Tiếp nối “Hoa Quỳnh Việt Nam Trong Ngục Tối” đòi khởi tố Formosa!



Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Vâng, chúng ta còn khẩn khoản, lần lữa, chần chờ và đợi gì nữa? Ngày nào là ngày của toàn dân đứng lên khi họa diệt vong đã gần kề, và tại sao lời kêu gọi thiết thực chống Formosa đã bị chóp bu ra lệnh thẳng tay đàn áp? Ai sẽ thay chúng ta để mở đường sống trong nỗi chết, khi những thần phục ký kết lệ thuộc, rắp tâm làm tay sai cho giặc Tàu của Tổng Lú đã không còn ngõ thoát?

Giờ đây nói đến hoa Quỳnh Việt Nam như một ám chỉ và ám ảnh buồn bã về một người đàn bà son trẻ, với hai con nhỏ tội nghiệp đang mỏi mắt chờ trông, nơi căn nhà cũng chỉ có một người mẹ héo hắt cô đơn, và một người bà đã quá già nua theo năm tháng vẫn chưa thấy bóng dáng của hòa bình thực sự nơi đâu. Đó là hình ảnh kiên cường đòi kiện Formosa không ai khác hơn của một blogger Mẹ Nấm, bút hiệu của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mà người đời đã muốn làm thơ làm nhạc để tụng ca. Nhạc phẩm “Hoa Quỳnh Việt Nam Trong Ngục Tối” chính là nguồn cảm hứng sâu đậm để chúng ta cùng “share” cùng hát cho tuổi trẻ yêu nước Việt Nam!

Với tiếng hát tràn đầy nội lực và diễn tả với cả tâm hồn của một giọng ca trẻ thuộc trung tâm ASIA, ca sĩ Bích Vân chắc hẳn sẽ làm người nghe xúc động. Thật tình tôi cũng rất cảm kích tấm lòng sốt sắng lẫn tài hoa của nhạc sĩ phổ nhạc Vĩnh Điện, và nhạc sĩ hòa âm trẻ trung sinh động Quốc Toản. 

Một ca khúc được hoàn thành để cống hiến cho khán thính giả kể ra cũng phải đòi hỏi khá nhiều công phu, và quả nhiên nghệ thuật không có đường tắt. Đặc biệt với dòng nhạc dấn thân, nhiều người trong chúng ta muốn được đi tìm một sự đồng cảm thú vị càng không dễ. Thường, chỉ có tình yêu mới là đề tài muôn thuở bất tận của thi ca, của âm nhạc, và hẳn sẽ dễ đi vào lòng người biết mấy. Trong khi với một ca khúc đấu tranh thời sự, không ít thì nhiều cũng bị gán ngay ý đồ muốn đi sâu vào “lòng địch”. Dù sao khi viết những ca từ này, tôi hoàn toàn chỉ biết mình đang sáng tác một bài thơ, và một bài thơ thì không thể khô khốc như một thứ tuyên ngôn.

Giữa không khí cấm chỉ phi lý đến buồn cười của những kẻ mắc bịnh tâm thần, năm ca khúc tình cảm xa xưa những 50 năm tuyệt hay ấy lẽ nào vì đôi chữ húy kỵ của riêng họ đã bị cấm hát, nhưng hàng cấm trước 75 là hàng quí nên xin khỏi liệt kê vì ai cũng đã biết, lại cùng một lúc với tiếng hát như xé tâm can của một bạn trẻ bán kẹo ngạo nghễ vang lên giữa lòng phố Ba Đình, với hai bản nhạc nổi tiếng “đi tù vì dám làm nhạc chống Tàu” của cựu tù nhân lương tâm Việt Khang. Đó là bài “Việt Nam Tôi Đâu?”, “Anh Là Ai?”, và chính điều này đã khiến nhiều người không thể không thấy ngay nỗi hoang mang lo sợ từng ngày của những bàn tay bạo chúa chuyên “vấy máu đồng bào”, và lưỡi hái tuyên truyền kiểm duyệt chặt đẹp luôn tự do sáng tác, tự do ngôn luận cũng như tự do báo chí của người dân.

