Bạn bè nói về Mẹ Nấm và Trần Thị Nga

Kính Hòa (RFA) - Hai người phụ nữ Việt Nam từng được các tổ chức nhân quyền vinh danh và trao giải thưởng là bà Trần Thị Nga, và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiện đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ.

Trần Thị Nga, người phụ nữ can trường


Ngày 21 tháng giêng năm 2017, bà Trần Thị Nga bị bắt tại nhà riêng tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Cơ quan an ninh cáo buộc bà vi phạm điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam là tuyên truyền chống phá nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bà Nga được biết đến như một người có mặt trong nhiều cuộc đấu tranh xã hội tại Việt Nam trong những năm gần đây: giúp nông dân bị mất đất, bảo vệ môi trường, chống Trung Quốc xâm lược.

Phạm Thanh Nghiên, một người từng bị bỏ tù vì bất đồng chính kiến với đảng cộng sản Việt Nam kể lại rằng bà Trần Thị Nga đã bị một tai nạn lao động rất hiểm nghèo tại Đài Loan khi đang làm việc trong chương trình xuất khẩu lao động của Việt Nam tại đó:

“Khi chị bị như vậy, thì một số người dân bản xứ ở đó, cũng như người Việt lao động tại Đài Loan, đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Đài Loan (văn phòng đại diện chứ không phải cơ quan ngoại giao) tuy nhiên họ im lặng và không giúp đỡ chị Nga. Sau đó chị được Cha Hùng và một số người Việt tại Đài Loan giúp đỡ. Sau đó chị Nga có tâm sự với tôi rằng từ đó chị biết nhiều hơn về hiện tình đất nước. Chị quan niệm rằng khi chị gặp nạn thì được người ta giúp thì chị phải giúp đỡ những người khác. Đó là lý do chị Nga trở thành một người hoạt động xã hội về sau này.”

Khi trở về nước bà Nga đã tham gia vào nhiều hoạt động dân sự khác nhau như tố cáo những hoạt động phạm pháp của các công ty xuất khẩu lao động, thực hiện phóng sự về quyền có được môi trường sống trong lành của người dân.

Vì những hoạt động đó bà Trần Thị Nga được một tổ chức bảo vệ nhân quyền vinh danh là một trong những người phụ nữ đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại châu Á. Bà Phạm Thanh Nghiên nói tiếp về bà Trần Thị Nga:

“Trong mắt tôi chị Nga là một người phụ nữ có tính cách thẳng thắn, bộc trực và rất là can trường. Có thể chị Nga không phải là một người có những kiến giải hay là đưa ra những quan điểm chính trị mang tầm vóc vĩ mô. Nhưng quả thật là trong cuộc đấu tranh để đổi thay đất nước này, những người như chị Nga rất là đáng quí. Đặc biệt cái hình ảnh khi chị Nga bị bắt, chị đối đáp lại với những kẻ bắt chị, tôi cho rằng đó là một hình ảnh vô cùng đẹp, của một người tranh đấu, mà cụ thể ở đây là của Trần Thị Nga.”

Bà Nga là một người mẹ và khi bị bắt để lại hai con còn nhỏ.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bảo vệ những người cô thế


Năm 2010, một blogger Việt Nam đấu tranh cho những quyền dân sự xuất hiện trên đài truyền hình CNN của Hoa Kỳ, đó là blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn có tên là Mẹ Nấm.

Trước đó Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị bắt giám 10 ngày trong năm 2009 vì những hoạt động chống khai thác bauxite ở Tây Nguyên và chống sự lấn át của Trung Quốc ngoài biển Đông.

Sau lần bị bắt đó, bà Quỳnh bắt đầu những hoạt động xã hội ngày càng mạnh của mình. Mẹ của bà Quỳnh là bà Nguyễn Thị Tuyết Lan nói về con gái:

“Không riêng gì tôi mà bạn bè và cô giáo nó, nói rằng nó có cái bản tính luôn bên vực người thế cô, bênh vực bạn bè yếu thế hoặc là những ai cảm thấy yếu thế thì nó sẳn sàng đứng ra bênh vực.”

