Tản mạn đêm giao thừa

Đỗ Trường (Danlambao) - Tôi thích nhạc Trần Tiến, bởi cái chất dân dã của ca từ, và da diết của giai điệu. Tuy nhiên, có một vài bài ca, câu hát của ông làm cho người nghe hơi bị nhột tai: "Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi. Hà Nội, cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình người thôi". Có lẽ, Trần Tiến viết ca khúc này, trong lúc ông đang lơ lửng ở cõi trên. Bởi, nhìn lại xã hội, con người thời nay, buộc ta phải đảo lại hai vế của câu ca, hòng kéo Trần Tiến trở về với cõi thực chăng: "Hà Nội cái gì cũng đắt, chỉ có rẻ nhất bạn bè thôi. Hà Nội, cái gì cũng đắt, chỉ có rẻ nhất tình người thôi".

Có lẽ vậy, nên lần nào nghe ca khúc này của Trần Tiến, cũng làm tôi nhớ đến tiếng bom nổ giữa đêm giao thừa ở khu tập thể Vĩnh Hồ vào năm 1981. Cho đến nay, chắc chắn không chỉ người Hà Nội, mà còn nhiều người con của đất Việt không thể quên sự bi thương và tang tóc của cái đêm ấy.

Số là gần giao thừa, Nghĩa Chột một thương binh ở Hàng Chiếu, rủ tôi đến nhà bạn hắn cũng thương binh nặng, sống độc thân ở khu tập thể Vĩnh Hồ để nhấc lên nhấc xuống cho vui, rồi quay về xông đất. Đúng lúc pháo rộ lên đùng đoàng, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ đọc thư chúc tết, một tiếng nổ như xé trời, làm rung chuyển nơi chúng tôi ngồi. Trần vữa đổ ụp xuống mâm cơm cúng giao thừa. Chúng tôi chạy bổ ra ngoài, thấy mấy căn hộ bên sụp đổ, tiếng la hét trong bụi gạch đất mịt mù. Nhìn tang thương không khác bom Khâm Thiên mùa Giáng sinh 1972. Mọi người ngơ ngác, chỉ biết tiếng nổ phát ra từ nhà ông giám đốc của một nhà máy đóng trên địa bàn Thượng Đình, hay Thanh Xuân gì đó.

Sáng mùng một, trên đường chở mẹ xuống chúc tết bà ngoại ở Nhân Chính, tôi gặp ông bạn học Trần Sỹ, công an quận Đống Đa, quần xắn móng lợn, đạp xe ngược chiều. Dừng xe, hắn bảo, vừa ở hiện trường, và kể: Nguyên do, tay giám đốc đuổi việc một công nhân là bộ đội phục viên. Tuy nhiên, hoàn cảnh người công nhân rất khó khăn, và nhiều lần cầu khẩn giám đốc cho làm việc tiếp, nhưng đều bị khước từ. Đã đến đường cùng, do vậy, đêm ba mươi, người công nhân này đến nhà giám đốc mang theo ba lô bộc phá, và vẫn năn nỉ xin được hủy cái quyết định đuổi việc lần cuối. Nhưng người giám đốc dứt khoát nói không, rồi ngầm sai con trình báo công an. Và người con chưa kịp quay về, công an cũng chưa kịp đến, thì người công nhân đã cho ba lô bộc phá phát nổ. Vậy là, giám đốc và gia đình, cùng người công nhân tan tành như xác pháo.

Và ngay sau đó, báo chí truyền thông nhà nước đồng loạt gõ mõ, khua chiêng: Kẻ gây án đã từng vào tù, ra tội. Rồi khẳng định sự manh động đó chỉ có ở những tội phạm hình sự chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, không riêng tôi, mà có lẽ còn nhiều không nghĩ như vậy. Bởi, xét về diễn biến tâm lý: Kẻ lưu manh, tội phạm chuyên nghiệp, thường tìm cách trốn chạy sau khi gây án, chứ ít khi chịu chết cùng nạn nhân như vậy. Và đây là hành động đường cùng, không lối thoát của một con người có thể nói là điềm tĩnh và can đảm. Nếu bác nào không đồng suy nghĩ, xin cứ điện tham khảo nhà tâm lý học, thày Mạc Văn Trang xem sao nhé.

Tuy không chấp nhận, cổ vũ cho hành động đánh bom, giết người, hại mình như vậy, nhưng tôi nghĩ: Nếu sống trong thời internet thông tin toàn cầu như hiện nay, thì chắc chắn nhận thức, tư tưởng của người công nhân sẽ hoàn toàn đổi khác. Và hành động phản kháng, đánh bom của anh, sẽ khiến cho ta liên tưởng đến tiếng bom Sa Diện (1924) của Phạm Hồng Thái trước cường quyền chứ không chừng. 

