Tại sao tôi chọn bức hình này làm hình đại diện?

Nguyễn Xuân Nghĩa (Danlambao) - Trong ngày tưởng niệm mất đảo Gạc Ma và 64 chiến sĩ bị Trung Cộng tàn sát trên đảo (14/3/1988) có 4 đến 5 bức hình chụp hai khuôn mặt đầm đìa máu (Đỗ thanh Vân & Dũng Phi Hổ) cạnh nhau. Nhưng tôi chọn bức hình này. Bức hình nói lên tất cả và "đẹp" tuyệt trong khái niệm nghệ thuật.

Không thấy ở đây hai đôi mắt nảy lửa căm thù hoặc một nét tạo hình nào nhằm mục đích tố cáo sự tàn nhẫn của lực lượng đàn áp. Ta chỉ thấy đôi mắt lắng đọng sự sẻ chia và an ủi của nhân vật nữ dành cho người đồng nạn và hai cánh ta ôm nhẹ hai vai bổ trợ cho ý nghĩa của đôi mắt. Hai cánh tay của nhân vật nữ ôm nhẹ hai vai nhân vật nam "đắt" ở trạng thái "ôm nhẹ". Ôm nhẹ hiển thị một khoảng cách đủ gần, đủ xa giữa họ. Không phải anh /chị em ruột thịt; không phải nam nữ yêu đương. Họ chỉ là hai người xa lạ, gặp nhau trong một thời điểm nóng bỏng của sự kiện và trở thành đồng chí chung chịu khổ nạn vì một mục tiêu. Nhân vật thứ hai (Dũng Phi Hổ) đầu cúi nhẹ, ở tầm ngực người nữ, với cặp kính cận, đôi mắt chụp nghiêng, cam chịu đau đớn và đón nhận an ủi, sẻ chia... Kẻ, (lực lượng đàn áp,) hành hung họ đã không còn ở đó. Chỉ còn lại họ với hai khuôn mặt đồng nạn đẫm máu, sự sẻ chia đón nhận và tin cậy dành cho nhau. Đây là bức hình của tình đồng đội chung một lý tưởng cao đẹp. Nó chỉ xuất hiện trong đội ngũ đấu tranh cho dân chủ& nhân quyền ở các quốc gia còn thể chế độc tài.

Vì chưa biết tác giả và tên gọi của bức hình, tôi xin tạm đặt cho bức hình cái tên: Máu của đôi-máu của chúng ta. Tin tưởng bức hình sẽ đi mãi bên cạnh cuộc đấu tranh trường kỳ và bi hùng của nhân dân Việt nam cho Dân Chủ&Nhân Quyền.


Previous Post
Next Post
Related Posts