Blogger Phạm Thanh Nghiên và anh Nguyễn Văn Tuất. Ảnh. Phạm Thanh Nghiên |
CTV Danlambao - “Formosa cút khỏi Việt Nam”, “Formosa get out” là khẩu hiệu được cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên (thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam) và một người bạn giơ cao trên đường phố Sài Gòn sáng nay 15/3/2017. Đây chỉ là một trong những hoạt động mà Mạng Lưới Blogger Việt Nam góp phần vào nỗ lực chung chống Formosa gây thảm họa môi trường, đòi minh bạch mọi thông tin liên quan và bảo vệ môi trường.
Trong cuộc biểu tình chống Formosa đầu tiên diễn ra ngày 1/5/2016, vợ chồng cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên cùng 4 người khác đã bị bắt tới đồn công an phường 15 quận- Tân Bình và bị giam cầm trái phép suốt 14 tiếng đồng hồ. Tại đây, họ bị công an mặc thường phục, bịt kín mặt tra khảo và đánh đập hết sức dã man. Trước bối cảnh các cuộc biểu tình số đông bị đàn áp thẳng tay, một số bạn trẻ tại Sài Gòn và các thành viên MLBVN đã áp dụng hình thức “hit and run” (đánh nhanh rút lẹ), một trong những “lối chơi” phổ biến được giới tranh đấu ở Serbia, Ai Cập, Tunisia… lựa chọn, góp phần không nhỏ trong việc giật sập chế độ độc tài ở các nước này.
Ảnh: Phạm Thanh Nghiên |
Trong cuộc chiến chống lại tập đoàn xả thải Formosa, một trong những thành viên chủ chốt của MLBVN là blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị bắt và bị buộc tội theo điều 88 BLHS “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN”. Sau khi bắt Mẹ Nấm vài giờ đồng hồ, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã đưa tin và kết luận blogger phạm tội với bằng chứng là những khẩu hiệu mang nội dung đòi minh bạch thông tin về thảm họa môi trường, chống Formosa như “Formosa cút khỏi Việt Nam”, “Formosa get out”.
Ảnh: Phạm Thanh Nghiên |
Mẹ Nấm bị bắt hôm 10/10/2016, đến nay đã hơn 5 tháng và chị chưa được gặp luật sư theo luật định. Hiện không ai biết tình trạng của blogger này ra sao.
Sau khi trở về nhà, Blogger Phạm Thanh Nghiên đã dành cho chúng tôi những chia sẻ ngắn ngủi: “Khi chúng tôi đứng trên đường phố và giơ khẩu hiệu, nhiều người đi đường đã dừng lại nhìn chúng tôi. Có một số người lại gần và hỏi chúng tôi “có phải chống cái công ty ở Hà Tĩnh gây cá chết hàng loạt không?” Rồi một người đàn ông luống tuổi, có lẽ là dân làm thuê vì tôi thấy anh ta ăn mặc cũ kỹ, mang theo lỉnh kỉnh túi tắm, đồ nghề lao động, đi bộ lại gần chúng tôi hỏi: “Có phải các anh chị đang chống cái “Mi-mô-sa” (anh ta phát âm sai) phải không?” Và tôi đứng lại giải thích cho anh hiểu. Người đàn ông gật gù, đồng tình. “À, à, thế thì phải chống lại chúng nó thôi!”.
Khi được hỏi về những rủi ro có thể xảy đến, Phạm Thanh Nghiên nói thêm: “Chúng tôi coi những rủi ro, hiểm nguy là việc “đương nhiên” phải gặp trên bước đường đấu tranh cho công bằng, sự thật, cho ước vọng đổi thay đất nước. Những việc làm của tôi, hay của MLBVN chỉ là những việc làm nhỏ bé, mong “góp một bàn tay, đồng hành với những công dân đã và đang tranh đấu vì chính vận mạng của đất nước để bảo vệ những giá trị Việt Nam, bảo vệ chính ngư dân và môi trường biển Việt Nam” như chúng tôi đã xác quyết trong “Tâm tình và lời kêu gọi của Mạng lưới blogger Việt Nam” hồi cuối tháng 7/2016.”
15/3/2017