Vâng! Cái tình người rẻ mạt ấy, đến nay như một cấp số nhân đẩy mối quan hệ xã hội, và con người với con người xuống tận cùng của sự lưu manh, đểu cáng. Và hình ảnh chính quyền bắt tống giam những người phụ nữ trẻ bất đồng chính kiến, bất chấp ngày tết, bất chấp trẻ thơ, con nhỏ, đã chứng minh một cách nóng hổi, rõ nét nhất cho cái dã man không tình người, tình đồng loại hiện nay. Hơn thế nữa, nó còn bộc lộ sự yếu đuối, bất lực, ngày càng lưu manh hóa của chính quyền. Viết đến đây, trên truyền hình điểm giờ phút giao thừa, tôi vội gọi điện chúc tết ông bạn nối khố là bác sỹ, nhưng không được, bởi điện thoại đã khóa. Lúc sau, hắn gọi lại bảo, vừa phải mổ, cấp cứu hai anh ruột chém nhau vỡ đầu chỉ vì mấy tấc đất khi tranh chấp làm móng nhà. Thật buồn. Vậy là, đất đẩy lên cao, càng đắt đỏ, thì tình người Hà Nội lại càng rẻ mạt và thấp xuống. Nó như đồ thị biểu diễn tương quan tỉ lệ nghịch trong toán học vậy.

Và quả thực, thượng tầng đã hỏng, nóc đã dột ắt tường và nền phải ướt thôi. 

Hôm cúng Táo ông về trời, ngồi lai rai với ông bạn cựu nhân viên của Đài truyền hình Hà Nội, mới chuồn sang Đức được mấy năm. Sau khi phê bình những ý kiến, bài viết ấu trĩ, thấp như rệp của mấy đồng chí giáo sư tiến sĩ, không biết thật, hay đểu ở trong nước, rồi hắn bảo: Người Việt tuy khôn vặt, lừa vặt nhưng cũng dễ bị lừa lại, bởi cái vỏ ngoài. Xem mõ làng Phan Anh cùng Tạ Bích Loan, và đồng chí đại tá công an Hồng Thanh Quang… diễn, thế mà các bác vỗ tay rầm rầm, gợi ca chí khí của đồng chí Phan Anh. Theo hắn, tất cả chương trình nhà đài đều có kịch bản đạo diễn, và kiểm duyệt rất chặt chẽ trước khi phát sóng. Quay, phát trực tiếp càng ngặt hơn, câu nào trật đường rày, sẽ bị cho méo, mất tiếng ngay lập tức. Chứ làm sao các đồng chí tuyên huấn để mõ làng Phan Anh thao thao bất tuyệt như vậy? Nếu không được phép, có nhử kẹo đồng chí Phan Anh cũng chẳng dám mở miệng. Những lời phản biện của đồng chí Phan Anh là kịch bản đã được học thuộc, nhằm mục đích tuyên truyền cho tự do ngôn luận, nhưng không bao giờ có thực. Và nếu không đưa hình ảnh đấu tố đểu đồng chí Phan Anh lên như vậy, thì làm sao dân chúng đổ mấy chục tỷ vào tài khoản, bằng một lời kêu gọi của đồng chí ấy…

Nói một thôi, một hồi, hắn chốt lại một câu nghe có vẻ nghịch lý, nhưng làm tôi phải suy nghĩ mãi: Cái đất nước mình học càng học cao, dân trí lại càng thấp. 

Dường như cả dân tộc đang bị ru ngủ? Một câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Vậy mà khi gọi điện chúc tết, nhà văn Võ Thị Hảo còn bảo: Lời ru và giấc ngủ ấy cứ tưởng chỉ có ở trong nước, sang đến Berlin thấy người Việt ở đây còn u mê cuồng nhiệt hơn.

Có lẽ vậy? Bởi tôi không tham gia bất cứ tổ chức, hội đoàn nào. Nhưng đôi khi đọc báo thấy các đồng chí ở Berlin nhảy múa, quay cuồng hơi bị kinh. Berlin có một nhúm người thôi, thế mà các đồng chí quyết tâm thành lập ra mấy cái hội Hà Nội. Nhằm chia nhau cái ghế tự sướng chăng? Và hình như thành phố lớn nào cũng có hội Hà Nội? Có bác nghe nói học hành cũng kha khá, tuổi tầm sáu bó, đi đâu cũng vỗ ngực giai Hà Nội gốc, hào hoa phong nhã. Ấy thế mà, họp hành hội đoàn cứ thấy bác khúm lúm trước mấy đấng ngồi trên, tuổi đáng em út, con cháu mình. Cái hào hoa phong nhã của bác, không rõ lúc này biến đâu mất rồi. Mà chẳng hiểu thế quái nào, các bác sống ở Đức, hội hè tự do, mỗi lần hội họp quốc kỳ kéo phần phật, quốc ca cứ hừng hực, rồi lại phải rước mời các đấng ngồi trên về chỉ đạo, dặn dò. Các bác tự đeo gông vào cổ, hay cái hội của các bác do bàn tay lông lá nào đó nặn ra?

