Những khó khăn và trăn trở của diêm dân Bà Rịa - Vũng Tàu

Hải Âu (Danlambao) - Long Điền là một huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có truyền thống lâu đời với nghề làm muối. Những năm trước, huyện có trên 400 ha ruộng muối, chủ yếu tập trung tại xã An Ngãi, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều hộ dân đã bỏ nghề làm muối do gặp những khó khăn từ đầu ra sản phẩm đến giá thành. Thảm họa môi trường biển xảy ra bởi Formosa tại Hà Tĩnh đã dẫn đến việc các cơ sở sản xuất thủy hải sản ngưng hoạt động và ngừng thu mua muối của diêm dân Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ đó dẫn đến việc rất nhiều ruộng muối của diêm dân (người làm muối) bỏ hoang, diện tích sản xuất ngày càng thu hẹp.

Gia đình ông Nguyên Công Tiến có truyền thống ba đời làm muối tại xã An Nghĩa cho biết: “Trước cứ mười nhà thì hết bảy nhà làm nghề muối, nay thì chỉ còn hai ba nhà ráng theo nghề thôi chú ơi. Như tôi chẳng hạn, nói thật tôi theo nghề cũng chỉ vì không biết làm gì khác, chứ cái nghề này giờ khó sống lắm”.

Hiện tại đã bước sang tháng 3, thời điểm sắp kết thúc của vụ muối trong năm. Một vụ mùa sản xuất thường bắt đầu từ tháng 10 cho đến tháng 5 của năm tới. Tuy nhiên người dân làm muối đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất muối. Tính từ đầu vụ muối cho đến nay, thời tiết năm nay không được thuận lợi cho lắm. Những cơn mưa lớn trái mùa gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kết tinh muối trong ruộng. Nhưng đó không phải là khó khăn duy nhất của diêm dân huyện Long Điền. Giá muối năm nay lại tiếp tục rớt giá so với năm ngoái, phần vì sản lượng muối tồn đọng từ vụ mùa năm trước là khá nhiều, phần bị thương lái ép giá. Hiện tại giá thành chỉ ở khoảng 400 đồng/kg muối được thương lái thu mua tại ruộng. Với mức giá này thì diêm dân gần như không có lãi, tuy vậy việc tìm được thương lái để bán cũng khó khăn bởi thị trường muối ngày càng giảm.

Một hộ diêm dân tại xã An Thạnh, Long Điền cho biết: “Gia đình tôi có gần 7ha, vụ muối 2015-2016 sản xuất khoảng 1300 tấn muối cộng với số muối từ đầu vụ 2016 đến nay tổng cộng khoảng 2000 tấn. Tuy nhiên mới chỉ bán được 400 tấn, còn lại 2600 tấn không biết bán cho ai. Nếu tình trạng này kéo dài chắc tôi phải bán ruộng tìm nghề khác kiếm sống chứ theo riết nghề này chắc không sống nổi”.

Ghé thăm một xưởng sản xuất muối, bác Sáu Phong buồn bã cho biết: “Với mức giá hiện nay thì diêm dân chúng tôi rất khó khăn bởi nếu bán thì không có lãi mà không bán thì lấy đâu ra tiền để tái sản xuất. Bây giờ nhà nước để cho thương lái mua, cho tư nhân mua, nhà nước chẳng còn quan tâm đến diêm dân chúng tôi”. 

Sản lượng muối tại đây chủ yếu được chuyển đến Phú Quốc và Hà Tĩnh nhằm phục vụ cho việc sản xuất nước mắm và ướp thủy hải sản. Nhưng hiện nay các đại phương trên đã ngưng thu mua muối khiến lượng muối tồn đọng trong kho khá lớn.

Sau thảm họa môi trường biển xảy ra bởi Formosa tại Hà Tĩnh khiến các cơ sở sản xuất thủy hải sản ngưng hoạt động. Từ đó dẫn đến việc ngừng thu mua muối của diêm dân Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo số liệu thống kê từ các địa phương trên địa bàn huyện Long Điền, hiện tại số lượng muối tồn kho của diêm dân lên đến hơn 100.000 tấn.

Nghề muối ở huyện Long Điền ngày một trở nên “nhạt nhẽo”, không còn cảnh tấp nập kẻ xúc người bưng. Người già cào muối, người trẻ gánh muối tập trung vào kho nữa. Lớp lao động trẻ hầu hết đã bỏ nghề để đi xin việc làm khác ở Sài Gòn hay Bình Dương. Chỉ còn lại những ông, bà già “bám ruộng” với hy vọng giữ được nghề truyền thống của gia đình.

Trước những khó khăn hiện tại, diêm dân huyện Long Điền chỉ còn biết trông chờ vào Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra những chính sách hỗ trợ bà con. Được biết về phía Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất Tổng công ty Lương thực miền Bắc xem xét kế hoạch thu mua tạm trữ muối cho bà con diêm dân. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa biết kế hoạch đó có được thực hiện hay không. Vì thế diêm dân Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục gặp khó khăn trong việc đưa ra phương án sản xuất cho vụ muối mới trong khi vụ muối năm nay sắp kết thúc khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống.

05.03.2017

Previous Post
Next Post
Related Posts