Nhà báo tự do Võ Văn Tạo sống cùng thành phố Nha Trang với bà Quỳnh nói với chúng tôi rằng ông cảm kích sự dấn thân của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sau khi đọc được bài viết của bà Quỳnh sau lần bị bắt đầu tiên, ông nói rằng đây là một người phụ nữ muốn làm cho xã hội Việt Nam tốt hơn.

Chỉ biết bà Quỳnh qua mạng xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, hiện đang sống và làm việc tại Úc cho chúng tôi biết nhận xét của ông về bà Quỳnh:

“Đó là một người phụ nữ rất khẳng khái, và rất là can trường, dũng cảm, vì chị dám cất lên tiếng nói của mình, cho những chuyện không công bằng, cho những người dân oan, cho những sự kiện nóng hổi của đất nước như chuyện dân chết oan trong đồn công an, rồi vụ Formosa, chị luôn có những tiếng nói rất thẳng thắn. Và chị không ngại đụng chạm.”

Sự không ngại đụng chạm mà Tiến sĩ Hiền đề cập đến đôi lúc cũng đã tạo nên những mâu thuẫn giữa Mẹ Nấm và những nhà hoạt động dân sự Việt Nam khác. Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng những mâu thuẫn đó là do tính cách của bà Quỳnh:

“Cho nên khi Quỳnh được giải về nhân quyền hồi năm ngoái, cũng có nhiều người trong giới tranh đấu phê phán cái đó, những người cũng có tên tuổi, những người trẻ. Thế thì tôi lấy làm lạ rằng lịch sử tranh đấu của Việt Nam mình trong những năm gần đây cũng có nhiều người được giải, nhưng chưa có ai có điều tiếng ngược xuôi như Quỳnh. Rõ ràng là trong tính cách của Quỳnh cũng có những khiếm khuyết, chứ không phải là tròn trịa. Tôi cho rằng đó là cái cá tính của Quỳnh, nếu khắc phục được thì tốt cho Quỳnh và cho giới tranh đấu.”

Những hoạt động của bà Quỳnh rất đa dạng, từ việc bênh vực những nông dân bị trưng dụng đất đai trái phép cho đến việc bảo vệ quyền lợi của tiểu thương chợ Đầm Nha Trang, từ việc chống Trung Quốc xâm lược, thăm viếng những tù nhân chính trị, cho đến chống Formosa gây ra thảm họa môi trường Vũng Áng.

Vì những hoạt động đó bà Quỳnh được tổ chức Người bảo vệ nhân quyền trao giải thưởng vào năm 2015.

Nói tiếp về nhận xét của mình về bà Quỳnh Tiến sĩ Trọng Hiền tiếp lời:

“Chị không ngại giao tiếp với những nhóm hoạt động khác nhau, kể cả những người mà nhiều người không thích, nhiều nhóm hoạt động xã hội khác nhau ở Việt Nam. Do vậy có thời gian chị bị nghi là hợp tác với an ninh. Đó là một người hoạt động độc lập, có quan hệ rất là tốt nhưng luôn giữ tiếng nói của mình một cách độc lập, theo nhìn nhận của mình.”

Tháng 10 năm 2016 bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giam theo điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam, để lại hai con còn nhỏ.

Ông Võ Văn Tạo nhận xét rằng ngay cả những người có mâu thuẫn với bà Quỳnh trước kia cũng đều lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho bà. Bản thân ông Tạo cũng bị nhà cầm quyền yêu cầu rút tên ra khỏi danh sách những người ủng hộ bà Quỳnh, nhưng ông từ chối và trả lời rằng dù bất đồng một số điểm về nguyên tắc đấu tranh, nhưng ông cho rằng bà Quỳnh là một người can đảm và ông ủng hộ việc trả tự do cho bà.


Previous Post
Next Post
Related Posts