...Còn hàng ngàn những người phụ nữ vô danh khác mà tôi không thể biết hết nhưng tin rằng họ đang có mặt ở mọi nẽo đường đất nước. Họ chỉ âm thầm, âm thầm và âm thầm, họ chẳng khua chiêng múa trống gì cả. Họ làm cũng chẳng phải để đánh bóng tên tuổi. Chính những người đang âm thầm làm việc này, với đôi chân miệt mài, đôi bàn tay chỉ biết cho mà không biết nhận, trái tim nhân ái sẽ là một phần tạo nên Việt Nam xinh đẹp mai sau...
Em Bụi (Danlambao) - Nhân ngày 8/3, tôi viết này xin dành riêng cho những người mẹ, người chị đã và đang âm thầm tranh đấu để mong sớm có được tương lai tươi sáng cho đất nước Việt Nam. Trong bóng đêm độc tài, bên cạnh những nỗ lực cho tự do, dân chủ, còn có nhiều người lầm lũi để tìm mọi cách có được những đóng góp nhỏ nhoi để xoa dịu nỗi đau trước mắt của người dân khốn khổ và làm cho đất nước, con người Việt Nam có được một chút gì tốt đẹp hơn.
Xã hội Việt Nam, ngoài những kẻ buôn dân bán nước, những người vô cảm thờ ơ với nỗi đau của dân tộc, vẫn có những người dấn thân vô danh. Không ai biết đến mình nhưng họ bền bỉ, độc lập, không phụ thuộc vào nhà cầm quyền hay bất cứ tổ chức đoàn thể nào, mặc dù nhiều người cho rằng việc làm của họ là những hành động muối bỏ biển.
Đầu tiên phải kể đến người phụ nữ tên Bích Diễn (quê miền Tây) đã dành dụm 150 triệu đồng để mua một chiếc xe ôtô làm xe cứu thương chở bà con đi bệnh biện miễn phí tại Hồng Ngự, Đồng Tháp. Nhờ xe cứu thương miễn phí của chị, mà người dân nghèo nơi đây đã bớt lo lắng, bởi chỉ cần gọi tới đường dây nóng là sẽ có xe đưa đi bệnh viện ngay tập tức. (1)
Hay những cô giáo hàng ngày "vượt đèo cõng chữ tới vùng cao", đưa chữ tới những em bé đến trường bằng cái bụng đói meo, đôi chân trần bé nhỏ giá lạnh, đôi môi tím tái. Vâng đó là cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (1992), cô Lê Thị Thảo (49 tuổi), Hiệu trưởng trường Mầm non lakreng, cô giáo Nguyễn Khánh Hòa (25 tuổi), cô Nguyễn Thị Kim Loài (21 tuổi)...
Cô Loài chia sẻ: “Vừa ra trường tôi được nhận về trường mầm non Iakreng công tác, lần đầu tiên phải vượt qua chặng đường gian nan, tôi đã bật khóc. Bản làng heo hút giữa núi rừng, lại thêm việc không hiểu tiếng nên tôi nói các em không nghe, các em nói tôi cũng không hiểu, lúc ấy buồn lắm. Tôi đã từng nghĩ mình không bám trụ nổi ở nơi đây. Nhưng rồi các chị động viên và nhất là ánh mắt đầy mong mỏi, đầy khát khao và chờ đợi của các em khiến tôi quyết tâm hơn. Học sinh cần con chữ, cần được hiểu về thế giới bao la ngoài kia. Tôi bắt đầu học tiếng của các em mọi lúc mọi nơi và cô gắng hết mình để dạy cho các em từng con chữ”. (2)
Giống như cô Loài, cô giáo trẻ Tuyết ban đầu mới tới cũng: "Run run mường tượng về cuộc sống thiếu điện, thiếu nước, thiếu sự ồn ào, náo nhiệt." Lần đầu tiên đi trên con đường dài 45km đến trường, Tuyết cũng hoang mang lo lắng và tự hỏi “Đây là con đường mình sẽ đi làm sao? Sao đường lắm đá lởm chởm, khó đi thế? Sao xa thế, đi mãi chưa tới? Sao mãi mới có một nhà dân?...". (3)
Cô Tuyết cũng giống như bao cô giáo khác, sẽ phải đối diện với muôn vàn khó khăn, đặc biệt là chỗ ăn ngủ. Nơi các cô về dạy là những nơi vùng cao, hẻo lánh, nói là cái nhà để ở nhưng chẳng khác nào là một túp lều tranh xiêu vẹo, những ngày mùa đông các cô phải đối diện với những cái rét cắt da cắt thịt... Tuy nhiên, chính vì tình yêu đối với các em nơi đây mà những cô giáo này đã vượt qua tất cả.
