quốc, cho biết: “Nếu Bắc Hàn bắn tên lửa tầm trung Rodong từ bệ phóng ở núi Paekdu, sát biên giới Trung Quốc, thì THAAD sẽ không bảo vệ được Seoul và vùng phụ cận”.

3). Phải phòng thủ phối hợp mới phát huy được khả năng.

Hệ thống THAAD phải phối hợp với những hệ thống phòng thủ khác như Aegis, Patriot/PAC-3 (Patriot Advanced Capability) và C2BMC (C2BMC = Command, Control, Battle Management, and Communications) mới phát huy được hệ thống phòng thủ.

7. Những lý do Mỹ không thể tấn công Bắc Hàn như ở Syria

7.1. Mỹ không thể tấn công Bắc Hàn như đã tấn công Syria

Theo phân tích của tờ Hoa Nam Buổi Sáng thì có một số lý do khiến Mỹ không thể tấn công quân sự vào Bắc Hàn như đã tấn công Syria. Ở Syria, 59 hỏa tiễn hành trình Tomahawk đánh vào sân bay nhưng không gây thiệt hại nào đáng kể cho Syria. Syria không có khả năng đánh trả nhưng Bắc Hàn thì trái lại. Nếu Mỹ tấn công Bắc Hàn thì sẽ gây tác hại cho Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản.

7.2. Trung Quốc sẽ bảo vệ Bắc Hàn

1). Trung Quốc có hiệp ước hỗ trợ với Bắc Hàn năm 1961. Mặc dù Tập Cận Bình có tuyên bố “Bắc Kinh không có nghĩa vụ bảo vệ Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân”. Đó là vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân của LHQ.

2). Nhưng điều quan trọng là Trung Quốc rất lo sợ khi chế độ Kim Jong-un bị sụp đổ. Lúc đó thì:

- Người Bắc Hàn sẽ tràn qua Trung Quốc, tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo.

- Khi Bắc Hàn bị sụp đổ thì chế độ Nam Hàn và Mỹ sẽ nằm sát bên nách của Trung Quốc. Bắc Kinh luôn coi Bắc Hàn là một trái độn. Một vùng đệm. Đó là lý do Tập Cận Bình phải bảo vệ Bắc Hàn. Vừa qua Trung Quốc đã triển khai 150,000 binh sĩ đến biên giới hai nước để ngăn chặn người Bắc Hàn có thể tràn qua nước họ.

Nếu Trung Quốc giúp Mỹ tiêu diệt Bắc Hàn thì Tập Cận Bình sẽ thu được những lợi ích gì của Mỹ?

Không có. Vì sau khi giải quyết được bán đảo Triều Tiên thì Mỹ và Trung Quốc không thể tránh được sự xung đột ở Biển Đông do ý đồ bành trướng bá quyền, cố hạ Mỹ để ngoi lên địa vị siêu cường của giấc Mộng Trung Hoa.

7.3. Nhật Bản và Nam Hàn đều mong muốn một giải pháp phi quân sự

Một đại tá KQ/HK đã nghỉ hưu, tên Sam Gardinier, trả lời phỏng vấn của tạp chí The Atlantic, cho rằng Mỹ không thể bảo vệ Seoul ít nhất là 24 giờ đầu cuộc chiến, vì thế Nam Hàn không tán thành một giải pháp quân sự đối với Bắc Hàn.

Về Nhật Bản, Thủ Tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Điều rất quan trọng là tiếp tục nỗ lực về ngoại giao và tìm kiếm một giải pháp hòa bình”.

8. “Vấn đề Triều Tiên không dễ dàng như vậy”.

Ngày 20-4-2017, trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal, Tổng thống Donald Trump tiết lộ rằng Tập Cận Bình đã giải thích cho ông nghe về tình hình ở bán đảo Triều Tiên và ông Trump kết luận: “Triều Tiên thật sự là một phần của Trung Quốc”. Sau khi lắng nghe 10 phút tôi nhận ra rằng: “Vấn đề Triều Tiên không dễ dàng như vậy”.