Nửa trước của cuộc đời gắn chặt với từng góc phố và con đường, nên tôi cũng yêu Hà Nội như các bác thôi. Nhưng tự hào tuyệt đối không. Tuy nhiên, tôi có đề nghị mỗi lần hội họp, các bác nên vứt bố nó cái khẩu hiệu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" đi. Bởi, nó không phải của Hà Nội đâu. Người Hà Nội sao lại hệch hỡm đến như vậy? Và lẽ nào, người Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Nha Trang, Sài Gòn… không thanh lịch hào hoa sao?

Gần đây có một số người, trong đó có cả những nhân sĩ, trí thức như GS Võ Tòng Xuân đề nghị với nhà nước, bỏ tết âm lịch cổ truyền dân tộc, nhập chung vào tết dương lịch cho đỡ mất thời gian và tốn kém.

Phải nói thẳng, từ năm 1954 ở đến nay, chính quyền đã phá bỏ rất nhiều đình làng, chùa miếu, công trình văn hóa cổ một cách vô tội vạ, không thương tiếc. Tết âm lịch là lễ hội văn hóa truyền thống quan trọng bậc nhất của dân tộc. Nếu bỏ, hoặc nhập chung với tết dương lịch nữa, thì khác gì giết chết cả phần hồn. Có một điều kỳ lạ, cứ cái gì do trình độ, khả năng yếu kém không quản lý được là chính quyền cấm đoán, hoặc phá bỏ.

Có lẽ, ai cũng nhìn thấy cái gốc, muốn xã hội ổn định, chấm dứt sự lãng phí, thì dứt khoát luật pháp phải có trước ý thức của con người. Xét cho cùng, từ 1954 đến nay, Việt Nam chưa thật sự có luật pháp. Nếu có thì đảng, chính quyền đã đứng, ngồi trên luật. Do vậy, từ lãnh đạo cấp cao nhất, đến dân đen, hoặc những người có học đều chưa (không) có ý thức. Từ đó, dẫn đến lãng phí, sinh ra nhiều tệ nạn tốn kém, ngày tết ngày lễ kéo dài liên miên.

Ta có thể thấy, do lịch sử, nước Đức có đến 16 bang hợp thành liên bang. Cho nên, ngoài tết lễ hội chung, mỗi bang đều lễ hội văn hóa riêng của mình. Do vậy, những ngày tết, lễ hội ở Đức dường như nhiều hơn so với Việt Nam, và một số nước xung quanh. Nhưng do luật pháp nghiêm minh, rõ ràng, nên buộc con người suy nghĩ, hành động phải có khuôn khổ và ý thức, bằng không sẽ bị đào thải tức thì, dù bất kể là ai. Như trước đây mấy năm, ông Giám đốc sở trật tự, giao thông thành phố Leipzig, nơi tôi cư ngụ, lái xe trong tình trạng rượu bia, bị chính lính của ông kiểm tra và thu hồi giấy phép lái xe. Thời gian sau, ông chạy xe quá tốc độ, và không bằng lái bị Camera ghi hình, đưa ra tòa. Ông bị phạt tù và tự động từ chức.

Nước Đức không cấm đốt pháo đêm giao thừa, hoặc đốt pháo vào những ngày cưới xin, lễ hội, khi đã đặt đơn xin phép. Do ý thức, dân trí cao, nên ta chỉ có thể nghe tiếng pháo nổ khoảng một giờ đồng hồ ở thời khắc giao thừa, rồi ngay sau đó trở về không gian tĩnh lặng. Tết, năm mới chỉ được nghỉ ngày ba mươi và mùng một đối với công sở. Dịch vụ và hàng quán nghỉ duy nhất ngày mùng một, sau đó phải làm việc bình thường, chứ làm quái gì được nghỉ cả tuần như ở Việt Nam.

Như vậy, ta có thể thấy, ý thức con người quyết định sự lãng phí, tốn kém hay tiết kiệm. Ý thức này có được cũng từ giáo dục và luật pháp mà ra.

Thành thật mà nói, nhà nước không thể bỏ Tết âm lịch, hoặc nhập chung vào tết dương lịch. Bởi, nó gắn liền với tâm linh, máu thịt của con người và dân tộc. Nếu cố tình bỏ, sẽ mất nhiều hơn được, nhất là ngành du lịch về lâu dài. Hơn nữa, nó sẽ đẻ ra nhiều tệ nạn xã hội khác còn lãng phí và khó quản lý hơn rất nhiều.

Vâng! Và muốn Tết âm lịch, hay lễ hội không tốn kém, lãng phí, thì dứt khoát phải có luật pháp, bộ máy chính quyền, đảng phái vận hành như các nước Âu- Mỹ. Còn luật pháp, con người, ý thức như ở Việt Nam hiện nay không bao giờ thực hiện được.

Leipzig đêm giao thừa tết Đinh Dậu 27-1-2017

Previous Post
Next Post
Related Posts