Đã một lần tôi ở lại một khu nội trú dành cho các em học sinh và giáo viên trường THCS Lao Chải Mù Cang Chải, tôi chẳng thể nào tưởng tưởng được tại sao các cô, thầy nơi đây có thể sống được mấy chục năm để dạy các em lên người. Lạnh, thiếu thốn, đường lên trường bùn lầy... Nước lạnh như xé thịt da tôi đến nỗi gần 1 tuần trên đó tôi không hề tắm, những đêm cần đi vệ sinh, tôi bấm bụng chờ đến sáng vì ra tới nhà vệ sinh tôi có cảm tưởng mình sẽ xỉu vì cơn lạnh tát thẳng vào mặt vào người tôi từ khắp phía. Tôi mặc 4 áo ấm, đứng ngoài sân cùng các em mà 2 hàm răng cứ va vào nhau thành tiếng "cập cập cập".
Nhà tắm kiêm vệ sinh của các thầy cô trường THCS Lao Chải.
Ảnh Em Bụi chụp năm 2012.
Hiện tại trường được 1 số mạnh thường quân hỗ trợ
xây dựng lại và đã khang trang hơn.
Tôi kể ra để thấy được rằng, sự hy sinh của các cô thật sự vô cùng lớn lao, chẳng ngòi bút nào có thể diễn tả hết được. Tôi luôn cảm phục và kính yêu tất cả những người như cô Tuyết, cô Thảo, cô Hoà, cô Loài, các thầy cô ở trường THCS Lao Chải Mù Cang Chải, và rất nhiều rất nhiều thầy cô giáo khác đang âm thầm đưa chữ về vùng cao.
Hay đâu đó là những em Tít Nhàn, Hư Vô, Trang, Nấm, Phương, Lu, Mốc, Tuyền, Gió... (những cái tên thân thương chúng tôi hay gọi nhau)... một thời đã từng hy sinh âm thầm để đưa nụ cười đến những em nhỏ vùng sâu, vùng xa, những em mồ côi không nơi nương tựa, đem cái chữ tới cho những bé bãi giữa sông hồng, đem lại nụ cười cho những cụ già leo đơn, những mảnh đời bất hạnh.
Mọi người chẳng quản ngại đường sá để đi chắp cánh ước mơ cho em những em vùng cao, họ có thể vượt mấy trăm ngàn cây số bằng xe máy để lên 1 tỉnh vùng cao để tổ chức trung thu cho các em bé, mang đến tiếng cười và niềm hy vọng cho các em.
Họ sẵn sàng thức khuya dậy sớm đi lấy hoa kiếm tiền gây quỹ, họ sách bị đi từng nhà để xin gạo, xin từng lon bia (ve chai) về bán trước mỗi chương trình.
Họ sẵn sàng phi xe máy 140 km sáng đi tối về để đưa những cuốn sách tới những nơi các em cần sách nhưng không có điều kiện mua.
Họ sẵn sàng bỏ 3,4 tiếng buổi tối để xuống dạy kiến thức, kỹ năng sống cho các em ở bãi giữa sông hồng thay vì đi chơi, uống trà đá vỉa hè cùng đám bạn.
Những hành động nhỏ bé của họ, nhiều người cho rằng như muối bỏ biển, mất thời gian, hiệu quả lại không cao, nhưng với tôi, đó lại là những hành động thật lớn lao, đó là những ngọn lửa thắp cho một Việt Nam tươi sáng mai sau, họ đã làm từ những việc nhỏ nhất để hiểu giá trị của đồng tiền, giá trị của sự cho đi và họ cảm thấy hạnh phúc khi những món quà do chính tay họ làm ra khiến các em nhỏ hạnh phúc.
Và không thể kể đến chị Thảo Teresa, chị Lan Lê, chị Sông Quê, chị Thúy Hạnh... luôn vượt ngàn cây số để gom cho các em một manh áo ấm, dang đôi tay ôm ấp các em vào lòng để các em biết rằng, các em không hề cô đơn, không hề bị bỏ rơi...
Ngoài ra, tôi còn muốn nói đến một người nữa, một người mà tôi rất mến yêu và kính trọng, người mà luôn mơ ước sẽ xây được một nhà hạnh phúc - nơi nuôi dưỡng những em bé mồ côi không nơi nương tựa và là người mà bị nhà nước cộng sản VN giam cầm cách đây 147 ngày. Vâng, đó là chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Hầu hết tất cả mọi người biết đến chị Quỳnh qua những hoạt động đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, nhưng với tôi thì lại khác, tôi yêu mến, kính trọng chị qua tình yêu của chị đối với trẻ em, những người thấp cổ bé họng trong xã hội Việt Nam... Chị có một tình yêu đặc biệt đối với trẻ, nhất là những em bé kém may mắn. Ở chị Quỳnh tôi học được một điều: mình phải hiểu được nguồn gốc gây ra những tội ác, những bất hạnh đối với dân tộc Việt Nam và phải cùng nhau tranh đấu để chấm dứt nó; nhưng đồng thời chúng ta không thể làm ngơ đối với những đau khổ trước mắt của đồng bào mình.