Cựu đại sứ Nam Hàn ở London và Tokyo, ông Rah Jong-yil, nói với tờ The Telegraph (Anh) “Ông Trump tin rằng Triều Tiên là một phần của Trung Quốc cho thấy cái dốt đến kinh ngạc của ông về tình hình của khu vực Đông Bắc Á”.

Ông Rah giải thích: “Đúng là bán đảo Triều Tiên đã bị ảnh hưởng của trung Quốc nhưng đó là thời nhà Minh rất xa xưa. Ngày nay không còn nữa”.

Ông Rah kết luận: “Ai đó cần phải soi sáng cho ông Trump về những sự kiện trong khu vực để không bị đánh lừa bởi chủ nghĩa dân tộc ngớ ngẩn của Bắc Kinh”.

Chỉ nghe 10 phút qua miệng lưỡi của Tập Cận Bình mà ông Trump đã đảo lộn tất cả quan điểm về biển Hoa Đông và Biển Đông. Chứng tỏ chính quyền Trump chưa tiết lộ một chiến lược rõ ràng về bán đảo Triều Tiên nói riêng và về Châu Á Thái Bình Dương nói chung.

Trung Quốc cho rằng Triều Tiên là một phần của Bắc Kinh. Việt Nam cũng vậy. Cũng là một phần của Trung Quốc cho nên họ xác định hai quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) và Trường Sa (Nam Sa) cũng thuộc về Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc tiến hành cuộc chiến thu hồi hai quần đảo nầy. Họ nói rằng Việt Nam đã cướp hai quần đảo của họ, cho nên phải đánh Việt Nam mà họ gọi rằng “Sát Việt Khấu vi Nam Sa chi chiến tế kỳ”. (Giết bọn giặc Việt Nam để làm lễ tế cờ cho trận chiến thu hồi Nam Sa).

Tóm lại, vai trò của Trung quốc rất quan trọng trong vụ giải quyết các vấn đề của bán đảo Triều Tiên và Biển đông.

9. Mối đe dọa từ Trung Quốc

9.1. Sự trỗi dậy của Trung Quốc

1). Người Tàu bị khinh rẻ

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhà Thanh suy yếu, các cường quốc vào xâm chiếm Trung Hoa, tạo ra những tô giới, như Pháp ở Thượng Hải, Anh ở Hongkong, Bồ Đào Nha chiếm đảo Macau, kể cả Nhật, Bỉ, Đức…

Người Tàu bị khinh rẻ, xếp ngang hàng như chó. Một tấm bảng cấm người Tàu và chó vào công viên. “No dogs and Chinese allowed” được những nhân viên gác cổng người Ấn Độ thực hiện.

2). Sự trỗi dậy

Sau một thời gian “ẩn mình chờ thời” để thực hiện bốn hiện đại: nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghiệp, Trung Quốc xác định “Trỗi dậy hòa bình”. Tập Cận Bình tuyên bố: “Trung Quốc phải thiết lập chính sách ngoại giao nước lớn mang tính đặc thù Trung Quốc”.

Tập Cận Bình kích động dân tộc chủ nghĩa để thực hiện Giấc Mộng Trung Hoa (Chinese Dream). Được coi là công cuộc đại phục hưng dân tộc Trung Hoa để đưa nước nầy lên vị trí siêu cường số một trên thế giới.

9.2. Trung Quốc là mối đe dọa của thế giới

Thái độ hung hăng bành trướng bá quyền được thể hiện qua việc chiếm các đảo ở Biển Đông và biển Hoa Đông khiến cho các nước trong khu vực lo ngại. Ngay cả siêu cường như Hoa Kỳ cũng cảm thấy bị đe dọa trong tương lai.

Hồ Cẩm Đào tuyên bố “đồng đô la là sản phẩm của quá khứ”. Ông nói: “Hệ thống tiền tệ quốc tế lấy USD làm trung tâm, hiện nay là “một sản phẩm của quá khứ”, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa đồng Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền toàn cầu”.

10. Chiến lược Biển Xanh của Trung Quốc

Với chiến lược Biển Xanh (Lam sắc quốc thổ chiến lược), Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của họ trên một vùng biển rộng 300 triệu km2, bao gồm vùng biển của Nam Hàn, Nhật Bản thuộc biển Hoa Đông. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei thuộc Biển Đông. Tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ chủ quyền nầy của Trung Quốc.

Để thực hiện ý đồ làm bá chủ thế giới, Trung Quốc thiết lập hai vành đai, quân sự và kinh tế. Về quân sự là Chuỗi ngọc trai. Về kinh tế là “Con đường tơ lụa thế kỷ 21.”

10.1. Chuỗi ngọc trai

Chuỗi ngọc trai và Con đường tơ lụa thế kỷ 21 (Đỏ trên bộ, xanh trên biển)

Chuỗi Ngọc Trai (Nhất xuyến trân châu - String of Pearls) là một vành đai trên biển bắt đầu từ đảo Hải Nam, xuống đảo Phú Lâm (Woody Island) của Hoàng Sa, tiến xuống nhóm đảo Trường Sa, qua hải cảng Sihanoukville của Campuchia. Qua kinh đào Kra, ôm lấy Myanmar (Miến Điện), dừng lại ở Karachi, Pakistan. Chuỗi Ngọc Trai là một hệ thống căn cứ hải quân xem như tiền đồn của Trung Quốc ở nước ngoài.

10.2. Con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc

1) Con đường trên bộ

Con đường trên bộ là hệ thống xa lộ cao tốc và đường sắt nối liền các quốc gia từ Trung Quốc đi qua Trung Á tiến vào Iran, Iraq, Syria, Thổ Nhỉ Kỳ và chấm dứt tại thành phố Venice (Ý) của châu Âu.

2) Con đường trên biển

Bắt đầu từ Tuyền Châu (Phúc Kiến) qua Quảng Đông chạy xuống eo biển Malacca qua Ấn Độ Dương sang Kenya, Somalia (châu Phi) qua Biển Đỏ (Hồng Hải) vào Địa Trung Hải (Mediterranean Sea) và cuối cùng cũng đến thành phố Venice của Ý (châu Âu).

Tham vọng của con đường tơ lụa thế kỷ 21 là nối liền ba châu lục: Châu Á, Châu Âu và Châu Phi.

Trung Quốc thành lập “Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank” (AIIB) để viện trợ, cho vay và đầu tư vào những nước nằm trên con đường tơ lụa, giúp phát triển các cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, phi cảng, hải cảng, bịnh viện, trường học…

11. Chiến lược bao vây làm suy yếu Trung Quốc của Hoa Kỳ

11.1. Vành đai quân sự của Mỹ

Những căn cứ hỏa tiễn của Hoa Kỳ, từ Alaska, Hạm Đội 3 ở Bắc Thái Bình Dương, Hạm đội 7 Thái Bình Dương, Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, đảo Guam, Honolulu (Hawaii), Philippines, Úc, Thái Lan, đến Singapore. Bốn chiếc tuần duyên hạm tối tân nhất là USS Freedom LCS-1 và USS Independence LCS-2, thường trực đóng đồn ở cửa ra vào của eo biển Malacca.

Sáu hàng không mẫu hạm nằm trên vành đai bao vây, đều chĩa hỏa lực vào một mục tiêu cố định là Bắc Kinh.

Ngoài vũ trụ, tàu con thoi không người lái X-37B, đang làm chủ không gian, làm tê liệt hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Trung Quốc thì hỏa tiễn “sát thủ HKMH” DF-21 hoàn toàn vô dụng. Thêm vào đó, X-37B cũng có khả năng phóng hỏa tiễn xuống Bắc Kinh, đồng thời 3 siêu vũ khí tàng hình phá hủy chiến thuật “vùng cấm tiếp cận” của TC và nhất là từ 12 vị trí trên vòng đai bao vây, cùng khai hỏa một lúc nhắm vào Hoa lục. Thiên la địa võng đã thành lập, Bắc Kinh có 3 đầu 6 tay cũng “chạy trời không khỏi nắng”.

11.2. Vành đai kinh tế chống Trung Quốc

Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership) là một khu vực thương mại tự do miễn thuế và xóa bỏ những rào cản khác, gồm 12 quốc gia: Singapore, Chile, New Zealand, Brunei, Hoa Kỳ, Australia, Malaysia, Việt Nam, Nhật Bản, Canada, Philippines, Peru.