Dĩ nhiên bài nhạc này tung ra vào thời điểm có Ngày Phụ Nữ Quốc Tế, chúng ta cũng đều muốn được hát lên để vinh danh Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Một khuôn mặt phụ nữ Việt Nam đã dũng cảm bền chí đấu tranh không những bằng sự lên tiếng của ngòi bút, mà còn xông xáo trong những hoạt động XHDS vì chính nghĩa, khởi đi từ năm 2006 cho đến thảm họa quốc gia Formosa, với Cá Chết Biển Chết trắng bờ vào tháng 4 năm ngoái ở Miền Trung. Nhất là làm sao chúng ta quên được hình ảnh của Quỳnh đơn thân độc mã ngang nhiên đòi khởi tố Formosa, hoặc có khi là hình ảnh với con gái 11 tuổi Bảo Nguyên xinh đẹp hay con trai Nhật Minh 5 tuổi được mẹ tặng cho mỗi đứa mỗi ước mơ hình tượng “cá sạch” ngay trên bờ má ngây thơ, nhưng đã sớm biết được hậu quả của môi trường nhiễm độc rồi sẽ không buông tha chúng khi phải lớn lên trên đất nước này.

Chưa kể sống ở phố biển Nha Trang là mỗi ngày Quỳnh phải chứng kiến, đối diện vời hàng loạt chuyến bay đổ bộ dân “nước lạ” xuống, để họ ngang tàng và xài cả nhân dân tệ như ở trên đất nước mình. Không trách những lần xuống đường mới đây vì môi trường sống bị Formosa thải độc, chúng ta thường bắt gặp đa phần là những bước chân đầy âu lo của những người mẹ, người bà, phụ nữ và trẻ em. Thử hỏi cánh đàn ông trai tráng Việt Nam sao chưa chịu đứng lên ở tuyến đầu?

Cho dẫu ca khúc viết tặng loài hoa Quỳnh hiếm hoi của Việt Nam này sẽ bị bọn họ tức tối trù dập, cũng như sẽ có những tên DLV ăn lương vài ba triệu mỗi tháng kiếm cách dè bỉu, tôi tin rằng vai trò của mỗi người trong chúng ta càng không thể dễ bị nản lòng, để thay phiên nhau tiếp nối tinh thần can trường không chỉ của một Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, mà còn những đóa hồng lắm gai khác như Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên... Mọi thủ đoạn bôi nhọ, chia rẽ vu khống, cô lập, hoặc chia cắt tình mẫu tử thường không lạ gì dưới chế độ độc tài toàn trị Cộng Sản. Chớ nên đợi đến lúc một người nào đó bị tống khứ biệt giam và phải chịu đựng những khắc nghiệt tù đày, chúng ta mới kịp vỡ lẽ tấm lòng ngay thẳng từ lâu của họ. Chúng ta cần cân nhắc, đánh giá mọi việc làm của một cá nhân nào đó qua quá trình đóng góp của họ để khỏi mang tiếng là hồ đồ, qui chụp, thiển cận không đáng và gây mất mát. 

Đại đoàn kết cũng chính chìa khóa và là tinh thần làm nên đại cuộc.

Từ một vài vấp ngã nào đó trên suốt đường đời vạn dặm, mỗi người trong chúng ta đều tự nhủ sẽ học hỏi thêm được những điều hay lẽ phải, và tuyệt nhiên những cố tình đánh phá không hề có chỗ cho những học hỏi rút kinh nghiệm ở đây.

Với tôi, dường như vẫn có những tiếng hát, những tiếng đàn thùng mà mình vẫn chưa đánh mất những kỳ vọng, là một ngày nào đó thật gần cũng sẽ tìm cách cất lên mạnh mẽ, trên những quảng trường đông nghẹt những hoan nghênh hò vang tuổi trẻ.

Trong đó chắc không thể thiếu những ca nhạc sĩ Việt Khang, Đỗ Thị Minh Hạnh, Trần Vũ Anh Bình, Tuấn Khanh, và người bạn trẻ bán kẹo hát rong… hôm nào.

Xin mời chia sẻ nhạc phẩm nóng sốt theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để đòi “Free Mẹ Nấm”, và âu cũng là dịp nghe lại lòng mình những nhắc nhớ người Việt chúng ta vẫn còn đây với 95 triệu trong nước và 5 triệu ngoài nước. Tàu Cộng và Việt Cộng vốn luôn hăm he toa rập, nhưng chúng ta vẫn đâu đã bị chết hết, và làm sao chúng nhốt hết nổi thì lẽ nào cứ để đất nước, Tổ Quốc bi đát, khốn cùng, khốn nạn như thế này. Vậy xin đừng hỏi tương lai thế hệ con cháu chúng ta sẽ đi về đâu và Việt Nam rồi sẽ ra sao. Một dấu chấm than hay một nốt nhạc trầm tê tái! 

Không ai buồn giải mã câu trả lời đã khá tỏ tường, nhất là khi người dân Việt Nam vẫn còn quá lãnh đạm, thờ ơ với viễn ảnh và vận mệnh đen tối của đất nước mình.






16.03.2017

Previous Post
Next Post
Related Posts