Trước khi bị bắt, bất cứ khi nào chị có thời gian rảnh, chị lại đi dạy thêm cho các bé, chị lên Lạc Dương, Đà Lạt, nơi có 3 bà Sơ chăm dạy gần 50 em bé từ 1-15 tuổi để thăm tặng quà cho các em. Chị thường gom quần áo cũ, đồ chơi, giày dép, sách vở và cố gắng kiếm thêm người giúp các em phần sữa, dinh dưỡng. Chị chia sẻ trong album ảnh cuối cùng của chị tại Lạc Dương:
“Mấy bạn này iu lắm,
Bản dzụ mình ở lại đi, bản nhường cơm cho mình ăn.
Sẽ cố gắng để các bạn có sữa để uống, có quần áo để mặc và có sách để đọc!
Lên trúng Chủ Nhật, các bạn phần đi hái cà phê phụ các Sơ, phần mấy bạn bé suy dinh dưỡng thì về với gia đình.
Còn vài bạn ở nhà thôi.
Cám ơn hai em Vinh lớn và Vinh nhỏ đã sống vui mỗi ngày”.
Những em bé tại Lạc Dương - Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Ảnh: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Tôi hỏi Út Phương, "Út Phương có cảm nhận như thế nào về chị Quỳnh", phải mất mấy ngày sau Út Phương mới nhắn lại cho tôi rằng:
"Mỗi lần muốn viết gì liên quan đến chị, mình thường có rất nhiều cảm xúc đan xen mà khó có thể diễn tả dễ dàng, trong đó là sự thương nhớ, sự kính trọng. Mỗi lần muốn viết về chị, mình mở máy lên rồi lại gấp lại, một đứa không có nhiều khả năng viết lách như mình sao có thể tìm ra những ngôn ngữ để nói hết về chị, bởi những gì mình viết không thể nói hết những suy nghĩ trong mình về chị.
Chị là một người tốt, thực sự tốt, mình hoàn toàn là người xa lạ đối với chị, chị trong mắt mình là một người nổi tiếng, mình biết đến chị và hiểu chị qua những bài viết trên Facebook, qua đó những gì mình cảm nhận được về chị là sự giản dị, mộc mạc, chân thành. Chị luôn đứng về lẽ phải, thích sự thật, luôn đấu tranh để hướng đến sự công bằng, nó không những thể hiện hàng ngày qua lối sống, qua các bài viết trên Facebook của chị mà còn thể hiện ngay lập tức qua tuyên bố chắc nịch "Tôi là Quỳnh, tôi thích tự do và công bằng".
Ngày chị bị bắt, mặc dù chị bị khởi tố nhưng mình luôn có niềm tin rằng, chẳng chóng thì chầy, cùng lắm là chục ngày họ sẽ phải thả chị thôi... ngày nào mình cũng tìm các nguồn thông tin để biết chị hiện giờ ra sao, mỗi ngày qua đi là một ngày dài, bởi dường như tất cả đều chống lại chị..."
Vậy đó, chị Quỳnh của tôi là thế đó, bên cạnh những sôi nỗi mà nhiều người nhìn thấy ở chị khi chị cùng với bạn bè tranh đấu bảo vệ chủ quyền, nhân quyền, môi trường... chị tôi đã âm thầm và lặng lẽ với mong muốn lớn nhất của chị là xoa dịu những nỗi đau, sự mất mát của những đứa trẻ không cha không mẹ. Chị từng nói với tôi rằng, sau này chị sẽ xây một ngôi nhà để nuôi dạy những đứa bé mồ côi, không nơi nương tựa nên người nơi đó sẽ tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Với tình yêu và sự hiểu biết của chị về trẻ em, tôi tin chắc chắn rằng, chị sẽ làm được.
Việt Nam sẽ sớm có dân chủ, chị sẽ về và sẽ tiếp tục ước mơ còn đang dở dang của mình. Con đường đó bên cạnh chị sẽ có em, con nhỏ Út Phương, con nhỏ Hư Vô... và sẽ có những em bé tại Lạc Dương ngày hôm nay đã ngơ ngác hỏi, “Sao mẹ Quỳnh lâu ngày không lên thăm con!?”, và khi tụi nó lớn lên, tụi nó hiểu chuyện và tụi nó sẽ đặt câu hỏi “tại sao trước đây mẹ Quỳnh bị bắt” giống như chồng của con nhỏ Út Phương đã hỏi vợ “tại sao chị Quỳnh lại bị bắt” vào ngày 10 tháng 10 năm 2016.
Còn hàng ngàn những người phụ nữ vô danh khác mà tôi không thể biết hết nhưng tin rằng họ đang có mặt ở mọi nẽo đường đất nước. Họ chỉ âm thầm, âm thầm và âm thầm, họ chẳng khua chiêng múa trống gì cả. Họ làm cũng chẳng phải để đánh bóng tên tuổi. Chính những người đang âm thầm làm việc này, với đôi chân miệt mài, đôi bàn tay chỉ biết cho mà không biết nhận, trái tim nhân ái sẽ là một phần tạo nên Việt Nam xinh đẹp mai sau.
Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế - 8 tháng 3
________________________________
Chú thích: