Giao thừa ngục tối nhớ em, một Quỳnh hoa nở giữa đêm đọa đày

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Giao thừa năm ấy, Nghiên vẫn còn ở trong tù. Một cái tết ảm đảm trôi trong day dứt với hình ảnh người em gái nhỏ bé nhưng lì lợm như núi đá đang cô đơn, lạnh lẽo trong chốn lao tù. Tôi chỉ tưởng tượng được cảnh tù bằng hình ảnh 4 bức tường dơ bẩn, ngục đen giá buốt của miền đông miền Bắc và em tôi co ro trằn trọc với hình ảnh mẹ già thương yêu.

Em về giữa bốn thước vuông
thằn lằn chắt lưỡi: ngồi đây làm gì?
trả lời: tọa kháng tại gia
người ta không chịu nên mời vào đây...

Giao thừa năm ấy, tôi viết những câu thơ nhớ đến Nghiên. Những ngày cuối năm này, tôi đọc những bài viết của Nghiên về những tháng ngày bị đày đọa, về những kinh nghiệm của một con người nhỏ bé bị bao vây bởi bầy cai ngục đỏ:

"Tôi sẽ kể cho bạn một cách trung thực nhất không chỉ những câu chuyện của chiến thắng, của khí phách và lòng quả cảm mà cả những câu chuyện về thất bại, về phút giây hèn yếu của tôi, một tù nhân lương tâm dưới thời cộng sản. Đơn giản vì sự thật cần phải được biết tới và tôn trọng. Nếu bạn - không may - trở thành một tù nhân lương tâm như tôi thì hy vọng, những trải nghiệm này sẽ giúp bạn có thêm một vài kinh nghiệm. Nhất định bạn sẽ chiến thắng, một chiến thắng trọn vẹn vì bạn giỏi hơn tôi, dũng cảm và thông minh hơn tôi nhiều."

Một trong những người bạn "không may" ấy, lại là một người mà Nghiên cùng chung vai sánh bước trong nhiều năm qua, người đã cùng với Nghiên và các bạn khác sáng lập Mạng Lưới Blogger Việt Nam, đã đón nhận số phận tù đày như Nghiên: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Tôi đọc chuyện tù của Nghiên mà nhớ đến Quỳnh, nhớ và tin vào điều Nghiên viết: Quỳnh đang tự viết những câu chuyện của chiến thắng, của khí phách, của lòng quả cảm và ngay cả những phút giây yếu hèn của Quỳnh. Những tên cai tù sẽ đánh ngày đánh đêm vào lòng yêu thương Nấm và Gấu của Quỳnh, sẽ làm cho người mẹ trong Quỳnh day dứt với hình ảnh của Gấu nửa đêm mơ sảng, vừa cười, vừa khóc gọi tên mẹ, với Nấm suốt ngày lầm lỳ mang trong lòng tuổi thơ nhỏ bé hình ảnh mẹ mình bị bầy sói đỏ vô tâm còng tay, áp giải. Nhưng cuối cùng, cũng như Nghiên, nhất định Quỳnh sẽ chiến thắng. Chiến thắng sẽ trọn vẹn không phải vì Quỳnh giỏi hơn, dũng cảm hơn, thông minh hơn Nghiên mà vì ở Quỳnh lẫn Nghiên đều có 1 điểm giống nhau: không bao giờ khuất phục trước gian manh và đầu hàng tội ác.

Tội ác. Với Quỳnh tội ác là hành động bán nước của tập đoàn bán nước CSVN. Là hành động tiếp tay với Tàu cộng để tàn phá môi trường. Là những dối trá bao biện lý do cá chết tiếp tục tiêu diệt dần mòn sức khỏe của người dân. Là những dự án làm giàu quan chức bằng ngân sách quốc gia. Là những hành vi giết dân trong đồn của Công an... Quỳnh đã đứng lên để chiến đấu với những tội ác ấy. Bằng ngòi bút. Bằng những bước chân đi. Bằng lòng cương trực và ý chí đứng thẳng như băng sơn trước mọi áp lực.

Và bằng sự sợ hãi lúc nào cũng lởn vởn trong đầu.

Đằng sau những hành động can đảm, ý chí kiên cường vẫn không bao giờ mất hẳn nỗi sợ hãi mà Quỳnh cũng như các bạn của Quỳnh phải luôn phấn đấu vượt qua. Mỗi ngày, trên mỗi bài viết, trên từng lời nói, trên từng bước chân đi, Quỳnh và các bạn phải luôn thể hiện ý chí vươn lên, chứng minh và thuyết phục bằng những hành động cụ thể để mong nhiều người khác vượt qua phần nào sự sợ hãi. Cùng nhau, các bạn phải bắt đầu với những việc làm nhỏ nhất, đơn giản nhất, ít hiểm nguy nhất - không phải để mang lại an toàn cho các bạn - mà để thuyết phục nhiều người vượt qua sợ hãi mà tham gia. Các bạn đã từng bước thực hiện "cuộc cách mạng của sợ hãi" bằng những chiến dịch Lời kêu gọi của Công Dân Tự Do, Chiến dịch 0258, Chúng tôi muốn biết, We Are One...

Sự can đảm được đo lường chính xác nhất khi chúng ta thấu hiểu được nỗi sợ của người ấy. Và tôi hiểu rõ sự can đảm của Quỳnh, của người mẹ thương con đến đứt ruột, của một phụ nữ mà thật sự trong tận sâu thẳm của đáy lòng - lý tưởng, đất nước, dân tộc đều đứng sau 2 đứa con Nấm, Gấu - 2 đứa con đã trở thành tất cả cuộc đời của Quỳnh.

Nhưng Quỳnh đã chọn con đường phục vụ lý tưởng, đất nước và dân tộc. Quỳnh đã chọn, đã chấp nhận và đối diện với nỗi sợ lớn nhất: để lại sau lưng 2 đứa con và mỗi ngày phải nhìn về phía trước với hình ảnh cửa tù sẽ mở ra bất cứ lúc nào. Cánh cửa có nhiều song sắt bắt đầu cho sự chia lìa mẫu tử.

Đó là sự can đảm của em tôi. Can đảm của một người mẹ chấp nhận sự chia lìa đứt ruột để con mình và hàng triệu đứa con khác của Mẹ Việt Nam sớm được lớn lên và sống một cuộc đời đáng sống.

Giao thừa. Nhớ Quỳnh, thương Nấm và thương Gấu. Những ngày cận tết, tôi không viết nỗi một câu chúc cho Dân Làm Báo gửi đến bạn đọc trong thôn, không thể thoát ra được những ưu tư của mình, để rồi chỉ có được 4 câu thơ xuất phát từ những ray rức nhớ đến người em, người bạn đồng hành thân yêu:

Nhớ em ngục thất nó hành
Một câu chúc tết bỗng thành đớn đau
Thôi đành ngậm đắng nuốt cay
Chúc người năm mới không mau vào tù.

Giao thừa. Nhớ Quỳnh, thương Nấm, thương Gấu. Tôi nhớ đến câu hỏi của một nhân viên Liên Hiệp Quốc khi ngồi cùng nhau bàn chuyện của Quỳnh, hỏi tôi góp ý về một món quà cô ấy muốn tặng bé Nấm. Tôi trả lời cho cô ấy và cũng là tâm tư của mình muốn gửi đến cho Nấm và Gấu:

"Chị hãy gửi cho hai cháu một lá thư, hãy nói với Nấm và Gấu rằng chị - một người ngoại quốc - và nhiều người khác trên thế giới rất hãnh diện về một phụ nữ Việt Nam kiên cường mang tên Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Viết cho Nấm, Gấu để mai sau khi khôn lớn, Nấm và Gấu sẽ luôn luôn ngẩng đầu tự hào là đã có một người Mẹ thương yêu chúng hơn mọi thứ trong đời. Lòng yêu thương vô bờ bến của một người Mẹ can đảm, vị tha, đã buộc phải cắt lìa cuống ruột của mình để mong sao mọi đứa con của Mẹ Việt Nam được tự do bay xa và tự do toàn quyền quyết định vận mạng của mình cũng như vận mạng của đất nước."


Giao thừa Đinh Dậu

Previous Post
Next Post
Related Posts