Chính quyền bít đường thoát nước, toàn bộ lúa của dân bị chết thối |
CTV Danlambao - Đầu năm 2016, UBND huyện Đông Sơn có chủ trương “thu hồi” đất nông nghiệp của 13 hộ dân để chuyển sang quy hoạch xây dựng khu dân cư. UBND xã đã nhiều lần đến “vận động”, “thuyết phục” nhưng vì toàn bộ diện tích đất nông nghiệp (gồm 1.098m2) là nguồn sống của gia đình nên bà Trần Thị Hạnh không đồng ý. Chính vì không chấp hành việc tự nguyện giao đất trồng lúa để xã chia lô bán nền cho nên gần 2.000m2 lúa mới cấy của gia đình bà Trần Thị Hạnh và ông Lê Văn Được đã bị UBND xã bức tử bằng cách xây mương, bít đường thoát nước gây chết úng. Tức là xã không cướp được đất nhà bà thì chuyển sang phá.
UBND xã còn cho cán bộ đến nhà vận động, thông báo nhiều lần để bà Hạnh tự nguyện “nộp đất”. Đây chính là một kiểu khủng bố quen thuộc mang đặc trưng của cộng sản làm cho người dân vừa lo lắng, vừa sợ hãi, mất tinh thần khiến không ít người mệt mỏi, buông xuôi và nhà cầm quyền đạt được mục đích. UBND xã còn tuyên bố nếu gia đình không chịu nhận bồi thường, giao đất cho dự án, thì việc ngập úng phải “tự lo, tự chịu trách nhiệm.” Trưởng Công an xã Nguyễn Đình Bình hống hách tuyên bố “gia đình bà không còn bất cứ quyền gì về sử dụng đất nữa”, và cho biết đây là thừa lệnh của Chủ tịch UBND xã Lê Đình Thọ. Khi báo chí gõ cửa, ông Thọ đã chối bay, khẳng định mình không ra lệnh như thế. Tuy nhiên, biên bản làm việc ngày 14/2/2017 của Công an xã Đông Văn với gia đình bà Hạnh lại nêu rõ: “Sau khi xem xét nội dung, tính chất, mức độ vụ việc, căn cứ vào các quy định của pháp luật, chúng tôi thống nhất kết luận diện tích canh tác của hộ bà Hạnh nằm trong diện tích quy hoạch đất ở năm 2016 đã được huyện phê chuẩn. Không được tiếp tục canh tác”.(*)
Giấy trắng mực đen, không cãi được thì Chủ tịch Thọ bao biện rằng “do Trưởng Công an xã mới chuyển về, trình độ non kém…”. Chối tội xong, Thọ vẫn thể hiện thái độ bề trên và thù hằn người dân khi tiếp tục khẳng định “Xã đã thông báo nếu không giao đất cho dự án, gia đình phải tự chịu trách nhiệm trong việc sản xuất, ngập úng cũng phải tự giải quyết”.
Trò “vận động” người dân giao đất để thực hiện các dự án thực chất là hành vi lừa đảo, cướp đất, cướp nhà cửa, tài sản của dân mà nhà cầm quyền đã thực hiện nhiều năm nay.
Đơn khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp của gia đình bà Hạnh gửi đi nhưng rơi vào im lặng. (Ảnh, chú thích: A.Thắng) |
Việc làm của UBND xã Đông Sơn, cụ thể là của một số cán bộ xã hoàn toàn có thể bị truy tố và ngồi tù nếu chế độ này được quản lý bằng luật pháp thực thụ. Sự việc trên được báo chí “lề đảng” đăng tải, không có nghĩa rằng những tên quan hống hách như Thọ, như Bình và những tên cán bộ xã khác sẽ phải chịu trách nhiệm trước hành vi sai trái và tội lỗi của mình. Tài sản của gia đình bà Hạnh cũng không vì thế mà được bảo vệ hay thoát khỏi cảnh trù dập, khủng bố. Nếu thế, thì ở Việt Nam đã không xuất hiện một thành phần ngày càng đông đảo với tên gọi “Dân oan”.
Không có gì lạ, “đảng ta” đang hành động rất đúng quy trình: Cướp không được thì phá. Phá cho tan hoang, cho không ngóc được đầu lên để rồi một ngày, tài sản của dân sẽ trở thành tài sản của quan. Dân trắng tay, quan vỗ tay vì sự nghiệp vơ vét, “cắt mạng” lúc nào cũng thênh thang phía trước.
6/3/2017