Theo ước tính của Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson (Mỹ), khi TPP đi vào hoạt động thì Trung Quốc có thể bị thiệt hại khoảng 100 tỷ USD/năm vì các thành viên của TPP giao dịch với nhau, và vì thuế quan và rào cản bị bãi bỏ, do đó họ sẽ bớt làm ăn với Trung Quốc.

12. Chính quyền Tổng Thống Trump chưa tiết lộ chiến lược ở Châu Á-Thái Bình Dương

12.1. Mỹ phải có chiến lược đối với Trung Quốc

Chính quyền Obama dùng TPP để chống lại Con đường Tơ lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc. Thế nhưng Tổng Thống Trump đã hủy bỏ TPP. Vậy Mỹ sẽ có chiến lược gì để làm suy yếu Trung Quốc? Đương nhiên là Mỹ phải có.

Mặc dù nhà kinh doanh địa ốc nầy có thể không theo dõi sát về các vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế thế giới, nhưng trong dàn cố vấn của ông, nhiều người có khả năng thiết lập chiến lược về Châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ và Trung Quốc không thể sống chung hòa bình lâu dài được bởi vì chương trình Make America Great Again và Giấc Mộng Trung Hoa tự nó có nhiều mâu thuẫn với nhau.

12.2. Thời gian hòa hoãn hiện nay giữa Tổng Thống Trump và Tập Cận Bình

Hiện tại, ông Trump đang nhờ Tập Cận Bình giúp giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn, cho nên không đá động gì đến tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ đã ngừng những cuộc tuần tra ở Trường Sa. Vùng biển hình lưỡi bò ở Biển Đông sẽ tính sau.

Tập Cận Bình cũng đang hòa hoãn với Mỹ để giải quyết các tranh chấp nội bộ trước Đại hội 19 của đảng CSTQ sẽ mở ra cuối năm 2017. Tranh chấp bộc lộ rõ ràng giữa Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường trong việc tranh giành chức vụ Tổng bí thư của đảng.

13. Kết luận

Những tuyên bố của Tổng Thống Donald Trump thường có tính hù dọa. Không phản ảnh được chiến lược của Hoa Kỳ đối với Bắc Hàn và cả Trung Quốc nữa. Ông Trump cho biết, ông sẽ vinh hạnh được gặp ông con phì lũ vừa mập vừa khùng, cùng với những lời ca ngợi lãnh đạo Bắc Hàn, trong khi đó, Bắc Hàn cáo buộc CIA đã âm mưu sát hại Kim Jong-un bằng chất độc sinh hóa, gồm phóng xạ và chất độc nano.

Tổng Thống Trump và Tập Cận Bình đều biết rõ nhau. “Bề ngoài thơn thớt nói cười mà trong nham hiểm giết người không đao”. Tiếu lý tàng đao.

Tổng Thống Trump muốn phô trương quyền lực của Tổng thống Hoa Kỳ. Hai sự việc rất hiếm xảy ra. Đó là triệu tập toàn bộ Hội Đồng Bảo An LHQ và toàn bộ Thượng Viện Hoa Kỳ đến Tòa Bạch Ốc để “làm việc”.

Ngày 24-4-2017, toàn thể Hội Đồng BA/LHQ gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực là Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ, đến Tòa Bạch Ốc để nghe tổng thống yêu cầu gia tăng các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn. Việc nầy chưa có tiền lệ. Thật ra thì Hoa Kỳ hiện là chủ tịch luân phiên của tổ chức LHQ nầy.

Ngày 26-4-2017, toàn bộ Thượng Viện gồm 100 Thượng nghị sĩ đến Tòa Bạch Ốc để nghe Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng QP Jim Mattis, Giám đốc An ninh Quốc gia Dan Coats và tướng Joseph Dunford báo cáo về vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Tổng Thống Donald Trump là nhân vật đặc biệt, chuyên gây sóng gió, nổi tiếng về cái đúng kể cả cái sai.

08.05.2017

Previous Post
Next Post
Related Posts